Đội Cờ Đỏ

Michael Lê

6-9-2018

Điều làm tôi đau xót nhất khi đưa đón con ở trường Tiểu học lúc còn ở trong nước… Con bé học đến gần hết năm lớp 2 thì tôi hết chịu nổi, quyết định làm hồ sơ đi… tị nạn giáo dục.

Không phải những khoản đóng góp ngoài học phí; Không phải cái căn tin bán quà vặt và học cụ trong trường ăn gian tiền học sinh (tôi biết chủ thầu của căn tin này mỗi tháng phải nộp cho Ban Giám hiệu một khoản “ba lợi ích” không nhỏ); Cũng không phải nhiều thứ khác nữa vốn làm tôi buồn thật buồn nhưng chưa đến nỗi quá đau.

Cái đau nhất là “đội Cờ Đỏ”. Đó là một số ít những em từ lớp 3 đến lớp 5 được chọn vào đội trật tự, tất nhiên toàn mang khăn quàng đỏ “cháu ngoan bác Hồ” nhưng ngoài ra còn một băng đỏ đeo ngang bắp tay.

Chắc không cần kể ra thì các vị phụ huynh trong nước hiểu ngay tôi nói gì, vì tôi đoán đến bây giờ sự thể đó vẫn còn trong các trường tiểu học Việt Nam, e là còn trầm trọng hơn thời tôi mười năm trước nữa.

Chuông vào học vừa vang lên là đội này hăm hở bịt kín cổng, mỗi học sinh đến trễ dù chỉ vài giây là bị chặn lại, hoạnh hoẹ, hạch hỏi, ghi tên, ghi lớp. Đó là cảnh tôi thường thấy được từ bên ngoài cổng trường. Thật là buồn thấy người ta – vô tình hay cố ý? – đào tạo ra một lớp “kiêu binh” từ rất sớm, ỷ quyền cậy thế đối xử hách xì xằng với bạn học của mình.

Nghe con bé tôi kể những gì xảy ra bên trong cổng trường, tôi càng rầu rĩ hơn. Những lời kể thơ ngây thành thật của con trẻ làm tôi nghĩ rằng, đội Cờ Đỏ này không những giám sát bạn học của mình mà còn được giao nhiệm vụ giám sát cả… giáo viên!

Có lần con bé tôi đến trễ chỉ một chút, nó lật đật chạy băng vào cổng thì bị một chàng Cờ Đỏ rượt theo, nắm tay giật ngược, xô nó vào tường, nạt nộ hùng hổ như công an bắt kẻ cướp! Tôi không can thiệp. Chiều về mới hỏi con việc gì phải chạy vội. Kệ, trễ thì trễ, phạt thì phạt, có gì ghê gớm đâu? Con tôi đáp tụi con chả sợ gì, nhưng là vì thương cô giáo. Mỗi đứa lớp tụi con bị Cờ Đỏ ghi lỗi thì cô giáo chủ nhiệm bị trừ một ‘điểm thi đua’. Mà trừ điểm thi đua thì cuối tháng bị mất ‘tiền thi đua’ gì đó. Cô giáo năn nỉ tụi con đừng để cô bị trừ điểm!

Qua Mỹ, tôi ngạc nhiên khi hôm nào rủi đưa con đến trường trễ, mình thì ngại ngùng vì ở Mỹ trễ hẹn là một chuyện đáng trách và đáng xấu hổ, nhưng con bé tôi lại đủng đỉnh thoải mái tự tin bước vào, y như nó là bà chủ vậy! Mà thực, ở Mỹ, chính học sinh mới là chủ của nhà trường!

Chiều về, tôi hỏi con đã đi trễ, sao không chạy vội vào lớp? Tà tà vậy kỳ lắm! Nó đáp không sao đâu ba. Chạy gấp quá thầy cô còn la là khác, sợ rủi vấp té bị tai nạn. Chỉ cần đừng quá trễ kẻo cô trực Văn phòng mất công gọi phone về nhà báo tin và hỏi sao hôm nay con vắng mặt.

Có cặp vợ chồng người Mỹ trắng dọn nhà về ở rất gần trường, chỉ cách độ trăm thước đi bộ, vì họ có đứa con nhỏ mang hội chứng Down. Ở Mỹ hiện nay, các em này vẫn học chung với trẻ em khác chứ không tập trung trong các trường đặc biệt.

Chỉ trăm thước nhưng người mẹ có khi mất cả tiếng đồng hồ mới đưa bé vào tới lớp, vì bé hết dừng lại ngắm con chim bay rồi lại ngồi bệt xuống đất nghịch một cây hoa dại. Nhà trường dặn bà mẹ đừng ép em. Em muốn vào trường vào lớp bất cứ giờ nào cũng được, và có thể về bất cứ khi nào cần về.

Bà mẹ có quyền và được khuyến khích ở lại trường và lớp với con vì bà không phải đi làm, chính phủ Mỹ có khoản trợ cấp cho một phụ huynh của mỗi em khuyết tật, giống như ‘trả lương’ để ở nhà chăm sóc con vậy. Riết rồi tất cả các thầy cô xem bà như một thành viên của trường!

Tôi nhìn những cảnh như thế ở Mỹ, nghẹn ngào khi nghĩ đến nỗi khổ của trẻ con nước mình!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây