Khoa Duy
10-8-2018
Hôm qua, ngày 9/8/2018, nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng một lực lượng đông đảo công an gồm công an của Bộ CA và công an của tỉnh Đắk Lắk, bao vây nhà riêng và dùng vũ lực bắt blogger Huỳnh Thụy Vy.
Bà Huỳnh Thục Vy sinh năm 1985, thường trú tại Buôn Hồ – Đắc Lắk. Bà có con nhỏ mới 22 tháng tuổi. Bà là một nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh đòi quyền con người cho người dân Việt Nam. Bà thường xuyên viết về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và đăng tải trên mạng xã hội, trong đó có việc chính quyền đàn áp người thiểu số.
Bà là tác giả cuốn sách “Nhận định Sự thật Tự do và Nhân quyền”, được cho là “góp phần làm rõ tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam”.
Trước khi bị bắt giữ với cáo buộc “xịt sơn lên quốc kì Việt Nam”, bà Vy đã bị CA Đắc Lắk gởi Giấy triệu tập nhiều lần để làm việc về vấn đề này. Nhưng, bà đã từ chối đến cơ quan CA làm việc theo giấy triệu tập.
Cũng trong ngày 9/8/2018, CA Đắc Lắk đã ra Lệnh khám xét nhà riêng bà Vy, đồng thời tống đạt hàng loạt quyết định, lệnh đến bà Vy: Quyết định khởi tố bị can tội Xúc phạm quốc kì quy định tại điều 276 BLHS năm 1999; Quyết định hoãn xuất cảnh; Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau đó, bà được cho về nhà tại ngoại chờ hầu toà, chứ không tạm giam.
Nhiều nhận định cho rằng, trước sức ép của dư luận trong và ngoài nước, về việc bắt giữ một phụ nữ đang nuôi con nhỏ mới 22 tháng tuổi là vi phạm pháp luật về vấn đề nhân đạo, và quyền được chăm sóc của trẻ em, nên buộc nhà cầm quyền VN, phải cho bà Vy tại ngoại mà không tạm giam. Không đâu thưa quý vị! Có thể đây là một kịch bản mới, bởi bà Vy không phải là trường hợp đầu tiên: bắt khẩn cấp, xét nhà, thẩm vấn, tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại và chờ hầu toà.
Vào chiều ngày 16/6/2018, một lực lượng rất đông công an của Bộ Công an kết hợp với Công an TP Cần Thơ, đã mật phục tại chợ Cái Răng, Cần Thơ chỉ để bắt ông Nguyễn Hồng Nguyên, theo lệnh bắt khẩn cấp. Ông Nguyễn Hồng Nguyên sinh năm 1983, thường trú Cần Thơ. Ông hành nghề tài xế chạy thuê, chở hàng từ Đà Lạt về chợ Cái Răng. Ngay sau đó, nhà riêng ông Nguyên bị khám xét. Ông bị tạm giữ 2 ngày và thẩm vấn liên tục 7 ngày. Sau đó, ông cũng được cho tại ngoại, nhận quyết định khởi tố với cáo buộc theo điều 258 BLHS cũ (tức điều 331 BLHS mới), và lệnh cấm đi khỏi địa phương nơi ông cư trú.
Trường hợp của ông Nguyên hầu như cư dân mạng ít người biết đến, bởi ông không phải là người đấu tranh nổi tiếng. Ông chỉ là một người dân bình thường, thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình, được quy định trong Hiến pháp VN.
Tuy nhiên, quan sát hai vụ bắt giữ thì hoàn toàn giống nhau. Khi bắt giữ có cả lực lượng của Bộ Công an kết hợp với công an tỉnh, rồi thẩm vấn, khởi tố, cho tại ngoại,… Chỉ khác nhau về địa điểm, thời gian, một người là nam, một là nữ, và khác nhau về “tội” bị khởi tố.
Từ đó, chúng ta có thể tạm nhận định rằng, có thể đây là một kịch bản mới của nhà cầm quyền đối với người bất đồng chính kiến, với những người dân dùng mạng xã hội thể hiện quyền tự do ngôn luận của họ. Có thể, nhà cầm quyền sẽ xử hai trường hợp nêu trên (bà Vy và ông Nguyên) bằng một bản án tù treo. Và từ nhà tù lớn họ sẽ đưa người dân vô tội nhưng “có án treo” vào tù nhỏ ngay lập tức, với số năm tù đày nhiều hơn rất nhiều so với án treo, với tình tiết tăng nặng: “tái phạm, không chấp hành tốt ‘án treo’!”
Nếu đúng như vậy, thực hiện kịch bản này, nhà cầm quyền VN vừa thể hiện được bản chất “nhân đạo, khoan hồng của đảng và nhà nước đối với người phạm tội”, vừa được tiếng với thế giới: Việt Nam dân chủ hơn vạn lần tư bản!
Mưu hèn kế bẩn là đây!