TS Nguyễn Hữu Động: chuyên gia LHQ về hoạt động bầu cử

Diễn Đàn

16-8-2018

TS Nguyễn Hữu Động. Ảnh: internet

Giải thưởng quốc tế về hoạt động bầu cử cho một người Việt

Tổ chức Quốc tế các Hệ thống Bầu cử (viết tắt theo tiếng Anh là IFES, International Foundation for Electoral Systems) vừa công bố quyết định trao giải thưởng Joe. C. Baxter 2018 cho Tiến sĩ Nguyễn Hữu Động, nhà tổ chức và quản lý xuất sắc nhiều cuộc bầu cử mà Liên hiệp quốc tổ chức trên khắp thế giới, thúc đẩy nền dân chủ trên khắp các châu lục. Lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra ngày 13/9/2018 tại Điện Capitol, Washington D.C.

IFES cho biết, Giải Baxter được tổ chức trao hàng năm nhằm vinh danh những nhà hoạt động trong lĩnh vực bầu cử mà tài năng, sự tận tâm và hi sinh cho các hoạt động điều hành bầu cử là hình ảnh đại diện cho sứ mệnh của IFES và tinh thần của Joe C. Baxter (1949-2003) – là người đã từng vạch ra sai sót liên quan tới 200.000 cử tri ở thủ đô Washington ngay trong năm đầu tiên tham gia một cuộc giám sát bầu cử, và sau đó trở thành cố vấn của LHQ cũng như của IFES trong lĩnh vực này (chú thích của D.Đ.).

Thông cáo báo chí của IFES về giải Baxter năm nay nhấn mạnh, “cả về phương diện cá nhân và nghề nghiệp, Nguyễn Hữu Động đã có một cuộc đời hiếm có, dẫn ông đi hầu khắp thế giới làm nhân chứng cho không biết bao nhiêu cuộc chuyển đổi và thử thách vì dân chủ”.

Nguyễn từng là người quản lý cho dự án quốc tế của UNDP (Chương trình vì Phát triển của LHQ) ở Mexico nhằm tăng cường sự tham dự và đại diện chính trị của các nhóm thổ dân. Trước đó, ông đã là một cố vấn đặc biệt cho Uỷ ban Kinh tế vì châu Mỹ La tinh và Vùng Caribe, phụ trách về Hai-ti, cố vấn về quản trị cho UNDP ở Mexico và một trong ba cố vấn quốc tế trong ban tuyển chọn các thành viên của Uỷ ban Bầu cử Irak. Trong suốt quá trình công tác của mình ở LHQ, ông đã hỗ trợ cho các cuộc bầu cử ở hơn 30 nước, kể cả chức vụ đứng đầu đội ngũ các cố vấn LHQ cho cuộc bầu cử ở Đông Timor, hay cố vấn đặc biệt cho Uỷ ban Bầu cử Độc lập ở Nam Phi và đứng đầu phái bộ LHQ quan sát bầu cử ở Fiji.

Trong lĩnh vực hàn lâm, ông từng là giảng viên ở Đại học Paris X, giảng viên mời ở Đại học Sussex (Anh), cũng như ở vài đại học khác ở Việt Nam, Mexico, Algeria, Thái Lan.

Nhìn lại cuộc đời và những chuyến đi của mình quanh thế giới, tôi có khuynh hướng nghĩ là sự đam mê cho dân chủ – nền dân chủ bao gồm công lý, tự do và bình đẳng – không tồn tại và không thể tồn tại nếu không phải là kết quả của sự đam mê vì độc lập và tự chủ, là những thuộc tính của đất nước nơi mỗi chúng ta sinh ra“, Nguyễn nói. “Tôi cảm thấy vinh dự khi nhận giải Baxter từ IFES, một tổ chức mà tôi đã cộng tác trong nhiếu lĩnh vực, nhiều năm trong sứ mệnh thiết yếu của nó là thúc đẩy dân chủ bền vững và cho mỗi tiếng nói được một phiếu bầu“.

_____

Đọc thêm:

1/ bài phỏng vấn TS Nguyễn Hữu Động của nhà báo Kim Hạnh trên báo Thế giới tiếp thị. Ngoài ra, trong ô “Tìm kiếm” trên mặt báo này, bạn gõ “nguyễn hữu động” (cả dấu ngoặc kép), sẽ thấy một số bài viết của tác giả gửi Diễn Đàn, trong đó xin giới thiệu hai bài:

2/ Mandela, một cuộc đời không như mọi cuộc đời, ghi lại vài suy nghĩ, cảm nhận của ông về nhân vật huyền thoại này, rút từ thực tế cuộc tổng tuyển cử ở Nam Phi mà ông tham gia trong phái bộ LHQ, và

3/ Bốn giai thoại và một tin ngắn, vài mẩu chuyện “có tính tiểu sử” trong hoạt động của mình.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây