Tác gia: Richard C. Paddock
Dịch giả: Trúc Lam
19-6-2018
BANGKOK – Một công dân Mỹ đã bị bắt tại một cuộc biểu tình ôn hòa ở Việt Nam trong tháng này, đã lên truyền hình nhà nước thú nhận rằng, ông hối hận vì đã vi phạm pháp luật và rằng ông sẽ không tham gia các cuộc biểu tình như vậy nữa.
Will Nguyen, 32 tuổi, là một sinh viên Mỹ, tốt nghiệp ở Singapore, đã bị bắt giữ từ ngày 10 tháng 6, khi anh bị cảnh sát tóm lấy và đánh đập tại một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hai video được đăng trên YouTube cho thấy, các viên chức mặc thường phục đã giữ chặt tay chân của anh, kéo lê lên trên đường phố. Một người đàn ông đến và tấn công ông. Một người khác dùng bao tải màu cam chụp vào đầu ông Nguyễn.
“Tôi tiếc vì tôi đã gây rắc rối cho những người đi tới sân bay“, ông Nguyễn nói bằng tiếng Việt trong bản tuyên bố trên truyền hình, AFP đưa tin hôm thứ Ba.
Ông Nguyễn nói tiếp: “Tôi đã chặn giao thông và gây rắc rối cho gia đình và bạn bè của tôi. Tôi sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động chống nhà nước nào nữa”.
Được biết, chính quyền Việt Nam ép buộc những người bị giam giữ, đưa ra những lời thú tội công khai như vậy.
Gia đình ông Nguyễn đã kêu gọi chính quyền Trump can thiệp và thiết lập một tài khoản Twitter để ủng hộ việc thả ông ra. Họ lo sợ rằng vụ án của ông có thể kéo dài hàng tháng khi các nhà chức trách điều tra ông tội “gây rối trật tự xã hội”.
Ông Nguyễn, một người gốc Houston, tốt nghiệp Đại học Yale, thông thạo tiếng Việt và tiếng Quan Thoại, thường xuyên đến Việt Nam.
Đất nước vốn đã bị chi phối bởi Đảng Cộng sản kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975, có một lịch sử lâu dài trong việc đàn áp tiếng nói tự do và trừng phạt các nhà phê bình bằng những án tù dài hạn.
Trong những tuần lễ gần đây đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình về kế hoạch của chính phủ để tạo ra các đặc khu kinh tế, cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất trong 99 năm.
Nhiều người Việt Nam xem Trung Quốc, người láng giềng phương bắc của họ, là kẻ thù và phản đối những gì họ xem như là một sự chiếm đóng đất đai của Trung Quốc được chính phủ [Việt Nam] tạo điều kiện.
Hai nước đã đánh nhau trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi vào năm 1979. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra ở Việt Nam trong năm 2014, dẫn đến cướp bóc và đốt cháy hơn 200 nhà máy nước ngoài.
Ngày ông Nguyễn bị bắt là ngày 10 tháng 6, cũng có hơn 100 người tham gia biểu tình khác đã bị bắt ở tỉnh Bình Thuận, phía đông thành phố Hồ Chí Minh, sau khi họ xông vào một tòa nhà chính phủ.
Gia đình ông Nguyễn cho biết trong một tuyên bố rằng, ông Nguyễn đã tham gia cuộc biểu tình ở thành phố Hồ Chí Minh “không có bất kỳ chương trình nghị sự chính trị cụ thể nào, mà để hỗ trợ người Việt Nam và quyền tự do tụ họp của họ“.
Tuyên bố tiếp tục: “Anh tin rằng cuộc biểu tình này sẽ là một cuộc biểu tình ôn hòa về sự tham gia của công dân, và vì quan niệm sai lầm này, anh đã bị đánh đập, bị kéo lê và bị bắt giữ“.
Anh ta đã bị chấn thương đầu khi bị bắt, gia đình nói.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã đặt câu hỏi cho Bộ Ngoại giao ở Washington. Không thể liên lạc được với các đại diện của Bộ Ngoại giao cho yêu cầu bình luận ngay lập tức.
Ba dân biểu đảng Dân chủ từ California, ông Alan Lowenthal, Jimmy Gomez và Lou Correa, kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng ông thích ông Nguyễn. Họ cũng kêu gọi Tổng thống Trump giúp bảo đảm việc ông [Nguyễn] được trả tự do.
Các vị dân biểu cho biết trong một tuyên bố: “William phải được phóng thích và anh ta phải được thả ngay lập tức. Kỳ vọng của chúng tôi là Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ làm bất cứ điều gì có thể – ở mức cao nhất – để có được việc trả tự do này“.
***
Sinh viên Mỹ bị giữ ở Việt Nam thú nhận gây rắc rối trên TV
Tác giả: Seow Bei Yi
19-6-2018
SINGAPORE – Một sinh viên người Mỹ bị giam giữ tại Việt Nam vì tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ, đã bày tỏ sự hối hận vì đã vi phạm luật pháp và hứa sẽ tránh xa các cuộc biểu tình trong tương lai.
William Nguyễn, 32 tuổi, xuất hiện trên truyền hình nhà nước Việt Nam hôm thứ Hai nói: “Tôi hiểu rằng hành vi của tôi đã vi phạm [luật] … Tôi rất tiếc là tôi đã gây rối cho những người đến sân bay. Tôi đã chặn giao thông và gây rắc rối cho gia đình và bạn bè tôi“.
“Tôi sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động chống nhà nước nữa“, hãng tin AFP trích lời ông.
Sinh viên tốt nghiệp trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP) đã bị giam giữ tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 6, sau khi tham dự các cuộc biểu tình chống lại dự thảo luật, phát triển các đặc khu kinh tế.
Những người biểu tình lo sợ rằng, điều này sẽ cho phép mảnh đất có giá trị sẽ rơi vào tay Trung Quốc, đất nước mà Việt Nam có mối quan hệ căng thẳng kể từ cuộc chiến biên giới chết người năm 1979.
Cảnh sát Việt Nam nói rằng, ông [Nguyễn] đang bị điều tra vì tội “gây rối trật tự công cộng”, và cáo buộc ông cố làm hư hại hàng rào và lật xe cảnh sát trên con đường chính dẫn tới sân bay, theo AFP cho biết hôm thứ Ba.
Nhưng một người bạn thân của ông Nguyễn, cô Inkar Aitkuzhina, 24 tuổi, bào chữa cho ông [Nguyễn] rằng, có vẻ như ông đã có mặt “không đúng chỗ, không đúng lúc”.
“Anh ấy thực sự yêu Việt Nam, và tôi không tin anh ấy đến đó với ý định làm bất cứ điều gì sai trái hoặc bạo lực“, cô nói về Nguyễn, một công dân Mỹ sinh ra và lớn lên ở Texas.
Anh ấy có mặt ở đó trong một kỳ nghỉ trước khi tốt nghiệp tại trường Chính sách Công Lý Quang Diệu trong tháng Bảy tới.
Một người bạn, luật sư Azira Aziz, 32 tuổi, cũng là một sinh viên tại trường Lý Quang Diệu, cho biết: “Anh [Nguyễn] quan tâm rất nhiều đến chính trị Đông Nam Á, và tình trạng của những người tị nạn”.
Trong ngày biểu tình diễn ra, ông Nguyễn đã tweet ảnh của đám đông và viết trên tài khoản Twitter của mình: “Đây là #Dân chủ ở #Việt Nam”. Ông cũng đã đăng ảnh cảnh sát tấn công một người biểu tình và sự hỗn loạn đã nổ ra.
Đoạn băng video lưu hành trên mạng sau đó cho thấy, chính anh Nguyễn chảy máu trên đầu, bị những người đàn ông mặc thường phục kéo lê trên đường phố, trước khi bị bắt giam.
Em gái của Nguyễn, cô Victoria Nguyễn, sống ở Mỹ, nói với báo The Straits Times rằng, cô không biết khi nào anh trai cô có thể được thả ra.
Cô nói: “Chúng tôi đang cố gắng làm hết khả năng của mình. Tôi tức giận, tôi thất vọng vì chuyện anh bị bắt giữ … Đó là một kỹ thuật làm cho mọi người sợ hãi“.
Phát biểu với báo The Straits Times, ông Phil Robertson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, khu vực châu Á, nói rằng, có khả năng là Nguyễn sẽ được thả ra sau lời thú nhận trên truyền hình của ông.
“Cho rằng anh ấy đã đưa ra một lời thú nhận có khả năng bị cưỡng bức, tôi hy vọng rằng, Việt Nam có thể sẽ phóng thích và trục xuất anh ấy, và không may sẽ đưa anh ấy vào danh sách đen nữa“, ông [Robertson] nói.
Ông nói thêm rằng, Việt Nam không trả lời áp lực bên ngoài, lưu ý rằng trường hợp của ông Nguyễn đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Hoa Kỳ.
Tuần trước, ba nghị sĩ Mỹ đã nói chuyện với ông Dan Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, “bày tỏ mối quan tâm nghiêm túc của họ về việc bắt và giam giữ“.
Hôm thứ Ba, cô Nguyễn đã đăng ảnh một lá thư có chữ ký của 15 dân biểu Quốc hội, kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thực hiện sự “can thiệp nhanh chóng” vụ việc này.
Một bản kiến nghị trên Change.org có tựa đề “Trả tự do cho tất cả những người biểu tình phản đối các đặc khu kinh tế và an ninh mạng”, và kêu gọi phóng thích ông Nguyễn, đã nhận được 18.650 chữ ký hôm thứ Ba.
Đáp lại những câu hỏi của truyền thông, một phát ngôn viên của trường Chính sách Công Lý Quang Diệu cho biết, nhà trường nhận biết sự cố và đang hợp tác với các nhà chức trách về vấn đề này.