Hãy trả lại tự do cho thơ văn

FB Nguyễn Ngọc Chu

27-6-2018

Đề thi văn tốt nghiệp THPT năm 2018 đang khơi lên những bàn luận sôi nổi đa chiều. Việc hay dở của đề văn xin nhường lại cho các nhà chuyên môn. Ở đây chỉ xin góp một góc nhìn vỡ đất thô thiển của một kẻ ngoại đạo.

ÁP ĐẶT CHÍNH TRỊ

Không phải chỉ năm nay mà đã nhiều chục năm qua, đề văn không hay. Bởi vì các đề văn đều bị mắc một nan bệnh xuyên suốt. Đó là áp đặt chính trị.

Biết rằng văn là cuộc sống. Văn không thể thoát khỏi cuộc sống. Nhưng hãy lục lại tất các đề văn nhiều chục năm qua, đề văn nào cũng bắt học sinh phải nói đến chính trị đương thời.

Ép buộc nói đến chính trị đương thời tuy gò bó, nhưng chưa phải là tai vạ. Mà tai vạ nằm ở chỗ, buộc phải bàn đến chính trị đương thời theo một luồng suy nghĩ bị áp đặt trước. Mọi sự phá rào tức thì sẽ bị đánh thấp điểm, bởi cho rằng bị sai hay lạc đề. Đó là bỏ tù văn chương. Đó là trói buộc sáng tạo. Đi ngược với bản chất tự do sáng tạo của văn chương.

HẠN CHẾ TẦM NHÌN LỊCH SỬ

Học văn 12 năm là học văn theo chiều dài lịch sử của Dân tộc. Đề văn Tốt nghiệp PTTH hầu như chỉ gò bó trong khuôn khổ các tác phẩm, tác giả đương đại. Đó là hạn chế tầm nhìn lịch sử.

TẦM CHƯƠNG TRÍCH CÚ

Phải suy nghĩ theo một luồng tư tưởng áp đặt trước đã là khó chịu, học sinh còn phải bị trả lời những câu hỏi sặc mùi tầm chương trích cú, về tác giả tác phẩm. Trên thực tế, cách nhìn của các em học sinh rất khác với cách nhìn của người ra đề. Rằng, các em không tìm thấy điều hay điều đẹp trong các tác phẩm như người ra đề nhìn thấy. Chưa nói đến điều nhìn thấy của người ra đề thực ra không do chính họ nghĩ ra, mà bị ảnh hưởng bởi luồng tư tưởng khuôn mẫu áp đặt trước.

Khi học văn, yêu tác phẩm hay nhà văn nào người đọc tự khắc sẽ nhớ được. Nhưng khi bắt học sinh phải trả lời các câu hỏi về các tác giả tác phẩm mà cá nhân các em không yêu thích thì đó là cực hình. Học văn mà phải trả lời các câu hỏi thống kê thì thật vô cùng buồn tẻ. Chẳng bao giờ thức dậy được khao khát văn chương.

KHÔNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGƯỜI THI

Hãy làm một phép thử giản đơn, cho học sinh tự do chọn tác phẩm tác giả để nghị luận, thì các em có chọn các tác giả tác phẩm mà mấy chục năm qua đề thi văn đã lựa chọn hay không? Ra đề thi mà không chịu nhìn từ góc độ người thi thì không bao giờ có thể có một đề thi tốt.

Nhưng vấn đề không chỉ là đề thi tốt. Mà khi không nhìn từ góc độ người thi, thì không thể nhìn được tài năng tiềm ẩn của học sinh, nên không thể thức tỉnh và càng không thể tạo cơ hội để thăng hoa tài năng văn chương của các em.

Quay về một chút với đề thi văn năm nay. Không ai có thể bắt các em phải đánh thức tiềm lực của đất nước một cách gượng ép. Muốn biết bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy có thành công hay không khi được chọn làm đề thi văn năm nay, thì hãy hỏi các em học sinh vừa thi xong, rằng thành thật trong đáy lòng, đọc bài “Đánh thức tiềm lực” có đánh thức được tiềm năng thơ văn của các em hay không?

Một phép thử khác nữa, là hỏi nhà thơ Nguyễn Duy, rằng nếu để ông chọn thơ ông cho đề thi văn thì ông có chọn bài “Đánh thức tiềm lực” hay không?

Hai phép thử giản đơn sẽ cho biết đề văn thành công đến mức độ nào.

HÃY TRẢ LẠI TỰ DO CHO THƠ VĂN

Mười hai năm học văn ở PTTH nếu lúc kết thúc mà phải thể hiện, thì dứt khoát phải thể hiện những thăng hoa văn học từ những gì đã tích lũy. Những câu hỏi truy cứu kiến thức khuôn mẫu tầm thường không đưa lại cảm hứng văn học, mà giam cầm những sáng tạo cá nhân, làm thui chột tài năng văn chương ở thời điểm rẽ nhánh quan trọng nhất của một đời người.

Như cỏ cây, dòng sông, ngọn gió trên thảo nguyên bao la, sự phóng khoáng sinh ra muôn sắc màu kỳ diệu. Một đất nước tự do tư tưởng là phù sa sinh dưỡng những tài năng xuất chúng làm cho đất nước giàu mạnh.

Chỉ những tư tưởng luôn hướng tới tự do, mới khát khao tự do đến cháy bỏng mà không bao giờ đếm xỉa đến sự đớn hèn ràng buộc tự do của người khác. Một đất nước có nhiều những tư tưởng tự do tự khắc sẽ hùng cường. Một đất nước nhiều những kẻ kìm hãm tự do thì tất sẽ bị phụ thuộc.

Học văn là học tự do. Dạy văn là dạy xé biên giới.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây