Chợ Lớn và người Hoa ở đô thị Việt bị xóa tên

Nguyễn Quang Duy

28-6-2018

Chợ Lớn thập niên 1950. Nguồn: nhiếp ảnh gia Carl Mydans/ Life

Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký nằm trên đường Cộng Hòa, giáp ranh hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nên lớp nào cũng có học sinh người Việt gốc Hoa. Lợi Nhi, Thôi Nhỏ, Ngọc Lỳ, Quốc Dân,… là tên vài người bạn cũ cùng lớp có thể đoán biết là gốc Hoa. Còn các bạn đã có tên hoàn toàn tiếng Việt thì tôi đành chịu thua không biết ai là người gốc Hoa. 

Quốc Dũng, bạn thân nhất của tôi có ông nội bà nội từ Trung Hoa sang, ba làm công chức, mẹ người Biên Hòa, nhà như mọi gia đình Việt khác. Tôi chỉ biết Dũng gốc Hoa khi đến thăm gia đình nội Dũng. Chúng tôi không hề phân biệt gốc Bắc, gốc Nam hay gốc Hoa.

Ngày Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa (1974) chúng tôi đều phản ứng giận dữ như nhau và đều mong sẽ có ngày lấy lại.

Bài viết này để bổ túc cho bài “Phục Hồi Chợ Lớn Góp Phần Phát Triển Việt Nam” trên trang web BBC Tiếng Việt, và trả lời một số câu hỏi bạn đọc về người Việt gốc Hoa và Chợ Lớn.

Chợ Lớn là của người Việt

Nhà tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Bàn Cờ thuộc Quận 3 ngay sát ranh Chợ Lớn. Cha tôi làm thầu xây cất cho chính phủ nên từ khi còn nhỏ tôi thường được đi theo lên Chợ Lớn mua hàng. Cha tôi nói người Hoa buôn bán lấy chữ tín làm đầu, ân cần với khách, nói sao bán vậy, giá rẻ, hàng tốt, giao tận nơi, giao đúng lúc, họ giàu nhờ vậy.

Chợ Lớn ngay cái tên đã là tiếng Việt do người Việt gọi, Hoa Kiều gọi theo, người Pháp lấy để đặt tên cho thành phố Chợ Lớn, rồi cho tỉnh Chợ Lớn. Di tích cổ nhất là Đình Minh Hương ở giữa Chợ Lớn, số 380 đường Trần Hưng Đạo, Quận 5, xây theo kiến trúc cổ Việt Nam vào năm 1789, trùng tu năm 1839 và 1901. Mọi văn tự trong đình viết chữ Nôm, thờ danh tướng Việt Nam Nguyễn Hữu Cảnh và những bậc tiền bối Minh Hương có công khẩn đất lập làng.

Chợ Lớn từng thu hút nhiều sắc dân Trung Hoa nên có nhiều di tích của người Hoa, như Hội Quán, Chùa, Phố Cổ của người Quảng, người Triều Châu, người Phúc Kiến… Có những xóm chỉ sản xuất, mua bán một số mặt hàng. Ngoài ra còn có các di tích lịch sử của người Miên, người Chàm, người Hồi giáo, người Singapore, người Mã Lai, người Pháp…

Tôi từng nhiều lần lang thang trên những khu phố Chợ Lớn. Giờ đi nhiều nơi, xem nhiều phim ảnh mới thấy thế giới không nơi nào có một thành phố đa văn hóa như Chợ Lớn.

Chợ Lớn thập niên 1950. Nguồn: nhiếp ảnh gia Carl Mydans/ Life

Điều đáng lo ngại là càng ngày càng nhiều di tích lịch sử đang bị đập bỏ lấy đất xây cao ốc, mất dần vẻ đẹp cổ kính khi xưa. Quá khứ, hiện tại và tương lai cần phát triển một cách hài hòa. Việc bảo tồn và phục hồi các di tích lịch sử vì thế vô cùng quan trọng. Một khi đã phá bỏ sẽ không bao giờ có thể xây dựng lại.

Chợ Lớn thập niên 1950. Nguồn: nhiếp ảnh gia Carl Mydans/ Life

Vai trò doanh nhân

Có bạn đọc góp ý “Chợ Lớn bé chút xíu phát triển cái nỗi gì”. Chợ Lớn bé thật nhưng trước đây, Hoa kiều kiểm soát phần lớn nền kinh tế, thu mua, phân phối, xuất nhập cảng tại Đông Dương và miền Nam điều này cho thấy thực tài kinh doanh của họ.

Chợ Lớn thập niên 1950. Nguồn: nhiếp ảnh gia Carl Mydans/ Life

Hoa kiều đến định cư tại Chợ Lớn là những người có óc mạo hiểm, họ sẵn sàng chấp nhận thử thách và vượt qua rủi ro để kinh doanh. Trong khi người Việt, kể cả người Minh Hương, thường cho con đi học ra làm quan hay có cái nghề chuyên môn, thì Hoa kiều đào tạo con cái họ thành các doanh nhân.

Trẻ em đã được gia đình khuyến khích tự lập, tự gây vốn, tự đầu tư, tự làm chủ, tự nhận trách nhiệm. Họ truyền cho con em những căn bản buôn bán từ lý thuyết đến thực hành. Bang hội đứng sau lưng khuyến khích, nâng đỡ, thúc đẩy doanh nhân trẻ tự vươn lên. Nói vậy không có nghĩa là người Hoa không có những vụ tai tiếng do gian thương gây ra.

Tôi nhớ có vụ chim cút ở Sài Gòn đầu thập niên 1970, khi gian thương tung tin chim và trứng cút là thuốc trị được nhiều thứ bệnh, có bao nhiêu các nhà hàng người Hoa đều mua hết.

Nuôi chim cút trở thành cơn sốt từ Sài Gòn lan ra các tỉnh. Cha tôi mua chim con vừa nở đem bán kiếm chút lời. Có lúc chim con lên đến ba ngàn đồng một con trong khi tô phở ngon giá chưa tới 20 đồng. Đến lúc giá chim bắt đầu xuống cha tôi bán hết nên có lời, còn nhiều gia đình khác bị thua lỗ nặng có người phá sản.

Sau này mới biết vụ chim cút là do gian thương Lý Long Thân tạo ra. Nghe nói ông ấy giàu lắm có cơ sở làm ăn ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không ai rõ ông ấy có ở Chợ Lớn không. Khởi đầu, ông cho đăng trên báo Hong Kong nên được nhiều người Hoa tin rồi tiếng đồn lan sang người Việt. Nhiều người Việt gốc Hoa vừa bị thua lỗ đồng thời còn bị mang tiếng xấu trong vụ này.

Nắm bắt thông tin

Cuộc cách mạng toàn cầu lần thứ 4 là cuộc cách mạng bùng nổ thông tin, ai nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất sẽ là người thắng cuộc. Ngay từ thời Pháp, Hoa kiều Chợ Lớn đã thiết lập những đường dây điện tín và điện thoại liên lạc trực tiếp với Hong Kong, Singapore và thế giới, nắm bắt thông tin kiểm soát thị trường nhanh và hiệu quả, giúp họ thành công trên thương trường.

Dự luật về an ninh mạng vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua chẳng khác nào kéo lùi sự phát triển của đất nước. Cuộc cách mạng toàn cầu lần thứ 4 hướng tới việc phát triển các ý tưởng khả thi, những lý thuyết cơ bản thành những sản phẩm công nghệ cao.

Một thể chế được dân tin tưởng sẽ thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới quay về phục vụ quốc gia. Các doanh nhân Việt Nam ngày nay đa phần đều dựa vào nhóm lợi ích hay đều có người trong guồng máy cầm quyền đỡ đầu.

Khi có sự thay đổi nhân sự hay thể chế các doanh nhân này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khó có thể vượt qua và tồn tại. Vì thế, Việt Nam cần sửa soạn xây dựng một tầng lớp doanh nhân mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chiến lược hiện thời cần xét lại

Sau 1989, Việt Nam đề cao chiến lược thu hút đầu tư quốc tế sử dụng nhân công rẻ đẩy mạnh xuất cảng. Nhiều khu chế xuất được thành lập, xuất cảng gia tăng, nhưng một số mặt hàng công nghệ tiêu dùng giờ lại được nhập cảng, nhất là nhập cảng từ Trung Quốc. Đáng quan tâm là nhiều mặt hàng nông nghiệp rau quả, trái cây cũng không thể cạnh tranh với hàng nhập cảng từ Trung Quốc.

Việt Nam là một quốc gia đến 80 phần trăm dân chúng vẫn sống ở nông thôn mà nay phải nhập cảng nông sản phẩm. Chúng ta cần xét lại chiến lược phát triển hiện nay và bài học từ Chợ Lớn là rất có giá trị.

Từ thời Nguyễn, cảng Sài Gòn đã được mở cho tàu bè quốc tế ra vào buôn bán thuế quan rất nhẹ. Khi ấy tàu bè từ miền Tây muốn mang nông sản lên cảng Sài Gòn xuất khẩu phải qua con rạch nhỏ. Nhận ra con đường chiến lược này, năm 1819 vua Gia Long cho đào vét tạo thành kênh Tàu Hũ.

Người Pháp tiếp tục nạo vét hai lần vào những năm 1887 và 1895, rồi cho nới rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Hàng hóa, nông sản đặc biệt gạo lúa được chở trên các xà lan qua kênh Tàu Hũ chi phí vừa rẻ, vừa rất thuận lợi mà lại không sợ gió bão như đi đường biển. Lúa từ khắp nơi đổ về các nhà máy xay lúa, các kho chứa dọc hai bên bờ kênh, rồi từ đó đưa lên tàu chở ra Bắc, ra Trung hay xuất cảng.

Năm 1931, ở Chợ Lớn có 75 nhà máy xay lúa, trong đó có ba nhà máy là của người Âu, số còn lại là của người Hoa; tám trong số các nhà máy này có sản lượng mỗi ngày là 1.800 tấn. Chợ Lớn được mệnh danh là thủ đô của lúa gạo. Thời ấy gạo miền Nam nổi tiếng thơm ngon và được thế giới ưa chộng, xuất cảng lên đến gần hai triệu tấn vào năm 1940.

Ngày nay, kênh Tàu Hũ vẫn tiếp tục vai trò chuyển vận lúa gạo từ miền Tây ra cảng Sài Gòn. Đáng tiếc trong gần một thế kỷ con kênh bị bỏ quên, dân chiếm bờ, rác tràn ngập, nước đen kịt, ô nhiễm trầm trọng, cách đây vài năm kênh mới được nạo vét lại.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam theo kinh tế tự do và khuyếch trương công nghệ người Việt gốc Hoa trước đây chỉ giỏi về mua bán đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất công nghệ tiêu dùng. Chỉ sau hơn 10 năm nhiều nhà máy đã được thành lập tại Biên Hòa, Thủ Đức và quanh khu Chợ Lớn. Nhiều mặt hàng công nghệ được sản xuất đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước không phải nhập cảng như trước đây.

Bang hội và quyền tự quản

Năm 1841, vua Thiệu Trị cho phép thành lập Đại Bang gồm bảy bang: Quảng Châu, Phúc Châu, Phúc kiến, Triều Châu, Quế Châu, Lôi Châu và Hải Nam. Đại Bang có nhiệm vụ ấn định giá gạo và giải quyết những tranh chấp nội bộ giữa người Hoa di cư với nhau. Hoa kiều phải gia nhập một trong bảy bang để được cấp thẻ cư trú. Chính sách tự quản nhằm cho phép Hoa kiều tự kiểm soát Hoa kiều.

Người Minh Hương đã hội nhập vào xã hội Việt Nam, nhiều người làm quan cả văn lẫn võ được xem là người Việt không được phép sinh hoạt trong các bang hội. Người Hoa nói chung rất trọng chữ tín, họ thường rất sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng và luôn muốn nhận trách nhiệm được cộng đồng giao phó.

Bang trưởng là người có nhiều cống hiến trong việc phát triển cộng đồng. Thứ bậc trong mỗi bang thường khá rõ ràng, mỗi bang đều có Hội quán là nơi liên hệ với chính quyền, giúp tương trợ cộng đồng, tín ngưỡng và giáo dục.  Chùa và trường học thường được lập kế bên Hội Quán. Bang lớn còn chợ, khu phố và có nhà thương riêng.

Thời Pháp, Hội đồng thành phố Sài Gòn đầu tiên gồm một thị trưởng và 13 nghị viên với nhiệm kỳ hai năm. Bảy người được bầu và sáu được thống đốc đề cử. Nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký và doanh nhân Trần Khánh Hòa người Hoa được Thống Đốc đề cử vào Hội Đồng đầu tiên này.

Người Pháp chọn sống ở Sài Gòn nhiều hơn ở Chợ Lớn. Sau này nhiều người Việt và Hoa gia nhập quốc tịch Pháp nên ảnh hưởng đến hầu hết quyết định của Hội Đồng thành phố Chợ Lớn. Việt Nam hiện nay chưa có luật sinh hoạt hội đoàn nên bang hội vẫn chưa được công nhận.

Người Việt gốc Hoa đi về đâu?

Sau 30/4/1975 hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa bỏ nước đi, sau lại bảo lãnh gia đình nên con số đã giảm từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900 nghìn năm 1989. Theo thống kê năm 1999, tổng số người Việt gốc Hoa là 862.371 và tiếp tục giảm, và đến năm 2009, chỉ còn lại 823.071 người.

Điều gì đã xảy ra trong cộng đồng người Việt gốc Hoa? Chợ Lớn đang bị xóa bỏ? Người Hoa đang bị đồng hóa? Dường như việc này không được giới chức có thẩm quyền hay giới nghiên cứu xã hội quan tâm. Nếu đã xem người dân như nội lực thì người Việt gốc Hoa (và Chợ Lớn) chính là tiềm lực bị bỏ quên là thất bại nặng nề của thể chế hiện nay.

Xin mượn hai câu thơ Sấm Trạng Trình câu thứ 403 và 404 trong Tứ Thánh để kết thúc bài viết:

Chừng nào Chợ Lớn hết vôi/ Bắc Nam hết cá người ngồi mới yên.

Nguyễn Quang Duy, Melbourne, Úc Đại Lợi

Tác giả gửi Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook