Quan trí – Dân trí trong một vài hình thức thể chế (Vài quan sát vặt)

Lê Vĩnh Triển

19-7-2018

Quan thường được mặc định là giỏi và có kiến thức sâu rộng hơn dân thường. Hay nói cách khác, quan trí thường được ngầm cho là cao hơn dân trí.

Ngẫm một chút thì nhận thấy suy nghĩ kiểu mặc định này có lẽ có từ tư duy phong kiến, tâm thế thần dân. Hay có thể xem đó là một thành kiến (còn sót lại) từ thời phong kiến khi mà những người giỏi nhất trong dân được chọn ra làm quan sau khi đã đổ đạt hơn người khác qua một hệ thống chọn lọc nghiêm túc và khó khăn. Quan có thể giỏi hay không giỏi việc quan (quản lý xã hội) nhưng trí tuệ và kiến thức hẳn là phải hơn đại đa số dân thường. Từ đó xã hội hình thành suy nghĩ quan trí là cao hơn dân trí. Điều đó không sai. Nhưng đó là thời phong kiến!

Khi tiếp tục mang suy nghĩ đó vào các chế độ hiện đại thì bạn đã có thành kiến, hay không khách quan khi cho rằng quan trí cao hơn dân trí. Giả định này vì thế là sai, đặc biệt trong các chế độ độc tài, nơi quan không được chọn từ những người giỏi nhất trong dân, mà được chọn từ một nhóm nhỏ có có quyền lực và lợi ích gắn kết nhau.

Chế độ càng độc tài thì quan trí càng có khả năng thấp hơn dân trí. Lúc đó bạo lực của nhà độc tài sẽ thay thế pháp luật để cai trị xã hội, hay nói cách khác là pháp luật trong tay của nhà độc tài chứ không phải được đặt trên tất cả. Trí tuệ sẽ phục tùng sức mạnh bạo lực. (Dù là một triết gia uyên bác đến đâu thì cũng không thể đấu tay đôi với một gã to khỏe cầm trên tay chiếc “búa tạ pháp luật”. Hay, như thời các quan chức công chức VNCH sau khi đi học tập cải tạo (ở tù) về phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống là một ví dụ). Đất nước vì lẽ đó khó mà phát triển.

Khi một chế độ giảm dần tính độc tài, nghĩa là tăng dần tính dân chủ thì người tài trong dân sẽ càng hiện diện nhiều hơn trong các định chế nhà nước và từ đó quan trí sẽ tăng lên tương đối so với dân trí. Nói “tương đối” là vì dân trí cũng sẽ tăng lên, một mặt do điều kiện thông tin cởi mở nên tri thức dễ được tiếp cận hơn và mặt khác do môt bộ phận quan chức quay vòng về làm dân – vì chính quyền luôn “thay máu” trong điều kiện dân chủ cạnh tranh – không thể tham quyền cố vị.

Khác với chế độ phong kiến – nơi quan chức có kiến thức cao hơn dân nhưng vì trung thành phục vụ quyền lợi của vua chúa nên đất nước khó phát triển – ở chế độ dân chủ, quan chức cũng có kiến thức cao nhưng phục vụ lợi ích của dân chúng nên đất nước dễ phát triển hơn. Ở chế độ phong kiến, nếu có phát triển thì phụ thuộc vào mức độ thông thái và vì dân của ông vua (minh quân hay không). Tuy nhiên nếu so với chế độ dân chủ nơi mà quan trí cao và phục vụ lợi ích của dân chúng thì chế độ phong kiến dù có minh quân cũng sẽ không thể phát triển bằng.

Như trên trình bày, chế độ càng bớt tính độc tài thì quan trí (và cả dân trí) càng cao. Tuy vậy, một điểm có thể xem là hạn chế cần lưu ý. Đó là, trong chế độ dân chủ các quan chức có thể bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích khác từ đó có thể bị lũng đoạn làm thiệt hại lợi ích của dân chúng hay các nhóm yếu thế. Vì vậy, để hạn chế sự lũng đoạn lợi ích của các quan chức trong các chế độ dân chủ luôn tồn tại tự do báo chí (ngôn luận), các tổ chức xã hội dân sự và tòa án độc lập. Chưa nói đến tam quyền phân lập, ba nhóm (điều kiện) nêu trên càng vững vàng, quan trí càng phục vụ tốt cho lợi ích dân chúng và đất nước càng phát triển. (Chỉ khi lợi ích dân chúng được đảm bảo phát triển thì đất nước mới có thể phát triển vì đó là số đông quyết định kinh tế đất nước)

Vì thế, ở các quốc gia dân chủ, mức độ phát triển kinh tế cũng khác nhau. Có thể nói, yếu tố làm cho khác nhau đó chính là mức độ độc lập, tự do của báo chí, mức độ độc lập của tòa án, cũng như mức độ tích cực và hoạt động sâu rộng của các tổ chức XHDS. Có thể hình dung như thế này, giả sự tổng thống Trump có thể đình bản hay đóng cửa một số tòa báo vì phanh phui hoạt động, tài sản bất hợp pháp của các quan chức, cấm cửa các tổ chức XHDS khi họ đòi hỏi lợi ích cho các thành phần dân chúng, và điều khiển được tòa án (chẳng thấy khả năng nào Trump có thể làm được những điều này). Khi đó, tính dân chủ của Mỹ sẽ biến mất và Trump sẽ trở thành nhà độc tài như ý muốn.

Tóm lại,

– Phong kiến: quan trí cao hơn dân trí, phục vụ chủ yếu lợi ích vua chúa, đất nước khó phát triển. Khi vua chúa xem lợi ích dân chúng cũng là lợi ích của mình (minh quân) đất nước khá hơn.

– Càng độc tài quan trí càng thấp, dân trí cũng thấp, cùng kéo nhau thấp do quan ưa chuộng chính sách ngu dân cũng như chỉ phục vụ lợi ích nhà độc tài và các nhóm lợi ích liên quan, (lợi ích) dân chúng là đối tượng bị bóc lột.

– Càng ít tính độc tài (càng dân chủ) quan trí và dân trí càng cao. Quan chức phục vụ lợi ích dân chúng, và lợi ích các nhóm. Khi đó đất nước sẽ phát triển với điều kiện báo chí độc lập, tự do, tòa án độc lập trong xét xử và có sự hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức xã hội dân sự khiến lợi ích nhóm không ảnh hưởng lợi ích dân chúng.

Cuối cùng, liên quan đến giả định ban đầu, trong các chế độ hiện đại, giả định quan trí cao hơn dân trí rất có thể là giả định sai! Nếu đúng thì chỉ có thể đúng trong trường hợp dân chủ.

Bình Luận từ Facebook