Phạm Đình Trọng
17-8-2018
Ít người biết rằng kẻ sĩ Tô Hải ngoài là nhạc sĩ tài hoa, là tác giả Hồi Ký Của Một Thằng Hèn, là blogger, facebooker nổi tiếng, ông còn là người thầy dạy sáng tác âm nhạc và dạy ngoại ngữ.
Bạn tôi, nhà báo, đại tá Đào Văn Sử, trưởng văn phòng đại diện phía Nam báo Quân Đội Nhân Dân sau những chuyến khoác ba lô mang máy ảnh đến các đơn vị quân đội trên núi rừng Tây Nguyên, ngoài khơi xa Trường Sa, sau những giờ làm việc ở cơ quan báo lại tay sách tay bút đến nhà nhạc sĩ Tô Hải học về khúc thức, học về ngũ cung của hồn âm nhạc dân gian, học về bảy cung bậc của âm nhạc hiện đại, học cách thể hiện giai điệu tâm hồn thành tác phẩm âm nhạc.
Nhận ra đời sống vật chất của người lính đã được năng lên khá nhiều nhưng mặt bằng đời sống văn hóa tinh thần so với xã hội còn quá thấp, sau những năm tháng miệt mài, bền bỉ thọ giáo thầy Tô Hải, nhà báo Đào Văn Sử đã có nhiều ca khúc viết về người lính, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần người lính.
Được kết nạp vào hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đào Văn Sử nói về người thầy dìu dắt mình đi vào con đường sáng tạo những giai điệu của tâm hồn: Bác Tô Hải là nhạc sĩ ngoài chất nghệ sĩ sáng tạo những giai điệu đẹp còn là nhà sư phạm tài năng. Trong nhạc của ông chất nghệ sĩ không lẫn được và không học được. Ông dạy tôi âm nhạc nhưng không bao giờ ông can thiệp vào giai điệu của học trò, mà chỉ hướng dẫn, gợi mở.
Nhà báo danh tiếng Lê Phú Khải thì sách bút đến nhà nhạc sĩ Tô Hải học tiếng Pháp.
Những lứa học trò của nhà trường xã hội chủ nghĩa có một thiệt thòi, một trống hụt rất lớn là không có ngoại ngữ. Tốt nghiệp đại học cũng chỉ biết vài từ tiếng Hoa, vài từ tiếng Nga. Nhưng từ tiếng Hoa, từ tiếng Nga đó chỉ để thầy trò nói với nhau trong lớp học. Còn mang từ tiếng Hoa, từ tiếng Nga học ở nhà trường xã hội chủ nghĩa ra nói với người Hoa, nói với người Nga thì chẳng ai hiểu. Lê Phú Khải đã tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội nhưng cũng mù ngoại ngữ.
Thời thuộc Pháp, Tô Hải mới chỉ chuẩn bị bước vào năm cuối trung học thì ầm ầm bão táp cách mạng tháng tám và đùng đùng tiếng súng chống Pháp. Cậu học trò trung học Tô Hải xếp bút nghiên đi vào cuộc kháng chiến. Hết bão táp cách mạng và chiến tranh lại đến bão táp của những đợt học tập chỉnh huấn, cải tạo tư tưởng. Rồi những năm tháng dài lao đao lo toan cuộc sống. Suốt hơn nửa thế kỉ chẳng sử dụng đến vốn tiếng Anh, tiếng Pháp đang học dở dang ở trung học từ giữa thế kỉ 20, trước năm 1945. Nhưng khi thế giới có mạng internet phủ sóng toàn cầu và trong nhà có chiếc máy vi tính nối mạng internet thì mỗi sớm mai thức dậy ông nhạc sĩ già Tô Hải lại ngồi trước màn hình vi tính đọc báo Le Monde, đọc báo Le Figaro xuất bản ở Paris, Pháp và đọc báo The Washington Post, xuất bản ở Washington, Mỹ.
Làm báo mà không biết ngoại ngữ thì cũng chỉ là nhà báo vườn, nhà báo thôn ấp, không thể là phương diện quốc gia, càng không thể đi ra thế giới. Nhà báo phải có kiến thức xã hội sâu và tầm nhìn rộng. Xác định như vậy, nhà báo Lê Phú Khải đã tìm đến nhạc sĩ Tô Hải, xin ăn mày nhạc sĩ chút vốn liếng tiếng Pháp để mở rộng tầm nhìn..
Căn phòng nhỏ của nhạc sĩ Tô Hải ở chung cư Miếu Nổi quận Bình Thạnh, Sài Gòn trước khi trở thành nhạc viện của nhà báo Đào Văn Sử đã là trường ngoại ngữ của nhà báo Lê Phú Khải.