Thỉnh nguyện thư kiến nghị hủy bỏ Dự án Luật Đặc khu

Hội Người Việt Leipzig, Hội Phụ nữ Leipzig

Maximilianallee 16

04129 Leipzig  – BRD

Leipzig, ngày 22.07.2018

Kính gửi: – Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, BCH ĐCS Việt Nam,

– Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam,

– Thủ tướng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam

Trước làn sóng phản biện của các giới chức, người dân biểu tình, ngày 11.06.18 Quốc hội đã biểu quyết đồng ý lùi Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Dự án Luật Đặc khu). 

Vừa qua, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của cán bộ lão thành, các vị Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân. Là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” (Điều 18, Hiến pháp 2013), Hội Người Việt Leipzig, Hội Phụ nữ Leipzig nhiệt liệt hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng, xin được gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thỉnh nguyện thư này, kiến nghị hủy bỏ Dự án Luật Đặc khu, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật nếu không thể chứng minh được điều kiện cần và đủ của Dự án này.

Đặc khu Kinh tế (Special Economic Zone) là một một khái niệm khoa học, đã được thực tế kiểm chứng, nên về mặt khoa học không phải đối tượng phản biện đúng sai. Nội hàm của nó là khu vực được phân định ranh giới địa lý; có cơ chế quản lý hành chính riêng biệt; được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế hải quan, ưu thế quyền sở hữu tài sản đất đai lâu dài, cơ sở hạ tầng và các đặc quyền khác; được áp dụng cho các nước đang mở mang, nền kinh tế nội địa còn đang khép kín vì trình độ canh tân kỹ thuật còn tụt hậu; nhằm hình thành nên những khu chế biến các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, thu hút giới đầu tư quốc tế; từ đó tạo cực tăng trưởng, thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện thể chế. Nhưng áp dụng nó hay không lại phải căn cứ vào lợi ích so sánh khi áp dụng mang lại; giống như động cơ hơi nước, hay đốt trong, phản lực đều là khoa học, chế độ chính trị nô lệ hay phong kiến, tư bản, mô hình kinh tế kế hoạch hoá hay thị trường đều là khoa học, nhưng chọn động cơ nào, chế độ chính trị, mô hình kinh tế  nào là do lợi ích so sánh tại thời điểm lựa chọn đó quyết định.

Ở cấp độ quốc tế, Trung Quốc từng thành công với Đặc khu Thẩm Quyến, nhờ thời điểm thuận lợi của trào lưu công nghiệp hóa toàn cầu hóa, đã trở thành “thiên đường sao chép” công xưởng sản xuất toàn cầu với những mặt hàng có giá trị thấp. Đến những năm 2000, Thẩm Quyến mới chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị lớn hơn và đến nay là một trung tâm công nghệ thông tin với những hãng đa quốc gia như Tencent, ZTE, Huawei… Đó là một Thử Nghiệm “kinh tế thị trường trong kinh tế kế hoạch hóa” của ông Đặng Tiểu Bình, để chuyển Trung Quốc sang kinh tế thị trường trong giai đoạn trên.

Ngày nay ở nước ta không còn như ngày đầu Thẩm Quyến, kinh tế thị trường đã được xác lập, ghi trong mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đang được mở rộng, hoàn thiện cơ chế, không còn trong giai đoạn thử nghiệm. Kinh tế thị trường đầy đủ phải được áp dụng trên cả nước, chứ không chỉ ưu đãi riêng cho Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong.

Mặt khác, các đặc khu kinh tế định thành lập đều rộng hàng chục ngàn km2 bao gồm đất liền, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nằm ở các vị trí xung yếu, Vân Đồn chỉ cách Hải Nam 200 hải lý, Vân Phong gần cảng Cam Ranh, Phú Quốc là đảo lớn nhất trấn giữ cực nam Tổ quốc, đều mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt về an ninh quốc phòng, nên phải được đặt ưu tiên lên hàng đầu.

Thực tế Việt Nam đã từng có đặc khu kinh tế mang nghĩa hẹp như Đặc khu Vũng Tầu – Côn Đảo, khu kinh tế gang thép Vũng Áng, khu khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ, khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Nhơn Hội, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu kinh tế Vân Phong, Phú Yên, cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn thật sự ở Việt Nam ngày nay không còn quan tâm đến các chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế như hồi đầu Thẩm Quyến.

Trên bình diện thế giới hiện nay cũng vậy, được chứng minh bởi thất bại của các Đặc khu Boten (Lào), Sihanoukville (Kampuchea), Đặc khu tại Sri Lanka phải giao hải cảng Hanbantota với 15.000 mẫu đất chung quanh cho Trung Quốc sử dụng trong thời hạn 99 năm, không mang lại lợi ích gì lớn lao như chính mục đích mặc định của khái niệm Đặc khu.

Nếu các cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đặc khu nhìn nhận lợi ích của nó to lớn, do mang tính đặc thù khác hẳn thực tế quốc tế và quốc gia đã dẫn trên, để tạo đồng thuận cả nước nhất thiết phải chứng minh được qua tờ Trình đúng chuẩn mực làm luật ở các nước hiện đại. Theo đó, Dự án Luật phải được đánh giá bằng cách so sánh định lượng, cân đối tài chính theo các tiêu thức: (1) vấn đề nảy sinh mà các văn bản lập pháp hiện hành không thể giải quyết được cũng như mục đích đạt tới; (2) các phương án lựa chọn; (3) phương án dự phòng; (4) thu chi ngân sách khi thực thi; (5) phí tổn người dân gánh chịu khi thực hiện; (6) chi phí nền kinh tế phải gánh chịu; (7) chi phí hành chính; (8) các chi phí khác; (9) riêng đối với 3 đặc khu cần thêm tiêu thức rủi ro an ninh quốc phòng phải đánh đổi.

Đồng thời để thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu tiếp thu ý kiến của nhân dân, cần tổ chức phản biện trực tiếp trên truyền thông, trưng cầu dân ý nếu cần (Điều 70, Điểm 15 Hiến pháp 2013).

(Thỉnh nguyện thư này được đề xuất và biểu quyết 100% thông qua tại cuộc họp Gặp mặt Hội viên và Tư vấn cho Cộng đồng ngày 22.07.2018, do Hội Người Việt, Hội Phụ nữ Leipzig CHLB Đức tổ chức. Bản Thỉnh nguyện thư này cũng được chuyển tới các hội đoàn người Việt trên toàn nước Đức và đăng tải trên truyền thông, mời cộng đồng, tổ chức, cá nhân đăng ký hưởng ứng (tên, điạ chỉ liên hệ), gửi trực tiếp về điạ chỉ E-Mail VereinderVietnamesenLeipzig@gmx.de của Hội Người Việt Leipzig hoặc info@thoibaovietduc.de báo điện tử www.tuvannet.de để tập hợp thành danh sách ủng hộ).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây