Thẩm vấn – Những điều nên biết

Hate Change

10-6-2018

Phần 1– Quy tắc trong thẩm vấn

Có thể bạn đã từng được xem một cuộc thẩm vấn trên phim ảnh, hoặc bạn có khả năng đã có trải nghiệm của riêng mình nếu bạn đang là độc giả thường xuyên của Hate Change. Bởi vì, tại Việt Nam, không chỉ các nghi phạm hình sự, nhân chứng mà ngay cả những người biểu tình ôn hòa cũng có nguy cơ bị tạm giữ và thẩm vấn. Chính vì vậy khi quyết định trở thành nhà hoạt động, hay chỉ đơn giản là tham gia ủng hộ các hoạt động, phong trào xã hội đấu tranh lại các bất công, bạn có nguy cơ cao phải tham gia vào một cuộc thẩm vấn bất đắc dĩ.

Chúng tôi biết rằng cho dù bạn không làm điều gì trái luật nhưng lại được mời tham gia một cuộc thẩm vấn trái pháp luật, thì những trải nghiệm trong một căn phòng kín với những viên anh ninh đầy quyền lực là điều không hề dễ dàng. Bạn chỉ có thể đứng vững trước các “kỹ thuật” thẩm vấn nếu bạn hiểu làm thế nào mà nó hoạt động, người thẩm vấn sẽ thực hiện các kỹ thuật gì và làm thế nào bạn có thể đối mặt với tình huống đó.

Dựa trên nguyên tắc bạn chỉ sợ hãi trước những gì bạn không biết, Hate Change thực hiện loạt bài về chủ đề Thẩm Vấn nhằm trang bị vũ khí là kiến thức về thẩm vấn cho nhà hoạt động. Bạn có thể sẽ thấy các bài viết cung cấp kiến thức thẩm vấn chung có các thủ thuật về nói dối, nhưng vì tính đặc thù của hệ thống hành pháp của Việt Nam, vì sự an toàn của bạn, chúng tôi nhấn mạnh rằng các nhà hoạt động nên cân nhắc nguyên tắc không nói dối. Vì vậy loạt bài này sẽ bao gồm: các kiến thức thẩm vấn một cách khái quát và kiến thức chuyên sâu cho nhà hoạt động Việt Nam. Ở bài viết về chiến thuật cho nhà hoạt động, chúng tôi sẽ đưa ra lập luận tại sao nguyên tắc không nói dối lại quan trọng khi đương đầu với quá trình thẩm vấn.

Thẩm vấn là gì?

Thẩm vấn là một hình thức giao tiếp bất tương xứng trong đó, phương pháp mà mục tiêu của một bên khác hoàn toàn với bên còn lại.

Người thẩm vấn sẽ cố gắng tìm kiếm các thông tin từ người bị thẩm vấn để phục vụ cho một số mục đích nhất định, chẳng hạn như trả lời cho câu hỏi “Ai là người đã làm việc gì đó”. Mục tiêu của người bị thẩm vấn là giữ được các lợi ích của riêng họ, bao gồm tự bảo vệ bản thân và có thể là các mục tiêu xã hội rộng hơn, đặc biệt là khi họ là một nhân chứng hoặc vô tội.

Có thể phân loại thẩm vấn thành 3 loại:

– Việc thẩm vấn mà người bị thẩm vấn sẽ tự do đưa ra thông tin, ví dụ như một nhân chứng cho một tội phạm.

– Việc thẩm vấn tìm kiếm thông tin mà người bị thẩm vấn không muốn tiết lộ, ví dụ như trong việc thẩm vấn bạn bè của một tên tội phạm bị nghi ngờ

– Việc thẩm vấn tìm kiếm sự thú nhận, một sự thừa nhận một hành động cụ thể, ví dụ như trong việc thẩm vấn một người bị nghi ngờ phạm tội.

Người thẩm vấn thường là những người được đào tạo bài bản các kĩ thuật thẩm vấn, trong khi người bị thẩm vấn có thể là nghi phạm, nhân chứng. Các kỹ thuật thẩm vấn có thể thay đổi và biến hóa.

Mục tiêu chính của quá trình thẩm vấn là có được các thông tin và điều qua trọng nhất là khiến người khác hợp tác.

Bởi vì người bị thẩm vấn có lý do để không tiết lộ hoặc nói cho người khác sự thật, do đó người thẩm vấn sẽ sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt được mục tiêu của họ.

Việc thẩm vấn thường gợi lên những hình ảnh của các phương pháp khắc nghiệt, đau đớn, gây sợ hãi cho người cung cấp thông tin. Tuy nhiên phương pháp dựa trên nỗi sợ hãi sẽ ít có tác dụng với những người có kinh nghiệm, can đảm hoặc đôi khi là lì lợm.

Quy tắc trong thẩm vấn

Dưới đây là mười ‘quy tắc của trò chơi’ được mô tả bởi Walton, (2003), diễn tả trình tự một cuộc thẩm vấn có thể diễn ra. Diễn biến này dựa trên hoàn cảnh là người bị thẩm vấn không muốn đưa cho người thẩm vấn thông tin mà họ tìm kiếm.

1. Người bị thẩm vấn nên cẩn thận để không vô tình nói điều gì có thể làm lộ thông tin mà anh ta muốn che giấu, hoặc cho phép người thẩm vấn suy ra nó.

2. Người thẩm vấn có thể ép buộc người bị thẩm vấn tiết lộ thông tin thông qua sự đe dọa hoặc sự trừng phạt, nhưng chỉ bằng các phương tiện được cho phép (theo luật của từng quốc gia và luật quốc tế)

3. Người thẩm vấn cần đặt câu hỏi cho người bị thẩm vấn. Những câu hỏi này có thể, và thường có tính dẫn dắt, định hướng và dàn dựng.

4. Người được thẩm vấn nên trả lời một cách chung chung, mập mờ, gây nhầm lẫn nếu điều này giúp tình hình của anh ta tốt hơn/ hoặc không xấu đi.

5. Người thẩm vấn nên thăm dò một cách cẩn trọng câu trả lời và phản ứng của người bị thẩm vấn và cố gắng sử dụng chúng để trích xuất thông tin.

6. Người bị thẩm vấn nên cố gắng nhất quán trong các câu trả lời.

7. Nếu người thẩm vấn tìm thấy những mâu thuẫn trong câu trả lời của người bị thẩm vấn, hoặc những phát biểu đáng ngờ, hoặc những tuyên bố không nhất quán với thông tin từ những nguồn khác, thì nên đặt câu hỏi để kiểm tra chúng một cách nghiêm túc.

8. Nếu người thẩm vấn lấy được thông tin mà anh ta muốn có từ người bị thẩm vấn, thì anh ta đã đạt được mục tiêu của mình và cuộc đối thoại kết thúc với phần thắng thuộc về người thẩm vấn.

9. Nếu người thẩm vấn chấm dứt thẩm vấn mà không nhận được thông tin mà anh ta muốn, và người bị thẩm vấn vẫn giữ được thông tin của mình, thì cuộc đối thoại kết thúc với chiến thắng của người bị thẩm vấn.

10. Hai bên có thể sử dụng bất kỳ lý lẽ nào, ngay cả các thủ thuật không thích hợp và dối trá để đạt được mục tiêu của họ.

_____

Phần 2Người bị thẩm vấn nên làm gì?

Dưới đây là một số quy tắc cơ bản cho người bị thẩm vấn.Tất nhiên người thẩm vấn chuyên nghiệp sẽ biết và tìm cách chống lại những điều này, nhưng phần tiếp của loạt bài về thẩm vấn sẽ cung cấp cho bạn các quy tắc cũng như các thủ thuật của người thẩm vấn, để  giúp bạn hiểu và chuẩn bị cho mình tốt hơn nếu bạn bị buộc phải trở thành người bị thẩm vấn.

1. Giảm thiểu tác hại

Quy tắc cơ bản cho người bị  thẩm vấn là giảm đến mức tối thiểu tổn hại mà bạn có khả năng gặp phải, đặc biệt là về lâu dài. Chẳng hạn nếu bạn không thể làm người thẩm vấn có cảm tình với mình thì cũng đừng tạo ra không khí căng thẳng, thù ghét. Bởi vì chắc chắn bạn không muốn bị đánh đập hay gây thù chuốc oán, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật sau đó. Hãy thân thiện, nhưng cũng đừng khúm núm, tỏ ra sợ hãi, yếu thế. Hãy hít thở sâu, lấy lại bình tĩnh. Nếu có kinh nghiệm về thiền, hãy vận dụng lúc này.

 2. Đưa ra thông tin tối thiểu

Đừng bao giờ tình nguyện đưa ra các thông tin mà không có bất cứ mục đích gì. Khi người thẩm vấn hỏi một câu, hãy trở lời vừa đủ trong phạm vi câu hỏi với thông tin bạn sẵn sàng chia sẻ. Hãy nhớ rằng đây không phải là một cuộc nói chuyện vô thưởng vô phạt. Một thông tin thừa của bạn có thể chỉ hướng đến một người nào đó hay một địa điểm nào và gây hại cho chính bạn hoặc bạn bè và đồng nghiệp. Hãy quyết định chiến lược trả lời thẩm vấn và bám sát vào đó.

 3. Che giấu

Biết được những điều mà bạn không muốn người khác tìm ra được và cố gắng dùng mọi cách để đảm bảo những bí mật này bị chôn sâu. Đừng tạo ra bất cứ gợi ý, hoặc sự thừa nhận nào có khả năng dẫn người thẩm vấn theo hướng đó. Nếu các cuộc thảo luận đi gần tới những khu vực bị che giấu, hãy bình tĩnh và ẩn giấu chúng cẩn thận hơn.

Những nỗ lực gây nhiễu của người thẩm vấn có thể khiến bạn tiết lộ những gì bạn đang che giấu. Ngoài ra, nếu bạn đang cố gắng dẫn chuyện theo một hướng, người thẩm vấn có thể coi đó là một dấu hiệu và đi theo hướng ngược lại.

Hãy phân loại thông tin và lên kế hoạch đâu là thông tin bạn quyết định bằng mọi cách phải giữ kín, đâu là thông tin có thể chia sẻ để tạo thiện cảm, tránh các nguy hiểm không cần thiết.

4. Đánh lạc hướng

Tham gia trò chơi với người thẩm vấn và cố gắng đánh lạc hướng và giữ sự chú ý của họ ở những khu vực an toàn. Khi bạn lấy được sự chú ý của người thẩm vấn, bạn có thể dẫn dẵt họ tới các khu vực khác và tránh xa khu vực mà bạn muốn che dấu. Sự đánh lạc hướng thường được dùng là giả vờ rằng bạn đang cộng tác, trả lời các câu hỏi của họ.

5. Trì hoãn

Tìm cách làm chậm quá trình thẩm vấn, đặc biệt là khi bạn có thể hưởng lợi từ việc này. Giả ốm, hoặc không thể cộng tác có thể là lựa chọn tốt nếu bạn có khả năng “diễn xuất”.Hoặc bạn có thể yêu cầu thêm thời gian để suy nghĩ và không quên thể hiện rằng bạn đang sắp hợp tác đến nơi rồi, chỉ cần thêm thời gian quyết định nữa thôi.

6. Bóp méo

Khi bạn buộc phải đưa ra thông tin, bóp méo nó, bỏ đi phần quan trọng hoặc thêm vào các thông tin nhiễu khác. Thay đổi tên, địa điểm, thời gian, …Nhưng lưu ý rằng bạn phải nhớ các chi tiết bạn đã thay đổi vì người thẩm vấn có thể sẽ hỏi đi hỏi lại nhiều lần nhằm kiểm tra tính trung thực của các thông tin.

Nói dối là điều rất khó, nhất là đối với các thẩm vấn viên giàu kinh nghiệm. Vì vậy nếu bạn không tự tin rằng bạn có thể nhớ các chi tiết bạn đã thay đổi khác với sự thật, tốt nhất là không đề cập đến nó, hoặc khẳng định rằng bạn không biết.

7. Thương lượng

Cuối cùng, khi bạn buộc phải cung cấp thông tin thật, hãy thương lượng với người thẩm vấn bằng cách đưa ra các yêu cầu mà bạn chắc chắn sẽ được đáp ứng. Thông thường người thẩm vấn sẽ hứa hão để tìm cách lấy được thông tin của bạn. Kiểm tra khả năng đáp ứng lời hứa của đối phương bằng các trao đổi nhỏ trước khi cung cấp bất cứ thông tin gì. Lưu ý rằng bạn chỉ đưa ra các thông tin mà bạn đã chuẩn bị để cho thể cho đi.

Người thẩm vấn cũng có thể kiểm tra bất cứ điều gì bạn cung cấp cho họ, vì vậy hãy cẩn thận. Bạn có thể cung cấp cho họ những thứ khó xác minh hoặc những thứ có vẻ hữu ích nhưng thật ra là không.

_____

Phần 3 – Các kỹ thuật thẩm vấn

Có nhiều phương pháp thẩm vấn trong thực tế để phục vụ cho điều tra pháp lý trong dân sự, hình sự và trong quân đội. Người thẩm vấn chuyên nghiệp được đào tạo và làm chủ các kỹ thuật thẩm vấn phục vụ cho công việc của họ. Chúng có thể là các kỹ thuật tâm lý hoặc là các thủ thuật cực đoan. Biết được các kiến thức này sẽ giúp những người có nguy cơ bị thẩm vấn không bị động do hiểu rõ diễn biến và chủ động tìm ra các phương pháp phản thẩm vấn phù hợp.

1. Tỏ ra đã biết hết

Người thẩm vấn sẽ nói với người bị thẩm vấn rằng họ đã biết rõ những thông tin mà họ đang hỏi (đó có thể là một việc đã xảy ra hoặc một việc đã không xảy ra). Họ thậm chí sẽ nói ra một số thông tin cá nhân và các hoạt động trong quá khứ của người bị thẩm vấn. Và dĩ nhiên họ cũng không quên tuyên bố rằng họ còn biết nhiều hơn nữa và thông tin này được cung cấp bởi một ai đó đã từng làm việc với người đang bị thẩm vấn.

Người thẩm vấn sẽ theo dõi phản ứng của người đang bị thẩm vấn trước các thông tin mà họ cung cấp để tìm ra sự thật.

Kết quả là rằng người bị thẩm vấn tin rằng đối phương đã biết rõ những gì họ đang cố gắng che giấu thường là tiết lộ sự thật vì cảm giác bị phản bội (ai đó đã làm trái nguyên tắc và cung cấp tin tức trước đó); hoặc đơn giản là muốn thoát khỏi căng thẳng.

2. Thể hiện quyền hạn và quyền lực

Người thẩm vấn sẽ thể hiện quyền lực thông qua chức vụ, quyền hạn và những gì họ có thể làm với người bị thẩm vấn. Đôi khi họ có thể tuyên bố họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn để đe dọa người bị thẩm vấn. Họ sẽ khiến đối phương phải tuân theo những yêu cầu của họ như những đứa trẻ phải nghe lời bố mẹ. Họ sẽ mặc đồng phục của công an/cảnh sát/quân đội để thể hiện vị trí của mình và dùng ngôn ngữ mệnh lệnh của người có quyền lực đang ở thế trên cơ. Ví dụ: “Đứng dậy. Bây giờ nhìn vào mắt tôi khi tôi đang nói chuyện với anh. Nói cho tôi nghe anh đã ở buổi hội thảo đó với những ai?” Ngôn ngữ quyền lực không hẳn là quát tháo, thông thường nó khá êm tai nhưng uy lực. Bởi vì người thẩm vấn tin rằng họ có đầy đủ quyền lực trong tình huống này.

3. Hậu quả thảm khốc

Người thẩm vấn sẽ chỉ ra những hậu quả của việc không hợp tác, và dĩ nhiên không quên thổi phồng chúng. Họ cố gắng khiến người bị thẩm vấn gia tăng cảm giác sợ hãi bằng cách khuếch đại những thứ đơn giản thành những điều rất tồi tệ. Họ có thể nói với đối phương rằng bất cứ hành động không hợp tác nào cũng có thể dân đến hậu quả thảm khốc và thậm chí là cho những người thân yêu của họ.

4. Hỏi trực tiếp

Người thẩm vấn sẽ đặt câu hỏi trực tiếp một cách đơn giản và rõ ràng. Họ đặt câu hỏi với giọng trung tính và dễ chịu, không thể hiện sự đe dọa hay lo lắng. Tuy nhiên họ sẽ quan sát cách phản hồi của người bị thẩm vấn: nhanh hay chậm. Nếu xuất hiện sự trì hoãn ngắn khi trả lời, người thẩm vấn có thể cân nhắc rằng đối phương đang nói dối.

Một người bình thường, khi được hỏi một câu hỏi thẳng thắn, sẽ đưa ra một câu trả lời thẳng thắn mà không suy nghĩ quá nhiều về việc họ có nên trả lời hay không. Ngoài ra thông thường, mọi người sẽ trả lời câu hỏi, ngay cả từ người lạ.

Thông thường, người thẩm vấn sử dụng phương pháp này trước bất cứ phương pháp nào được liệt kê trong bài này, trừ khi họ cố gắng giấu cách họ tiếp cận đối phương.

Người thẩm vấn có thể đặt câu hỏi trực tiếp này ở những thời điểm bất ngờ khi ý thức tự vệ của người bị thẩm vấn giảm. Ví dụ khi họ đưa cho người bị thẩm vấn một cốc nước hay gói thức ăn, hoặc ngay khi người này đang chuẩn bị rời đi.

5. Vẽ ra con đường dễ dàng nhất

Người thẩm vấn sẽ nói với đối phương rằng cách dễ dàng nhất là cung cấp thông tin cho họ. Bằng cách hỏi liên lục và dai dẳng, không để cho đối phương nghỉ ngơi, người thẩm vấn sẽ khiến cho người bị thẩm vấn thấy rằng mọi sự nỗ lực che giấu thông tin dẽ dẫn đến khó khăn, ngoại trừ việc hợp tác. Ví dụ: “Hãy nhìn xem, chúng ta đã nói chuyện cả thập kỉ rồi, giờ tôi chuẩn bị về nhà đây. Nếu anh cũng muốn về nhà, tại sao anh không nói cho tôi sự thật và tôi đảm bảo anh sẽ được ra về ngay lập tức”.

Sau một thời gian dài thẩm vấn, một lời khuyên hợp tác để được về nhà có thể rất hấp dẫn. Sức mạnh của ý chí cũng giống như năng lượng, nó có thể giảm dần theo thời gian và vì thế việc trả lời câu hỏi để đi tới một kết thúc tốt đẹp có thể trở nên ngày càng hấp dẫn.

6. Lặp lại sai các thông tin

Người thẩm vấn sẽ nhắc lại các thông tin trong lời khai của người bị thẩm vấn nhưng thay đổi nội dung (có thể là chỉ thay một số chi tiết nhỏ, ít được chú ý, hoặc thay đổi các chi tiết quan trọng) và đợi xem người bị thẩm vấn có chỉnh lại phần nội dung bị cố tình làm sai không.

Ví dụ như: “Anh đã đi xe đến quán cà phê đó…À xin lỗi, bạn của anh đã chở anh đến đó. Tên của người đó là gì nhỉ?”

Thông thường, những người đang nói thật sẽ trông hơi thất vọng khi đối phương không hiểu rõ những gì họ đã nói. Khi nghe người khác nhắc lại các thông tin mà họ đã nói, họ có khả năng phát hiện ra hầu hết các lỗi sai.

Trong khi người đang nói dối sẽ trông lo lắng vì họ phải nghĩ trước những gì họ sẽ nói. Và khi các nội dung được kể lại, họ sẽ tập trung nghe để kiểm tra liệu các thông tin có giống với những gì họ đã nói hay không.

Nếu phương pháp này được lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, việc sửa các lỗi sai từ một câu chuyện dối trá sẽ không hề dễ dàng.

 7. Kẻ tốt, người xấu

Trong quá trình thẩm vấn, sẽ có: một người thẩm vấn rất khó chịu, quát tháo, đe dọa, dễ tức giận và có xu hướng bạo lực và một người khác điềm đạm, biết điều, cố gắng kiềm chế người thẩm vấn nóng tính, đồng thời tìm cách hạn chế khả năng tổn thương của người bị thẩm vấn. Hai người này có khi sẽ tranh luận với nhau. Ví dụ:

Người thẩm vấn đóng vai xấu (hét lên và đập bàn): Thôi đủ rồi. Mày đừng có vòng vo nữa. Mày muốn nói cho tao sự thật hay muốn ăn đòn. Ở đây tao là luật, đừng hòng giở trò với tao.

Người thẩm vấn đóng vai tốt (giữ lấy người kia): An, bình tĩnh. Làm thế không giúp được gì đâu. Ra ngoài và để tôi lo vụ này.

Người thẩm vấn đóng vai xấu (gầm hét và đập cửa từ phía ngoài): Tao sẽ đánh chết mày với cái thái độ đó…

Người thẩm vấn đóng vai tốt: Xin lỗi anh. Anh có ổn không? Anh biết rằng tôi không thể bảo vệ anh khỏi anh ta mãi được.Nếu anh có thể đưa cho tôi một cái tên, tôi có thể dùng thông tin đó để bảo vệ anh. Chỉ một cái tên thôi, ai đã ở đó với anh?

Đây là một phương pháp cổ điển, nhưng luôn hiệu quả. Nó dựa trên nguyên tắc “tổn thương và giải cứu”. Người thẩm vấn xấu là hiện thân của những nguy hiểm tiềm tàng dẫn đến tổn thương. Trong khi người còn lại tích cực chăm sóc và bảo vệ để xây dựng lòng tin của người bị thẩm vấn. Vì những cử chỉ tốt đẹp trao đi, người thẩm vấn đóng vai tốt đã thiết lập được động cơ đáp trả của người bị thẩm vấn. Việc này được củng cố thêm bằng việc đề nghị một sự trao đổi thông tin để có được nhiều sự bảo trợ hơn nữa trong tương lai.

8. Không chính thức

Người thẩm vấn tìm cách làm chủ tình huống tại các thời điểm không chính thức (ngoài thời gian thẩm vấn). Khi tinh thần cảnh giác của người bị thẩm vấn xuống thấp, họ lập tức đặt các câu hỏi quan trọng. Họ vờ như họ đang không hề thẩm vấn. Và người bị thẩm vấn có thể thoải làm bất cứ điều gì. Thông thường, người thẩm vấn sẽ làm cho đối phương nghĩ rằng quá trình thẩm vấn đã xong, mọi thông tin cần thiết đã được lấy và họ đang được thả ra.

Ví dụ:

– Người thẩm vấn đưa người đang được tuyển dụng đi ăn trưa sau khi thẩm vấn và đặt vài câu hỏi quan trọng trọng khi đang ăn trưa.

– Một người bảo vệ của một đồn công an, trông khù khờ và đáng mến, tỏ ra thông cảm với một nghi phạm vừa được thả ra khỏi cuộc thẩm vấn, và hỏi thăm một vài thông tin.

– Hoặc một viên cảnh sát hỏi như sau: “Chúng ta xong việc rồi. Để tôi mở cửa cho anh. (trong lúc người bị thẩm vấn đang bước ra khỏi cửa), anh ta với theo có phải anh B đã làm việc cùng với bạn tuần trước không?

Cách thức này khiến cho người bị thẩm vấn thậm chí không biết là mình đã cung cấp thông tin cho đối thủ.

_____

Phần 4 – Các kỹ thuật thẩm vấn – (phần tiếp theo)

Có nhiều phương pháp thẩm vấn trong thực tế để phục vụ cho điều tra pháp lý trong dân sự, hình sự và trong quân đội. Người thẩm vấn chuyên nghiệp được đào tạo và làm chủ các kỹ thuật thẩm vấn phục vụ cho công việc của họ. Chúng có thể là các kỹ thuật tâm lý hoặc là các thủ thuật cực đoan. Biết được các kiến thức này sẽ giúp những người có nguy cơ bị thẩm vấn không bị động do hiểu rõ diễn biến và chủ động tìm ra các phương pháp phản thẩm vấn phù hợp.

9. Sử dụng máy dò nói dối

Có một vài loại máy có khả năng phát hiện ra người đang nói dối dựa trên nguyên tắc nhận diện sự lo lắng. Khi chúng ta căng thẳng, cơ thể sẽ phát ra những tín hiệu sinh lý, có thể đo lường được bằng các thiết bị khác nhau. Ví dụ:

Máy đo nhịp tim: Đây là thiết bị phổ biến nhất dùng để đo sự thay đổi nhịp tim, huyết áp, cộng với hoạt động của tuyến mồ hôi. Đây là những thông số cho thấy sự kích thích vô thức của hệ thần kinh liên quan đến cảm giác căng thẳng khi nói dối. Chiếc máy này có ý tưởng là khi một người được hỏi một loạt các câu hỏi và nói dối, cơ thể của họ sẽ xuất hiện những thay đổi vô thức và chiếc máy có thể phát hiện ra điều đó.

Máy phân tích căng thẳng bằng giọng nói trên máy vi tính (CVSA), đo các rung động rất rất nhỏ của âm thanh có liên quan đến cảm giác căng thẳng.

Pupillometrics: Đây là một phương pháp đo tốc độ nhấp nháy và giãn nở hoặc co thắt của đồng tử mắt. Việc này có thể được thực hiện với các bản ghi video và phân tích cẩn thận.

“Phát hiện nói dối” là một thuật ngữ phổ biến nhưng không thực sự chính xác. Công việc mà các máy phát hiện nói dối làm là đo phản ứng của cơ thể. Kỹ năng thực sự cần trong việc này là đặt câu hỏi và diễn giải kết quả.

Dấu hiệu căng thằng có thể xuất hiện ở tất cả mọi người khi bị thẩm vấn, đó là lý do tại sao người thẩm vấn sẽ hỏi một người một loạt câu hỏi mà kết quả đúng hay sai là điều hiển nhiên để tạo các thông tin và phản ứng đầu vào cho máy nói dối.

Các máy phát hiện nói dối giả cũng có thể được sử dụng, người thẩm vấn có thể đặt tay của một người lên một chiếc máy phô tô và nói rằng đây là một chiếc máy phát hiện nói dối.

Con người thực sự là một chiếc máy phát hiện nói dối tốt. Một người được đào tạo có thể phát hiện nhiều lời nói dối bằng cách quan sát ngôn ngữ cơ thể. Việc che đậy một số dấu hiệu của việc nói dối là khả thi, nhưng không ai có thể kiểm soát tất cả các biểu hiện của cơ thể.

10.Tin tức

Người thẩm vấn sẽ mang đến một vài tin tức hỗ trợ lập luận của họ trong một vài trường hợp. Những tin tức này có thể được cắt xén, chỉnh sửa hoặc hoàn toàn sai sự thật. Chúng có thể là những tờ báo giả mạo, các bản tin giả mạo trên đài, hoặc tivi. Những thông tin này có thể dẫn dắt người thẩm vấn cung cấp các thông tin mà họ đang cố che giấu.

Người thẩm vấn cũng có thể để người đang bị thẩm vấn viết thư, nói chuyện với người thân, hoặc bạn bè hoặc một lính gác thân thiện, sau đó lén chặn lấy các nguồn tin này và đưa ra các phản hồi giả mạo, chẳng hạn như một bức thư trả lời giả mạo…

Người thẩm vấn cũng có thể cho phép đối phương nhìn thấy một vài sự kiện, ví dụ như dắt họ đi qua một căn phòng nơi một người đồng mưu khác đang bị thẩm vấn, đang kí một giấy tờ nào đó, hoặc đang được đối xử rất tốt.

Khi một người đang trong quá trình cách ly để được thẩm vấn, họ thèm khát được liên lạc với thế giới bên ngoài, họ sẽ nhận lấy bất cứ tin tức nào và dễ dàng tin vào nó. Và khi một người được cung cấp một phần của tin tức, họ sẽ vô thức tự động hoàn thiện phần còn lại- và thường là theo cách bi quan.

11. Không ai quan tâm cả

Người thẩm vấn sẽ khiến cho người bị thẩm vấn tin rằng không ai còn quan tâm đến họ bằng cách giấu thư từ, chặn cuộc gọi. Người thẩm vấn nói với người bị thẩm vấn vấn rằng bạn bè đã bỏ rơi họ và rằng không một ai cố gắng để giải cứu họ cả.

Họ nói với người đang bị thẩm vấn rằng, đồng phạm của họ đã bị bắt và phản bội họ. Thậm chí người thẩm vấn còn có thể sử dụng các thông tin họ có sẵn để làm cho mọi việc giống như thật.

Sau khi đã khiến đối phương tin rằng họ bị bỏ rơi, người thẩm vấn sẽ thực hiện một trong hai chiến thuật sau. Hoặc là họ sẽ trở thành người bạn duy nhất trên thế giới hướng dẫn người bị thẩm vấn nên làm gì. Hoặc họ sẽ trở thành một người thẩm vấn nghiêm khắc sẵn sàng đặt mọi áp lực lên đối thủ để đạt được mục đích.

Ví dụ:

– Anh có hai anh em phải không? Tôi đã nghĩ họ sẽ hỏi về anh, nhưng không ai gọi cả. Có vẻ như họ biết anh đang gặp rắc rối và đã bỏ rơi anh rồi.

-Tại sao anh phải cố bảo vệ họ? Họ đã nói với chúng tôi rằng anh đã làm tất cả mọi việc.

12. Chỉ có một lựa chọn

Người thẩm vấn sẽ nói rằng người bị thẩm vấn chỉ có một con đường duy nhât là hợp tác và cung cấp thông tin.

Họ sẽ khiến cho người bị thẩm vấn tin rằng không có cách nào khác ngoài việc tiết lộ thông tin. Nhưng họ cũng không quên làm cho người thẩm vấn cảm thấy thoải mái trong việc khai ra các thông tin bằng việc thể hiện sự tôn trọng và chỉ ra đây không những là việc cần thiết mà còn là việc đáng được hoan nghênh.

Kỹ thuật này chỉ được sử dụng khi người bị thẩm vấn đang tuyệt vọng và không thể đối mặt với những những gì có thể xảy ra tiếp theo. Họ phải tin rằng sự trừng phạt, nhục mạ và sự không khoan dung đang chờ đón họ và họ không có lựa chọn nào khác. Khi một người phải  đối mặt với tự thú hay là sự tuyệt vọng, hầu hết mọi người sẽ chọn tự thú.

12. Buộc thêm tội

Người thẩm vấn sẽ đưa ra các cáo buộc nặng hơn những gì mà người đang bị thẩm vấn đã thực sự làm. Điều này có thể bao gồm cả những việc một ai đó đã làm hoặc những thứ không hề có thật. Người thẩm vấn sẽ cố làm cho những cáo buộc trông có vẻ đáng tin bằng cách phóng đại những gì đã thực sự xảy ra: thiệt hại tồi tệ hơn, giá trị lớn hơn. Họ cũng thế có thể cáo buộc người bị thẩm vấn đã gây ra một việc sai trái ở một nơi khác để buộc đối phương thừa nhận họ thực sự ở đâu.

Người thẩm vấn sẽ quan sát ngôn ngữ cơ thể của người đang được thẩm vấn để tìm các dấu hiệu thể hiện họ biết điều gì đã thực sự xảy ra, ví dụ như sự ngạc nhiên, sợ hãi, bực bội hay vui mừng. Và dĩ nhiên họ sẽ để thời gian cho người bị thẩm vấn  sửa lại những thông tin sai.

Ví dụ:

Một người bị bắt vì bị tình nghi là trộm. Khi anh ta được cho biết rằng đồ trang sức có giá trị đã bị đánh cắp (điều đó không đúng), một cái nhìn bất ngờ lóe lên trong giây lát trên mặt anh ta, mặc dù anh ta vẫn phủ nhận tội. Người thẩm vấn hỏi anh ra rằng Làm thế nào anh biết là không có đồ trang sức nào đã bị đánh cắp trong vụ này?

Khi một người bị cáo buộc đã làm một điều gì đó, mà điều này thực ra là không hề có. Nếu người đó vô tội, họ sẽ cảm thấy không vui vì điều này không đúng. Nếu người đó có tội, việc bị cáo cuộc sẽ tạo ra một vài ảnh hưởng, ví dụ như:

– Một cái nhìn khó chịu bởi vì họ cảm thấy đối phương đang cố kéo họ vào một rắc rối lớn hơn những gì họ thực sự đã làm

– Một thoáng sợ hãi vì họ nghĩ họ đang bị bủa vây

– Cười nhẹ vì cảm giác nhẹ nhõm khi đối phương dường như đã có thông tin sai

– Sửa lại những thông tin sai và nói với đối phương rằng những sự phóng đại đó không hề xảy ra hoặc hoàn toàn sai

– Thừa nhận những gì họ đã thực sự làm và từ chối những thứ được thêm thắt

13. Hỏi liên tục

Người thẩm vấn sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi nhanh, câu nọ tiếp ngay sau câu kia. Về cơ bản có 2 cách thực hiện kỹ thuật này:

Cách thứ nhất: Họ sẽ hỏi người bị thẩm vấn  một loạt câu hỏi một lúc, trước khi đối phương có cơ hội trả lời câu đầu tiên

Cách thứ hai: Hỏi ngay các câu tiếp theo trước khi đối phương kịp kết thúc việc trả lời một câu hỏi trước đó.

Bất cứ khi nào người bị thẩm vấn ngập ngừng hoặc trì hoãn, người thẩm vấn sẽ thúc giục họ. Các câu hỏi thường trực tiếp và quyết đoán.

Ví dụ: Anh đã ở đâu vào Thứ Bảy lúc 9 giờ tối? Anh đang làm gì vậy? Có ai khác ở đó? Anh đã thấy ai? … Nào, trả lời đi !!!

Khi một người nói dối, họ thường cần thời gian để nghĩ về câu trả lời và kiểm tra sự nhất quán với các câu trả lời trong quá khứ. Việc hỏi liên tục khiến cho đối phương có rất ít thời gian để làm việc này và vì vậy nhiều khả năng họ sẽ mắc lỗi hoặc đưa ra các thông tin không nhất quán.

Mặt khác, khi một người bị cản trở trả lời câu hỏi, nhu cầu được hoàn thiện, giải thích cho câu trả lời của họ sẽ bị ảnh hưởng. Điều này làm gia tăng sự căng thẳng.

Dưới áp lực của sự căng thẳng cao độ, mọi người thường có xu hướng tìm kiếm một sự giải tỏa bằng cách chuyển sự tập trung trong việc đưa ra một câu trả lời tốt nhất thành tìm cách giảm căng thẳng. Các câu hỏi nối tiếp không ngừng làm tăng mức độ căng thẳng thông qua tăng gánh nặng về nhận thức và áp lực về cảm xúc.

14. Im lặng

Người thẩm vấn sẽ chỉ ngồi, giữ im lặng một cách bị động hoặc trong bầu không khí đầy cảm thông và chờ đợi người bị thẩm vấn tự thú.

Kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng với sự hung dữ, chẳng hạn như nhìn thẳng vào mắt đối phương. Trong trường hợp này cuộc thi ai nhìn chằm chằm lâu hơn sẽ bắt đầu. Cách để chiến thắng trong cuộc thi này là thay vì nhìn vào mắt đối phương, hãy nhìn vào phần mũi giữa 2 mắt.

Ví dụ: Sau một thời gian căng thẳng thẩm vấn, mà nghi phạm không tiết lộ điều gì, người thẩm vấn ngồi im lặn, nhìn chằm chằm vào đối tượng và thi thoảng nhướn mày nhẹ nếu chủ thể trông giống như định nói điều gì.

Nhiều người trong chúng ta không quen với việc im lặng trong một cuộc nói chuyện và thường cảm thấy căng thẳng, có nhu cầu phải nói điều gì đó. Điều này có thể dẫn chúng ta đến việc sẽ nói ra điều gì đó chỉ để lấp đầy khoảng trống.

Một cái nhìn hung dữ có thể vẽ nên chân dung của một người hung hăng trong trận chiến nhìn chằm chằm. Nếu người thẩm vấn thắng, họ sẽ khiến cho người bị thẩm vấn có cảm giác bị đánh bại. Điều này khiến cho họ ở thế trên cơ để hỏi nhiều câu hỏi hơn và đối phương sẽ cảm giác rằng họ có nghĩa vụ phải trả lời.

15. Người trợ giúp im lặng

Trong phòng thẩm vấn, sẽ có một người ngồi im lặng, ghi chép và quan sát. Người này sẽ không tương tác trực tiếp, thậm chí sẽ cười và gửi các tín hiệu tích cực không lời đến người bị thẩm vấn. Nếu người bị thẩm vấn bắt đầu đưa ra nhiều thông tin chi tiết hơn sau những khuyến khích ngầm, họ có nhiều khả năng nói thật. Trong khi đó, nếu người bị thẩm vấn thận trọng và đưa ra ít thông tin hơn, họ có nhiều khả năng nói dối.

Ví dụ:

Một nghi can đang được một cảnh sát thẩm vấn về nơi họ ở vào một đêm cụ thể. Một viên công an khác đóng vai một người quan sát nhẹ nhàng gật đầu và mỉm cười. Nghi can đầu tiên tỏ ra thư giãn và thêm chi tiết hơn vào câu chuyện của mình. Điều này cho thấy nghi can này dường như đang nói sự thật. Một nghi can khác không phản ứng, tiếp tục ngồi trên ghế của họ với chân vắt chéo. Chú ý nhiều hơn đến nghi can này trong việc tiết lộ sự thật về tội lỗi của họ.

Trong sách Mann et al (2013), một thử nghiệm thẩm vấn sự thật hay dối trá thấy rằng khi một người thầm lặng hành động một cách thân thiện bằng việc mỉm cười, gật đầu… thì các đối tượng trung thực sẽ cởi mở và cung cấp thông tin nhiều hơn, chi tiết hơn; trong khi kẻ nói dối sẽ không được khuyến khích theo cách này vì họ đang duy trì sự cảnh giác và thận trọng.

Phương pháp này dường như là một biến thể đối với “cảnh sát tốt, cảnh sát xấu”, nhưng ở dạng tinh tế hơn, ít bị các chú ý hơn. Điều này khiến cho kỹ thuật này trở thành một phương pháp hữu ích, ít bị phát hiện bởi những người bị thẩm vấn.

Tuy nhiên, phương pháp này không dẫn đến một lời thú nhận hoặc bổ sung thêm thông tin, nhưng ít nhất nó giúp thu hẹp phạm vi nghi phạm.

16. Kể chuyện ngược xuôi

Người thẩm vấn sẽ yêu cầu người bị thẩm vấn kể chuyện của họ theo trình tự từ đầu đến cuối, sau đó theo hướng ngược lại từ lúc kết thúc đến khi bắt đầu. Họ cũng không quên theo dõi phản ứng cơ thể của người bị thẩm vấn và tìm kiếm các dấu hiệu không thoải mái hoặc vật lộn để làm mọi thứ đúng. Họ sẽ chú ý đặc biệt đến những sự ngắc ngứ bởi vì những người nói dối thường có gắng kể chuyện trôi chảy.

Ví dụ:

Cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra? Vì vậy, cuối cùng anh đã giữ cái túi đó? Anh có nhớ ai đã đưa nó cho anh không? Chuyện gì đã xảy ra trước đó?-Và điều gì đã gây ra điều đó?Cô ta đã nói gì trước đó?

Những người nói thật xây dựng câu chuyện của họ với mô típ tuyến tính, thẳng như một dòng sông, đơn giản và theo một hướng nhất định. Các trải nghiệm được lưu trữ trong trí nhớ và các phần khác nhau có thể được truy cập và nhớ lại nhanh chóng. Việc kể chuyện theo hướng ngược dòng thời gian khá dễ dàng đối với những người trung thực khi họ bỏ qua trình tự thời gian và dễ dàng nhớ lại các kí ức thực.

Những người nói dối có nhiều việc hơn để làm khi họ phải kể một câu chuyện ngược xuôi vì họ phải nhớ lại các dữ kiện không thật.

Vì vậy phương pháp này khá phổ biến khi cảnh sát cần tìm ra các thông tin thật.

17. Cảm thông

Người thẩm vấn sẽ thể hiện sự đồng cảm với người bị thẩm vấn và hoàn cảnh họ đang mắc phải bằng cách nói rằng những gì đối phương đã làm là hợp pháp hoặc cung cấp cho họ những lập luận họ có thể dùng để bào chữa cho bản thân.

Ví dụ:

Anh Hiếu, tôi hoàn toàn hiểu tại sao anh làm như vậy. Tôi đã nhiều lần ở trong hoàn cảnh tương tự anh và muốn làm điều tương tự.

Anh chỉ đang làm công việc của anh, tôi biết chứ. Nó không thực sự tốt lắm, nhưng có ai đó phải làm điều đó chứ, đúng không?

Người thẩm vấn thường đóng vai một người bạn đầy quan tâm để moi tin tức từ người bị thẩm vấn. Đây là một cách tiếp cận mềm mỏng nhưng hiệu quả để lấy được thông tin và sự thú tội.

Sự cảm thông cũng có thể được sử dụng đan xen với các áp lực cao độ, được thực hiện bởi một người thẩm vấn khác.

18. Chuyển đổi sự thật

Người thẩm vấn sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi dễ (được hiểu là những câu hỏi có thể thoải mái cung cấp các thông tin thật), sau đó họ sẽ chuyển đổi sang các câu hỏi khóa hơn (được hiểu là những câu hỏi khiến đối phương sẽ nói dối). Sau đó, tiếp tục công việc chuyển đổi giữa việc hỏi các câu khó và dễ đan xen.

Khi hỏi, người thẩm vấn sẽ quan sát sự thay đổi cơ thể của đối phương và chú ý cách cơ thể họ thay đổi khi họ nói dối. Chỉ khi nào người thẩm vấn tìm ra được dấu hiệu nói dối này, họ sẽ tung ra các câu hỏi quan trọng để xem đối phương có nói dối không?

Người thẩm vấn sẽ cố gắng đưa ra các câu hỏi ở mức độ căng thẳng hợp lý để tìm sự khác biệt giữa ngôn ngữ cơ thể khi căng thẳng và ngôn ngữ cơ thể khi nói dối.

Ví dụ:

Anh có thích bóng đá không? Anh có nghĩ là đội A chơi tốt tối qua không? Anh có phải là người đáng tin không? Nếu anh nhặt được một cái túi với đầy tiền trên đường, anh có giữ nó không? Anh có thích cà phê không? Anh có thích bỏ đường vào cà phê không? Anh có muốn một cốc cà phê bây giờ không? Anh sống ở đâu? Anh đã ở quán B vào lúc 10h tối thứ sáu đúng không?

Khi một người nói dối, họ thay đổi những dấu hiệu không lời đặc trưng, chẳng hạn như chạm vào mặt hoặc phát âm sai một lỗi nhỏ. Nhưng những người nói dối giỏi có thể che đậy được các biểu hiện đặc trưng này bằng bản năng hoặc thông qua luyện tập.

_____

Phần 5Các câu hỏi dùng để thẩm vấn

Dưới đây là một loại câu hỏi có thể được người thẩm vấn sử dụng trong việc thẩm vấn dưới bất kỳ hình thức nào. Người bị thẩm vấn nên có sự chuẩn bị trước để tìm được phương án đáp trả thích hợp.

Câu hỏi phá băng 

Cuộc thẩm vấn thường bắt đầu với những câu hỏi mở đầu ở dạng đóng mà hầu hết mọi người có thể trả lời. Người thẩm vấn sẽ tránh xa các chủ đề chính cho tới khi người bị thẩm vấn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện. Mục đích của các câu hỏi trong phần mở đầu này là để tạo không khí thân thiện và cởi mở.

Ví dụ: Anh có thấy lạnh quá không? Anh có muốn hút một điếu thuốc không? Họ đối xử với bạn tốt chứ?

Câu hỏi tường thuật

Người thẩm vấn sẽ đưa ra một thông tin, ví dụ như một mốc thời gian và địa điểm, sau đó yêu cầu người đang bị thẩm vấn nói xem họ có biết gì về điều đó không. Sau đó người thẩm vấn sẽ giữ im lặng và không ngắt lời trong quá trình người bị thẩm vấn kể chuyện.

Ví dụ: Tôi nghe một nhân chứng nói rằng anh đang ở trong phòng họp khi nạn nhân ngã xuống. Anh có thể mô tả lại những gì đã xẩy ra không?

Người thẩm vấn sẽ cố gắng thể hiện họ quan tâm vừa đủ tới các thông tin và không hề tỏ ra vui mừng hay phấn khích khi nhận được các thông tin chi tiết có liên quan.

Câu hỏi trực tiếp

Người thẩm vấn sẽ đưa ra các câu hỏi trực tiếp về các mục cụ thể và đặt câu hỏi dưới dạng trung lập bằng cách sử dụng các từ không gợi lên cảm giác tội lỗi (ví dụ nói về “quan hệ tình dục” thay vì “hiếp dâm”, nói là ” tự vệ” thay vì “đâm anh ta một nhát dao”). Mỗi câu hỏi sẽ yêu cầu một câu trả lời cụ thể.

Ví dụ:

Khi anh đang đánh nhau với anh Kiên, anh Hùng có đánh bạn không?

Khi anh tấn công chị Lan. Chị ấy có tìm cách để bảo vệ mình không?

Câu trả lời cho những câu hỏi dạng này sẽ cung cấp cho người thẩm vấn các chi tiết cụ thể, điền vào các lỗ hổng của câu chuyện ban đầu và  phơi bày những khu vực người bị thẩm vấn không muốn nhắc tới.

Câu hỏi chéo

Người thẩm vấn sẽ đặt nhiều câu hỏi ở những thời điểm khác nhau về cùng một vấn đề để xem câu trả lời của người bị thẩm vấn đồng nhất hay là mâu thuẫn với nhau.

Ví dụ:

Khi anh đi vào phía sau cửa hàng, anh Hùng đang đứng ở đâu?

Anh Hùng đã làm gì khi bạn quay lại đó?

Xin lỗi, tôi không hiểu rõ lắm, anh Hùng đang làm gì lúc này?

Câu hỏi để tóm tắt, rà soát

Người thẩm vấn sẽ rà soát lại các câu hỏi đã được sử dụng để tóm tắt và kiểm tra về tất cả những thông tin mà họ đã có được. Họ sẽ diễn đạt những thông tin mà họ hiểu và yêu cầu người thẩm vấn xác nhận đúng hay sai.

Ví dụ:

Vậy anh Hùng ra sau chị Nguyệt, điều đó có đúng không?

Có điều gì khác mà anh có thể cho tôi biết về điều này không?

Việc rà soát lại các câu hỏi có thể sử dụng tại các đoạn ngắt nghỉ tự nhiên của mọi giai đoạn trong quá trình thẩm vấn, hoặc tại lúc kết thúc thẩm vấn nhằm tóm tắt các thông tin.

Loại câu hỏi này cũng được sử dụng như một cái bẫy để yêu cầu sự đồng ý của người bị thẩm vấn cho những thông tin mà người thẩm vấn biết rõ là sai. Đây là một cách kiểm tra sự trung thực hoặc để bẫy đối thủ, khiến cho họ tin rằng người thẩm vấn đã bỏ lỡ các thông tin quan trọng.

_____

Phần 6 – Hướng dẫn cho nhà hoạt động 

Ngày 25/5/2018 vừa qua, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đã trải qua 15 giờ đồng hồ bị thẩm vấn liên tục bởi nhiều cán bộ an ninh khác nhau. Theo Anh Tuấn: “Nội dung buổi thẩm vấn quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những chuyện đi đâu, gặp ai, làm gì thời gian vừa qua, được lặp đi lặp lại theo một kĩ thuật có mục đích làm kiệt sức đối tượng”. Nhiều nhà hoạt động trước đó cũng trải qua những đợt thẩm vấn khắc nghiệt tương tự, thậm chí kéo dài nhiều hơn 15 giờ.

Bạn biết đấy, một khi chọn trở thành nhà hoạt động ở Việt Nam, việc phải làm việc với an ninh/công an là một trong những điều không thể tránh được. Cách tốt nhất là luôn chuẩn bị cho mình kiến thức, phương án cũng như thái độ phù hợp.

Sau khi 5 bài viết cung cấp kiến thức nền tảng về thẩm vấn và phản thẩm vấn, trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách Nhà hoạt động nên hành xử trước, trong và sau khi làm việc với công an/an ninh ở Việt Nam. Bài này cũng đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “vì sao chúng ta không nên nói dối” trong một cuộc thẩm vấn mà chúng tôi đã đề cập trước đó.

*Trước thẩm vấn

Giữ đời tư trong sạch

Lựa chọn một nghề nghiệp nguy hiểm trong đời sống xã hội chính trị ở Việt Nam,  người hoạt động nên tự bảo vệ mình bằng một đời tư “sạch”. Chúng ta nên tuân theo luật pháp cũng như giữ một nếp sống không “scandal”. Hãy cố gắng có ít thông tin nhạy cảm nhất có thể. Bởi vì những điểm yếu trong đời tư có thể biến thành vũ khí chống lại và ép buộc nhà hoạt động phải hợp tác ngay tại những phút thẩm vấn đầu tiên.

Học thiền định

Khi buộc phải làm việc “một mình” với An ninh, các cảm xúc giận dữ, buồn phiền, đau khổ, lo âu sẽ chắc chắn xuất hiện. Vì vậy các nhà hoạt động cần phát triển kỹ năng để đối phó, xử lý và giảm nhẹ những cảm xúc tiêu cực kể trên bằng các bài tập thường xuyên về thiền định, lòng trắc ẩn và sự khoan dung. Bởi vì bạn không thể kiểm soát tất cả các sự kiện diễn ra, nhưng bạn có thể quyết định điều gì có thể khiến bạn căng thẳng.

Tìm hiểu pháp luật

Trong đời sống thường nhật, hiểu biết pháp luật tạo lợi thế cho bạn trong mọi hoàn cảnh, nhưng biết quyền của mình và quyền của cơ quan công quyền khi bạn phải làm việc với họ tạo cho bạn một vị thế đặc biệt trong tương quan với quyền lực nhà nước. Bạn sẽ biết việc bạn bị mời tham gia cuộc thẩm vấn là đúng luật hay sai luật để lựa chọn phương án đối phó phù hợp. Bạn sẽ biết viên an ninh đang thực hiện thẩm vấn bạn có được thu giữ tài sản của bạn, ép buộc bạn đưa mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội không?….

Cho dù các cơ quan công quyền Việt Nam nhiều khi “ít hiểu biết” và “ít tuân theo pháp luật” nhưng khi phải làm việc với nhà hoạt động hiểu biết pháp luật, họ sẽ biết giới hạn của họ.

Hiểu biết việc mình làm

Không giống như các nghi phạm trong các vụ án hình sự với hai khả năng khá rõ ràng có tội hoặc vô tội. Nhà hoạt động tranh đấu cho những vấn đề đang tồn tại trong xã hội: có thể đó là vấn đề trong lĩnh vực bạo lực gia đình, các sai phạm về môi trường hay các chính sách gây ảnh hưởng tới an sinh, phúc lợi xã hội, các vi phạm nhân quyền…Những việc làm của bạn có thể là “quá sai” trong mắt một nhóm người đang cố gắng bảo vệ lợi ích của riêng họ, nhưng lại là việc đúng phải làm và nên làm đối với người dân và xã hội. Hiểu rõ những việc này sẽ làm ý chí của bạn vững chãi trước mọi sóng gió.

*Trong quá trình thẩm vấn

Luôn tử tế và lịch sự

Cảnh sát, công an cũng là những người có cảm xúc và gia đình. Nếu bạn đối xử lịch sự với họ, họ sẽ đối xử nếu không phải là tốt đẹp thì cũng là ở mức độ tử tế với bạn. Khi họ bắt giữ và tiến hành thẩm vấn bạn, họ đang làm công việc của họ. Bạn nên tuyệt đối tránh nổi nóng, chửi bới để biến một việc thuộc về việc công- thành một mối tư thù riêng. Không có điều gì tệ hơn là khiến người thẩm vấn không coi bạn như một con người, một công dân  có gia đình và phẩm giá mà coi bạn như một “đối tượng”. Việc phi nhân hóa sẽ khiến An ninh có các biện pháp tàn bạo với người bị thẩm vấn vì lúc này họ không hề có cảm thức nhân tính giữa đồng loại với nhau.

Đây là cách nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn hành xử với những viên An ninh đã thẩm vấn anh:

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhắn gửi tới anh Vũ và các anh an ninh khác đã làm việc với tôi (những người mà tôi không thấy sự thù địch nào nên không nêu tên ở đây) rằng dù thế nào đi nữa tôi vẫn không coi các anh là kẻ thù của tôi, ngay cả khi các anh muốn đẩy tôi vào tình thế đó. Tôi thực sự tin tưởng vào một Việt Nam trong tương lai đủ rộng cho tất cả chúng ta, nơi mà những người dù khác biệt quan điểm vẫn có thể dành cho nhau sự tôn trọng”.

Đừng nói dối

Đừng nói dối An ninh, nhất là những người được đào tạo để thực hiện thẩm vấn bạn bởi vì rất khó để nói dối. Nếu bạn đã đọc qua về các chiến thuật mà người thẩm vấn thường dùng mà chúng tôi cúng cấp ở phần số 3 và phần số 4, bạn hẳn phải kinh ngạc trước các kỹ thuật và thủ thuật phát hiện nói dối mà họ được trang bị. Bởi vì quá trình thẩm vấn là quá trình lấy thông tin và kiểm tra tin tức đó là thật hay giả. Nếu bạn không phải là một người được đào tạo để nói dối, hoặc phản thẩm vấn, bạn sẽ không thể qua mặt được những viên an ninh dầy dặn kinh nghiệm.

Hãy lựa chọn việc chỉ cung cấp một số thông tin có thật, vô hại để thể hiện sự hợp tác và tránh không khí thù địch có thể leo thang khi An Ninh có xu hương bạo lực hoặc là kiên quyết giữ im lặng.

Một lý do nữa là việc nói dối cũng có thể là bất hợp pháp và an ninh có thể sử dụng việc này này để chống lại bạn nếu họ khởi tố vụ án liên quan đến bạn.

Hạn chế bạo lực

Nếu công an bạo lực, hãy cố gắng trấn tĩnh họ bằng cách giữ cho bản thân mình càng bình tĩnh càng tốt. Có thể sự phản kháng trong tức giận sẽ khiến bạo lực leo thang. Nhưng hãy nhớ bạn đang ở trong phòng thẩm vấn và bạn không phải là kẻ mạnh ở đây.  

Sử dụng thiền định để giữ cho kiểm soát tinh thần của bạn.

Nỗi sợ hãi và sự cô đơn có thể sẽ bủa vây bạn. Hãy cố gắng kiểm soát tinh thần, tránh tỏ ra sợ hãi, ủy mị khiến người thẩm vấn được đà tấn công vào các điểm yếu của bạn. Đây lúc bạn nên thực hành thiền định để giảm căng thẳng, cũng như khơi dậy lòng khoan dung với những người đang thực hiện các biện pháp khắc nghiệt để khai thác thông tin nơi bạn.

*Sau khi tham gia thẩm vấn

Nói chuyện với công an có thể rất đáng sợ và điều này là bình thường, đừng cố gắng che giấu những nỗi bất an một mình và khiến cơ thể bạn căng thẳng. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

Một ví dụ về cách hành xử trong khi bị thẩm vấn của nhà hoạt động Nguyễn Thị Bích Ngà 

“Mình tôn trọng công việc họ đang làm và cũng buộc họ phải tôn trọng mình. Mình quyết định không cung cấp thông tin vì việc thẩm vấn đó là sai luật. Mình bị họ bắt về đồn nhiều lần. Lần nào mình cũng tỏ ra binh bình thường thôi, cười nói vui vẻ.

Khi làm việc mình ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và nói chuyện từ tốn ôn hòa.

Khi bị an ninh chọc tức, khiêu khích thì mình cười mỉm. Họ đập bàn dọa đánh thì mình khoanh tay trước ngực ngó ra cửa sổ. Họ khen mình đẹp thì mình cảm ơn.

Khi được thông tin mình bảo các anh phải xin lệnh của Viện kiểm sát trước đi rồi ta nói đến việc đó sau. Khi họ bắt mình đưa mật khẩu điện thoại thì mình lại bảo các anh cần đi xin lệnh của viện kiểm sát.

Khi người thẩm vấn chửi, văng tục với mình thì mình tuyên bố im lặng và từ đó cho đến lúc họ thả mình không nói thêm bất kỳ một từ nào nữa.

Có lần họ giữ mình cả đêm khiến mình ngồi lâu rất mỏi, họ bảo mình kê ghê lại để nằm thì mình lắc đầu từ chối rồi ghi ra giấy bảo: “Tôi là phụ nữ, và đây là cơ quan làm việc, tôi không thể nằm ngã ngốn nơi làm việc như vậy được.”

Khi họ mời mình ăn thì mình cảm ơn nhưng từ chối…

Nói chung là, mình phải nhất quán và coi việc bị thẩm vấn đó là việc bình thường, không tỏ ra bực tức, nóng giận thì sẽ không  làm bản thân mất kiểm soát và chỉ có như vậy thì mới buộc được họ phải tôn trọng mình.

Mình nghĩ, việc buộc họ phải tôn trọng mình là việc rất quan trọng bởi người đấu tranh cho dân chủ, đa nguyên phải là người thể hiện mình đáng được tôn trọng và phải được tôn trọng bởi bất kỳ ai.

Giữ gìn hình ảnh cá nhân, tổ chức để công an, an ninh, tòa án, chính quyền phải tôn trọng mình là điều rất khó, nhưng làm được nếu ta coi điều đó là quan trọng và tiên quyết trong mọi tình huống.”

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây