Bản tin ngày 1-9-2018

73 năm sau ngày cướp chính quyền

BBC có bài: Năm 1945: Cướp chính quyền và thay quyền dân. Cựu LS Trần Thanh Hiệp hiện sống ở Paris, từng là luật sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn trước 30/4/1975, nói về việc thiếu tính chính danh qua hành động cướp chính quyền của Việt Minh (tiền thân của đảng CSVN) năm 1945, như sau:

Tôi nhớ là nhân có một cuộc biểu tình do công chức, dân chúng tổ chức để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, thì trong cuộc biểu tình ấy Việt Minh cướp cờ nổi lên và giành lấy như là cuộc biểu tình của Việt Minh để mà làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Nhưng mà thực sự ra không có cách mạng gì cả, mà chỉ là một sự cướp chính quyền thôi“.

Ông Hiệp cũng nói rằng, lẽ ra “sau khi cướp chính quyền rồi thì phải bình thường hóa sự cướp chính quyền ấy bằng việc để cho tất cả nhân dân tham gia vào việc quản trị đất nước“. Nhưng Đảng CSVN đã không trao lại quyền cho dân sau khi cướp được, mà họ giữ cho riêng mình để trở độc quyền, toàn trị. Cho nên đảng CSVN không có chính danh khi lãnh đạo đất nước.

Nhân quyền ở Việt Nam

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thức sang ngày thứ 18. Theo thông tin từ gia đình ông Thức, hôm qua 31/8/2018 là ngày thứ 18 Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong Trại giam để yêu cầu Nhà nước tôn trọng pháp luật và phản đối Trại giam số 6 ngược đãi tù nhân”.

Ông Thức cho biết, ông sẽ tuyệt thực 10 ngày nhằm phản đối trại giam ép ông ký nhận tội để được đặc xá trước thời hạn. Nhưng sau 10 ngày, nếu trại giam không rút lại các hành động ép buộc đó, ông sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi nào trại giam ngưng ép ông nhận tội.

Trước đó, ông Thức đã nhiều lần nói với vợ và em trai ông rằng: “Có đặc xá anh cũng không chấp nhận bởi vì đơn giản anh không có tội. Anh không bao giờ chấp nhận đặc xá, không bao giờ. Không chờ đợi hay xin xỏ gì hết. Ở hết án, rục xương cũng được, nhưng dứt khoát không cần đặc xá“.

Cũng tin nhân quyền, RFA có bài: Chính quyền Củ Chi ngăn cản chùa Liên Trì tổ chức lễ Vu Lan. Sáng ngày 30/8, nhà cầm quyền huyện Củ Chi, TPHCM, đã điều khoảng 50 người đến ngăn chặn, không cho các sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức lễ Vu Lan ở chùa Liên Trì 2, do thầy Thích Đồng Long, đệ tử của Hòa thượng Thích Không Tánh, làm trụ trì.

Bà Trần Thị Rươi, mẹ của thầy Thích Đồng Long, cho RFA biết: “Chúng tôi mời 5 thầy lên cúng Vu Lan báo hiếu và cúng ông ngoại thầy Đồng Long, công an chặn đường tổ chức, lấy điện thoại của Đồng Long, cản không cho cúng nên mấy thầy ra về”.

Mời đọc thêm: Ngày thứ 18: Ông Thức cương quyết tuyệt thực đến khi đạt được công lý (RFA). – Từ ‘vi phạm trực tiếp’ đến số phận EVFTA (VOA). – VN: Chính quyền ngăn giới hoạt động trước 2/9  — VN bắt một ‘thành viên Việt Tân có vũ trang’ (BBC).

Cán bộ vụng trộm có con riêng

Hai cán bộ thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Nông, bị phát hiện có con riêng. Báo VietNamNet đưa tin: Tuổi xế chiều, cán bộ Tỉnh ủy bị bồ ‘quậy’ đòi tiền nuôi con. Theo đó, ông Lê Văn Tấn, Phó ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, có quan hệ với một cô T. 23 tuổi, ở huyện Đắk Mil và có một đứa con riêng với cô gái này.

Ông Lê Văn Tấn, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông và đứa con riêng. Ảnh: VNN

Sự việc bị lộ khi cô T liên tục yêu cầu ông Tấn chu cấp tiền nuôi con và gây ồn ào tại văn phòng làm việc. Phía ông Tấn cũng xác nhận có con riêng với cô T và đồng ý cấp dưỡng bằng cách cho con gái riêng của ông với cô T. một lô đất trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Ông Tấn phân bua: “Lúc đầu, T nói tôi đưa cho lô đất rồi cô ấy nuôi con đến 18 tuổi. Sau đó ‘được voi đòi tiên’, T đòi thêm tiền cấp dưỡng. Lương tôi nếu nghỉ hưu chỉ có 7 triệu đồng/tháng, cô ấy lấy 5 triệu thì tôi lấy tiền đâu để sống”.

Không riêng ông Tấn, ở tỉnh này còn có ông K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, cũng có quan hệ với một phụ nữ và có một con gái riêng, sinh năm 1986, khi ông đang làm việc ở huyện đoàn Đắk Nông. Hiện con gái riêng của ông đang làm việc tại một phường thuộc thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông.

Ông K’Bốt phân bua: “Lý do không cưới mẹ cô gái làm vợ bởi do phong tục, tập quán và ông đã bị làng xử phạt lúa, trâu, bò…theo phong tục của đồng bào mình”. Cả hai ông Tấn và K’Bốt đều bị phát hiện có con riêng nhưng không khai báo trong hồ sơ, lý lịch.

Sau quan ăn vụng lại đến quan tham nhũng

Liên quan đến căn dinh thự trị giá hàng ngàn tỉ đồng của gia đình ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, là người vừa bị bắt và bị khởi tố, liên quan đến vụ chạy thận làm 8 người chết hồi tháng 5/2017, báo Tin Tức Việt Nam có bài: Vợ ông Trương Quý Dương nói: Hai bên nội ngoại bán đất dồn tiền… xây dinh thự.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, vợ ông Dương cho biết, “dinh thự được xây là do hai bên gia đình bố mẹ nội, ngoại bán đất cùng dồn tiền và ‘công sức của vợ chồng bao nhiêu năm’.”

Cửa của một căn phòng nhà ông Dương. Ảnh: Báo LĐ

Bên cạnh đó, ông Dương còn bị nhân viên tố cáo việc chi tiêu phung phí bằng tiền công quỹ và gây nhiều sai phạm khi làm giám đốc. Năm 2001, cơ quan chức năng vào cuộc, kết luận, ông Dương “vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích, buộc phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng” và ông bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.

Trước đó, liên quan tới vụ chạy thận chết người, khi một thuộc cấp của ông Dương là BS Hoàng Công Lương bị khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Dương xuất cảnh sang Canada đầu tháng 4/2018. Dư luận phản ứng rất mạnh, đến đầu tháng 6/2018, ông Dương trở về, đối mặt với bản án hình sự.

Mời đọc thêm: Cận cảnh tư dinh cựu Giám đốc Bệnh viện Hoà Bình vừa bị khởi tố (TP). Mời đọc lại: Cựu Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội gì? (VOV).

Báo Người Lao Động có bài: Thanh Hóa: 5 tỉnh ủy viên, hàng chục huyện ủy viên bị kỷ luật Đảng. Có 1.256 đảng viên bị kỷ luật khiển trách, 337 đảng viên bị kỷ luật cảnh cáo, 71 đảng viên bị cách chức, 147 đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng. Trong ba năm qua, tỉnh này đã khởi tố, điều tra 60 vụ án tham nhũng và kinh tế, khởi tố gần 100 bị can, trong đó có lãnh đạo các huyện, xã và các quan chức trong tỉnh này.

Hoãn tăng thuế bảo vệ môi trường

Báo Người Lao Động đưa tin: Không tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2019. Theo chỉ đạo của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, về việc xin rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Như vậy, từ nay đến hết năm 2019, thuế bảo vệ môi trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu, sẽ không tăng như kế hoạch ban đầu.

Trước đó, đề xuất việc tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của người dân, nhiều người đã xuống đường tuần hành để phản đối đề xuất này.

Trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường ở VN không được nhà nước quan tâm và giải quyết triệt để ở các điểm nóng như: Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận, Dự án Bauxite Tây Nguyên, Công ty Vedan VN, mía đường Hòa Bình… thì việc hô hào tăng giá xăng để bảo vệ môi trường là cái cớ để móc túi của dân, thể hiện sự lố bịch của một chính quyền suốt ngày chuyên lừa gạt dân, chuyên ăn bám dân.

Phản đối trạm BOT bị quy tội chống phá, kích động

Báo VN Finance dẫn lời ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT: Mất an ninh tại trạm thu phí BOT: Có đối tượng xấu lợi dụng, chống phá. Trước kiến nghị của cử tri Thái Bình về tình hình an ninh quanh trạm BOT, Bộ GTVT tải khẳng định: “Có hiện tượng các đối tượng xấu lợi dụng một số bất cập của các dự án BOT giao thông để kích động, chống phá làm mất an ninh, trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc hút vốn đầu tư theo kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.”

Việc vu khống, chụp mũ người dân bất đồng chính kiến không còn là chuyện xa lạ đối với lãnh đạo VN. Không chỉ vu khống dân khi họ phản đối BOT, mà còn chụp mũ dân về các vấn đề khác như: Môi trường, Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng… Bất cứ người nào lên tiếng phản đối đều bị khép vào tội kích động, phá rối.

Ăn chặn hàng trăm triệu đồng của học sinh nghèo

Báo Giáo dục Việt Nam có bài: Học sinh xã đặc biệt khó khăn bị bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền bán trú. Việc lạm thu hàng trăm triệu đồng của học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xảy ra tại Trường THCS Thành Mỹ, Thạch Thành, Thanh Hóa đang khiến dư luận vô cùng tức giận.

Theo đó, trong 4-5 năm qua, trường THCS Thành Mỹ đã “xin” lại khoảng 25% tiền bán trú của những học sinh được hưởng trợ cấp của nhà nước. Ông Đinh Văn Cẩm, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Mỹ cho rằng: “Khoản thu này để phục vụ xây dựng cơ sở vật chất trong trường”. Một phụ huynh nói rằng: “Nhà trường họp phụ huynh và nói ‘xin’ 25% để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, nhưng thực ra tôi không biết họ đã làm việc gì với số tiền trên”.

Gần 100.000 người Việt chết vì ung thư mỗi năm

Báo Thanh Niên đưa tin: Mỗi năm cả nước có khoảng 94.000 người chết vì ung thư. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), mỗi năm Việt Nam phát hiện hơn 126.000 người bị ung thư và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư.

Còn theo số liệu mới nhất trên trang web Globalcancermap.com, tỷ lệ mắc bệnh ung thư hàng năm ở Việt Nam là 138,7/100.000 dân, xếp hạng 105 trên tổng số 179 nước trong bản đồ ung thư quốc tế:

Ảnh chụp màn hình từ Globalcancermap.com

Theo bản đồ ung thư, những nước phát triển như Đan Mạch, Na Uy, Ireland, Mỹ, Pháp, Úc… có tỉ lệ dân số mắc bệnh ung thư cao hơn những nước chậm phát triển như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thailand, Indonesia… và hầu hết các nước châu Phi.

Ở Việt Nam, hàng năm có 138,7/ 100.000 người mắc bệnh ung thư. Thailand: 150,5/ 100.000 người. Campuchia: 133,1/ 100.000 người. Somalia: 113,5/ 100.000 người. Philippines: 116,1/ 100.000 người. Ethiopia: 107,1/ 100.000 người.

Trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ mắc bệnh ung thư trên số dân khá cao. Denmark: 326,1/ 100.000 người. Australia: 314,1/ 100.000 người. Ireland: 317/ 100.000 người. Pháp: 300,4/ 100.000 người. Mỹ: 300,2/ 100.000 người. Norway: 299,1/ 100.000 người.

Có phải người dân ở các nước phát triển mắc bệnh ung thư cao hơn những nước chậm phát triển? Dường như không phải. Sở dĩ các nước phát triển có tỉ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn các nước chậm phát triển là do người dân ở đó có điều kiện phát hiện ung thư. Dân ở các nước phát triển hầu hết có bảo hiểm sức khỏe, họ kiểm tra sức khỏe hàng năm, phát hiện bệnh ung thư sớm và điều trị sớm.

Trong khi dân các nước chậm phát triển không có điều kiện kiểm tra sức khỏe hàng năm, có những trường hợp chết vì bị ung thư nhưng không có điều kiện kiểm tra nguyên nhân gây ra cái chết, nên không biết bị ung thư, tưởng người bệnh chết vì bệnh khác. Hoặc có trường hợp do phát hiện quá muộn, không tiền đi bệnh viện, bệnh nhân nằm chết ở nhà mà những người làm thống kê không biết họ chết vì ung thư.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây