18-7-2018
Khoảng 7 ngày trôi qua sau phiên tòa phúc thẩm vụ án nổ súng Đắk Nông có những câu chuyện lạ lùng. Nó lạ bởi bản án tử vẫn giữ nguyên cho Đặng Văn Hiến, 2 chủ mưu phía công ty Long Sơn được giảm án, những kẻ liên quan “không thấy đâu” và “làn sóng” đòi xử tử Đặng Văn Hiến.
Như nhiều hộ đồng bào dân tộc khác, gia đình Đặng Văn Hiến từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên vào khoảng 1998-2000. Đến 2004 thì tỉnh Đak Nông tách ra từ 1 phần tỉnh Bình Phước và 1 phần tỉnh Đak Lak. Nghĩa là về nguồn gốc đất và tính sở hữu ở tỉnh Đak Nông thì dân có trước Nhà nước địa phương. Nhìn rộng ra, sở hữu đất đai của Nhân dân luôn có trước Nhà nước.
Đến năm 2008, tỉnh Đak Nông giao đất cho công ty Long Sơn và 2016 thì Đặng Văn Hiến nổ súng. 8 năm trôi qua ấy, những người dân tiểu khu 1535 ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông thường xuyên bị bảo vệ công ty Long Sơn “cưỡng chế”. Họ bị đánh đập không thương tiếc, kể cả đối với người già, phụ nữ mang thai hay đang con nhỏ. Đơn thư gửi lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương và thậm chí dân ngồi xe khách đội đơn ra Hà Nội kêu cứu mà vô vọng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động để xác minh nguồn gốc đất nhưng công ty Long Sơn vẫn tự trang bị khiên, giáp, gậy gộc, xe đá (đất trên ấy không có nhiều đá để… ném) và tiếp tục “cưỡng chế”. Thành phần “đoàn cưỡng chế” đa số là những người dân tộc bản địa và nói như nhà báo Hữu Danh thì Nghiêm Xuân Thiên Sửu dùng dân tộc trị dân tộc. Có một số nhà báo khác gọi các nạn nhân là “bảo vệ rừng”- một cách đánh tráo khái niệm vừa độc ác vừa ngu dốt- khiến người đọc hiểu lầm họ là người Nhà nước, đang được giao nhiệm vụ. Trong khi sự thật thì các bảo vệ của công ty Long Sơn lại không có hợp đồng lao động, có trường hợp như Điểu Vinh chỉ mới 16 tuổi.v.v.
8 năm liên tục bị đánh đập, cướp phá ấy của công ty Long Sơn không hề được nhắc đến như là nguồn cơn sự việc để thành 1 vụ án riêng. Đây là điều lạ lùng ở hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Cách xử án nhanh, gọn và bỏ ngoài tai các yếu tố giảm nhẹ tội cho người nông dân cùng đường Đặng Văn Hiến của hai cấp tòa khiến tôi vô cùng hoang mang. Bởi không chỉ dân ở Quảng Trực đến tòa mà rất nhiều người dân khác ở Tây Nguyên cũng đến. Họ xem bản án của Đặng Văn Hiến- người nông dân bị cướp đất- để đối chiếu với số phận của mình.
Có một chi tiết mà rất nhiều người dân cùng khẳng định: Công ty Long Sơn cũng trồng điều nhưng là điều mới. Số điều mới ấy trồng trên đất của những cây điều 8-10 năm tuổi của những gia đình như Hiến. Số điều cũ bị phá đi bằng xe ủi, đẩy hết xuống khe núi phi tang. Tôi hỏi dân rằng Long Sơn làm vậy với mục đích gì, dân đáp: Để các đoàn kiểm tra vào xem và thấy đó là vùng đồi núi trọc, giao cho công ty là hợp lý. Sự phi lý ấy có trong hồ sơ vụ án không? Có trong những cáo buộc mà những kẻ nghe hơi nồi chõ trên mạng xã hội đang hung hăng đòi xử tử Đặng Văn Hiến hay không?
Tỉnh Đak Nông giao rừng trên giấy cho công ty Long Sơn. Chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh nơi đây làm gì với các khiếu nại, tố cáo của dân suốt 8 năm đau đớn ấy? Tại sao tòa không đưa trách nhiệm chính quyền địa phương như là bên liên quan của vụ án? Và hãi hùng khi tòa lại giảm án cho những kẻ chống lại chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng của Chính phủ thay vì là tình tiết tăng nặng. Nếu không có cuộc cưỡng chế trái phép sáng sớm 23/10/2016 (hôm xảy ra nổ súng) thì chắc gì đã có làn sóng ký tên ủng hộ việc giảm án cho Đặng Văn Hiến hôm nay?
Trong cuộc họp an dân sau vụ nổ súng, người dân tiểu khu 1535 nói thẳng trước máy quay của bộ đội biên phòng, công an và nhà báo rằng “Súng sẽ còn nổ nếu chính quyền còn bao che cho công ty Long Sơn.” Tôi tự hỏi người dân nào lại dám nói thẳng như vậy trước lực lượng công quyền nếu không cùng đường?
Chủ tịch nước đã chỉ đạo điều tra lại vụ án nổ súng ở Đak Nông. Tôi mong đợi những tình tiết mới nhưng lại bị “bỏ qua” ở hai phiên tòa nói trên. Giết một thân phận nhỏ bé như Hiến rất dễ nhưng những thân phận như vậy lại đầy rẫy ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung vì mâu thuẫn đất đai. Giải quyết mâu thuẫn phải từ nguồn cơn gây ra mâu thuẫn, chứ không phải “giết gà dọa khỉ”. Và nguồn cơn mâu thuẫn đất đai phải nhìn vào Hiến pháp và Luật đất đai chứ không phải chỉ tình tiết một vụ án.
Với một số dư luận viên tấn công tôi mấy hôm nay thì tôi trả lời chung một câu: Những điểm nóng về mâu thuẫn đất đai và ô nhiễm tôi đến đường hoàng và an toàn. Tôi có thể “ăn không từ một thứ gì” của dân từ củ sắn lùi tro giữa rừng đến bữa cơm đầy bụi sát nhiệt điện cùng những thân phận bé mọn ấy. Nhưng các vị thì sẽ không bao giờ làm được điều đó bởi các vị đã ăn nốt phần lương tri còn lại của bản thân rồi!