Bản tin Biển Đông ngày 1/9/2018

BTV Tiếng Dân

Ngoài thực địa

Báo Thanh Niên đưa tin, lực lượng không quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ xác nhận, trong hai ngày 27 và 30/8 hai máy bay ném bom B-52H đã thực hiện cuộc diễn tập thông thường ở khu vực Biển Đông.

Trong thông cáo, PACAF không nói rõ hai máy bay B-52H đã diễn tập ở khu vực nào trên Biển Đông nhưng xuất phát từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam của Mỹ và đã trở lại căn cứ này sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thông cáo cho biết, việc diễn tập này nằm trong chương trình hiện diện máy bay ném bom liên tục (CBP) của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ tháng 3/2004. Hoạt động này phù hợp với luật pháp quốc tế và chính sách tự do lưu thông lâu đời của Hoa Kỳ.

Những hoạt động như thế còn thể hiện sự cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở cửa và tự do, giúp duy trì tính sẵn sàng của các lực lượng Mỹ cũng như cải thiện khả năng phối hợp chung.

Sáng kiến “Vành Đai và Con Đường”

Về sáng kiến “Vành Đai và Con Đường”, báo Japan Times hôm 28/8/2018 có bài bình luận của nhà báo Frank Ching: Sáng Kiến “Vành Đai và Con Đường” của Trung Quốc Có Thể Là Một Bẫy Nợ. Nội dung như sau:

Chiến lược phát triển đầy tham vọng của Bắc Kinh, sáng kiến “Vành đai và con đường”, bao gồm các kết nối đất liền và biển từ Trung Quốc đến châu Âu liên kết hàng chục quốc gia trên ba lục địa, đang mê hoặc mọi người về phạm vi của nó và gây bối rối cho trí tưởng tượng.

Trong khi được trình bày từ năm 2013, nó như một dự án sẽ kích thích các nền kinh tế và tăng cường thương mại, sáng kiến này cũng sẽ nâng cao đáng kể vị thế địa chính trị của Trung Quốc. Như Henry Kissinger đã nói, sáng kiến “là một cuộc thám hiểm tìm cách thay đổi trọng tâm thế giới.”

Gần đây Trung Quốc thông báo rằng, kể từ năm 2013, họ đã đầu tư hơn 60 tỷ đô la vào các quốc gia dọc theo sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong năm 2017, đầu tư trực tiếp đạt 14,36 tỷ USD, tương đương 12% tổng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Hơn 100 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc để phát triển sáng kiến này.

Trong khi năm năm là một thời gian tương đối ngắn, Trung Quốc cũng đã nêu ra một số ví dụ về “thu hoạch sớm”, theo cách nói của Thứ trưởng Le Yucheng trong cuộc nói chuyện tại Đại học Thanh Hoa vào tháng Bảy. Ông trích dẫn Uzbekistan, nơi mà theo lời ông, một phần ba trong số 30 triệu người sống ở vùng Andijan. Đối với họ, đi đến thủ đô Tashkent phải mất bốn hoặc năm ngày lái xe qua đèo hoặc phải đi qua một nước thứ ba bằng đường sắt. Nhưng sau khi công nhân Trung Quốc xây dựng một đường hầm đường sắt, đường hầm duy nhất ở Trung Á, thì bây giờ chuyến đi chỉ mất hai tiếng đồng hồ.

Một ví dụ khác mà ông Le trích dẫn là Kenya. Ở đó, ông nói, một cuộc hành trình từ Mombasa, thành phố cảng lớn nhất của đất nước, đến thủ đô Nairobi thường mất hơn 10 tiếng đồng hồ. Nhưng Trung Quốc đã giúp xây dựng một tuyến đường sắt trong tháng 5 năm 2017 và bây giờ chuyến đi đã được cắt giảm đến năm giờ.

Quả thật, sáng kiến Vành đai và Con đường đã có những kinh nghiệm rất tích cực. Nhưng gần đây, cũng có khá nhiều những tiêu cực đã được công khai. Ví dụ như ở Sri Lanka, cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa chấp nhận các khoản vay hàng tỷ đô la từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm dự án một cảng mới mà các nghiên cứu về tính khả thi cho biết sẽ không hiệu quả.

Rajapaksa mất quyền vào năm 2015 và chính phủ mới lên phải hứng chịu trách nhiệm về các khoản nợ. Tháng 7 năm 2017, Sri Lanka đã đồng ý cho China Merchant Port Holdings thuê cảng Hambantota trong 99 năm với giá 1,4 tỷ đô la. Vì vậy, cảng mà Sri Lanka vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng bây giờ lại nằm trong tay Trung Quốc. Mặc dù vậy, Sri Lanka vẫn còn nợ Trung Quốc khá nhiều.

Và bây giờ có một nỗi sợ là nửa tá các quốc gia khác cũng có thể bị rơi vào “bẫy nợ”.

Tuần trước, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ba dự án cơ sở hạ tầng mà ông nói Malaysia đơn giản là không đủ khả năng trang trải. Trong những nhận xét thẳng thắn bất thường, ông cảnh báo về “một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân”.

Trước đó cũng vào tháng 8, thủ tướng Tongil Akilisi Pohiva nói rằng các quốc đảo Thái Bình Dương nên yêu cầu Trung Quốc xoá nợ cho họ. Sau đó, ông đã ban hành một tuyên bố cảm ơn Trung Quốc và nói rằng hai nước sẽ thảo luận về “các giải pháp thích hợp thông qua tư vấn thân thiện”.

Rõ ràng là sáng kiến Vành đai và Con đường đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng. Một số quốc gia đang nhận ra gánh nặng nợ tài chính là quá sức.

Ngay cả Thời Báo Hoàn Cầu, một tờ báo của Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc, cũng đã đăng một bình luận cho biết: “Khi cung cấp các khoản vay ưu đãi, Trung Quốc phải bảo đảm rằng các nước nhận có khả năng và quyết tâm trả lại. Trung Quốc nên suy nghĩ về những nguy cơ tiềm ẩn trước khi thiết lập quan hệ tín dụng với các nước khác”.

Có một mối nguy hiểm thực sự về việc các nhà lãnh đạo của các nước đang phát triển chấp nhận các khoản vay lớn cho các dự án lớn nhưng chỉ để nhằm giúp họ, người thân và bạn bè của họ, chứ không phải cho người dân. Và sau đó khi các nhà lãnh đạo này mất quyền, chính phủ kế nhiệm bị mắc kẹt với nhiệm vụ tài trợ các khoản vay.

Còn có một mối nguy hiểm khác là Trung Quốc có thể cho phép chính trị vượt qua kinh tế. El Salvador là một ví dụ minh hoạ cho điều này. Nước này yêu cầu Đài Loan giúp đỡ phát triển một cảng. Chính phủ Đài Loan đã gửi một nhóm kỹ thuật tới để đánh giá và kết luận rằng dự án không khả thi. Sau khi Đài Loan từ chối ủng hộ sáng kiến của Port La Union, El Salvador đã phá vỡ quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.

Bây giờ Trung Quốc được mong đợi sẽ giúp tài trợ cho dự án cảng này. Tuy nhiên, các khoản vay đó có thể đẩy quốc gia Trung Mỹ vào “cái bẫy nợ” mà cả hai bên đều không muốn xảy ra.

Trung Quốc cần đánh giá lại khả năng tồn tại các dự án Vành đai và Con đường. Sẽ là không đủ nếu chỉ khiến một chính phủ ký vào đường chấm (dotted line) đó để đổi lấy các khoản vay. Vì cả hai trường hợp của Sri Lanka và Malaysia đều cho thấy, các chính phủ kế nhiệm có thể thấy những hoà ước mà các chính phủ tiền nhiệm đã chấp nhận sẽ gây ra nhiều rắc rối, và kết quả là sẽ mất đi thiện chí đối với Trung Quốc. Những nghiên cứu về tính khả thi của các dự án này nên được tôn trọng.

Frank Ching là một nhà báo và là nhà bình luận người Mỹ sống ở Hồng Kông, thường xuyên viết về những vấn đề liên quan tới Trung Quốc. 

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây