Luật An ninh mạng tác động kinh tế VN thế nào?

BBC

29-6-2018

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: Dân Trí

Chuyên gia nói với BBC rằng trước báo cáo kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, bà mong chính phủ “nghe được tiếng nói lo ngại của cộng đồng kinh doanh về hệ lụy của luật An ninh mạng”.

Tổ chức Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo “Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” với một số nhận định: “Do được tạo đà vững chắc trong năm 2017, tăng trưởng được gia tốc mạnh hơn trong quý đầu năm 2018. Nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam ghi dấu tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất trong 10 năm qua.”

“Tình hình ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong năm 2017. Tổng bội chi ngân sách nhà nước ước tính vào khoảng 4,5% GDP trong năm 2017 so với mức 4,8% trong năm 2016 và 5,5% trong năm 2015,” văn bản nêu trên viết.

“Lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ được duy trì ở mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Kỳ vọng này dựa trên căn cứ là chính sách tiền tệ sẽ được thắt lại đủ để chống lại áp lực giá có thể hồi sinh trong trung hạn do áp lực giá đầu vào trong nước và/hoặc giá cả thương phẩm toàn cầu tăng lên.”

Khác biệt về cách tiếp cận’

Hôm 28/6, trả lời BBC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy tháng gần đây tương đối tốt. Có điều các báo cáo của các tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đưa ra những cảnh báo về việc có nền tảng để duy trì bền vững trong cả năm hay không.”

“Ngoài ra cũng có cảnh báo về lạm phát có nguy cơ tăng lên vì những nhân tố như chủ trương thúc đẩy tín dụng của chính phủ; chi phí y tế, giáo dục tăng; hoặc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung…”

Bà Chi Lan cũng cho hay: “Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm đến những cảnh báo đó và luôn tìm cách thúc đẩy môi trường kinh doanh, giảm chi tiêu công, cũng như đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ về cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.”

Trả lời câu hỏi liệu luật Đặc khu (dự kiến thông qua tháng 10/2018) và luật An ninh mạng có làm đảo lộn các dự báo kinh tế Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan đáp: “Điều này tùy thuộc vào việc Việt Nam thực thi luật An ninh mạng và sửa luật Đặc khu ra sao để tháng 10 tới Quốc hội có thể thông qua một luật tốt hơn, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế trong dài hạn, tránh những rủi ro như những chuyên gia đã phản biện thời gian qua.”

“Với luật Đặc khu, tôi tin là các chuyên gia sẽ tiếp tục đưa ra đề nghị về thay đổi luật này để đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế, ngăn nguy cơ, rủi ro.”

“Với luật An ninh mạng, tôi kỳ vọng khi được thực thi sẽ theo hướng như lãnh đạo Việt Nam giải thích là không nhằm vào gây cản trở cho kinh doanh, cho người dân tự do sử dụng Internet mà là để bảo vệ an ninh mạng nói chung.”

“Tôi mong chính phủ sẽ nghe được tiếng nói lo ngại của cộng đồng kinh doanh để đưa ra những quy định, điều khoản cụ thể của luật này để giảm đi những rủi ro cho nền kinh tế, hoạt động kinh doanh.”

“Có thể cách tiếp cận về luật An ninh mạng giữa người dân và những người soạn luật còn khoảng cách nhất định. Tôi mong là thời gian tới, những người quyết định thi hành luật sẽ tìm cách giải tỏa điều đó.”

Về khả năng các hãng công nghệ quốc tế như Google, Facebook rời bỏ thị trường Việt Nam do quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam của luật An ninh mạng, bà Chi Lan cũng thêm: “Tôi rất tiếc vì điều này đã được lên tiếng trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được bàn bạc một cách thấu đáo.”

“Tôi mong là khi bàn điều khoản cụ thể để thực hiện luật thì có xem xét thực tế hơn.”

“Nếu các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook rút khỏi Việt Nam vì không chấp nhận được điều kiện như luật này đưa ra, hoặc một số nhà kinh doanh cảm thấy cần thu hẹp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vì thấy rủi ro thì điều đó gây phương hại cho kinh tế Việt Nam.”

“Và như vậy thì cuối cùng thì luật An ninh mạng không đáp ứng được nhu cầu là phục vụ cho công cuộc phát triển.”

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây