Hàn Vĩnh Diệp
3-9-2018
Anh bạn vong niên của tôi đến thăm và đưa cho mượn tác phẩm “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” (Những tâm sự của nhà thơ Tố Hữu). Anh bạn nguyên là cán bộ Tuyên giáo tỉnh, mới nghỉ hưu. Anh nói: Khi tác phẩm này ra đời, ở cơ quan anh cũng phổ biến một thông tri của Ban tư tưởng – văn hóa (Ban tuyên giáo) TW do trưởng ban Nguyễn Khoa Điềm ký, vạch rõ tính chất phản động của tác phẩm và yêu cầu ban Tuyên giáo các cấp hướng dẫn đảng viên, cán bộ, nhân dân không lưu hành.
Trưởng ban có tóm tắt sơ lược nội dung tác phẩm, anh em cố tìm đọc nguyên bản để xem nó phản động bôi bác ông Tố Hữu và đảng ta như thế nào? Nhưng không tìm thấy. Trên lãnh đạo ban chắc có nhưng không chuyển cho cán bộ xem. Hồi ấy, quy định bảo quản, lưu hành văn bản, tư liệu “mật” nghiêm lắm. Từ Thường vụ, cấp ủy viên, trưởng ban, phó ban đến chuyên viên, cán bộ … rõ ràng, chặt chẽ lắm, không lơ mơ, lộn xộn như bây giờ. Ngay như, bản tin tham khảo “xanh” của Thông tấn xã Việt Nam cũng chỉ trưởng, phó phòng trong ban mới được đọc.
Tôi hỏi: Không biết nội dung thì hướng dẫn thế nào? Đáp: Thì vậy, trên bảo thế nào mình nói lại thế ấy! Tập sách này, vừa rồi đến chơi với anh bạn trước là công an văn hóa. Nói chuyện, anh ta đưa cho mượn, cứ dặn đi dặn lại phải bảo quản kỹ, không được chuyền tay … Những năm đầu 2000, chúng tôi đã được biết chuyện ông Nguyễn Khoa Điềm – Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tư tưởng – văn hóa TW phản ứng, công kích tác phẩm “Tâm sự của Tố Hữu”. Đây là một trong những cung cách quản lý, kiểm soát, trói buộc hoạt động văn hóa – nghệ thuật và văn nghệ sỹ, cung cách này cho đến nay không hề thay đổi. Vì thế, chuyện tuy cũ, nhưng nói lại chắc vẫn còn mang tính thời sự.
Theo thông lệ của Đảng ta các tác phẩm văn học nghệ thuật muốn ra mắt đông đảo bạn đọc bằng con đường “chính thống” đều phải qua khâu kiểm duyệt khắt khe, nghiệt ngã của Ban biên tập – Nhà xuất bản (đằng sau là Ban tuyên giáo – trước còn gọi là Ban tư tưởng – văn hóa và công an văn hóa). Những tác phẩm có đôi ba trang, đoạn, chương … nội dung không phù hợp hay sai trái … với tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng phải cắt bỏ hoặc bị loại không được xuất bản.
Một số tác phẩm bị xem là “có vấn đề” bằng cách nào đó ra đời, tất nhiên là có sự đồng thuận ngầm của Ban biên tập nhà xuất bản thì lập tức có lệnh thu hồi, tiêu hủy, cấm lưu hành. Các tác phẩm “ngoài luồng” bị công an truy bức, thu hồi; tác giả bị hạch sách, có người phải tù tội. Loại này, tuyên giáo – công an âm thầm làm việc, không “đao to búa lớn” ầm ĩ.
Nhưng trường hợp với tác phẩm “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng (Nhà thơ Tố Hữu tâm sự)” thì lại ngoại lệ, ông Nguyễn Khoa Điềm với tư cách là ủy viên Bộ chính trị BCH TW Đảng, trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đảng (Ban tuyên giáo) đã đăng đàn hùng hổ tuyên cáo, chỉ trích tác phẩm ấy là “ngụy tạo, vu khống” đ/c Tố Hữu nói riêng và Đảng nói chung. Bà Vũ Thị Thanh – vợ và là thư ký (do Ban bí thư, Ban CTTW bổ nhiệm) của ông Tố Hữu cũng lên tiếng phản bác, công kích người viết tác phẩm trên. Có dư luận cho rằng bà Thanh bị ép dọa cắt các chế độ đãi ngộ, nhà cửa đang được hưởng nếu không nói theo lệnh trên? Bởi, trước khi phát hành tác giả đã gởi bản thảo đến cho bà.
Tác phẩm “Tâm sự của Tố Hữu” – Ghi chép của nhà báo Nhật Hoa Khanh được phát hành dưới dạng chuyền tay trong bạn đọc. Phần viết về quan hệ của Tố Hữu với Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được trích đăng nguyên văn trên các báo Tiền Phong, QĐND, Người Cao Tuổi … Nội dung chính của tác phẩm là ghi chép lời kể về suy nghĩ, tình cảm “chân thành” của Tố Hữu đối với Đại tướng TTL và các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ, khoa học v.v… bị xử trí một cách nghiệt ngã, tàn bạo trong các vụ án văn: Nhân văn giai phẩm – Báo văn – xét lại chống đảng, và rải rác suốt từ năm 1960 đến nay.
Dư luận đặt dấu hỏi (và tất nhiên là không nhân vật có trách nhiệm nào, không một tổ chức có quyền uy nào giải đáp công khai minh bạch trước công luận câu hỏi này). Nếu tác phẩm này là ngụy tạo, vu khống ông Tố Hữu thì tại sao các cơ quan ban Tuyên giáo Trung ương, công an, Bộ Văn hóa và bà Thanh không kiện ra tòa án nhà báo Nhật Hoa Khanh và các tổng biên tập báo Tiền Phong, QĐND …? Có lẽ các vị với quyền thế “nghiêng ngả trời đất” nhưng không thể khởi kiện hoặc truy bức, kỷ luật được vì ông Nhật Hoa Khanh có băng ghi âm lời nói hoặc bút tích của Tố Hữu!
Về Tố Hữu, nhiều tư liệu đã viết về công – tội của ông. Ở đây chỉ xin nhắc lại những nét chính. Đại thể, sự nghiệp “lẫy lừng” của ông có thể phân ra hai thời kỳ.
– Trước tháng 8 năm 1945: Ông là nhà thơ – hoạt động cách mạng. Thời kỳ này ông có một số bài thơ hay, khơi gợi lòng yêu nước, cổ súy tinh thần đấu tranh cách mạng, thu hút được sự chú ý của quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước thương nòi.
– Sau cách mạng tháng 8 đến những năm 80: Ông là nhà hoạt động chính trị và làm thơ. Thời kỳ này, ông cũng có một vài bài thơ hay nhưng phần nhiều là dạng thơ “diễn ca” minh họa đường lối chính sách, hô hào, tuyên truyền cổ động … giá trị nghệ thuật bình thường. Nhưng, trong lĩnh vực hoạt động chính trị, vai trò của ông khá nổi bật. Ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế, Thuận Hóa, giữ cương vị Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy.
Thời gian này đã xảy ra vụ án sát hại nhà văn hóa Phạm Quỳnh và ông Ngô Đình Khôi, cùng con trai Ngô Đình Huân. Nhiều nhân chứng lịch sử, lúc ấy đang giữ cương vị lãnh đạo chính quyền Huế, Thuận Hóa như các ông Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Lân … đều xác định họ không biết việc bắt, giết những nhân vật này. Đó là do lệnh của trên tức là lệnh của Tỉnh ủy, xứ ủy, bấy giờ do Tố Hữu, bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Chí Thanh, bí thư xứ ủy Trung bộ.
Cụ Hồ nói với các con cụ Phạm Quỳnh đại ý là: cụ rất tiếc, khi cụ biết thì việc đã rồi. Nếu Tỉnh ủy Thuận Hóa (Huế), xứ ủy Trung Kỳ báo cáo xin chỉ thị của chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi sẽ được hưởng sự khoan hồng của chính phủ như các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Vi Văn Định … Vì thế, theo công luận đến nay cho rằng: Vụ án sát hại nhà văn hóa Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi năm 1945 không thể không có sự chỉ đạo của Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh.
Từ năm 1947 trở đi, Tố Hữu được điều lên TW và giữ các cương vị trọng yếu: Phó ban, Trưởng ban tuyên huấn (tuyên giáo) TWĐ, Phó thủ tướng, những năm cuối năm 70 – đầu 80, là Phó thủ tướng thường trực. Ông là đồng tác giả và là người thực hiện hăng hái, tích cực nhất vụ án chính trị chống xét lại (thực chất là một thủ đoạn chính trị nham hiểm nhằm loại bỏ những nhân tài chân chính, thực sự trung với nước, hiếu với dân); những chủ trương “làm nghèo đất nước – làm khổ nhân dân” như: cải tạo tư sản công thương nghiệp ở miền Nam; xây dựng 400 pháo đài huyện; nhập xã, huyện, tỉnh thành; thiết kế xây dựng các mô hình công nông liên hợp XHCN, điển hình quái gở nhất là Quỳnh Lưu sắp xếp lại giang san của cái ông bí thư mà dân gọi là ông Mao Trạch Đợi; giá lương – tiền, v.v…
Đặc biệt đối với lĩnh vực văn hóa – văn học nghệ thuật ông trực tiếp phụ trách từ năm 1947 đến nhiều năm sau này, ông đã có “công rất lớn” trong việc hủy hoại nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc. Trong kháng chiến chống pháp, Tố Hữu chủ trì việc thực hiện các chủ trương “phi văn hóa” gây sự bất bình trong giới văn nghệ sỹ, nhân dân như: bài xích, cấm đoán các loại hình văn nghệ dân tộc: tuồng, chèo, cải lương, vọng cổ, dân ca; phủ định các trào lưu văn học trước cách mạng tháng 8: Tự lực Văn Đoàn, hiện thực phê phán, xuân thu nhã tập …
Tố Hữu là một “pháp sư cao tay ấn” trong việc “tẩy não” buộc các văn nghệ sỹ tự nguyện đi kháng chiến chống Pháp từ bỏ những đứa con tinh thần của mình đã sáng tạo trước năm 1945. Hòa bình lập lại 1954, Tố Hữu đã trực tiếp chỉ đạo liên tiếp các vụ án chính trị – tư tưởng trong giới văn hóa – văn học nghệ thuật được coi là “phi hiện thực XHCN” v.v…
Dưới ngọn đòn chuyên chính vô sản tàn bạo, vô nhân tính của đảng mà Tố Hữu là người giữ vai trò chủ chốt, nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sỹ nổi tiếng đã bị triệt tiêu, như: Nguyễn Mạnh Tường, Phan Khôi, Vũ Đình Hòe, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Minh Tranh, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Đỗ Cung, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hữu Đang v.v…
Nhiều văn nghệ sỹ tài năng, cương trực, có tư duy độc lập như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Quang Dũng, Đặng Đình Hưng, Sỹ Ngọc, Phùng Quán v.v… bị loại khỏi văn đàn và xã hội, có người bị hủy hoại tinh thần, chết một cách thảm thương, có người bị bắt cầm tù vô cớ, bị tra tấn dã man hàng chục năm trời; không ít văn nghệ sỹ có triển vọng mới xuất hiện trên văn đàn như Nguyễn Dậu, Hoàng Cát, Bùi Ngọc Tấn, Phù Thăng v.v… đã bị đánh gục “không thương tiếc”.
Chính Tố Hữu là đao phủ của các vụ khủng bố đen có một không hai trong lịch sử văn hóa nước nhà. Công luận còn cho biết một khía cạnh khác trong nhân cách của Tố Hữu là ông thực thi hành động chuyên chính thô bạo đối với các nhà văn hóa lỗi lạc, các văn nghệ sỹ tài danh không chỉ vì quan điểm, ý thức chính trị cực tà mà còn do đố kỵ, không muốn ai hơn mình và cả sự thù hằn cá nhân nữa. Tiêu biểu là việc hành xử của Tố Hữu: đóng cửa phòng triển lãm tranh và cấm ca khúc Tiến về Hà Nội đầu thời kỳ chống Pháp và ca khúc Mùa xuân đầu tiên sau năm 1975 của Văn Cao vì khoảng năm 1947, trong một lần trò chuyện thân tình, Văn Cao đã chê thơ Tố Hữu!
Trong “Tâm sự của Tố Hữu”- Nhật Hoa Khanh ghi, Tố Hữu phủ nhận hoàn toàn tội ác của mình. Bằng một giọng điệu Huế “rất Tố Hữu”, ông hết lời ca tụng tài năng, đức độ phẩm cách các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ bị bức hại; đặc biệt ngưỡng mộ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – người mà ông đã vào hùa với Nguyễn Chí Thanh và phe lũ Lê Đức Thọ – Lê Duẩn vu vạ có âm mưu “đảo chính”; lệnh cho báo chí chính thống không được nhắc đến tên tuổi – công tích của Đại tướng TTL trong các dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không, giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước…*
Dư luận vừa ngạc nhiên vừa thú vị trước thái độ hoảng hốt của ông Nguyễn Khoa Điềm và Ban TTVH (ban tuyên giáo) TWĐ. Lẽ thường tình, khi tác phẩm này ra đời, Ban TTVH và ông Nguyễn Khoa Điềm phải “lập tức” chỉ đạo các nhà xuất bản lớn của Đảng – Nhà nước in – phát hành rộng rãi tác phẩm ấy để “minh oan” cho Tố Hữu – người “thủ lĩnh kiệt xuất” của mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng trong mấy chục năm qua. Nhưng, các vụ án chính trị trong văn học nghệ thuật, sự đày đọa các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ là một sự thật 100% không ai không biết, không một tổ chức nào, một lãnh đạo nào của Đảng, Nhà nước có thể chối bỏ.
Tố Hữu với cương vị ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng chính phủ – đặc trách công tác tư tưởng – văn hóa – khoa giáo là người chỉ huy chính các vụ án ấy lại rất có cảm tình, tôn trọng, ngưỡng mộ các “nạn nhân” mà chỉ do thừa hành nhiệm vụ theo lệnh; vậy lệnh ấy là của ai, ai mới thực sự là người chỉ đạo, người chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc? Phủ nhận nội dung tác phẩm “Tâm sự của Tố Hữu” thì mặc nhiên công nhận tội ác của ông Tố Hữu như công luận đã từng lên án. Nhưng chấp nhận tác phẩm ấy là công khai vạch trần đường lối chính sách của tập đoàn lãnh đạo; và phải chăng, đường lối, chính sách lãnh đạo ấy vẫn được thực thi cho đến ngày nay.
Tác phẩm “Tâm sự của Tố Hữu” đã đẩy ông Nguyễn Khoa Điềm – Ban tư tưởng – văn hóa (Ban tuyên giáo) Bộ công an và TWĐ vào con đường lúng túng – luẩn quẩn!
_____
* Nhà văn Sơn Tùng cho biết: Một lần ông Tố Hữu – ủy viên BCT, Phó thủ tướng thường trực đi công tác nước ngoài về. Nhiều quan chức đảng, chính phủ ra sân bay đón. Tố Hữu vui vẻ cám ơn và bắt tay từng người. Đến lượt Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp chào, đưa tay ra thì Tố Hữu ngoảnh đi bắt tay, nói chuyện với người khác!
Khi mới ra Hanoi,tôi có nghe vụ án Ôn Như Hầu do ông VNG thực hiên: tại một cơ sở của tổ chức Quốc dân Đảng đang có một số đồng chí ( QDd) họp thì một toán Việt minh ập vào và nói rằng được quần chúng báo tại đây có việc bắt người về thủ tiêu.Mấy ông đảng viên QDĐ ngạc nhiên trả lời không hề có chuyên đó.Nhóm người VMinh khám trong nhà không thấy gì thì lúc đó nghe mấy người xăm đất ngoài vườn phát hiên mấy xác chết được chôn sơ sài họ vừa đào lên.Thế là mọi đảng viên QDd bị bắt trói tại chỗ rồi gởi đi bắn đồng thời bí mật bao vây tất cả các cơ sở QDd,truy lùng giết bằng hết số người của QDd vì họ phản động chống cách mạng.Vụ này do Ông VNG chỉ huy và những xác đó do V minh đem lén chôn vào từ trước.!
1. Nếu bấm vào HÀNG CHỮ XANH ngay đầu bài viết của tác giả Hàn Vĩnh Diệp, bạn đọc sẽ thấy toàn văn tác phẩm “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” của Nhật Hoa Khanh đăng trên trang web talawas.org. Vậy vấn đề đặt ra là có thực tác giả chỉ mới biết đến tác phẩm này khi mà có anh bạn vong niên nào đó đưa cho xem, hay là tác giả cố ý dàn chuyện để lấy cớ viết bài đánh Tố Hữu và Nguyễn Khoa Điềm?
2. Thật là trùng hợp, (bản nhân dùng từ “trùng hợp” theo thước đo kiểu trung cổ vì thời đó thông tin liên lạc rất chậm, cho nên, các phát minh được, các tác giả nghiên cứu cùng vấn đề, công bố cho dù lệch nhau tới 8 tháng thì vẫn được coi là đồng tác giả, không bị coi là đạo văn), cách đây gần 2 tháng trên trang web nghiencuulichsu.com có bài viết “Bối cảnh lịch sử bài viết Ý kiến về Giá, Lương, Tiền của Vũ Ngọc Phương năm 1985” bài này, tác giả nói về bối cảnh kinh tế thì ít nhưng công kích Nhật Hoa Khanh khá nhiều, thậm chí, ở phần trả lời comment, tác giả còn gán cho Nhật Hoa Khanh là viết tác phẩm trên là theo chỉ đạo lợi ích nhóm nào đó để hạ bệ Tố Hữu về lĩnh vực chỉ đạo kinh tế. Nên, bản nhân rất mong bạn đọc đọc thêm về bài viết này!
-Về vụ giá lương tiền đã có câu….là việc triều đình,cớ sao lại đổ cho minh Trần Phương,chỉ ai không quan tâm đầy đủ mới nói do TH( vì TH là phó TT thường trực ).
– TH có vấn đề vơi” văn chương” là điều không thể phủ nhận.
– Cũng có thông tin TH hỏi một người…” có giám lên rừng làm kháng chiến trở lại không?”
– khi TH nằm chữa bệnh ở Bv Thống nhất,một số quan lớn hay tới thăm,cũng có vị nói chuyện văn chương,mình chầu rìa bên ngoài ,địa vô một câu:Nếu như cách ông qui chụp cho những nhà thơ,nhà văn trước đây thì ngày nay ông cũng có thơ phản đông THUYỀN CON NGƯỢC SÓNG KHÔNG NGHIÊN NGÃ.( ông nói ngược sóng là có ý…?) nói xong mình bỏ chạy ra ngoài,đi vòng vo một lúc mới về phòng của mình.