18-7-2018
Có quá nhiều người nói về 4.0, nó được ví như “con tàu 4.0, không lên thì chậm lại”. Nói thì hay như hát, nhưng lên tàu như nào? Không thay đổi tư duy, không ai bán vé cho đâu.
Thời 3.0 đã thất bại với hàng loạt tập đoàn đào tài nguyên lên bán vẫn lỗ xì hèm mà nguyên nhân, ai cũng biết là tư duy độc quyền.
Tư duy đó cũng sẽ là rào cản lớn nhất. Càng 4.0, quản lý càng cần tâm thế kiến tạo, cởi mở với các xu thế mới mẻ. Ở ta, bảo thủ đến ù lì.
Đơn cử như mạng xã hội chẳng hạn, nó là một cuộc cách mạng thời đại đúng nghĩa cả truyền thông, văn hóa, giao thương… vân vân by night. Nó đặt báo chí chính thống vào cuộc cạnh tranh thông tin để cùng phát triển. Nhưng 10 nhà quản lý thì hết 9 người đánh giá tiêu cực về nó. Thật vô lý đùng đùng !
Một ví dụ khác, lại vẫn liên quan đến các ông xe ứng dụng công nghệ. Gần đây, Bộ GTVT soạn dự thảo nghị định 86, buộc các ông này phải “đội nón” taxi trên nóc xe. Tức là sau khi các hãng truyền thống không thể rũ bùn đứng dậy sáng lòa với thời đại công nghệ, Bộ muốn ngăn trở công nghệ, “mở ra” cánh cửa trở lại với mô hình hợp tác xã.
Tương lai đã phun xăng điện tử, tư duy vẫn vương vấn kim vàng giọt lệ nồi đồng cối đá. Ứng dụng công nghệ (như Grab, Uber) vốn là hình thức kết nối di chuyển giữa người có xe và người cần đi lại, thịnh hành trên toàn thế giới, lại trầy trật “sấp mặt luôn” ở Việt Nam.
Đơn giản, thay vì thích ứng với xu hướng, tư duy quản lý đang nặng định kiến với điều mới mẻ.
Không phải nhà nước, thị trường mới là trọng tài của mọi quan hệ kinh tế. Tương tự, quyền lực thông tin, vận tải hay bất cứ gì khác đều phải nằm trong tay người dùng. Chính sách nào cũng phải dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích tổng thể và đặt yếu tố này lên trên.
Một quyết sách thô bạo, không chỉ ảnh hưởng chỉ số quốc gia mà còn tước đoạt quyền lợi của nhiều bên và khiến tất cả chậm lại.
Muốn lên tàu 4.0, phải kịp cởi bỏ tư duy “sau lũy tre làng” để hội nhập đường hoàng.
Còn không chịu khó đi bộ ha!