Nguyễn Đình Cống
21-7-2018
Mấy hôm nay trên thông tin đại chúng xuất hiện cuộc tranh luận xung quanh quyển sách GẠC MA – VÒNG TRÒN BẤT TỬ giữa bên làm sách và bên chống đối. Sự việc đã được nhiều người biết, cho phép không nhắc lại. Có ý kiến đề nghị đem việc này cho các cơ quan cao cấp của Đảng hoặc Bộ Quốc phòng phân xử.
Cả hai bên đều nhân danh và nêu cao lòng yêu nước để phê phán bên kia và bảo vệ quan điểm của mình. Có lẽ từ khi lập quốc đến giờ, đây là cuộc bút chiến/ khẩu chiến thuộc loại lớn nhất. Tôi hình dung, trừ một số ít bàng quan với sự việc, những người có trách nhiệm ở cấp cao đang rất lúng túng, rất rối trí, chưa biết điều tra và phân xử thế nào. Liệu Bộ Chính trị và các cơ quan tham mưu có đủ trình độ và bản lĩnh để phân xử vụ này. Tôi nghĩ là không. Vì sao vậy? Vì nếu đặt mục tiêu là tìm sự thật thì đây là việc quá khó, cần có trí tuệ cao, phương pháp tốt, sự khách quan và lòng dũng cảm. Những thứ đó là của hiếm đối với BCT. Còn nếu đặt mục tiêu là bảo vệ “đại cục” thì khó lường trước sự phản ứng của toàn dân.
Sự kiện Gạc Ma xảy ra sáng ngày 14/3/1988. Nhưng hình như mệnh lệnh “không nổ súng (trước)” được truyền ra từ ngày 12 hoặc 13 và không chỉ ngắn gọn như vậy. Tôi đã đọc đâu đó câu: “Không được nổ súng (trước) khi quân Trung quốc đổ bộ lên Gạc Ma hoặc các đảo khác”. Người ra lệnh phải chăng là Bộ trưởng Lê Đức Anh, người nhận lệnh trực tiếp phải chăng là Đô đốc Giáp Văn Khương. Hình như chỉ lệnh miệng qua điện thoại chứ không có văn bản. Lệnh truyền qua nhiều cấp mới đến Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Lanh, Lê Hữu Thảo v.v… là những người trực tiếp bảo vệ lá cờ và giữ đảo, còn người truyền lệnh cho Phương, Lanh và Thảo đã hy sinh.
Cả hai bên đều dựa vào trí nhớ của vài người còn sống hoặc dựa vào tài liệu. Liệu trí nhớ được bảo đảm đến mức nào. Theo nghiên cứu của khoa học tâm lý thì trí nhớ là thứ không đáng tin cậy hoàn toàn, vì rằng khi nhớ lại người ta khó tránh khỏi nhận xét phiến diện và ý muốn chủ quan. Khi thuật lại một sự kiện theo trí nhớ ai cũng cố trình bày theo nhận thức của mình. Vậy khi nghe một số đông người thuật lại giống nhau thì đã đủ tin chưa. Vẫn chưa đủ tin khi tất cả các người đó, dù đông đến bao nhiêu mà đều có chung quyền lợi và nghĩa vụ, thường những người đó nhận tin từ một nguồn rồi cùng nói lại giống nhau.
Khi một phía nói có, phía kia nói không, người nghe phải thực sự khách quan mới lắng nghe đầy đủ lập luận của hai bên và phải có trí tuệ cao mới đủ để phân xử. Còn khi nghe mà đã có ấn tượng trước thì người ta thường chỉ chăm chú nghe phía hợp với mình để tìm lý do ủng hộ và nghe qua phía bên kia để tìm lý do phản đối. Đó là chưa kể có một người chỉ thích nghe từ một phía.
Về tài liệu. Phải phân biệt tài liệu gốc (bản chính) và tài liệu thứ cấp do người khác thuật lại. Hình như trong vụ này không có tài liệu gốc, mà tài liệu thứ cấp thì cũng chỉ có giá trị như trí nhớ mà thôi.
Vậy nếu khoa học vào cuộc thì sẽ làm như thế nào. Việc này giống như là chứng minh hoặc kiểm nghiệm giả thuyết. Có 2 giả thuyết: 1- “không được nổ súng” và 2- “không được nổ súng trước”. Một trong những cách làm đã được Lưu Trọng Văn đề xuất trong bài báo “Trước hay không trước” (Tiếng Dân, ngày 16/7/2018). Làm việc này phải hoàn toàn trung thực, khách quan, không có sự can thiệp của chính trị, nên do 2 nhóm khác nhau tiến hành.
Tuy vậy, theo tôi không nên quá quan trọng việc tìm xem có hay không chữ “trước” ở trong lệnh cấm nổ súng mà vấn đề quan trọng hơn đối với lịch sử và đất nước là “Nguyên nhân nào làm ta bị mất Gạc Ma vào tay giặc”? Nguyên nhân từ 2 phía. Phía giặc và phía ta. Về phía giặc là khá rõ ràng, đó là dã tâm bành trướng, cướp, chiếm, khống chế Biển Đông.
Còn về phía ta, vào năm 1988 những ai lãnh đạo đất nước, chủ trương đường lối thế nào về việc bảo vệ lãnh thổ. Hình như chúng ta đã phát hiện ý đồ của giặc Trung Cộng cướp Gạc Ma và một số đảo khác, về hình thức ta đã có kế hoạch CQ 88 mà sao chỉ điều động ra vùng Gạc Ma chủ yếu là 3 tàu vận tải và một số công binh. Phải chăng có ai đó định dùng 3 tàu này và một số chiến sĩ công binh cúng cho giặc? (Tương tự như vụ rơi 2 máy bay ở Biển Đông).
Tại sao sau khi Gạc Ma bị cướp, chúng ta chỉ đưa tin trong phạm vi hẹp, không dám nói rõ giặc Trung Cộng mà chỉ nói là bị “tàu lạ” xâm phạm? Sau khi đảo bị cướp, sao không tổ chức đánh chiếm lại ngay mà chỉ tổ chức mặc niệm và tuyên dương anh hùng cho các chiến sĩ bị tàn sát? Tại sao khi nhân dân biết sự kiện Gạc Ma, tổ chức tưởng niệm lại bị đàn áp? Ông Nguyễn Cơ Thạch chất vấn “Ai ra lệnh cấm nổ súng” trong cuộc họp nào, đang bàn về vấn đề gì, có ai trả lời không?
Tôi nghĩ khoa học lịch sử nên vào cuộc, đừng để cho một số người cậy quyền thế và to mồm lấp liếm sự thật, nấp dưới lòng yêu nước giả hiệu, để bảo vệ thứ nọ thứ kia. Không khéo việc dựa vào chữ “trước” trong lệnh cấm nổ súng để lu loa ầm ĩ chỉ là thủ đoạn nhằm che giấu những điều quan trọng hơn cần che giấu.
Theo thiển ý của tớ, tính khoa học chung quanh -nhớ, chỉ “chung quanh” thôi- cuốn sách Gạc Ma, số không to vãi ở trong bài này
http://www.trelangblog.com/2018/07/trung-tuong-nguyen-thanh-tuan-hay-thu.html#.W1QFXeS0WUk
“Thứ hai vì sai sót này là cực kỳ nghiêm trọng, lại có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu “bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ “của các thế lực thù địch, tiến hành “DBHB” chống phá chế độ ta”
“Bài Trung, phò Mỹ” là âm mưu nhằm làm suy yếu chế độ . Chính xác đến không thể chính xác hơn được nữa!
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, bất cứ một cuộc họp mang tính khoa học chung quanh cuốn sách số không to vật vã -nghe nói vừa (lại) trình làng với vài thứ bị thiến, hy vọng kỳ này không thiến sót- đều phải có mặt vị tướng “phò Trung bài Mỹ là làm chế độ mạnh hơn” này .
“Giới khoa học cần vào cuộc”. Rất đúng. Nhưng tuyệt nhiên không phải là “giới khoa học sống bằng tiền do đảng cấp cho”.