Hội cựu TNLT
31-7-2018
Ngày 30/7/2018, Tòa án nhân dân tp Biên Hòa đã tuyên án 20 người biểu tình phản đối Dự thảo luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng, xảy ra ngày 10/6/2018, theo Điều 318 “gây rối trật tự công cộng”, gồm Trần Nguyễn Duy Quang, Phạm Ngọc Hạnh, Nguyễn Đình Trường, Phạm Văn Linh, Đinh Mã Phong, Nguyễn Thị Thùy Dung, Hồ Công Di, Diệp Út Tiền, Nguyễn Thị Trúc Ly, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Ngọc Huyền, Đinh Kha Ly, Võ Như Huỳnh, Đoàn Văn Thưởng, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Thị Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, và Nguyễn Thị Ngọc Liễu.
Hai người bị tuyên mức án cao nhất là Trần Nguyễn Duy Quang (35 tuổi), 1 năm 6 tháng tù giam và Phạm Ngọc Hạnh (45 tuổi) với mức án 1 năm 4 tháng tù giam. Những biểu tình viên còn lại nhận mức án từ 8 tháng đến 10 tháng tù giam. Ngoài ra, còn có 5 bà mẹ bị tuyên phạt từ 1 năm đến 1 năm 2 tháng cải tạo không giam giữ do đang phải nuôi con nhỏ.
XÉT RẰNG:
Người dân có quyền tụ họp cùng nhau để cổ xúy và bảo vệ quyền con người thông qua hình thức phản đối ôn hòa hay bày tỏ quan điểm của mình. Nhà nước có nghĩa vụ chủ động, bảo đảm rằng người dân có thể thực hiện quyền biểu tình ôn hòa hay bày tỏ chính kiến mà không bị đe dọa, quấy nhiễu hay đánh đập.
Quyền tự do tụ họp ôn hòa là một quyền căn bản của con người được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm, hội đoàn độc lập (không giấy phép), hội nhóm hợp pháp hay các thành phần thiểu số khác. Việc bảo vệ quyền tự do tụ họp ôn hòa giữ vai trò cốt lõi tạo ra một xã hội đa nguyên và bao dung mà các tầng lớp xã hội có tín ngưỡng, phong tục, chủ trương khác nhau có thể sống trong hòa bình.
Quyền tự do tụ họp nói đến sự hiện diện của một số người tạm thời ở nơi công cộng hay nhà riêng vì một mục đính nào đó. Chỉ tụ họp ôn hòa mới được bảo vệ. Thuật ngữ “ôn hòa” được hiểu bao gồm các hành động có thể gây ra sự bực bội, phiền lòng hay ngay cả làm cản trở các hoạt động sinh hoạt của bên thứ ba. Người tham gia biểu tình cần phải tiết chế hành động bạo lực.
Sự sử dụng bạo lực của thiểu số sẽ không mặc nhiên đưa đến kết luận rằng đó là biểu tình bạo lực. Những cuộc biểu tình có sự phản kháng thụ động chống lại hành động vũ lực thì có thể xem như ôn hòa. Một thí dụ khác, một biểu tình viên không dùng bạo lực trong một cuộc biểu tình có ít nhiều bạo lực thì ngưới đó vẫn xem là biểu tình viên ôn hòa. Những hành vi có thể bị xem như “bạo lực” bao gồm cư xử bất nhân hay xúc phạm nhân phẩm.
Nghĩa vụ của nhà nước là phải tạo điều kiện và bảo vệ quyền tự do tụ họp ôn hòa. Cụ thể, nhà nước cần giữ an ninh địa điểm của người biểu tình và bảo đảm việc thông tin truyền thông về biểu tình được thực hiện mà không bị cản trở.
Các hạn chế chế tài quyền tự do này cũng phải cân đối. Nhà nước chỉ nên áp dụng biện pháp can thiệp tối thiểu để đạt mục đích theo luật định. Nguyên tắc cân đối đòi hỏi nhà nước không được áp đặt biện pháp hạn chế một cách máy móc, làm lệch mục tiêu biểu tình, thí dụ như chuyển địa điểm biểu tình sang nơi ít dân cư.
Thực hiện quyền tự do tụ họp trong trường hợp cổ vũ cho thù hằn dân tộc, chiến tranh tôn giáo, kích động kỳ thị, hay bạo lực sẽ không được bảo vệ, như trong Điều 30 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền hay Điều 5 Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.
Tiêu chuẩn quốc tế về quyền biểu tình ôn hòa có trong:
Điều 20 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948), mục (1): Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách ôn hoà.
Điều 21 Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (1966) (VN ký tham gia 1982): Quyền hội họp ôn hoà phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác.
Điều 5 Tuyên ngôn LHQ về Người bảo vệ Nhân quyền (1989): Vì mục tiêu cổ súy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do căn bản, mọi người có quyền, cá nhân và liên kết cùng người khác, ở cấp quốc gia hay quốc tế, mục (1): Gặp gỡ hay hội họp một cách ôn hòa.
Điều 15 Công ước Quyền Trẻ em (năm 1989) (VN phê chuẩn 1990): (1) Các Quốc gia thành viên thừa nhận các quyền của trẻ em được tự do kết giao và hội họp ôn hòa.
Lý do hợp pháp hạn chế quyền tụ họp ôn hòa bao gồm:
Trật tự công cộng, an ninh công cộng, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ đạo đức, bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của người khác, hay an ninh quốc gia.
“Trật tự công cộng” không được sử dụng để biện minh cho sự cấm đoán hay giải tán tụ họp ôn hòa. Mối nguy giả định mất trật tự công cộng hay có sự hiện diện của đám đông thù địch không thể dùng như chứng cớ cấm đoán biểu tình ôn hòa. Áp đặt trước các hạn chế từ sự suy đoán khả năng xảy ra bạo động nhỏ cũng không thích đáng. Trong trường họp này, kinh nghiệm các nước Phương Tây cho thấy họ không áp dụng biện pháp hạn chế trước đối với quyền tụ họp ôn hòa mà chỉ bắt người hành động bạo lực ở những vụ bạo động đơn lẽ. Áp đặt trước hạn chế chỉ được thực hiện khi có bằng chứng rõ ràng rằng người tham gia biểu tình sẽ cố tình kích động tạo ra bạo loạn.
Nhà nước có nghĩa vụ duy trì “an ninh công cộng”, nhưng nghĩa vụ này không phải là nghĩa vụ của người tổ chức biểu tình. Tuy nhiên, người tổ chức cũng cần quan tâm đến sự an toàn của các thành khác trong xã hội.
“Bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của người khác” được cơ quan có thẩm quyền xem xét cân đối trong phạm vi bị ảnh hưởng của biểu tình. Nguyên tắc cân đối bảo đảm rằng cuộc sống, buôn bán, đi lại của người dân không tham gia biểu tình không phải chịu những gánh nặng quá đáng. Những xáo trộn tạm thời do lượng xe cộ, người đi đường tự bản thân nó không là lý do để cấm đoán biểu tình. Quan điểm đối nghịch với nội dung biểu tình cũng không đủ trở thành lý do cấm đoán, vì sự cần thiết yếu tố bao dung trong xã hội. Cánh cửa quyền tụ họp ôn hòa cần mở rộng, và nó vốn chỉ tạm thời, so với lý do bảo vệ quyền lợi và quyền tự do của người khác. Về mặt kỷ thuật, giải quyết xung đột quyền lợi này được tiến hành thông qua trao đổi giữa ban tổ chức biểu tình, nhà chức trách và người dân bị ảnh hưởng nếu có.
“An ninh quốc gia” là cụm từ mang nội hàm rất rộng khi được giải thích trong mối quan hệ với tự do biểu tình. Nguyên tắc Siracusa về Giới hạn và Điều khoản hạn chế quyềntrong Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và chính trị quy định:
29. An ninh quốc gia có thể được viện dẫn để biện hộ cho khắc chế một số quyền chỉ khi nào nó dùng để bảo vệ sự tồn vong quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị chống lại thế lực đe dọa.
30. An ninh quốc gia không thể được viện dẫn như lý do hạn chế nhằm ngăn chặn mối đe dọa xáo trộn trật tự cục bộ hay một địa phương nào đó.
31. An ninh quốc gia không được sử dụng như cái cớ nhằm áp đặt những giới hạn quyền một cách mơ hồ, tùy tiện. Và nó chỉ được sử dụng để bảo đảm sự bảo vệ cần thiết và giải pháp hiệu quả chống lạm quyền.
32. Vi phạm nhân quyền có hệ thống gây bất ổn an ninh quốc gia và có thể đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Quốc gia chịu trách nhiệm một vi phạm như vậy không được lấy lý do an ninh quốc gia để biện minh cho các biện pháp đàn áp những tiếng nói đang lên án những vi phạm đó hay áp bức người dân.
Nguyên tắc 6 trong Nguyên tắc Johannesburg về An ninh quốc gia, Tự do ngôn luận và Tiếp cận thông tin cũng nhấn mạnh rằng lý do an ninh quốc gia chỉ được áp dụng trong bối cảnh có kích động bạo lực.
DO ĐÓ:
Hội CTNLT kêu gọi nhà cầm quyền VN hãy tuân thủ cam kết tôn trọng nhân quyền, trả tự do cho tất cả người người biểu tình ôn hòa bị kết án. Họ là những tù nhân lương tâm.
Ngày 31 tháng 7 năm 2018
Đồng Chủ tịch Hội Cựu Tù nhân Lương tâm VN
Bs. Nguyễn Đan Quế,
Lm. Phan Văn Lợi.