Tương Lai
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 43
24-6-2018
Những ngày vừa qua, đề đối phó với làn sóng biểu tình dâng lên mạnh mẽ phản đối “Luật Đặc khu Kinh tế”, mở đường rước kẻ cướp đảo cướp biển của Việt Nam vào trấn giữ ba vị trí xung yếu của duyên hải Việt Nam, và “Luật An Ninh mạng” tạo cơ sở pháp lý cho việc bịt miệng dân, đang lan rộng ra cả nước, cùng với việc dùng bạo lực trấn áp, đánh đập dân rất tàn nhẫn, một cơn dịch vu cáo dân, cao giọng dạy dỗ dân “phải biết yêu nước đúng cách”. Cơn dịch ấy đang lây nhiễm khá bài bản trên mạng lưới truyền thông nhà nước. Khốn khổ, điều đó lại đang tăng thêm nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của chúng ta về vật chất cũng như về tinh thần đã tệ hại, càng tệ hại thêm.
Chuyện sử dụng bạo lực để trấn áp, thôi không cần phải nói dài. Tức nước vỡ bờ, mọi thế lực cầm quyền đều biết điều ấy. Nhưng trong thế bí, họ buộc phải làm, cho dù đó là cách giải khát bằng thuốc độc. Khi quyền lực thấy ra được sức phẫn nộ của dân đã đến cái ngưỡng dẫn đến sự cáo chung của một thể chế toàn trị phản dân chủ chỉ tồn tại được nhờ sự bảo kê của thế lực bên ngoài, thì trong cơn bấn loạn, họ có thể buộc phải làm những điều mà họ cũng biết là dại dột. Ở đây sẽ gợi lên đôi điều về bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối. Và, lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cứu cánh, thì rồi cũng sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc. Chuyện này có gì đáng ngạc nhiên đâu. Quỷ có thể lấy cả Kinh Thánh để dẫn dắt cho ý đồ đen tối của nó, huống hồ những người có trong tay cả một bộ máy tuyên truyền mà đến như Goebbel thời phát xít Hítle cũng còn thua kém xa.
Chỉ có điều, họ đã thiếu cân nhắc khi định chọc vào một lĩnh vực nhạy cảm vào bậc nhất trong tâm thế Việt Nam: lòng yêu nước và tinh thần quật khởi chống Tàu, kẻ xâm lược mà nhiều thế hệ Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm lịch sử chưa một phút nào thôi căm hận. Từ đứa bé còn nằm trong nôi nghe tiếng vó ngựa quân xâm lược, phải vụt lớn lên để kịp đánh giặc cứu nước, cho đến người già từng trải chống ngoại xâm vẫn đau đáu chưa đền được nợ nước mà đầu đã bạc, “quốc thù vị báo đầu tiên bạch”. Nay thì việc Trung Quốc chiếm đảo, chiếm biển, hàng ngày đâm chìm tàu cá, đánh đập ngư dân hành nghề trên biển mà cha ông mình bao đời vẫn ra khơi vào lộng thì làm sao không căm hận? Lại thêm chứng kiến thái độ ngang ngược của bọn Tàu đến làm ăn, du lịch như ở Bình Thuận, nơi dân đang quá bức xúc và phẫn nộ khiến cho sự nhẫn nhục đã bục vỡ.
Nay lại nghe nói trong dự thảo Luật có điều khoản Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có khả năng giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài, mà thật ra là nhà đầu tư Tàu, đến 99 năm thì mối hận trên càng trào dâng. Không ai khác, cách đây 70 năm cụ Hồ đã nói rõ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Có được điều đó là vì: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết. Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng hợp lý, công bình”.*[Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập 5. NXBCTQG.1995. tr.295-296]
Vậy đó, thưa các vị. Các vị đang giương cao khẩu hiệu “Học tập và làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh” nhằm tìm kiếm một tấm bình phong che dấu cho những việc làm tệ hại của các vị theo cách “quỷ dẫn kinh Thánh” vừa nói ở trên, tôi buộc phải chép lại hơi dài vì e rằng, có vị ngập chìm trong cuộc chiến quyền lực, chẳng còn hơi sức và thời gian mà “học tập và làm theo” Hồ Chí Minh. Vả chăng, nếu theo như vậy thì làm gì còn cái ghế của các vị đang ngồi! Nhưng chép lại cũng để nói rằng “dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy”*. [nt, tr.296]
Cho nên, họ biết các vị quá rõ. Biết từng đường đi nước bước trong “quy trình” tiến thân của các vị. Khi các vị cao giọng dạy họ “phải biết yêu nước đúng cách” thì họ cũng đã biết các vị đã yêu nước như thế nào. Có những vị đã từng có cách thu xếp sao để không cần phải “xếp bút nghiên” theo tiếng gọi cứu nước đúng vào lúc chiến trường đang giục giã, mà vẫn miệt mài “bút nghiên” để cứ thế yên ả “cống hiến cho đất nước” một cách ngoạn mục bởi những nấc thang danh vọng ra sao. Đương nhiên, hoạn lộ của mỗi vị đều mang những sắc thái riêng mà kể tuốt ra đây sao cho đủ, cho hết. Vả lại, người có chút hiểu biết không bỏ mất người, mà cũng không phí lời “trí giả bất thất nhân, diệc bât thất ngôn” [Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công]. Chỉ e không hiểu cái quy trình tiến thân ấy có nằm trong “quy trình” mà Ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ đã khái quát đưa lên báo: “ Chức thấp tiền ít. Chức càng cao tiền càng lớn. Đã bỏ ra, có chức có quyền rồi thì người ta phải thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt” [báo Pháp Luật TPHCM, ngày 16.4.2005].
Khi các vị cao giọng dạy dân lòng yêu nước, dân không nói không phải vì họ định ứng xử theo cung cách của G. Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, “Kiên nhẫn làm tròn nhiệm vụ và im lặng là câu trả lời tốt nhất cho những lời vu khống”. Vì rằng, lời khuyến dụ cao thượng ấy là nhằm đối phó với lời chỉ trích của đối thủ khác chính kiến trong cuộc tranh luận với tinh thần của Voltaire: “Tôi không cùng ý kiến với ông, nhưng suốt đời tôi, tôi sẽ bênh vực quyền của ông được bày tỏ ý kiến đó” như ông viết cho J. Rousseau. Bối cảnh đó trái gược hẳn với cái ta đang có.
Vì thế, trong thảm trạng của đất nước hôm nay, sự im lặng trước lời vu khống của một số người thiểu hiểu biết trong giới cầm quyền sẽ là một tội ác. Vì vậy dân đã nói lên bằng những bước chân nổi giận xuống đường biểu tình. Mà cần nhớ rằng, hệ thống truyền thông nhà nước đang rêu rao rằng dân đi biểu tình là bị kẻ xấu kích động và dụ dỗ thì chính đó mới là việc làm vi hiến.
Tại sao? Vì biểu tình là quyền hiến định của công dân đã được ghi trong Hiên pháp. Không chỉ Hiến pháp 1946 do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban Soạn thảo, mà cả Hiến pháp năm 2013 với Điều 25 cũng đã ghi rõ. Không tạo đủ điều kiện để dân thực hiện quyền hiến định ấy là tội lỗi của nhà cầm quyền. Rồi họ phải đối diện với sự phán xét của lịch sử. Đành rằng, “Theo quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 thì công dân có quyền hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Việc cho đến nay việc “do pháp luật quy định” chưa được thực thi là do thủ đoạn đen tối và ngoan cố của một bộ phận thế lực cầm quyền chần chừ rồi ỉm đi Luật Biểu tình đã từng được soạn thảo khá hoàn chỉnh. Vì sao phải ỉm đi?
Sẽ rõ ngay nếu xem cung cách người ta sợ ban hành Luật Biểu tình đến cỡ nào với chính Chủ tịch Nước cũng bị khóa miệng khi đề cập đến điều “phạm húy” này. Thì đó, ngày 19.6. 2018, báo Tuổi trẻ đưa tin “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Chủ tịch Nước đề cập đến Luật Biểu tình trên mặt báo nữa!
Thử hỏi, Chủ tịch Nước, theo quy định của Hiến pháp, sẽ là người ký quyết định ban hành Luật, nay trước đông đảo cử tri, cũng có nghĩa là trước nhân dân cả nước và trước dư luận của quốc tế trong thời đại Internet nối mạng toàn cầu, vừa đưa ra ý tưởng “đồng tình với Kiến nghi cử tri” thì lập tức bị khóa miệng? Vậy thì cái “Nhà nước” này còn ra thể thống gì nữa? Có sự bung bét, bấn loạn nào trong bộ máy cầm quyền phơi bày trước mắt dân bằng sự việc điển hình này?
Cứ ngỡ như nhận xét của Balzac, văn hào Pháp, chỉ là một thủ thuật hư cấu mang tính hài hước trong tiểu thuyết: “Bộ máy hành chính là cơ cấu khổng lồ được những người lùn điều khiển” thì hóa ra lại mang tính phê phán hiện thực hết sức cập nhật ở nước Việt Nam ta . Chẳng trách mà chưa lúc nào tình trạng hỗn quân hỗn quan trong cung cách bắt bớ, nhục mạ, chửi bới, đánh đập dân một cách tàn nhẫn lại trắng trợn, ngang ngược và hung hãn đến như thế dưới ống kính của phóng viên nước ngoài. Thảm trạng ấy diễn ra ngày càng tồi tệ, chưa thấy điểm dừng. Thậm chí, họ còn huy động cả một đội ngũ những người vì những toan tính và động cơ khác nhau hùa theo giọng điệu vu khống, thóa mạ dân mà không lường được hậu quả lâu dài họ sẽ phải gánh chịu trong sự phẫn nộ và khinh bỉ của công chúng, lý do tồn tại và nguồn sống của lớp người nhẹ dạ cả tin đó. Các cụ ta xưa hay nhắc lại điều Mạnh Tử giảng: “Trời không có mắt có tai, dân nhìn tức là trời nhìn, dân nghe tức là trời nghe” [Kinh Thư. thiên Thái tuệ] Các cụ cũng dẫn lời Mạnh Tử khuyên, phải “tìm lại cái tâm đã thất lạc của mình”. Tại sao? Vì “Con gà con chó mà chạy lạc thì ai cũng biết đi tìm, vậy mà có kẻ để lương tâm thất lạc lại không biết cách tìm nó. Thật đáng thương” [Cáo tử thượng. bài 11]
Mà đâu phải chỉ người xưa, tôi chợt nhớ đến một bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ năm ngoái đã phàn nàn rằng “những người đáng tin cậy” thực hiện sứ mệnh “kết nối giữa chính quyền bang, liên bang và người dân bình thường của nước Mỹ. Họ từng được coi là những người hùng. Nhưng ngày nay họ đã biến mất, mang theo cùng họ một bộ lọc có lương tâm và đáng tin cậy với trách nhiệm xã hội dân sự rõ ràng”. Đương nhiên báo Tuổi trẻ “chỉ nói chuyện ở nước Mỹ”! Thì phải vậy chứ sao, có thế người đọc chúng ta hôm nay mới có bài không bị xóa để mà xem, mà nghĩ ngợi, và nhất là hiểu được ý tứ của bài viết: “Để kết luận, khi mà tin tức thật sự bị đẩy lùi, tin giả mạo sẽ lan tràn. Chúng ta từng thấy những hậu quả kinh hoàng của điều này trong quá khứ – và thách thức lớn nhất của chúng ta sẽ là tìm ra cách thức chống lại cơn triều đang lên hiện giờ”. [Tuổi Trẻ ngày 21.3.2017] “Cơn triều” nào vậy, các bạn hãy trả lời giúp tôi đi!
Thật ra thì cũng chẳng cần lao tâm khổ tứ nhiều đâu, đã từ lâu nhà Khai Sáng Pháp, Voltaire đã nói toẹt ra: “Chính quyền cần tới cả người chăn cừu lẫn tên đồ tể”. Chỉ có điều, tuy đã gần như là một quy luật “Một xã hội của loài cừu cuối cùng sẽ phải sinh ra một nhà nước của loài sói”. Nhưng may mắn thay, bằng sự trải nghiệm của chính mình trong trường kỳ dựng nước và giữ nước, truyền thống bất khuất quật cường của dân tộc ta chưa bao giờ phôi pha. Như đốm lửa ủ trong tro bếp, khi thổi vào sẽ bùng lên thành ngọn lửa. Ngọn lửa ấy càng cháy càng bốc cao. Chính vì biết hun đúc, nuôi dưỡng truyền thống đó mà cha ông chúng ta dám tồn tại và phát triển trước nanh vuốt của kẻ thù luôn như hổ đói chỉ chực vồ mồi. Nếu là cừu, dân ta đã bị con hổ đói phương bắc sát kề nuốt sống từ lâu rồi.
Đâm lao phải theo lao, những thế lực cầm quyền đang tối mắt vì món lợi trước mắt nhằm cứu vãn ngân sách đã quẫn bách của một nền kinh tế được tạo dựng trên nền tảng của một thể chế không có sự cân bằng quyền lực trong điều hành và kiểm soát. Trong khi tiếp tục chính sách vừa dựa vào mượn tiền nước ngoài, với mục đích xây dựng hạ tầng phục vụ kinh tế nước ngoài, thì lại thường nhằm vào cắt xén để đút vào túi giới có quyền.
Đó cũng là lý do chính quyền hăng hái khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhưng lại không nhằm vào chuyển giao công nghệ, hệ lụy đau đớn của chính sách phát triển công nghiệp không chiến lược hiện nay. Cũng chính vì thế có thể nói, nền kinh tế của ta đang được xây dựng trên núi nợ. Hiệu quả thấp, năng suất tăng ở mức thấp, nên GDP cũng tăng ở mức thấp. Núi nợ ấy vẫn tiếp tục tăng mạnh khi Chính phủ vẫn theo đuổi mức tăng tín dụng ở mức 20%. Hệ quả là khả năng trả nợ trong tương lai thật khó lường khi lãi suất trên thị trường thế giới đã tăng trở lại cũng như lạm phát cũng thế, đang quay lại trên thị trường, có khả năng vượt 4% trong năm 2018.
Trong khi đó, thể chế hiện nay đã bị lạm dụng làm giầu cho một số người liên quan đến địa ốc. Thực chất đó là một kiểu tham nhũng dựa trên chính sách thu hồi đất giá rẻ so với thị trường, trong khi sức sản xuất đại diện bằng năng suất lao động thì đang tăng ở mức thấp. Thậm chí đã phải bán cả danh hiệu doanh nghiệp được coi là thành công rất hiếm hoi của nước mình cho công ty nước ngoài! Cho dù thế thì tỷ lệ nợ của khu vực tài chính trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới. [Xem bài Của Vũ Quang Việt. Những biểu hiện sai lầm trong chính sách và kế hoạch tăng trưởng kinh tế không có mục tiêu chiến lược]
Đứng trước thực trạng bê bối đó, thay vì dựa vào dân, phát động sức dân đi liền với thực sự cầu thị nhằm mạnh dạn thay đổi thế chế để có thể tăng cường nội lực, nhằm xoay chuyển cục diện, thì thế lực cầm quyền chịu sự thao túng và áp lực của Bắc Kinh lại quay lưng lại với dân! Họ không hiểu được rằng, khi họ thóa mạ vu khống dân, trấn áp khủng bố dân chỉ vì dân bằng hành động quyết liệt của mình thể hiện lòng yêu nước, ý chí quật khởi dân tộc, kiên quyết chống mọi âm mưu và thủ đoạn của nham hiểm của Trung Quốc thì họ đã tự biến mình thành lực đối kháng với dân. Họ quên mất một chân lý lịch sử: đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân.
Ấy vậy mà người ta lại dám ngạo mạn cao giọng dạy dỗ dân cách yêu nước! Thậm chí ông Tổng Bí Thư còn khẳng định: “Xem những thành phần bị công an bắt là ai? Toàn là bất hảo cả”. Còn “Chủ tịch QH Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tránh nói đến vấn đề tâm lý chống Trung Quốc tại Việt Nam, ” như hãng Reuters đã lưu ý. Nếu đợi để cho các vị dạy yêu nước theo đúng cách của các vị, thì đất nước này đã trở thành một khu tự trị thứ 6 của Tàu nằm kề khu tự trị Choang, Quảng Tây, Trung Quốc từ lâu rồi!
Lớp học sinh, sinh viên miền bắc những năm 60,70, đặc biệt sinh viên khoa Văn các trường đại học, trong đó có Đại học Tổng hợp, chắc đều biết đến bài tùy bút nổi tiếng của Ilya Erenburg về “Lòng Yêu nước” do Thép Mới dịch. Không ít người đã nhớ nằm lòng đoạn văn “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…Người xứ Ukraina nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, …tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gruzia ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc… vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê”.
Vậy đó, yêu cái “vị thơm chua mát của trái lê mùa thu”, yêu cái “vị mát của nước đóng thành băng”, vì những cái tầm thường nhất đó đã từng xao động trái tim con người và khi họ cầm súng bảo vệ mảnh đất quê hương thì những xao động đó trở thành nguồn sức mạnh vô biên giúp họ xốc tới. Đó chính là lòng yêu nước đích thực. Những ai định ngạo mạn và láo xược dạy cách yêu nước cho họ chỉ có thể là những kẻ “xảo ngôn loạn đức” mà Khổng Tử từng khinh bỉ [Luận ngữ. Thiên Vệ linh công]! Người thật lòng yêu nước sẽ không bạc bẽo với mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình để chê trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc nhằm làm vừa lòng quan thầy. Không biết thưởng thức trà để biết trà ngon hay trà dở, điều ấy không đáng trách. Nhưng, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, đừng loạn ngôn mà làm nhục quốc thể. Mà đã thế, thì đừng cao giọng dạy cách yêu nước cho dân.
Những người yêu nước chân chính không nói nhiều, và khi cần, họ nói bằng chính sinh mệnh của mình. Khi bước ra khỏi Hỏa Lò để chuẩn bị lên máy chém, Nguyễn Thái Học cùng các nghĩa sĩ hô vang: “Chúng tôi đi đền nợ nước đây”. Khi đao phủ đặt ông vào máy chém, Phó Đức Chính bảo hắn: “Hãy cho ta được nằm ngửa cổ về phía lưỡi dao để ta nhìn lên trời xanh, và nhìn thẳng vào lưỡi dao tội ác của giặc Pháp”. Hoàng Văn Thụ thì khảng khái ngâm câu thơ “Việc nước xưa nay có bại thành, Miễn sao giữ trọn được thanh danh”
Trong đời thường, người dân cũng vậy, không dài lời giảng giải, lại càng không lý luận vòng vo về lòng yêu nước và chống Trung Quốc xâm lược. Họ hành động. Mà chính vì hành động quả cảm, quật cường của họ mà đất nước trường tồn và phát triển bên bờ Biển Đông, đầu sóng ngọn gió. Những ngọn đòn tàn nhẫn, những đe dọa về đời sống không khất phục được họ, chỉ càng bừng cháy thêm ngọn lửa căm hờn trong lòng họ.
May thay, khi viết đến đoạn cuối, tôi được một người bạn gửi cho một clip ghi lại buổi anh Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành Ủy TPHCM, một người bạn mà tôi vẫn giữ được sự quý mến, phát biểu trong cuộc gặp bà con Thủ Thiêm ngày 10.6.2018 với một câu in đậm trên trang nhất: “Cán bộ phải biết sợ khi dân không hài lòng”. Tôi sẽ không nói gì thêm về nội dung cũng rất đáng nói trong toàn văn bài nói chuyện. Vì, với tôi chỉ một câu ấy cũng đã nói lên điều tôi mong được nghe trong bối cảnh nặng nề và u ám khiến lòng tôi đang trĩu nặng lo âu.
Trong đám Giỗ ông Sáu Dân năm ngoái, Nguyễn Thiện Nhân có đến bàn tôi ngồi, thân thiết bắt tay và hứa sẽ đến thăm tôi. Tôi thành thật nói với anh: thôi khỏi, mình biết ông còn nhiều việc phải làm, thăm nhau tốt nhất là cùng chia sẻ với nhau những gì có thể đóng góp được cho dân, cho nước theo sự mong mỏi của ông Sáu Dân mà chúng ta đã từng cố gắng. Thế là đủ. Tôi nghĩ rằng, với ý tưởng mà tôi tin là chân thành của người bạn quý mến đang phải gánh vác một trọng trách rất phức tạp thì, với nhận thức đó, biết dựa vào dân, kính trọng dân, lắng nghe dân như ông Sáu Dân từng nêu gương, anh sẽ vượt qua được thử thách cam go mà đi tới.
Hãy nhìn những clip quay hình ảnh biểu tình, những bài viết từ nạn nhân của các thủ đoạn trấn áp đang được dưa lên trên mạng internet mỗi ngày, sẽ càng thấy ngọn lửa của cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược gắn với cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền con người đang bừng lên như hình ảnh giàu sức biểu đạt trong câu thơ của Nazim Hikmet:
Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên,
Nếu chúng ta không cháy lên, Thì làm sao
Bóng tối,
Có thể trở thành
Ánh sáng.
_____
Mời đọc lại: Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 10: Thật đáng xấu hổ! — Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng — Số 12: Thế Sự Du Du — Số 13: Chân lý là cụ thể — Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi — Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi” — Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai — Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương — Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần — Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc
Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu! — Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố — Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân — Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta — Số 25: Chuyện cũ viết lại — Số 26: Chuyện cũ viết tiếp — Số 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong” — Số 28: Thế sự cong queo — Số 29: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” — Số 30: “Tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời…”
Số 31: “Đừng xáo nước đục đau lòng cò con” — Số 32: Hết khôn dồn đến dại — Số 33: Liên khúc năm Gà — Số 35: Trên đồi cao giữa mây trời lộng gió — Số 36: Nhân một tọa đàm khoa học vừa bị giải tán — Số 37: Những tấm lòng bè bạn — Số 38: Chuyện đất, chuyện người — Số 39: Ai là “Tinh hoa của Tinh hoa” đây? — Số 40: Khác nào đem thịt nuôi hổ đói – Giữ sao cho khỏi tai vạ về sau”* — Số 41: Mười năm người ấy ra đi — Số 42: Đục nước, nhưng không béo cò
Yêu nước cũng phải chia thành hai loại: yêu nước kiểu thần dân và yêu nước kiểu công dân.
Bởi thế, GS Tương Lai đang viết về kiểu yêu nước nào vậy!?
Ui, công dân xã hội chủ nghĩa & thần dân sêm xít thui . Có gì mà so sánh cho nó rức cái đầu ra .
Thui thì góp gió với Gs Tương Lai thành bão tư tưởng Hồ Chí Minh phá nát Việt Nam
“tại Hà Nội, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp cùng Viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tổ chức tọa đàm “Tư tưởng Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông về tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc”. Tham dự tọa đàm có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội.
Tham luận của các đại biểu nêu rõ, hai Đảng, hai Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như trong quá trình xây dựng đất nước ở hai nước. Khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đặt nền móng và dày công vun đắp cho mối quan hệ Việt – Trung ngày càng phát triển; quan hệ hai nước ngày càng được củng cố, phát triển lên một tầm cao mới.
Trải qua 68 năm kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950/18-1-2018), tình cảm hữu nghị giữa hai nước đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc.”
Hồ chí Minh nói “yêu nước”, xong chính là hồ chí minh, chuyên gia “nói một đằng làm một nẻo” lại phản bội tổ quốc, phản bội tổ tiên, phản bội nhân dân Việt Nam, rước giặc vào Thăng Long, Hà nội, đặt VN vào dưới ách cai trị của ngoại bang PHáp, Tàu
“Chớ cao giọng dạy dân lòng yêu nước”
Đúng vậy, trí thức bả chó hồ chí minh chớ cao giọng đem những xảo ngôn “yêu nước” của hồ chí minh ra lừa gạt nhân dân