Ba người anh

FB Huỳnh Ngọc Chênh

12-8-2018

Tôi suýt gặp được nhà báo Bùi Tín vào năm 1983 ở Pnompenh. Khi ấy tôi tham gia đoàn chuyên gia giáo dục VN qua Kampuchia đạo tạo cấp tốc giáo viên cho nước bạn.

Sau một đợt giảng dạy ở Battambang, đoàn chúng tôi về Pnompenh và được dự buổi nghe thời sự mà báo cáo viên là nhà báo lỗi lạc Bùi Tín. Tuy nhiên vào phút chót, đoàn chúng tôi không được dự vì đó là buổi báo cáo thời sự đặc biệt dành riêng cho cán bộ cấp cao, đoàn chúng tôi chỉ gồm các anh nhà giáo lèn quèn lại thêm có nhiều người, trong đó có tôi, không phải là đảng viên nên không được tham dự.

Mãi đến 30 năm sau, 2013, tôi mới được gặp nhà báo Bùi Tín tại nhà riêng của anh ở Paris cùng với nữ nhà báo Tường An. Lần đầu tiên gặp mặt nhau nhưng chúng tôi như đã thân quen nhau từ lâu lắm rồi. Anh và tôi đã đọc lẫn nhau và gắn kết với nhau như hai anh em. Anh cách biệt tôi đến 1/4 thế kỷ, nhưng anh cứ bảo tôi gọi anh là anh.

Anh sống trong một căn hộ nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi. Hồi đó anh cũng lớn tuổi lắm rồi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, người tràn sức sống, trí tuệ minh mẫn thể hiện qua những bài viết phân tích sâu sắc về tình hình trong nước và quốc tế. Anh làm tôi ngạc nhiên về sự nắm bắt nhanh nhạy những thông tin trong nước, anh có được những thông tin mà tôi là người làm báo ngay trong nước lại không có được.

Anh chỉ vào laptop và tivi trong phòng làm việc rồi giải thích với tôi: Hai cửa ngõ giao tiếp của tôi ra thế giới. Anh chỉ nói vậy, nhưng qua nói chuyện, tôi biết anh còn rất nhiều kênh nắm bắt thông tin trực tiếp từ quê nhà qua các bạn bè thân thiết làm lớn trong bộ máy cầm quyền.

Anh có sức viết mãnh liệt, ngoài hai cuốn sách nổi tiếng “Hoa Xuyên Tuyết” và “Mặt Thật”, anh còn viết ra cả ngàn bài báo. Anh là cộng tác viên thường xuyên của VOA và của nhiều đài báo quốc tế khác. Cho đến trước khi anh vĩnh viễn ra đi, cách đây một tuần tôi còn đọc được bài của anh trên VOA và Tiếng Dân.

Đúng như nhà báo Tường An nói, Bùi Tín là Nhà Báo Trọn Đời. Tôi hứa sẽ sang Paris thăm anh lần nữa nhưng đã không kịp.

Nhạc sỹ Tô Hải thì tôi có vinh dự gặp anh thường xuyên hơn. Và dĩ nhiên, chúng tôi thân thiết với nhau như anh em từ khi chưa gặp mặt nhau.

Cũng như nhiều người khác, tôi biết đến và ngưỡng mộ anh từ khi thấy hình ảnh anh xuất hiện trong một cuộc biểu tình chống Tàu cộng vào năm 2007 tại Sài Gòn.

Anh là nhạc sĩ lớn, là cây đa cây đề trong làng âm nhạc miền Bắc. Anh có những tác phẩm giao hưởng đồ sộ từ rất sớm bên cạnh những ca khúc ngợi ca đảng được phát thường xuyên trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.

Nhưng sau đó anh xổ toẹt hết vì cho rằng anh đã sai lầm. Anh là một đảng viên cộng sản phản tỉnh quyết liệt và triệt để nhất để đứng về phía nhân dân.

Từ đó, anh mở trang blog Nhát Sỹ, viết “Nhật Ký Của Thằng Hèn”. Giống Bùi Tín, anh có một sức viết mãnh liệt. Ở tuôi trên 80 không biết hai anh lấy năng lượng và cảm hứng từ đầu mà viết nhiều kinh khủng như thế. Cùng một thời viết blog với nhau, tôi luôn thấy xấu hổ trước hai anh về sức viết về nhạy bén trong nhận định, dù tôi đang là nhà báo và còn sức trẻ.

Có một sự trùng hợp thú vị giữa nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải. Cả hai anh đều là trí thức “tiểu tư sản” thành thị, vì yêu nước nên tham gia kháng chiến chống Pháp, vì theo kháng chiến nên theo Việt Minh, vì theo Việt Minh nên theo cộng sản. Hai anh là những tài năng của đất nước, trong lãnh vực của mình, hai anh đều lên hàng top. Một anh là nhà báo hàng đầu, một anh là nhạc sĩ lão làng. Rồi cả hai anh đều phản tỉnh, tham gia phong trào dân chủ, đấu tranh quyết liệt nhất, là gương sáng hàng đầu cho các thế hệ đi sau. Hai anh sinh cùng năm, 1927, và qua đời gần như cùng ngày, cùng tháng, cùng năm.

(CÒN TIẾP)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây