Đào Tiến Thi
19-6-2018
Chiều nay (19/6/2018) tôi được hai em A87 (An ninh Văn hoá – Thông tin – Truyền thông) mời gặp. Cũng xin nói luôn là từ nhiều năm nay, tôi thuộc diện “quản lý” của họ, nên đã thành định kỳ, khoảng 3 – 4 tháng họ lại gặp tôi một lần, để làm gì thì tôi cũng không rõ lắm. Lần này chưa “đến kỳ” nhưng vì có cuộc biểu tình một mình của tôi hôm nọ và do “tình hình phức tạp” nên họ cần gặp.
Mở đầu tôi nói luôn: “Mọi lần anh vẫn sẵn sàng gặp các chú khi các chú mời, với cả hai tư cách: tư cách của công dân đối với cơ quan chức năng (tư cách chính) và tư cách người “quen” khi các chú mời uống nước, trò chuyện (tư cách phụ). Tuy nhiên lần này anh đang rất bức xúc và thấy không có gì để nói với Đảng này, Nhà nước này nữa, cần bắt anh lúc nào thì cứ bắt thôi, cái này anh sẵn sàng chấp nhận từ lâu rồi (tôi đọc lại câu “Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy/ Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn” – 2 câu thơ của Phan Châu Trinh mà tôi lấy làm lòng và đã đọc cho họ nhiều lần), vậy hôm nay chỉ còn do nể mà anh tiếp các em ở tư cách thứ hai thôi”.
Các em bảo: “Anh hãy bình tĩnh lại, chúng em rất lắng nghe ý kiến của những người như anh”.
Tôi nói (đại ý): “Các em lắng nghe nhưng ở chính cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước có lắng nghe đâu. Luật Đặc khu (ĐK) đầy nguy hiểm cho an ninh đất nước còn Luật An ninh mạng thì vi hiến và có hại cho sự phát triển, nhưng dân phản đối đến thế mà vẫn cố tình bắt ép Quốc hội thông qua (đến nay một cái chỉ tạm dừng, một cái đã thông qua), lại còn đàn áp dã man các cuộc biểu tình. Kinh khủng nhất, tởm lợm nhất là dùng truyền thông để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ những người yêu nước. Bất cứ ai phản đối cũng trở thành “phản động”, “thế lực thù địch”. Xin nói với các em là: thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân bỏ tù, đày biệt xứ hoặc đưa lên máy chém hàng nghìn người nhưng chưa bao giờ họ vu cáo, bôi nhọ những người yêu nước, người cách mạng cả. Nhà cầm quyền dùng truyền thông để vu cáo, bôi nhọ người yêu nước với mục đích gì ngoài việc gieo rắc sự sợ hãi để cuối cùng 2 luật được thông qua?”
Các chú phân trần: “Biểu tình là quyền công dân. Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đi biểu tình đều tốt. Vụ Bình Thuận là vụ phá hoại, trong đó có thế lực xấu xúi giục…”.
Tôi nói: “Có thế lực xấu nào thì nhiệm vụ của công an là phải tìm cho ra và công bố danh tính cụ thể, chứ suốt từ hôm xảy ra biểu tình, từ truyền thông đến phát biểu của các vị đứng đầu Đảng, Quốc hội đều gom vào một cục là “thế lực thù địch”. Mà sao chưa có kết quả của cơ quan điều tra thì đã kết tội được như vậy? Mà sao biểu tình ôn hòa ở Hà Nội, Sài Gòn thì không đưa tin, lại cứ nhằm vào Bình Thuận để rêu rao mãi? Mà sao suốt 7, 8 năm nay, khi có biểu tình, không bao giờ có một vị quan chức nào chịu ra đối thoại với dân, chỉ dùng có mỗi ngón đòn là đàn áp và vu cáo?…”
Thấy nỗi phẫn uất của tôi “phì” cả ra ngoài, các chú cũng không muốn tranh luận, chỉ thỉnh thoảng nhắc “anh nói be bé thôi”.
Các chú hỏi tôi quan điểm về Luật ĐK, tôi nói những điểm chính tôi đã nêu trong Thư gửi các đại biểu Quốc hội. Nếu cần nói thêm thì đó là: Người chủ của giang sơn đất nước này là nhân dân, nhà nước chỉ là người quản lý; người quản lý không có quyền bán, nhượng, cho thuê mà không hỏi ý kiến ông chủ. Nếu cần nhấn mạnh thì đó là: Luật này chỉ có lợi cho Trung Quốc và không nước nào cạnh tranh được với Trung Quốc. Bởi lẽ thay vì tạo ra sự thông thoáng, bình đẳng, minh bạch để thu hút đầu tư, thì luật lại thu hút bằng “ưu đãi vượt trội” như miễn, giảm thuế, miễn, giảm giá thuê đất; và điều đặc biệt nguy hiểm là giao quyền đó cho chủ tịch đặc khu.
Người Nhật, người Mỹ liệu có dám đút tiền cho chủ tịch đặc khu để hưởng các ưu đãi này không? Rõ ràng là rất khó. Nhưng người Trung Quốc thì hoàn toàn làm được như chúng ta đã thấy những gì họ đã làm. Và kết cục tuy danh nghĩa chính quyền của ta nhưng thực tế đã là của họ. Ngoài ra còn vô vàn cái nguy hiểm khác, ví dụ, cho phép mở sòng bạc (casino) chẳng hạn. Lẽ ra chỉ những nước có luật pháp nghiêm minh, có nền tảng đạo đức, văn hóa cao mới dám cho mở sòng bạc, vì ở đây diễn ra những sự sát phạt và hoạt động của xã hội đen, nó sẽ làm bao gia đình người Việt lương thiện bị phá sản và tan vỡ. Các chú tìm đọc tiểu thuyết “Những đồng tiền siết máu” của Lê Văn Trương sẽ thấy sòng bạc rùng rợn như thế nào.
Trên đây là “lược thuật” cuộc gặp chiều nay. Nhìn chung các chú an ninh A87 ở Hà Nội mà tôi đã tiếp xúc, trong cuộc gặp này cũng như các cuộc gặp trước, luôn tỏ ra nhẹ nhàng, nhã nhặn, không có gì đáng chê trách về thái độ (trừ một, hai cá nhân, nhưng cách đây cũng đã hơi lâu rồi). Tôi thuật lại câu chuyện này chỉ để bày tỏ thái độ của tôi, rằng tôi đã phẫn uất.