Bản tin Biển Đông ngày 17/8/2018

BTV Tiếng Dân

Kế hoạch của Mỹ hỗ trợ các nước Đông Nam Á

Washington đang thảo luận với từng nước Đông Nam Á về các chương trình hỗ trợ nằm trong Sáng kiến An ninh Hàng hải (Maritime Security Initiative) và kế hoạch phân bổ Tài chính Quân sự Nước ngoài (Foreign Military Financing – FMF) trị giá 290,5 triệu USD cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã thông báo ngày 4 tháng 8 tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Singapore. Việc phân bổ FMF được định hướng nhằm tăng cường an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai (HADR), và nâng cao các năng lực gìn giữ hoà bình.

Hôm thứ Tư vừa qua, ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về an ninh châu Á và Thái Bình Dương, cho biết, các chương trình hỗ trợ sẽ được thiết kế cho từng trường hợp và tùy thuộc vào một số yếu tố: “Chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp đối tác cụ thể và xem các yêu cầu có thể là gì. Tôi nghĩ khi mà nhìn nhận vấn đề an ninh Biển Đông và Ấn Độ – Thái Bình Dương là một tổng thể, thì nói chung các lãnh vực sẽ được chú ý là giúp các quốc gia phát triển năng lực nhận biết tất cả các vấn đề liên quan đến biển mà tác động tới an ninh, an toàn, kinh tế hay môi trường (Maritime Domain Awareness – MDA) và cải thiện an ninh hàng hải. Bởi vậy chúng tôi sẽ nhìn vào từng trường hợp xem yêu cầu mỗi nơi là gì và xem làm sao chúng tôi có thể sử dụng tốt nhất các khoản tài chính để giúp các nước tăng cường năng lực của họ ở những lãnh vực đó“.

Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được liệt kê là những nước được ưu tiên cho các chương trình của Sáng kiến An ninh Hàng hải.

Schriver từ chối cung cấp chi tiết cụ thể về các chương trình dành cho các nước Đông Nam Á theo Sáng kiến An ninh Hàng Hải cũng như phân bổ FMF, nhưng ông có cho biết các chương trình sẽ bao gồm việc cung cấp thiết bị, đào tạo, xây dựng năng lực và giúp các nước cấu trúc tốt hơn hoặc những tổ chức của họ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thách thức an ninh đương đại.

Ông nói: “Đây là một hoạt động có tính hợp tác, chúng tôi muốn các chương trình có ý nghĩa đối với từng nước được tiếp nhận, phù hợp với kế hoạch phòng thủ tổng thể của họ“.

Các nước được nhận hỗ trợ trong Sáng kiến An ninh Hàng hải sẽ không chỉ muốn thúc đẩy các năng lực MDA mà còn hướng tới việc chia sẻ thông tin với các nước láng giềng trong khu vực, ông nói.

Có rất nhiều sự quan tâm đối với MDA và làm thế nào để cuối cùng có thể dẫn đến kết nối lớn hơn với các nước cùng chí hướng mà cũng đang phát triển MDA. Thách thức về an ninh hàng hải vốn dĩ là vấn đề đa phương, vì vậy bước đầu tiên là nhận thức về khu vực mà mình có quyền chủ quyền (vùng đặc quyền kinh tế), và tiếp nữa, là khả năng kết nối với những nước khác trong khu vực có cùng mối quan tâm thúc đẩy an ninh hàng hải”.

Liên quan đến các Chương trình Tự do Hải hành (FONOPs) ở Biển Đông, Schriver đã chỉ ra rằng, FONOPs là một phần của chương trình toàn cầu, mặc dù “nổi bật nhất hiện nay là các hoạt động ở Biển Đông nhưng chắc chắn chương trình này không giới hạn ở đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành FONOPs ở bất cứ đâu có những yêu sách bành trướng mà chúng tôi coi là bất hợp pháp và không dựa trên luật quốc tế, và dĩ nhiên trong đó sẽ bao gồm Biển Đông, nhưng chúng ta sẽ không nói cụ thể hơn về kế hoạch tương lai“.

Schriver cho biết, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tiến hành FONOPs nhằm đáp lại các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, và sẽ kéo các nước có cùng quan điểm tham gia cùng, “những nước mà có thể không sẵn lòng thách thức phạm vi 12 hải lý nhưng sẵn sàng thực hiện các hoạt động hiện diện ở Biển Đông“, mặc dù ông không nêu tên đó là những nước nào.

Trước đó, trả lời VOA ngày 9 tháng 8, Đô đốc Richardson nói: “Chúng tôi sẽ luôn ở đó. Và chúng tôi sẵn sàng bênh vực cho những ai bị ảnh hưởng trong phạm vi tranh chấp, nếu cần”.

Theo Schriver, các hoạt động của Hoa Kỳ sẽ không chỉ giới hạn trong lãnh vực quân sự, mà còn có các hoạt động ngoài phạm vi đó. Ví dụ như những hoạt động của Bộ Ngoại giao, trong đó bao gồm trợ giúp các nước có yêu sách ở Biển Đông, các vấn đề liên quan tới những yêu sách hợp pháp của họ và tiến hành các cuộc đàm phán giải quyết yêu sách một cách hoà bình, nếu được yêu cầu.

Ngày 10 tháng 8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi thông cáo báo chí, cho biết, ông Andrea L. Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Kiểm Soát Vũ Khí & An Ninh Quốc Tế, sẽ công du Indonesia, Việt Nam và Australia từ ngày 12 đến 26 tháng 8. Chuyến công du kỳ này của bà nhằm mục đích thảo luận với các giới chức hữu quan ba nước trên về cách thức mà phía Hoa Kỳ có thể đóng góp cho một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do.

Ở Việt Nam, bà Andrea L. Thompson sẽ có những cuộc gặp với quan chức cấp cao chính phủ Hà Nội và quân đội nước này nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực hợp tác an ninh, mậu dịch quốc phòng, an ninh hàng hải, hoạt động giữ gìn hòa bình và các vấn đề nhân đạo.

Đọc thêm: Bóng dáng Việt Nam trong luật quốc phòng Mỹ

Theo ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam ở Hoa Kỳ, trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, trên cơ sở những thoả thuận đã đạt được, trong đó có tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2015, hai bên [Việt Nam và Hoa Kỳ] đã từng bước mở rộng và đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt trên các lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, gìn giữ hoà bình, đào tạo và an ninh hàng hải.

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ đã chuyển giao một tàu Hamilton và sáu xuồng tuần tra cho Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Mới đây, tàu sân bay Carl Vinson của Hoa Kỳ lần đầu tiên thăm Việt Nam, đã thể hiện mong muốn của hai nước tham gia vào nỗ lực chung của khu vực nhằm duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đọc thêm: “Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương mở rộng không gian chính trị”  —  Việt Nam hoan nghênh sáng kiến mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây