Khi con bò cũng thành tiến sỹ

Nguyễn Huy Vũ

3-9-2018

Ngày còn học ở giảng đường Việt Nam trước khi ra nước ngoài du học, ông thầy, vốn cũng là một tiến sỹ được đào tạo ở Liên Xô, kể với tụi sinh viên chúng tôi đại khái rằng gửi một con bò sang Liên Xô, thì rồi con bò đó cuối cùng cũng trở thành tiến sỹ.

Sự bệ rạc của nền giáo dục Liên Xô, cộng với tinh thần “phát bằng hữu nghị” vô trách nhiệm cho sinh viên các nước xã hội chủ nghĩa anh em khiến cho các du học sinh Việt Nam sang Liên Xô chẳng cần phải học gì nghiêm túc để rồi cuối cùng cũng được cấp bằng.

Với Việt Nam, sự xuất hiện của chính quyền cộng sản ở miền Bắc từ 1945 đã khiến giới trí thức đa phần chuyển hẳn vào Nam — một nơi tự do và phồn thịnh hơn — để sinh sống. Miền Nam lúc bấy giờ có thể nói là nơi tụ hội của những trí thức hàng đầu đất nước, cả Bắc, Trung, và Nam Kỳ. Và nhờ họ, những trí thức hấp thụ nền văn minh và học thuật Âu Mỹ, chỉ trong vòng 20 năm tồn tại của đất nước, đã để lại những tác phẩm và nhạc phẩm mà mãi đến hôm nay gần nửa thế kỷ vẫn chưa có một lớp trí thức nào có thể so sánh được.

Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà chôn vùi luôn hầu như toàn bộ lớp trí thức này. Đa phần họ buộc phải bỏ xứ ly hương để kiếm sống. Một phần rất nhỏ còn lại sống chịu đựng ở quê hương.

Sau năm 1975, sân chơi trí thức Việt Nam do đó nhường chỗ lại cho lớp người được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu trở về, mà như nói ở trên, đa phần chỉ có cái bằng còn kiến thức thì rỗng tuếch. Với một trình độ rất giới hạn, nếu như không nói là rất kém cỏi, họ nắm giữ các vị trí trọng yếu của đất nước, từ hiệu trưởng các trường đại học, chủ tịch các viện nghiên cứu, cho tới các cơ quan và văn phòng chính phủ. Cùng với sự kém cỏi của họ là các chính sách tồi và các phát ngôn ngớ ngẫn.

Sự tàn phá của lớp người này không chỉ dừng lại ở các tác động trực tiếp do các chính sách hay nghiên cứu sai lầm của họ, mà còn có những ảnh hưởng gián tiếp lâu dài và mạnh mẽ.

Trước hết, với sự không thông thạo ngoại ngữ phương Tây của họ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Pháp, khiến kiến thức Việt Nam trong suốt một thời gian dài dường như bị cô lập, không học được thêm điều gì mới từ các nước phương Tây khi mà ít sách được dịch và giới trí thức này cũng không thể đọc thông thạo các tác phẩm phương Tây để mà cập nhật thông tin, chuyển tải tư tưởng và kiến thức về cho đồng bào mình — điều mà các trí thức ở miền Nam Việt Nam trước đây làm rất tốt vì họ thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Thứ hai, sự tầm thường trong kiến thức và hiểu biết về chính sách của lớp người này đã giúp đào tạo nên những người trẻ hơn với kiến thức ngày càng tệ hơn. Chưa bao giờ bằng thạc sỹ, tiến sỹ rẻ rúng và tào lao với đủ các đề tài như bây giờ. Với những đề tài và nội dung như vậy, nó còn chưa đủ để đậu bằng cử nhân ở một đại học nghiêm túc bậc trung ở châu Á. Họ, những người cầm tấm bằng tiến sỹ này, tiếp tục được đưa vào nắm các chức vụ trong các cơ quan công quyền và làm cho hệ thống kiến tạo và thi hành những chính sách ngày càng tệ hơn nữa. Sự bại hoại trong việc cấp phát bằng cấp vô tội vạ cuối cùng dẫn đến một hiện trạng là những người thực học, muốn học hành và nghiên cứu nghiêm túc, bỗng nhiên chán nản và từ bỏ ước mơ.

Và cuối cùng, khi những người với kiến thức tầm thường và nhờ xoay sở được bằng cấp đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan công quyền thì họ không chỉ thực thi các chính sách tồi, mà với một trình độ hạn hẹp, họ khó lòng nào ủng hộ những cải cách sâu rộng.

Đó cũng là lý do mà những cải cách chỉ loay hoay chỉnh sửa không lối thoát và những phát ngôn của các giới liên quan ngày mỗi tào lao và bát nháo hơn. Đơn giản là bởi vì có bằng cấp nhưng thiếu trình độ.

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. Hết sức tầm bậy, tầm bạ. Thời đó học sinh tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học không phân biết giàu nghèo, là con cán bộ hay nông dân ai đạt điểm cao mới được gửi đi nước ngoài đào tạo, Nói thật là học vất vả vì không phải bằng tiếng mẹ đẻ và học chung cùng với nhiều người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nên càng phải cố gắng nhiều hơn. Người viết bài này chứng tỏ chẳng hiểu biết gì, chỉ được cái a dua với cái xấu.

  2. Đúng là đội ngũ trí thức hiện nay còn rất nhiều hạn chế so với yêu cầu. Nhưng đổ lỗi cho nền GD LX và lấy câu chuyện con bò để mô tả đội ngũ những người được đào tạo từ LX là một hành vi vô văn hóa, kém hiểu biết. Tôi vẫn thường đọc Tiếng Dân, nhưng sau khi đọc xong bài này, tôi thực sự thất vọng về một tờ báo mà tôi vẫn kỳ vọng. Không hiểu ban biên tập nghĩ gì khi cho đăng bài này.

  3. Đúng là đội ngũ trí thức hiện nay còn rất nhiều hận chế so với yêu cầu. Nhưng đổ lỗi cho nền GD LX và lấy câu chuyện con bò để mô tả đội ngũ những người được đào tạo từ LX là một hành vi vô văn hóa, kém hiểu biết. Tôi vẫn thường đọc Tiếng Dân, nhưng sau khi đọc xong bài này, tôi thực sự thất vọng vè một tôi báo mà tôi vẫn kỳ vọng.

  4. Đúng, tầng lớp trí thức hiện nay có nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Nhưng nếu đổ lỗi cho nền giáo dục của LX là bệ rạc và lấy câu chuyện con bò để mô tả một lớp người được đào tạo ở LX là một hành động có thể nói là vô văn hóa, kém hiểu biết. Tôi rất hay đọc Tiếng dân, nhưng sau khi đọc bài này tôi thực sự thất vọng về tờ báo mà tôi vẫn kỳ vọng.

  5. Tác giả viết bài này hơi bị ít tuổi. Nghe được cái công thức Con Bò=Tien sĩ thì áp dụng lung tung, tùy tiện. Và lý giải lại càng tùy hứng, bậy bạ. Bệnh chung của các đấng trẻ hiện nay.
    Đầu đuôi thế này.
    Dưới thời bộ trưởng Tạ Quang Bửu, ông kính mời thứ trưởng chính trị chọn ra những người đủ tiêu chuẩn (lý lịch, thành phần) đi làm TS ở Liên Xô. Sau đó, những người này phải thi chuyên môn (các Hội Đồng do ông thành lập) chọn đúng những người xứng đáng – tức giỏi chuyên môn thật sự. Thời đó TS đều đạt chất lượng (có Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại…).
    Về sau, giới chính trị bắt làm theo thứ tự ngược lại. Thi chuyên môn trước để chọn ra số người dự bị (nhiều gấp đôi số sẽ chọn – do vậy điểm thi rất chênh lệch). Sau đó, giới chính trị mới chọn người xứng đáng (lý lịch, thành phần…).
    Từ đó, xuất hiện câu nói: Dắt một con bò sang LX nuôi 3 năm, khi dắt về đã là TS. Dư luận một thời đồn rằng đây chính là phát ngôn của GS Tạ Quang Bửu (ông đã thôi bộ trưởng).

    • Kính phục trí thức vĩ đại Tạ Quang Bửu!

      Lựa lý lịch trước chuyên môn, thông điệp rõ ràng: Lý lịch xấu thì đừng hòng! Sau đó thi chuyên môn nữa là đủ . Nhờ vậy mới sản xuất ra những Phan Đình Diệu & Hồ Ngọc Đại .

      Ai đời làm ngược ngạo, thi chuyên môn trước làm những đứa có lý lịch xấu cũng hy vọng hão này nọ . Sau khi thi chuyên môn, dùng vợt lý lịch đá văng hết tụi lý lịch xấu ra ngoài . Trên cả tuyệt vời, xứng danh Cộng Sản lắm lắm lun!

      Ta biết ít nhất lý lịch con bò này rất tốt . Đôi khi chỉ có lý lịch của con bò mới lọt qua .

      Hy vọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xem xét cách làm của trí thức vĩ đại Tạ Quang Bửu để sản sinh ra những trí thức như Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang A & Nguyễn Phước Tương Lai … Ta biết ít nhất lý lịch của đa số đều rất tốt, ngoại trừ giáo sư Tương Lai . Mầm mống bị Đảng khai trừ đã được ươm từ lâu .

      Kính phục trí thức Tạ Quang Bửu quá đi mất!

  6. “Sau năm 1975, sân chơi trí thức Việt Nam do đó nhường chỗ lại cho lớp người được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu trở về, mà như nói ở trên, đa phần chỉ có cái bằng còn kiến thức thì rỗng tuếch”
    Đau nhưng đúng!

Comments are closed.