Trọng nói một đàng, ngoại giao một nẻo

Phạm Trần

16-8-2018

Đã xuất hiện những khác biệt nghiêm trọng giữa người đứng đầu đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Bộ Ngoại giao Việt Nam về thái độ và hành động của Trung Cộng ở Biển Đông. Bằng chứng này đã diễn ra trước mặt các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trên 500 đại biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 từ ngày 13 đến 17/8/2018 tại Hà Nội.

Trong số những người chứng kiến sự “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa hai bên có cả cựu lãnh đạo đảng, nhà nước, Bộ Ngoại giao và gần 100 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao và cán bộ làm công tác ngoại vụ của 63 tỉnh thành trong cả nước.

Vậy những khác biệt nằm ở đâu trong diễn văn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong phát biểu khai mạc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh?

Ngoài phát biểu khác với ông Nguyễn Phú Trọng, hai ông Phạm Bình Minh Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia còn viết bài lên án các hoạt động của Trung Cộng, dù không nêu tên, trong dịp tổ chức Hội nghị với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”.

LỜI NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Trước hết, ông Trọng không dám nói chữ “Biển Đông” mỗi khi đề cập đến tình hình “khu vực” hay “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Ông nói khơi khơi và khoe khoang rằng: “Công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước những biến động nhiều mặt rất phức tạp trên thế giới và khu vực, những diễn biến không thuận của môi trường an ninh xung quanh, những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, bước đi phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Ta đã chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những bất đồng và vấn đề tồn tại liên quan đến việc phân định ranh giới biển, vừa bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta, đồng thời cùng các nước khác tiến hành công tác cắm mốc giới, mở các cửa khẩu mới quản lý đường biên giới và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới, làm cho các đường biên giới trên bộ vừa là đường biên giới hoà bình, hữu nghị vừa là đường biên giới phát triển”.

Nói như nước chảy, nhưng ông Trọng không dám chỉ ra “biến động nhiều mặt” ở khu vực do nước nào gây ra? Liệu Trung Cộng, nước duy nhất đã và đang có những hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và trực tiếp đe dọa mạng sống và đánh cướp tài sản của ngư dân Việt Nam có là thủ phạm gây ra “những diễn biến không thuận của môi trường an ninh xung quanh” hay không?

Tổng bí thư đảng CSVN cũng không chứng minh được Việt Nam “đã chủ động, tích cực vận động, thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những bất đồng và vấn đề tồn tại liên quan đến việc phân định ranh giới biển, vừa bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta”. Bởi vì, sau 9 vòng đàm phán phân chia vùng ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, hai nước Việt-Trung vẫn bế tắc tại phiên họp hai ngày 15-16/03/2018 tại Đà Nẵng. Tại kỳ họp này, vòng 6 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không có tiến triển.

Theo tin phổ biến trên báo Dân Trí ngày 18/03/2018 thì: “Hai bên nhất trí sớm tổ chức đàm phán vòng 10 Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng 7 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Trung Quốc”.

Tuy phía Việt Nam không nói ra, nhưng tại các cuộc thảo luận trước, lý do bế tắc chính ở chỗ phía Trung Cộng nhất quyết đòi phần hơn tại những khu vực có thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước.

Tài liệu của Việt Nam cho biết: “Vịnh Bắc Bộ là vùng biển nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vịnh có diện tích mặt nước khoảng 126.250 km2 với 2 cửa biển.

Cửa chính của Vịnh Bắc Bộ được xác định từ đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị, Việt Nam đến mũi Oanh Ca, đảo Hải Nam (Trung Cộng) với chiều rộng khoảng 200 km. Cửa thứ hai là eo biển Quỳnh Châu rộng khoảng 32, 5 km nằm giữa bán đảo Lôi Châu đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của hai nước trên Vịnh Bắc Bộ”.

Tài liệu của Việt Nam cũng xác nhận: “Đến nay, Việt Nam đã ký một số Thỏa thuận và Hiệp định về phân định và hợp tác trên biển với các nước láng giềng, cụ thể là: Hiệp định về vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia năm 1982; Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997; Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Hiệp định hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ năm 2000; Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003; Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xia năm 1992. (Tài liệu báo Infonet-Bộ Thông tin & Truyền thông, ngày 05/12/2014)

Tuy không trưng ra bằng cớ, nhưng ông Trọng vẫn cảnh giác cán bộ ngoại giao: “Môi trường đối ngoại trong những năm tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Các đối tác lớn của ta đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực. Việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định do đó sẽ gặp nhiều thách thức”.

Nhưng nước nào, trong số 3 đối tác lớn của Việt Nam gồm Trung Cộng, Nga và Mỹ sẽ đem điều gọi là “chính trị cường quyền” trở lại mạnh hơn trong khu vực với mục đích gì ?

Không cần phải đợi ông Trọng nói trắng ra, vì có bao giờ ông dám nói thẳng cái nước mà ông vẫn ca tụng “vừa là đồng chí vừa là anh em” 16 vàng, 4 tốt ( “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” ), mang tên Trung Cộng, đã và đang chủ trương “chính trị cường quyền” đối với Việt Nam và các nước có tranh chấp với họ ở Biển Đông.

Vì vậy, dù cứ ú ớ mãi trong họng không phát ra thành chữ mà ai cũng hiểu ông Trọng muốn ám chỉ nước nào khi rào đón rằng: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới. Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi”.

Tất nhiên ở trong khu vục Á châu-Thái Bình Dương, chỉ có nhà nước cường quyền Trung Cộng mới tôn sùng và mê muội “chủ nghĩa đơn phương” và không “tôn trọng luật pháp quốc tế” để đánh chiếm quần đào Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa tháng 1/2074. Sau đó, đến năm 1979 lại đem 600 ngàn lính vượt biên giới đánh phá 6 Tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu. Có từ 40, 000 đến 45, 000 bộ đội và thường dân Việt Nam đã bị thiệt mạng hay mất tích trong cuộc chiền 2 giai đoạn kéo dài từ 1979 đến 1984 và từ 1985 đến 1990.

BIẾT NHƯNG VẪN CÚI ĐẦU

Từ chiến tranh biên giới Việt-Trung, quân Trung Cộng đánh chiếm 7 bãi đá chiến lược của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa ngày 14/03/1988 gồm: Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa (còn có tên là Huy Cơ) và Vành Khăn.

Tất cả những vị trí này đã được Trung Công cải tạo và xây dựng thành đảo kiên cố để đồn trú quân, thiết lập căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng và đài viễn thông để kiểm soát Biển Đông.

Ông Trọng biết hết, kể cả chuyện: “Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong gần 6 tháng qua có 20 tàu cá với 138 ngư dân ở các địa phương trong tỉnh bị tàu Trung Quốc ngăn cản, khống chế lấy tài sản khi đang khai thác thủy sản tại ngư trường truyền thống vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trong đó có tàu của ngư dân Lê Hơn (52 tuổi, ở huyện đảo Lý Sơn) bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 31102 tông chìm khi đang khai thác rong biển ở khu vực đảo Bạch Quy (quần đảo Hoàng Sa) hôm 25.5.2018”. (Theo báo Thanh Niên, ngày 14/06/2018)

Hay chuyện: “Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore, hôm 4/8 vừa qua đã phát biểu rằng, Trung Quốc buộc phải quân sự hóa Biển Đông nhằm tự vệ trước sức ép an ninh từ Mỹ và các nước khác ngoài khu vực”.

Đây là lần đầu tiên Trung Cộng công khai xác nhận đã “quân sự hóa Biển Đông”, nhưng rong quá khứ, đã có nhiều viên chức Trung Cộng, kể cả Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước đã bô bô cái miệng ở Tân Gia Ba ngày 07/11/2015 rằng: “Xin hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa. Chính quyền Trung Quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Quốc”. (Theo Thông tấn Pháp, AFP).

Có 64 người lính công binh của Hải quân CSVN đã hy sinh oan uổng tại Gạc Ma vì họ được lệnh không được nổ súng của Lê Đức Anh, khi ấy là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng.

Chuyện bí mật lịch sử này được Facebook Phan Trí Đỉnh tiết lộ trên trang báo cá nhân của ông ngày 30-7-2018.

Ông Đỉnh viết: “Sáng 28/7 (2018) tôi được mời tham gia một cuộc gặp mặt, gồm một số lão làng như anh Thang văn Phúc, nguyên thứ trưởng BNV. Anh Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương, anh Vũ Quốc Tuấn nguyên trợ lý của cụ Kiệt, anh Nguyễn Vi Khải, AHLLVT Lê Mã Lương … và nhiều vị tiền bối khác.

Thảo luận nhiều vấn đề nhưng tôi chỉ muốn kể một chút về chuyện Gac Ma 1988 và cuốn sách đang gây bão dư luận (cuốn Gác Ma-Vòng Tròn Bất Tử, do Thiếu tướng Lê Mã Lương làm Chủ biên).

Vấn đề không làm rõ được là mệnh lệnh “KHÔNG BẮN” hay là “KHÔNG BẮN TRƯỚC” – CÓ LỆNH KHÔNG? CÓ THÌ AI RA LỆNH???

Đó là khúc mắc của nhiều người, nhiều năm, và khi tôi hỏi thì Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm nói rằng: Bắn trước hay bắn sau không quan trọng mà là tinh thần giữ đảo của chiến sỹ ta là tuyệt vời…. Chuyện tiếp ở cuộc họp, khi đến đoạn này thì một ông dân sự nói to: “Tôi biết người ra lệnh KHÔNG BẮN” làm cả hội trường sững sờ. Nhìn lại thì đó là ông Lê Đăng Doanh.

Tôi may ngồi gần nên tôi quay sang nói: Bác kể xem nào.

Ông Doanh kể: Hôm ấy tôi với vai trò là người giúp việc TBT Nguyễn Văn Linh – ngồi ngay sau TBT nên tôi theo dõi hết.

Ông Nguyễn Cơ Thạch ĐẠP BÀN, NHƯ LÀ GẦM LÊN RUNG CẢ CỬA KÍNH: Ai ra lệnh “KHÔNG BẮN” thì ông Lê Đức Anh trả lời “TÔI”. Ông Thạch quay sang ông Linh thì ông Linh ngồi im – không có ý kiến gì.

Có một ai đó chen vào: Họ đã chuẩn bị cho Thành đô 1990 từ lúc này”.

Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên bên Tầu được chọn làm nơi họp mật của Hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990.

Bách khoa Toàn thư mở viết: “Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố, tuy nhiên trên trang thông tin chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cho đăng hình ảnh chụp trong hội nghị, trong những cột mốc ngoại giao quan trọng.

Thành phần tham dự:

  • Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng,
  • Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Kết quả của hội nghị là một loạt các thay đổi trong đối nội và đối ngoại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà còn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước ASEAN”.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh là một trong số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Ông không những có uy tín cao ở Việt Nam mà còn được trọng nể ở nhiều nước về những kiến thức kinh tế và chính trị của ông. Ông Doanh đã không cải chính những gì do ông Phan Trí Đỉnh cống bố về chuyện nổ súng ở Gạc Ma.

Vậy chẳng nhẽ ông Trọng, người nằm trong hệ thống lãnh đạo của CSVN trong nhiều năm không biết những chuyện vừa kể, hay biết mà vẫn cúi đầu trước Bắc Kinh?

PHẠM BÌNH MINH ĐẾN LÊ HOÀI TRUNG

Thái độ và hành động của ông Trọng tại Hội nghị Ngoại giao ngày 13/08/2018, lạ thay, lại không đồng hành ở Biển Đông cùng nhân viên dưới quyền, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ông Minh phát biểu: “Nhìn lại từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp, có nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt.

Tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang có nhiều biến động. Sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng tăng cao khiến cục diện an ninh ngày càng bấp bênh hơn. Sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt. Tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam”.

Thêm vào đó, trong bài viết phổ biến trên báo đảng, tờ Nhân Dân, ông Phạm Bình Minh (con trai cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương) nhận định: “Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là việc tôn tạo quy mô lớn và quân sự hóa trên các cấu trúc đang đe dọa hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam….Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm, chúng ta đã kiên quyết, kiên trì và triển khai nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982”. (Nhân Dân. Ngày 13/08/2018).

Tiếp theo, người dưới quyền ông Minh là Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cũng viết: “Tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã kiên trì đấu tranh trên mọi mặt trận, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa được xác lập bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”. (theo Báo Quân đội Nhân dân, ngày 14/08/2018)

Mặc dù những lời nói và bài viết về Biển Đông của hai ông Minh và Trung không có gì mới hơn là lập lại lập trường và quan điểm của Việt Nam về giải quyết xung đột với Trung Cộng và các nước cùng tranh chấp chủ quyền. Nhưng ít ra ông Minh đã dám công khai chỉ trích các hành động của Trung Cộng đã “tôn tạo quy mô lớn và quân sự hóa trên các cấu trúc đang đe dọa hòa bình an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam”.

Trong trường hợp Thứ trưởng Lê Hoài Trung thì ông cũng đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đáng chú ý là những lời phát biểu về Biển Đông của ông Phạm Bình Minh đã diễn ra trước mặt ông Trọng và trên 500 viên chức cao cấp của đảng, quốc hội, chính phủ và cán bộ ngoại giao.

Sự khác biệt giữa ông Trọng, một lãnh tụ đảng bảo thủ nổi tiếng thân Bắc Kinh với ông Minh, một nhà Ngoại giao chỉ nằm gọn ở chữ “Biển Đông” mà thôi.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trọng không gọi biển của VN là Biển Đông.
    Trong tâm khảm nó, đấy là Biển Nam Trung Hoa.

Comments are closed.