Nhà báo Nguyễn Thúy Hồng gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Nguyễn Thúy Hồng

29-7-2018

Thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc!

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi xem Công văn hỏa tốc này từ Văn phòng Chính phủ mà một bạn Facebook từ Hà Nội bức xúc chuyển đến cho tôi. Nội dung chính trong Công văn là ý kiến của Thủ tướng xung quanh kết quả thi bất thường, từ kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Điều ngạc nhiên của tôi là Thủ tướng đã “ghi nhận, biểu dương Bộ Giáo dục và Đào tạo… đã kịp thời, khẩn trương rà soát kết quả thi bất thường của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018”.

Về nội dung Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc của Bộ Công An thì tôi không ý kiến gì vì đó là hợp lý. Nhưng tôi thật sự không hiểu vì sao công luận cả nước đang rất bức xúc trước vụ việc quá sức bất thường, gây tổn hại nghiêm trọng cho uy tín của ngành GD&ĐT, người ta đang chờ đợi một động thái nhận lãnh trách nhiệm và xin lỗi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Thủ tướng Chính phủ lại ra công văn để biểu dương?

Thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước hết, mong ông hiểu tôi không hề có một động cơ thù hằn cá nhân nào đối với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ngày vị Bộ trưởng này mới nhậm chức, tôi còn chưa biết ông ấy là ai, nên thực tâm tôi rất mừng vì mong có sự thay đổi. Trước sự nhiệt tình tổ chức các buổi gặp gỡ và phát ngôn tích cực, có trách nhiệm của ông ấy, tôi còn bày tỏ sự xúc động và cảm ơn ông, cũng như ông ấy cũng đã từng có lời cảm ơn và mong tôi tiếp tục đóng góp cho Giáo dục.

Nhưng… thời gian đã trả lời về những việc làm của vị Bộ trưởng. Tôi không chỉ nghe quá nhiều những lời đồn đại, than vãn từ chính những quan chức ở Bộ, ở phía Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và cả chính nội bộ cơ quan báo ngành về Bộ trưởng Nhạ, mà còn tai nghe mắt thấy bao nhiêu sự việc lời nói không đi đôi với việc làm của Bộ trưởng.

Chưa cần phải nêu ra chứng cứ về những lời đồn đại, than vãn ấy thì vô số những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nhạ, từ những vụ học sinh túm áo, xé quần, bứt tóc nhau, phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, cô giáo im lặng suốt ba tháng không giảng bài, thầy giáo dâm ô hàng loạt học sinh… đến tốn kém trong những dự án 12.000 tỷ đào tạo tiến sĩ, thu hồi lại đề án gần 749 tỷ đồng đổi mới thi THPT Quốc gia…

Nhưng, thưa Thủ tướng, tổn hại lớn nhất vẫn là vụ việc hàng trăm bài thi ở Hà Giang bị sửa lại một cách tùy ý vô tội vạ mà Thủ tướng đã nắm rõ tình hình. Đây là lỗi tại ai nếu không phải là lỗi của ngành giáo dục? Nếu không có sự tố giác của chính học sinh trên mạng xã hội, liệu Bộ Giáo dục và đào tạo có biết được hay không? Cơ quan nào đã để xảy ra những kẽ hở, đã lỏng lẻo trong quy trình tổ chức chấm và giám sát thi trắc nghiệm, tạo điều kiện cho hành vi gian lận của vị Phó Trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang? Liệu vụ việc này có phải chỉ một lần hay có tiền lệ từ nhiều năm? Và nếu có thì thực trạng ngồi nhầm đại học, cao đẳng, thực trạng bất công, oan uổng đối với con em gia đình không vai vế, điều kiện sẽ ra sao, thưa Thủ tướng?

Tổn thất này không phải là nhỏ. Thủ tướng cũng từng biết tôi là người làm báo kiêm dạy học, yêu thương, gắn bó với ngành giáo dục hơn 30 năm trời, bàn chân bé nhỏ đã tới những vùng rừng núi hẻo lánh, xa xôi nhất của đất nước. Tôi dám khẳng định bản thân có số lượng bài báo đúng nghĩa về những giải pháp giáo dục, những gương sáng việc hay trong ngành, bảo vệ cho ngành nhiều nhất. Tôi thực sự đau lòng về vụ việc xảy ra ở Hà Giang, khi liên tưởng đến những cảnh tượng bất công nhan nhản quanh tôi: Giấc mơ được vào đại học, được có một chân trong nhà nước của con em gia đình lao động nghèo khổ xa vời vợi, trong khi với chúng bạn cùng trang lứa của chúng là con em gia đình khá giả, có địa vị trong xã hội lại quá dễ dàng. Nhiều lúc tôi ước mình còn trẻ trung và có thật nhiều tiền để mở một ngôi trường thật lớn, cứu giúp được em nào hay em nấy mà lực bất tòng tâm.

Thưa Thủ tướng, ông đã từng đến nhiều nước trên thế giới chắc ông biết, những nước có tốc độ phát triển mạnh đều là những nước có nền giáo dục tiên tiến, hàng đầu. Cựu Thủ tướng của Singapore – ông Lý Quang Diệu đã từng phát biểu “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Mà nói đâu xa, Đảng, Nhà nước ta cũng từng chủ trương coi: “Giáo dục là Quốc sách hàng đầu”. Vậy thì mọi việc làm, hành động của giáo dục đều phải được thể hiện đúng vị trí, tầm vóc. Lẽ nào là gian dối, bất công? Lẽ nào thiếu nhân văn, nhân bản?

Thưa Thủ tướng, vụ sai phạm chấn động dư luận cả nước như ở Hà Giang nếu Bộ Giáo dục và đào tạo không phải nhanh chóng vào cuộc thì là trách nhiệm của ai đây? Tôi nhớ một sự kiện xảy ra ở đất nước New Zealand vào tháng 5 mới đây, Bộ trưởng Giao thông Phil Twyford đã lên tiếng xin lỗi và viết đơn từ chức gửi Thủ tướng Jacinda Ardern, sau khi ông thực hiện một cuộc gọi trên máy bay ngay trước thời điểm cất cánh – hành động được cho là vi phạm các quy tắc hàng không dân dụng. Vậy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo để xảy ra sai phạm thi cử ở Hà Giang thì người đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có chịu trách nhiệm liên đới hay không?

Với kỳ vọng vào một Chính phủ hành động và kiến tạo, tôi hi vọng Thủ tướng hiểu nỗi bức xúc và cả những dòng bộc bạch nghĩ suy gửi đến ông thật sự chân thành vì lẽ công bằng, văn minh xã hội và tương lai của lớp trẻ.

Nguồn: FB Hà Phan

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây