LS Nguyễn Văn Thân
27-7-2018
Cam Bốt sẽ tiến hành bầu cử chính quyền và Quốc Hội khóa 6 vào ngày 29 tháng 7 này. Theo thông báo của Ủy ban Tổ chức Bầu cử thì đã có tới 20 chính đảng ghi danh hợp lệ tham gia vào cuộc bầu cử.
Sau cú sốc kết quả bầu cử Mã Lai vào ngày 9 tháng 5 vừa qua tạo ra niềm phấn khích cho phong trào dân chủ tại châu Á thì cuộc bầu cử sắp tới tại Cam Bốt là một bước lùi. Lý do là vì Đảng đối lập chính tức là Đảng Cứu nguy Dân tộc không được tham gia. Các nhân vật lãnh tụ của Đảng này có người thì đang ở tù còn kẻ khác thì phải bỏ chạy sống lưu vong.
Sau khi Hà nội rút quân ra khỏi xứ chùa tháp vào cuối thập niên 90, các lực lượng tranh chấp đồng ý ký Hiệp định Hòa bình Paris vào năm 1991. Hiến pháp 1993 ra đời, quy định Cam Bốt là một thể chế quân chủ lập hiến. Chính quyền hành pháp gồm có Thủ tướng và Nội các. Lập pháp gồm có Quốc Hội Lưỡng Viện. Hạ viện có quyền soạn thảo và thông qua luật và Thượng viện có quyền duyệt xét lại.
Một khi dự luật được lưỡng viện thông qua thì Nhà vua sẽ ký chính thức ban hành đạo luật. Hệ thống tư pháp có trách nhiệm bảo vệ quyền hạn công dân và mang tính độc lập. Một Tòa Hiến pháp cũng được thành lập để giải quyết mọi tranh chấp liên quan tới Hiến pháp. Có nghĩa là về mặt hình thức, Cam Bốt có một thể chế dân chủ văn minh không kém nhiều quốc gia văn minh ở tây phương. Nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Chính trường Cam Bốt có 2 lực lượng chính. Đảng Nhân Dân (CPP) do Thủ tướng Hunsen lãnh đạo đã nắm quyền từ 1985 và Đảng Cứu Nguy Dân tộc (CNRP) được thành lập vào năm 2012 do Sam Rainsy và Kem Sokha lãnh đạo. Trong cuộc bầu cử vào ngày 28/7/2013, CPP thắng 68/123 ghế và có đa số ghế để thành lập chính quyền. CNRP thắng 55 ghế nhưng phản đối kết quả bầu cử và cho rằng Hunsen gian lận trong tiến trình đếm phiếu. Nhiều cuộc xuống đường biểu tình dẫn đến sự đàn áp của lực lượng an ninh làm cho 4 người bị chết.
CNRP tẩy chay Quốc Hội cho tới một năm sau vào tháng 7 năm 2014 khi CPP và CNRP đạt thỏa thuận là hai bên sẽ phân chia quyền lãnh đạo Quốc Hội. Chức vụ Phó Chủ tịch Quốc Hội sẽ do một dân biểu của CNRP đảm nhiệm. CNRP cũng sẽ chủ tọa 5/10 Ủy ban Quốc Hội gồm có Ủy ban chống tham nhũng. Ngoài ra, Sam Rainsy lãnh tụ đối lập bị cấm tham gia tranh cử sẽ được công nhận trở thành dân biểu. Các dân biểu đối lập của CNRP chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 5/8/2014.
Nhưng ngay sau khi khuyến dụ được đối lập hợp tác và công nhận tính chính danh của chính quyền, Hunsen liền tiến hanh một cuộc trấn áp với mục đích tối hậu là triệt tiêu CNRP. Vào ngày 15/8/2015, Thượng nghị sĩ đối lập Hong Sok Hour bị bắt và truy tố về tội phản quốc vì ông phát biểu trên facebook là Heng Samrin có ý định hủy bỏ đường biên giới với Việt Nam.
Vào ngày 26/10/2015, hai dân biểu CNRP là Nhay Chamroeun và Kog Saphea bị côn đồ lôi ra khỏi xe trước cửa Quốc Hội và đánh bầm dập trước mặt cảnh sát mà họ chỉ đứng nhìn rồi sau đó mới kêu xe cứu thương tới chở vào bệnh viện. Sử dụng côn đồ để cai trị không phải là phạm vi độc quyền của Đảng CSVN. Những kẻ côn đồ thật ra là nhân viên an ninh, còn những người đứng canh chung quanh là cảnh sát mặt áo thường dân.
Kế tiếp, một đám đông hỗn tạp tụ tập trước nhà của Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha, ném đá và chai nước, yêu cầu ông từ chức chủ tịch Quốc Hội khiến vợ ông phải trốn kín trong nhà. Nhiều người gọi điện thoại báo nhưng cảnh sát không can thiệp. Đúng 4 ngày sau, Kem Sokha bị dân biểu CPP của chính quyền cách chức Chủ tịch Quốc Hội.
Tới ngày 13/11/2015, Ngoại Trưởng Hor Namhong ban hành án lệnh bắt Lãnh tụ Sam Rainsy liên quan tới một vụ án cũ từ năm 2008. Trước đó vài ngày, Hunsen gọi Sam Rainsy là con của một tên phản quốc. Bố của Rainsy là Sam Sary từng là Bộ trưởng của chính quyền Hoàng Tử Norodom Sihanouk. Lúc này Sam Rainsy đang công du ở ngoại quốc nên quyết định không quay về vì sợ bị bắt bỏ tù. Hunsen lấy cớ trốn tòa và tước ghế dân biểu của Sam Rainsy. Một tuần lễ sau vào ngày 20/11/2015, Chủ tịch Quốc Hội Heng Samrin xin trát tòa triệu tập Rainsy trả lời về cáo buộc mạ lỵ liên quan tới một bài phát biểu đưa lên facebook.
Trong năm 2016, chính quyền Hensen tiếp tục sử dụng tòa án làm công cụ truy tố dân biểu đối lập. Vào tháng 3 năm 2016, Bộ Trưởng Som Souen truy tố Sam Rainsy về tội mạ lỵ trên facebook. Trong tháng 7 năm 2016, Sam Rainsy bị buộc tội mạ lỵ và bồi thường số tiền kỷ lục là $37,500 Mỹ kim cho Heng Samrin. Vào ngày 1/8/2016, chính bản thân Hunsen tiến kiện Sam Rainsy về tội mạ lỵ cùng với Thượng Nghị sĩ đối lập Thak Lany về lời cáo buộc là Hunsen đứng sau vụ ám sát nhà báo Kem Ley. Vào tháng 12 năm 2016, Sam Rainsy cùng với 2 người phụ tá quản lý trang facebook của ông bị buộc tội và tuyên án 5 năm tù.
Trong khi đó, vào tháng 3 năm 2016, Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha bị vu cáo là có quan hệ ngoại tình với một cô thợ uốn tóc. Tới tháng 9 thì Sokha bị tuyên án 5 tháng tù vì trốn trong trụ sở CNRP mà không chỉ hầu tòa vì sợ bị bắt. Một dân biểu khác của CNRP là Um Sam An cũng bị tuyên án tù 2 năm vào tháng 10 năm 2016 vì phát biểu trên facebook tố cáo Hunsen nhượng đất cho Việt Nam. Vào tháng 10, chính quyền Hunsen ra lệnh cấm bán vé máy bay cho Sam Rainsy về nước.
Sam Rainsy là một chính khách sử dụng thủ thuật dân túy để khích động và kiếm phiếu. Tương tự nhu vậy, Kem Sokha nổi tiếng với cử tri với những lời hát biểu mạnh bạo chống Việt Nam. Quan hệ giữa Cam Bốt và Việt Nam có một vài điểm tương đồng như quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói chung là đều có những khúc mắc lịch sử mà động tới tình cảm cử tri dễ dàng cho chính khách khai thác.
CNRP lấy phiếu bằng cách tấn công Hunsen và CPP có quá khứ liên hệ tới Khmer đỏ và Hà Nội. Chiến thuật này tuy ma giáo nhưng rất có hiệu quả. Và nó cũng tạo ra nhiều thiệt hại cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Cam Bốt. Thay vì tập trung phát triển chính sách kiến thiết đất nước, lãnh tụ CNRP tận dụng truyền thông xã hội như facebook khích động lòng thù hận của người Khmer đối với người Việt, đặc biệt là nhắm vào giới trẻ. Nhờ vậy mà CNRP nhận được rất nhiều tài trợ từ người Miên hải ngoại.
Kết quả cuộc bầu cử năm 2013 làm Hunsen và CPP hoảng hốt và lo ngại là sẽ mất chính quyền vào tay CNRP. Từ đó Hunsen đã lên kế hoạch triệt tiêu đối lập bằng mọi giá. Việc này không có gì khó vì sau hơn 3 thập niên cầm quyền, Hunsen đã biến lực lượng an ninh và tòa án thành công cụ riêng. Mặt khác, CPP khuyến khích nhiều đảng nhỏ ra đời để sử dụng chiến thuật chia để trị.
Nhưng chính sách rõ ràng nhất của Hunsen là ngã về Trung Quốc. Hunsen không lo ngại mà thậm chí còn thách thức Mỹ và châu Âu cắt viện trợ vì điều kiện nhân quyền. Trong khi đó, Trung Quốc không đặt bất cứ điều kiện gì miễn là Hunsen ngoan ngoãn làm con bài chiến lược cho Bắc Kinh. Bắc Kinh đã thay thế vai trò quan thầy của Hà Nội đối với Hunsen. Thế mà CNRP không nhắm vào Trung Quốc mà cứ chĩa mũi dùi vào Việt Nam.
Cam Bốt tổ chức bầu cử thượng viện vào ngày 25/2/2018. Kết quả là CPP thắng 58/58 ghế. Có nghĩa là bầu cử đa đảng nhưng rốt cuộc trở thành độc đảng. Cuộc bầu cử chính quyền vào ngày 29/7 sắp tới đây có lẽ cũng sẽ dẫn đết kết quả tương tự. Chính trường Cam Bốt cho thấy đa đảng chỉ là một điều kiện cần thiết nhưng chưa đủ cho một thể chế dân chủ vận hành hiệu quả. Điều quan trọng là cả đảng cầm quyền và đối lập phải có khả năng và trách nhiệm lãnh đạo thi đua trong tinh thần thượng võ.
Chính quyền tồi tệ luôn tìm cách triệt tiêu đối lập. Nhưng đối lập tồi cũng sẽ tạo ra chính quyền tồi. Sau cuộc bầu cử tại Mã Lai vào ngày 9 tháng 5 vừa qua, Liên minh cầm quyền dưới trướng Thủ Tướng Mahathir ra tuyên bố là họ sẽ tu chính hiến pháp để giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng tối đa la 2 nhiệm kỳ. Nhìn lại trường hợp của Cam Bốt, đây là một thiếu sót lớn của những người soạn thảo Hiến pháp 1993 vì đã không giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng. Để bây giờ Hunsen tuyên bố là sẽ tiếp tục giữ ngai vàng ít nhất thêm 10 năm nữa cũng như đang chuẩn bị cho Thái tử Trung Tướng Hun Manet lên nối ngôi theo đúng truyền thống cha truyền con nối.
Cam bốt thân Trung Quốc vì không những được hỗ trợ nhiều mặt về quân sự, kinh tế,…mà còn là một thế lực hùng mạnh bảo vệ cho mình trước hai gọng kềm Việt Nam và Thái Lan. Lịch sử đã dạy cho người Khmer hiểu, biết những nguy nan, đau đớn, buồn khổ do hai thế lực này gây ra. Vì vậy, đường lối đối nội cũng như đối ngoại của Hunsen hiện nay là đúng. Một thằng nhỏ nằm giữa hai thằng lớn thì muốn khống chế chúng nhất thiết phải nương nhờ một thằng lớn hơn, mạnh hơn, phải không ?