Hoàng Mai
9-8-2018
Thành ngữ Việt Nam có câu, nước ta “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, vị trí địa lý thuận lợi cho việc sinh sống, phát triển cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà trong đó phải nói đến là tài nguyên dầu khí. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – từ khi Trung Quốc hoàn toàn chiếm lấy Hoàng Sa sau trận chiến năm 1974, phía ta luôn nỗ lực đàm phán để giành lại hai quần đảo này, mặc dù đa số các đảo diện tích đều nhỏ, không phù hợp cho con người sinh sống. Việc đấu tranh cho chủ quyền biển đảo quan trọng vì nó không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn có giá trị kinh tế do nằm gần các bể trầm tích có tiềm năng chứa dầu khí cao.
Vào những năm đầu thế kỷ 21, sản phẩm dầu thô chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, với đỉnh điểm là năm 2004, khi nước ta xuất khẩu trung bình 395.7 thùng/ngày. Tính cả dầu mỏ và cát dầu bitum, tổng giá trị dầu xuất khẩu lên đến 5,6 triệu USD.
Tuy nhiên, với sự phát triển của các ngành công nghiệp nhẹ và ngành điện tử, lượng dầu khí được khai thác và xuất khẩu bắt đầu giảm mạnh qua từng năm. Số thùng dầu xuất khẩu hiện nay – trung bình 129.5 thùng/ngày – chỉ bằng khoảng 30% con số năm 2004. Tổng kết cuối năm 2017, dầu thô chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, giảm 6 lần so với 15 năm trước. Các điểm khai thác cũ như mỏ dầu Bạch Hổ tại bồn trũng Cửu Long, hiện là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất Việt Nam, đã vào giai đoạn dần cạn kiệt tài nguyên, chỉ còn khai thác được 4-5 năm nữa.
Nỗ Lực Vực Dậy
Tuy vây, trong mục đầu tiên của Nghị quyết số 41, được chính phủ phê duyệt vào giữa năm 2015, việc phát triển ngành Dầu khí Việt Nam được cho là “gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.” Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được khuyến khích phối hợp với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh phát triển các bể mới, cũng như chủ động thực hành công tác thăm dò tại các khu vực nước sâu, xa bờ.
Chiều ngày 31/7 vừa rồi, các tờ báo kinh tế lớn tại Việt Nam đồng loạt đưa tin lễ ký kết dự án dầu khí Sao Vàng – Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c), là cột mốc quan trọng trong kế hoạch phát triển khai thác bể Nam Côn Sơn giai đoạn 2. Hợp đồng Dầu Khí (PSC) được ký giữa nhà điều hành Idemitsu Kosan Co., Ltd, Teikoku Oil và PVN. Mỏ nằm trong khu vực Bể Nam Côn Sơn, giữa các bể Cửu Long, Trường Sơn và Vũng Mây, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300 km về phía Đông Nam. Đây là một bồn trũng còn tương đối nhiều tiềm năng, vì mới được bắt đầu khai thác từ năm 2003 với mỏ Đại Hùng ở phía Tây Bắc. Đại diện các bên đồng loạt xác định rằng Sao Vàng-Đại Nguyệt sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc bảo đảm năng lượng cho đất nước, nhất là đối với người dân khu vực Đông Nam Bộ.
Theo kế hoạch, dòng dầu khí thương mại đầu tiên từ Sao Vàng-Đại Nguyệt sẽ được khai thác vào quý III của năm 2020; trong 20 năm sau đó, tổng trữ lượng khí thu được dự kiến vào khoảng 1,5 tỷ m3/năm. Ngoài ra, định hướng đến năm 2035 của dự án Nam Côn Sơn 2 đã được phê duyệt còn bao gồm việc khai thác 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate (xăng nhẹ)/năm, sẽ được xuất qua giàn Đại Hùng 2.
Tác Động Môi Trường
Theo đánh giá tổng quan về tác động môi trường (Environmental Impact Assessment – EIA) được tiến hành bởi nhà điều hành Idemitsu Kosan, dựa trên tiêu chuẩn của Bộ Tài Nguyên Môi Trường, dự án Sao Vàng-Đại Nguyệt chỉ gây ra ảnh hưởng “không đáng kể” đến vùng biển xung quanh. Ảnh hưởng “không đáng kể” ở đây là tương đương 88.596 tấn khí thải CO2 trong hai giai đoạn khoan, cũng như 90.631, 67 tấn CO2 mỗi năm khai thác. Ngoài chất thải khí thì Sao Vàng-Đại Nguyệt, như các mỏ khoan khác, còn tạo ra các loại chất thải lỏng (nước thải sàn chứa dầu) và chất thải rắn (bùn cát nhiễm dầu mỡ). Các chất thải này có thể “ảnh hưởng đến sinh vật đáy trong vòng 3-5 năm sau khi ngừng hoạt động thái bỏ mùn khoan nhờ sự phân huỷ của chất thải.” Đó là chưa kể đến các kịch bản xảy ra sự cố, bao gồm sự cố tràn đổ hoá chất do va đập khi vận chuyển hoặc rò rỉ khâu châm hoá chất, và sự cố tràn condensate hoặc dầu nguyên liệu.
Cũng cần phải cân nhắc, quá trình báo cáo EIA tại Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hỏng; Idemitsu là chủ dự án đứng ra thực hiện EIA mà trên văn bản không thể hiện rõ các đơn vị tư vấn là ai, nên mức độ đáng tin của báo cáo này có thể đặt dấu chấm hỏi. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện quá trình quản lý phê duyệt EIA của Tổng cục Môi Trường còn thiếu sự minh bạch, giám sát, và đặc biệt là chưa có quy chuẩn cho khâu tham vấn cộng đồng dân cư xung quanh, chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các dự án.
Đó là chưa kể đến khâu thi hành luật, với thực trạng là cảnh sát môi trường Việt Nam bị quá tải, dẫn đến việc nhiều vi phạm EIA liên quan đến việc xử lý chất thải rắn và lỏng vẫn không bị phát hiện trong nhiều năm liền. Đồng bào ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hẳn vẫn còn chưa quên nỗi đau chất thải hoá học từ nhà máy thép Formosa, giết chết hơn 100 tấn cá, gây thiệt hại nặng nề đến ngành đánh bắt và du lịch tại khu vực – kế sinh nhai của nhiều người.
Dầu Thô – Một Thị Trường Lạc Hậu
Chắc bạn đọc đang nghĩ, thật mạo gan khi nói ngành dầu khí là lạc hậu, khi các chuyên gia thế giới đều cho rằng nhu cầu xăng dầu vẫn đang trong mức tăng trưởng mạnh cho đến năm 2030.
Ngay sau khi lễ kí kết hợp đồng Sao Vàng-Đại Nguyệt diễn ra thành công, giá tất cả cổ phiếu thuộc họ dầu khí đều đồng loạt tăng, với các doanh nghiệp trọng điểm BSR và PVB tăng 3,2%, trong khi GAS tăng 1%. Theo Tổng Giám Đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn, việc triển khai dự án đúng tiến độ mang ý nghĩa lớn với PVN, sau hai năm đàm phán khó khăn bao gồm việc PVN phải mua lại cổ phiếu của nhà đầu tư Malaysia Mitra Energy. Như vậy có thể thấy, mỏ dầu này được đánh giá mang lợi nhuận đến cho chủ dự án và các nhà đầu tư.
Nhưng xét về mặt lợi ích kinh tế nói chung cho đất nước Việt Nam, còn nhiều điểm cần phải xem lại. Mặc dù Việt Nam là quốc gia sản xuất dầu thô đứng thứ 31 trên thế giới, phần lớn lượng dầu tiêu dùng trong nước đều được nhập từ nước ngoài. Điều gì giải thích cho mâu thuẫn này? Đơn giản là, chúng ta không có đủ khả năng, về mặt kĩ thuật cũng như nguồn vốn, để xây đủ nhà máy lọc dầu dùng chuyển từ dầu thô thành các loại dầu dùng được trong công nghiệp.
Mà giá sản phẩm lọc dầu nhập khẩu thì luôn cao hơn số lợi nhuận thu được từ kim ngạch xuất khẩu dầu thô, nhất là trong thời kỳ giá dầu thô thế giới đang ở mức thấp do Mỹ bắt đầu khai thác dầu trong tầng đá phiến. Mặc dù Việt Nam đang nỗ lực tự lọc nguồn dầu thô, các dự án xây nhà máy lọc dầu gần đây như Vũng Rô, Nghi Sơn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế không bảo đảm do tình trạng đội vốn trầm trọng.
Về định hướng phát triển lâu dài, việc phê duyệt một loạt các dự án mà tác động môi trường thì rõ, trong khi lợi ích kinh tế lại không đáng kể là thiếu hợp lý. Lượng dầu khí và các nguồn năng lượng không tái tạo khác tại Việt Nam càng giảm dần, trong khi tiềm năng của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời lại chưa được đầu tư đúng mức. Một đất nước với số giờ nắng/năm trong top thế giới là 2700 giờ, nhưng chính phủ lại lên kế hoạch chỉ đáp ứng 6% nhu cầu điện toàn quốc bằng năng lượng tái tạo là một thiếu sót lớn.
Theo bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Nhóm công tác về biến đổi khí hậu đưa ra tại Hội thảo “Hướng đến hội nghị COP23: tham vọng lớn hơn nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C”, ngành năng lượng hiện là ngành thải ra nhiều CO2 nhất, với hơn 380 triệu tấn một năm. Nếu không cố gắng kiểm soát các hoạt động khai thác gây ô nhiễm này, thì trong mười hai năm nữa, chắc chắn lượng khí thải của nước ta sẽ tăng gấp ba lần so với đầu thập kỉ này.
Xây dựng những mỏ khoan như Sao Vàng- Đại Nguyệt, mỗi dự án thải hơn hai triệu tấn CO2 trong suốt quãng đời làm việc, không phải là lựa chọn thông minh.
Công nhận rằng cả thế giới vẫn còn dựa vào năng lượng dầu mỏ cho đến năm 2030, nhưng Việt Nam không nhất thiết lúc nào cũng đi theo xu hướng của thế giới. Tại sao chúng ta không là quốc gia tiên phong, dám đầu tư sớm để phát triển ngành năng lượng và công nghiệp xanh – tương lai của Trái Đất?