“Còn đất nuớc là còn tất cả, mất đất nước là mất tất cả”; “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm” là hai câu nói của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu còn truyền tụng trong dân gian và trở thành một thông điệp thời đại cho những ai còn ưu tư về vận mệnh dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đảng tạo vấn đề, dân đang đem lại giải pháp mà tinh thần Diên Hồng hiện nay là phương tiện. Do đó, một trang sử mới mở ra cho Việt Nam sau ngày 10 tháng 6 năm 2018 hoàn toàn khác với Bắc Hàn sau ngày hội nghị 12 tháng 6 năm 2018 tại Singapore.
Đỗ Kim Thêm
13-6-2018
Bối cảnh lịch sử
Giống như Việt Nam, Hàn Quốc chịu nhiều nạn ngoại xâm của Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản và nội loạn trong nhiều thế kỷ. Trước các áp lực vì kiệt quệ kinh tế và phong toả ngoại giao, Hàn Quốc phải tuân theo chính sách mở cửa vào thế kỷ XIX.
Do Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ tương tranh liên tục về các lợi ích; cuối cùng, Hàn Quốc bị Nhật Bản đô hộ vào năm 1905, sát nhập và biến thành tỉnh Chosen vào năm 1910 trong chế độ thuộc địa. Vào năm 1919, dân chúng nổi dậy chống Nhật Bản và bị đàn áp đẫm máu.
Sau khi Nhật Bản bại trận trong Thế chiến II vào tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ và Liên Xô quyết định chia Hàn Quốc thành hai khu hành chính dọc theo vĩ tuyến 38. Liên Xô chiếm Bắc Hàn và thành lập Ủy ban Nhân dân Lâm thời do Kim Il Sung lãnh đạo vào tháng 2 năm 1946. Quân đội Hoa Kỳ chiếm Nam Hàn và xây dựng một chính phủ quân sự và tự quản.
Mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ làm cho các cuộc đàm phán về một chính phủ lâm thời cho Hàn Quốc thất bại. Cơ quan Liên Hiệp Quốc do Mỹ khống chế đã tổ chức cuộc bầu cử tự do vào năm 1948; tuy nhiên, chỉ diễn ra ở miền Nam. Kết quả là Cộng hòa Nam Hàn được thành lập và Syngman Rhee chấp chính là tổng thống. Sau đó, miền Bắc thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do Kim Il Sung lãnh đạo và các lực lương ngoại nhập chiếm đóng lần lượt rút quân.
Quân đội Mỹ vắng mặt, tạo cơ hội cho quân đội Bắc Hàn vượt biên giới mà Moscow và Bắc Kinh đã chấp thuận. Ngày 25 tháng 6 năm 1950, Tướng Bành Đức Hoài chỉ huy 270.000 quân Trung Quốc giúp Bắc Hàn tiến chiếm miền Nam. Ba ngày sau, Bắc Hàn và Trung Quốc chiếm đóng Seoul. Tháng 9 năm 1950, Quân đội Liên Hiệp Quốc bắt đầu phản công dưới sự lãnh đạo của Mỹ; Tướng Douglas MacArthur được Tổng thống Harry Truman chỉ định đem quân đánh Bắc Hàn. Trong vài tuần sau, họ đẩy quân Bắc Hàn đến biên giới của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc hỗ trợ cho Bắc Hàn chống lại đối thủ; cả hai bên chịu tổn thất nặng nề và diễn biến chiến trường dừng lại ở vĩ tuyến 38.
Sau hai năm đàm phán, hai phe đã thoả thuận ngừng bắn vào ngày 27 tháng 7 năm 1953. Giống như vĩ tuyến 17 của Việt Nam, vĩ tuyến 38 là lằn ranh quân sư tạm thời cho Bắc và Nam Hàn đình chiến. Việc ngừng bắn đã duy trì nguyên trạng chia cắt cho đến ngày nay. Dù chiến tranh chấm dứt, nhưng hai phe chưa bao giờ đạt được một chung quyết cho một hòa ước vĩnh cửu.
Hậu quả của chiến tranh là gây thương vong cho gần khoảng hơn ba triệu người: Nam Hàn có 776 ngàn lính chết và mất tích, bị thương, gần 1 triệu thường dân chết và bị thương trong khi Bắc Hàn có 1 triệu 300 ngàn lính chết và bị thương, mất tích, có khoảng 1 triệu 550 ngàn thường dân chết và bị thương. Phía Mỹ có 36.516 người chết. Đất nước bị tàn phá và chia cắt.
Diễn tiến hậu chiến
Sau chiến tranh, Bắc Hàn thiết lập chế độ Cộng sản, áp đặt một ý thức hệ hoàn toàn dị biệt với tinh thần dân tộc Á Đông, đặc biệt là sùng bái cá nhân “Lãnh tụ vĩ đại” Kim Il Sung. Mọi sinh hoạt của đất nước đều tách biệt với thế giới bên ngoài và mối liên lạc giữa người dân hai miền đã hoàn toàn bị phá vỡ. Vào những năm 1960, quân đội lên nắm quyền ở Nam Hàn, lập một chế độ quân phiệt và đàn áp mọi thành phần đối lập.
Sau cuộc họp lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon với lãnh đạo nhà nước Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh năm 1972, hai phe Bắc và Nam Hàn bắt đầu ngờ vực về thiện chí các cường quốc; họ thiết lập lại các liên lạc ngoại giao và tuyên bố ý định thống nhất đất nước và không có sự can thiệp của nước ngoài. Nhưng mục đích cao cả này không đem lại một kết quả thiết thực nào.
Sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên, tân Tổng thống Nam Hàn Roh Tae Woo đã tìm cách hòa giải với Liên Xô và Trung Quốc. Vào cuối những năm 1980, Nam Hàn nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Bắc Hàn. Năm 1991, cả hai nước đã gia nhập cơ quan Liên Hiệp Quốc. Vào tháng 12 năm 1991, cả hai ký một thỏa thuận hợp tác và bất tương xâm; tuy nhiên, phía Bắc Hàn liên tục vi phạm thỏa thuận.
Trong nỗ lực hòa giải, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã khởi động “Chính sách Ánh Dương”. Nhờ thành quả này mà ông đã được trao giải Nobel Hòa bình. Năm 2000, ông gặp Kim Jong Il, người đã nắm quyền lãnh đạo sau khi thân phụ là Kim Il Sung mất năm 1994. Kết quả đầu tiên của cuộc họp là các gia đình đã bị phân tán bởi sự chia cắt đất nước có thể thăm viếng nhau tại các cuộc họp mặt có kiểm soát.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thiết lập một khu kinh tế đặc biệt chung ở Kaesong, khu vực công nghiệp mà 123 doanh nghiệp Nam Hàn sử dụng 50.000 lao động Bắc Hàn. Đầu tư này mang lại số doanh thu 516 triệu Đô la từ năm 2004.
Nam Hàn đã nhiều lần giúp cho Bắc Hàn qua các chương trình viện trợ nhân đạo. Khi căng thẳng quốc tế về chính sách vũ khí hạch tâm tăng lên, Nam Hàn đã đóng vai trò trung gian hòa giải với Bắc Hàn.
Năm 2007, giới lãnh đạo hai nước gặp lại nhau. Tuy nhiên, sau khi Bắc Hàn gây nhiều kích động vì không muốn từ bỏ các kế hoạch về vũ khí hạt nhân, chính phủ Nam Hàn thay đổi chính sách, chính quyền mới có nhiều biện pháp cứng rằn hơn và tuyên bố kết thúc “chính sách Ánh Dương” làm cho mối quan hệ hai miền xấu đi.
Năm 2011, Kim Jong Un kế nghiệp Kim Jong Il, người cha quá cố và tiếp tục nâng cấp chương trình vũ khí hạch tâm. Năm 2013, sau cuộc thử nghiệm lần thứ ba, Kim Jong Un công bố từ bỏ tất cả các thỏa thuận bất tương xâm với miền Nam để đối phó với các lệnh trừng phạt của LHQ. Năm 2016, Nam Hàn đã đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong. Đến cuối năm, Bắc Hàn tỏ ra không quan tâm đến yêu cầu xích lại gần nhau với miền Nam.
Tổng thống Nam Hàn Park Geun Hye đã theo đuổi một chính sách đối đầu khá cứng rằn, nhưng không bao lâu sau bà bị truất nhiệm vì tham nhũng. Vào tháng 5 năm 2017, Moon Jae In kế nhiệm Park Geun Hye và ông đã hứa nỗ lực đối thoại với Bắc Hàn.
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới vào tháng 1 năm 2018, Kim Jong Un đã thay đổi đột ngột chính sách khi gợi ý rằng các vận động viên Bắc Hàn sẽ tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Pyeongchang tháng 2 năm 2018. Sau đó, các cuộc đàm phán của Nam và Bắc Hàn diễn ra. Kết quả là Kim Jong Un không những chỉ gửi các vận động viên, nghệ sĩ và phóng viên đến đại hội thể thao mà còn một phái đoàn chính trị cấp cao, kể cả em gái là Kim Yo Jong. Buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội là một biến động lịch sử cho cả nước. Sau đó, Seoul đã gửi một phái đoàn đến Bình Nhưỡng theo lời mời của Bắc Hàn. Kết quả cuộc gặp gở là Bắc Hàn tuyên bố sẵn sàng đàm phán về chương trình vũ khí hạch tâm.
Kinh tế
Thống kê kinh tế chính thức của Bắc Hàn còn khan hiếm hoặc thiếu khả tín. Tất cả số liệu chỉ là ước tính. Theo Cơ quan CIA, hiện nay, Tổng Sản luợng Quốc gia khoảng 40, 6 nghìn tỷ Đô la và lợi tức bình quân cho mổi đầu người là 1523 Đô La. Theo một tài liệu khác, dè dặt hơn, cho là Bắc Hàn chỉ có 17 tỷ 400 triệu đứng thứ 113 trên thế giới; lợi tức đầu người là và 665 Mỹ kim và đứng hàng thứ 176. Trong hơn 40 năm qua, Bắc Hàn hầu như không đưa ra số liệu nào về mức tăng trưởng.
Nền kinh tế hoàn toàn do doanh nghiệp nhà nước quản lý và mọi điều hành gần như phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ năm 1990, dân chúng phải chịu nạn đói trong ba năm liên tiếp, số tử vong ước khoảng 240.000 đến 423.000. Biến cố thuơng tâm này làm cho quốc tế phát động chương trình cứu đói qua World Food Program.
Tuổi thọ của người dân khoảng 69, nhưng tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở mức báo động là 28% trong tổng số dân 25 triệu. Trong những năm gần đây, nhờ các chương trình viện trợ quốc tế mà Bắc Hàn đã không còn nạn đói, nhưng các nguồn cung ứng chung cho nền kinh tế chưa đầy đủ. Vào mùa đông, các trường học và các cơ quan không được sưởi ấm. Đối tác chính về ngoại thương là Trung quốc, chiếm dụng 84% với dung lượng là 5,3 ngàn tỳ Đô La. Các đối tác khác là Nga và Ấn Độ.
Giống như phong trào Đổi Mới của Việt Nam vào năm 1989, Bắc Hàn duy trì hệ thống chính trị độc đảng, nhưng thận trọng hơn trong việc thực hiện cải cách kinh tế mà khu công nghiệp Kaesong và xuất khẩu lao động sang Liên Xô là hai thí dụ chính.
Vũ khí hạch tâm và nguyên tử
Thế giới bên ngoài không biêt nhiều về khả năng quân sự của Bắc Hàn và chuyên gia suy đoán là đã sử dụng 43% ngân sách cho kinh phí quốc phòng. Trong cuộc xung đột hiện tại, chương trình phát triển vũ khí hạch tâm trở thành vấn đề quan trọng cho tất cả các chương trình nghị sự về an ninh khu vực.
Trước đây, Kim Il Sung và Kim Jong Il muốn cai trị đất nước theo kiểu Stalin và lo sợ các cường quốc can thiệp. Cả hai cho là để bảo vệ chế độ không gì hữu hiệu hơn là sở hữu các loại vũ khí hạch tâm và tạo ra một mối đe dọa cho an ninh quốc tế. Phô trương quyền lực này là sách lược chính mà ba thế hệ của gia tộc họ Kim theo đuổi.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Kim Il Sung đã gửi các chuyên gia đầu tiên đến Liên Xô và sau đó đến Trung Quốc và tìm cách phát triển một chương trình vũ khí hạch tâm. Năm 1986, Trung tâm Nguyên tử lực Yongbyon ở phía Bắc Bình Nhưỡng bắt đầu đi vào hoạt động. Bắc Hàn đã báo cáo hoạt động của nhà máy này cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử IAEA. Theo một ước tính, Yongbyon có thể sản xuất tới sáu Kilogram Plutonium mỗi năm, với số lượng này đủ trang bị cho một số đầu đạn vũ khí hạch tâm. Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 làm cho Bình Nhưỡng đã mất đi một đồng minh quan trọng và mối quan tâm về an ninh nội địa ngày càng tăng. Năm 2010, Mỹ nghi ngờ rằng Bắc Hàn cũng có vận hành một cơ sở tinh luyện Uranium tại Yongbyon, nhưng Bắc Hàn đã cải chính là các hoạt động này hoàn toàn có mục đích cho việc sản xuất điện dân dụng.
Về tầm vóc hoạt động của các kho vũ khí hạch tâm, các chuyên gia đều không có tài liệu chính xác, nhưng họ suy đoán rằng với 20 cơ sở trang thiết bị, Bắc Hàn đã tiến hành sáu cuộc thử nghiệm dưới lòng đất và đang tiếp tục xây dựng sức mạnh này. Khi Uranium được tinh luyện cao độ, nó sẽ được sử dụng như Plutonium và sản xuất vũ khí hạch tâm. Lần đầu tiên trong năm 2006 có một lực nổ ít hơn một kiloton và được cho là tương đối yếu. Theo Bộ Quốc phòng Nam Hàn tiết lộ, các thử nghiệm lần thứ năm trong tháng 9 năm 2016 có một lực nổ khoảng 10 kilotons; thử nghiệm vào tháng 9 năm 2017 có sức nổ hơn 100 kilotons; so sánh sức công phá của quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima là khoảng 15 kilogram.
Ngoài ra, bom khinh khí đã được thử nghiệm hai lần và có sức công phá mạnh hơn. Năm 2016, Bắc Hàn đã cho hai lần thử nghiệm vũ khí hạch tâm và hơn hai chục lần hoả tiển, tín hiệu này cho thấy Bắc Hàn đang khẩn trương phát triển các đầu đạn hạch tâm nhỏ hơn cho phù hợp với hoả tiển đạn đạo liên lục địa trong vòng ba năm tới. Vấn đề là tầm phóng của các loại vũ khí này có thể xuyên qua vùng Thái Bình Dương và đến lãnh thổ của Mỹ không và công nghệ nào sẽ sử dụng, các chuyên gia còn tranh luận và đang được thế giới quan tâm theo dõi.
Năm 2011, khi Kim Jong Un lãnh đạo Bắc Hàn, nhiều nhà quan sát không rõ mục tiêu nào mà Kim Jong Un sẽ theo đuổi. Năm 2013, khi ra lệnh ám sát Jang Song Thaek, người thầy, người chú và người thứ hai có quyền lực mạnh nhất của Bắc Hàn, Kim Jong Un cho thấy là muốn duy trì quyền lực lãnh đạo mà không khiếp sợ bất cứ ai. Kim Jong Un cũng muốn tự đề cao và tìm cách dàn dựng về hệ thống quyền lực của mình khi theo đuổi một học thuyết được gọi là “Songun”, theo nghĩa đen là “Đầu tiên là quân đội.” Quân đội không chỉ phục vụ quốc phòng, mà còn để ngăn chặn tình trạng bất ổn nội chính.
Kim Jong Un đã xây dựng quyền lãnh đạo theo chính sách Byungjin, mà hai trụ cột là vũ trang quân sự và tiến bộ kinh tế. Trang bị vũ khí hạt nhân thành công sẽ quan trọng về mặt tuyên truyền: Dân chúng hãnh diện về uy tín quốc gia trong việc thống nhất đất nước.
Các chuyên gia nghi ngờ là trong thực tế liệu Kim Jong Un muốn tận dụng tiềm năng quân sự hay chỉ phô trương uy thế. Kim Jong Un đủ khôn ngoan để không tự sát mà chỉ áp dụng chiến lược đe doạ. Dù trong hoang tưởng của việc trang bị vũ khí và thừa can đảm để chấp nhận mọi rủi ro cho đất nước, Kim Jong Un có thể dự đoán được mọi diễn biến.
Gần đây, Bắc Hàn có những thử nghiệm hoả tiển, nhưng không thành công. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nghi ngờ rằng sớm hay muộn thì các thừ nghiệm sẽ có xác suất thành công rất lớn, nên tiềm năng này cần được thế giới ngăn chận. Vào tháng 11, Bắc Hàn thử nghiệm một hoả tiển đạn đạo liên lục địa có thể thâm nhập lãnh thổ Guam hay Hawaii.
Hiện nay, thế giới càng lo âu nhiều hơn về khả năng tổn thương tại khu vực Thái Bình Dương và Đông Á. Vào mùa hè năm 2017, Kim Jong Un gây cho Nhật Bản hoảng sợ khi tạo ra hai cuộc thử nghiệm liên tiếp mà sức công phá vượt khỏi đảo Hokkaido.
Trước đây, Kim Jong Un và Donald Trump đã làm cho cuộc xung đột Bắc Hàn trầm trọng hơn bằng cách thoá mạ và đe dọa tấn công nhau. Nhưng vào đầu năm, khi cả hai thay đổi sách lược gây ra ngạc nhiên cho công luận thế giới.
Trong tiến trình xích lại gần nhau với Nam Hàn, Kim Jong Un cũng có gởi những tín hiệu muốn làm giảm đi tình trạng căng thẳng đối với Mỹ. Sau một cuộc họp với Kim Jong Un, Nam Hàn thông báo rằng sẵn sàng thảo luận về giải trừ vũ khi với Kim Jong Un và ngỏ lời mời Trump tham dự đàm phán chung trong tương lai.
Tại sao Kim Jong Un lại chấp nhận cho Nam Hàn tiến hành trước các nỗ lực này? Nhiều chuyên gia giải thích rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Bắc Hàn của quốc tế đã có hiệu quả thực sự; tình hình kinh tế suy sụp buộc Kim Jong Un phải nhượng bộ và cần có một trái độn giữa Nam Hàn và các đồng minh của Nam Hàn. Tuy nhiên, lúc đầu Bắc Hàn không gởi một lời mời chính thức nào cho Hoa Kỳ về mục tiêu này. Trong khi chính phủ Hoa Kỳ muốn thấy có những bước tiến thực sự trong tiến trình giải trừ vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn trước khi một cuộc họp có thể diễn ra.
Trong khi đó, Tổng thống Monn Jae In muốn thoát khỏi tình trạng này và tạo một vị thế nổi bật cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều bằng cách tạo cho Nam Hàn phối hợp chặt chẽ hơn với Washington. Vai trò của Nam Hàn và Bắc Hàn phối hợp nhau, nếu thành công, sẽ làm cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Hàn cũng như vãn hồi hoà bình trên bán đảo thành hiện thực. Đó là hai chủ đề chính cho các cuộc đàm phán. Thế giới hy vọng là Tổng thống Moon Jae In có đủ nghị lực và bản lĩnh làm trung gian và tạo niềm tin giữa Donald Trump và Kim Jong Un.
Quyền lợi Quốc tế
Hoa Kỳ
Trong bài diễn văn trình bày về tình hình liên bang vào năm 2002, George W. Bush không chỉ liệt kê Iraq và Iran là “trục của ác qủy”, mà còn kể đến cả Bắc Hàn. Sau đó, Bình Nhưỡng cáo buộc Washington là làm cho Bắc Hàn trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công quân sự. Trong bối cảnh này, Bắc Hàn không có lựa chọn nào khác ngoài việc trang bị cho mình “vũ khí tấn công và phòng thủ mạnh mẽ”. Một năm sau, Hoa Kỳ xâm lược Iraq và lật đổ Saddam Hussein; sau đó là đến lượt sụp đổ của Libya với cái chết của Muammar Gaddafi. Đây là hai kịch bản gây cho Bắc Hàn lo âu vì sẽ phải chịu số phận tương tự.
Obama không hề quan tâm đến những khiêu khích của Bắc Hàn, nhưng lại theo đuổi một “Chiến lược kiên nhẩn” đối với Bình Nhưỡng. Trong suốt nhiệm kỳ của Obama đã có nhiều lần thử nghiệm vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn, dù lên án, nhưng Obama không đề ra các biện pháp trừng phạt mới, mà ra lệnh tấn công trên không gian mạng và chỉ thỉnh thoảng cung cấp thực phẩm cho Bắc Hàn.
Các chuyên gia cũng suy đoán là các thiết bị điện tử được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm của Bắc Hàn đều được ngụy tạo; chắc chắn phải có nhiều cuộc thử nghiệm bất thành và đây cũng có thể là do lỗi kỹ thuật.
Đến thời của Tổng thống Trump, tình thế thay đổi. Khác với Obama, Donald Trump nhận thức rằng kho vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn là mối đe dọa lớn nhất đối với nền an ninh của Hoa Kỳ. Giọng điệu chống Bắc Hàn cuả Trump trở nên “rực lửa và giận dữ” hơn Obama. Vào tháng 11 năm ngoái, Barack Obama đã cảnh báo Trump về tinh hình này: Bắc Hàn sẽ là bài toán khó khăn về an ninh cho chính phủ của Trump. Các cố vấn của Trump cho là không còn có thể loại trừ các giải pháp quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố sẽ có “một phản ứng quân sự quy mô” nếu Bắc Hàn đe dọa Mỹ hoặc các đồng minh.
Donald Trump không hề tháo chạy trước hiểm hoạ Cộng sản Băc Hàn như Richard Nixon trong hoàn cảnh của Nam Việt Nam trước năm 1975. Ngược lại, Donald Trump đã thông báo sẽ phản ứng quân sự khi Nam Hàn và Nhật Bản bị Bắc Hàn tấn công. Cho đến nay, Nam Hàn còn tin tưởng vào sự hợp tác quân sự của Mỹ, dù Nam Hàn có ít binh sĩ hơn và không có hoả tiển đạn đạo liên lục địa hay vũ khí hạch tâm, trong khi Bắc Hàn vượt trội hơn.
Tuy nhiên, chính phủ Trump chủ yếu sử dụng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực với Trung Quốc, đồng minh cuối cùng và duy nhất có khả năng gây tổn hại thực sự và lâu dài cho Bắc Hàn. Bắc Kinh có một vài nhượng bộ cho Hoa Kỳ, nhưng không quan tâm đến các giải pháp quân sự làm sụp đổ chế độ Bắc Hàn. Vì vậy, quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các kế hoạch trừng phạt của Hoa Kỳ trở nên suy yếu. Chính phủ Trump bị cũng bị phân hoá về phương sách đối phó với Bình Nhưỡng. Cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nhiều lần đàm phán với Bắc Hàn, nhưng không nêu ra các điều kiện tiên quyết. Đó chính là lý do tại sao ông bị Trump công khai khiển trách.
Thực tế là các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn hiện có nhiều hiệu ứng đáng kể và Trung Quốc cũng tác động mạnh hơn so vơi trước đây. Sau khi có các lời mời đàm phán của Kim Jong Un dành cho Donald Trump, cơ hội để Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự một cuộc họp như vậy thành hình.
Cũng cần nhắc lại là vào năm 2000, Bill Clinton đã gửi Ngoại Trưởng Madeleine Albright đến gặp Kim Jong Un trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, chuyến thăm này đã trở thành một chương trình tuyên truyền, mà Bình Nhưỡng đã sử dụng nhiều hơn Washington.
Trung Quốc
Không chỉ về mặt địa lý mà Trung Quốc còn gắn bó mật thiết về mặt lịch sử với Bắc Hàn. Hai nước có biên giới chung ở miền Hoa đông. Ngoài ra, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên giữa năm 1950-1953, Trung Quốc đã là đồng minh chiến đấu với Bắc Hàn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc là đồng minh duy nhất cung cấp dầu cho Bắc Hàn. Bình Nhưỡng cũng phụ thuộc về mặt tài chính và ngoại thương của Trung Quốc, chiếm khoảng 84% ngoại thương của Bắc Hàn. Bắc Kinh cũng muốn nắm giữ liên minh với Bắc Hàn như một trái độn cho Nam Hàn, một đồng minh Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh thấy chương trình phát triển vũ khí hạch tâm của Bình Nhưỡng là đi ngược lại với quyền lợi chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc lo sợ khi chế độ Bắc Hàn sụp đổ có thể dẫn đến một làn sóng người tị nạn Bắc Hàn. Ngược lại, thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Seoul và Washington cũng là mối lo ngại, mà cụ thể là khi lính Mỹ đóng quân tại gần biên giới của Trung Quốc. Vì vậy, trong trường kỳ, Trung Quốc sẽ không làm bất cứ điều nghiêm trọng sẽ gây nguy hiểm cho an ninh lãnh thổ của Bắc Hàn.
Nga
Trong chiến tranh Triều Tiên, Nga ủng hộ Bình Nhưỡng khi gửi xe tăng và chiến đấu cơ đến Bình Nhưỡng. Hai nước có chung biên giới dài khoảng 20 km. Trong nhiều thập niên, hai nước đã có nhiều cuộc đối thoại, nhưng dưới thời của Vladimir Putin, vấn đề an ninh được quan tâm nhiều hơn.
Thiện chí rõ rệt nhất của Nga là xoá 90 % nợ cho Bắc Hàn trong năm 2012, với trị giá hơn 10 tỷ đô la. Sau Trung Quốc, Nga là một trong những đối tác thương mại quan trọng. Bắc Hàn cung cấp cá và hải sản cho Liên Xô; bù lại, nhập khẩu nguyên liệu của Nga. Ngoài ra, hàng chục nghìn lao động Bắc Hàn đang làm việc tại các công trường xây dựng hoặc trong ngành công nghiệp gỗ của Nga. Phần lớn tiền lương của họ phải trả cho chính quyền Băc Hàn.
Mặc dù có sự hợp tác, Moscow cũng lên án việc nâng cấp chương trình vũ khí của Bắc Hàn và đồng thuận các các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc. Tiềm năng đe dọa quân sự của Bắc Hàn tại các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương không làm cho Nga quan tâm. Tuy nhiên, về cuộc xung đột hiện nay, Vladimir Putin ủng hộ cho một giải pháp ngoại giao ổn định. Vladimir Putin đã có lời mời Kim Jong Un thăm viếng Nga để thảo luận vấn đề này sau Hội nghi Singapore. Trong thời kỳ chuẩn bị cho hội nghị Singapore, giới ngoại giao Nga và Bắc Hàn khẩn truơng tiếp xúc nhau để trao đổi về một viễn cảnh mối cho mối bang gao hai nước.
Nhật Bản
Về mặt lịch sử, mối quan hệ này căng thẳng kể từ khi Nhật Bản thống trị bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945 như là một cường quốc thuộc địa. Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn và giống như Hàn Quốc, là một đồng minh của Mỹ. Hiện nay, Nhật xem Bắc Hàn là mối đe dọa lớn về an ninh. Trong các cuộc thử nghiệm, nhiều lần hoả tiển Bắc Hàn bay trên không phận hoặc rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Với hệ thống phòng thủ hiện nay, Tokyo muốn chống lại các cuộc tấn công của Bắc Hàn có thể xảy ra. Shinzo Abe biết cách khai thác mối đe dọa lãnh thổ này và biến nó thành một phương sách chính trị. Với các cuộc thực tập quân sự khẩn cấp và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, Nhật Bản cố tạo ra sự nhạy cảm cho dân Nhật về mối đe dọa quân sự của Bắc Hàn và ý chí bảo vệ lãnh thổ. Abe muốn dân chúng đồng thuận cho chương trình nâng cấp vũ trang của Nhật, đặc biệt là khi Trung Quốc trỗi dậy. Năm 2018, Tokyo tăng kinh phí quốc phòng với mức kỷ lục khoảng 41 tỷ euro.
Một quan tâm khác của Nhật là vào những năm 1970 và 1980 có 100 dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc tại các bải biển của Nhật và bị giam giử cho đến nay. Nhật Bản không biết tin tức sống còn của nạn nhân. Bắc Hàn cải chính là chỉ giam giử 13 và tất cả đã qua đời. Hiện nay, chưa có những tín hiệu về đàm phán về vấn đề này.
Mối quan hệ thân thiết của Abe và Trump làm cho bang giao Nhật-Mỹ nồng ấm hơn. Dân Nhật hy vọng là Trump sẽ làm cho mối đe doạ của Bắc Hàn và Trung Quốc đối với Nhật sẽ giảm nhiều sau cuộc họp này.
Nam Hàn.
Bị đe dọa trực tiếp nhất bởi Bắc Hàn là Nam Hàn. Thủ đô Seoul với khoảng 10 triệu dân nằm cách biên giới chỉ 50 km. Vì không có vũ khí hoả tiển về phòng ngự, nên người dân Nam Hản luôn trong tâm trạng lo sợ trước một cuộc tấn công bất cứ lúc nào vì Bình Nhưỡng đã đóng 15.000 quân pháo binh tại biên giới.
Nhưng người dân Nam Hàn yên tâm hơn khi có gần 28.000 binh lính Mỹ đang bảo vệ. Cả hai quân đội thường xuyên có các cuộc diễn tập quân sự chung. Nhưng quân đội Nam Hàn cũng đang được tân trang, đặc biệt là không ngừng cải thiện kỹ thuật trong kiểm soát không phận. Thành phần cứng rắn trong quân đội luôn kêu gọi cần tân trang vũ khí để có thể bảo vệ miền Nam.
Quyền lợi sinh tử của Nam Hàn là vận mệnh của dân tộc và thống nhất hai miền Nam-Bắc. Mục tiêu thứ nhất là cải thiện quan hệ hai miền, mà cụ thể là tạo mối quan hệ máu mủ của người dân qua chương trình đoàn tụ thân nhân ly tán trong chiến tranh. Thứ hai là hợp tác kinh tế, làm cho vùng biển phía Tây trở thành hải phận hòa bình, ngăn ngừa xung đột quân sự ngẫu nhiên, đảm bảo hoạt động đánh bắt cá an toàn cho ngư dân và kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ và đường sắt hai miền.
Thứ ba và quan trọng nhất là hai nước cam kết sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, biến khu phi quân sự thành một “vùng hòa bình,” chấm dứt mọi hành động thù nghịch, mà khiêu khích hay phát loa tuyên truyền dọc biên giới là thí dụ chính.
Nếu mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp, thì triển vọng thống nhất đất nước là hiện thực. Tổng Thống Moon Jae In, Tổng Thống Donald Trump và Kim Jong Un sẽ có hy vọng đoạt giải Nobel Hoà Bình.
Nhưng mối lo âu chính cho Nam Hàm là sẽ phải trang trải mọi chi phí cho việc tái thiết Bắc Hàn. Kinh nghiệm của Tây Đức trong việc thống nhất nước Đức cho thấy lòng hào hiệp của hậu phương lớn có giới hạn, nhất là khi dân chúng bị đánh thuế quá cao cho thành tựu của lịch sử dân tộc. Tương lai cho việc thống nhất đất nước chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn một đều là Donald Trump sẽ không có lòng hào hiệp cùng chia sẽ phí tổn thống nhất với Nam Hàn qua các chương trình viện trợ phát triển vì sẽ đi ngược lại chính sách America First.
Các giải pháp
Trong hơn hai thập niên qua, cộng đồng quốc tế đã cố gắng tìm cách ngăn cản Bắc Hàn từ bỏ tham vọng thành cường quốc vũ khí hạch tâm. Bắc Hàn luôn đu đưa giữa hai phương sách đối nghịch: hợp tác và bất hợp tác với phương Tây. Dù theo phưong sách nào, Bắc Hàn vẫn xem duy trì quyền lực độc tài cai trị là mục tiêu chính. Giống như Cộng Sản Bắc Việt trong quá khứ, Bắc Hàn đã đạt được một số thỏa thuận cho mục tiêu tuyên truyền, nhưng sau một thời gian ngắn đã trắng trợn vi phạm.
Trong thời gian chuyển tiếp, Hiệp định khung Geneva năm 1994 đã giải tỏa phần nào tình hình. Theo đó, Bình Nhưỡng đồng ý đình chỉ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trở lại hoạt động tại Bắc Hàn. Để đổi lại thoả thuận này, quốc tế đồng ý cung ứng dầu và xây dựng hai nhà máy sản xuất điện bằng thủy lực vào năm 2010. Thỏa thuận này lại thất bại vào năm 2002, vì quốc tế phát hiện là Bắc Hàn âm thầm theo đuổi chương trình tinh luyện Uranium. Sau đó, Bắc Hàn rút khỏi thoả ước này.
Vào tháng 8 năm 2003, Bắc Kinh đề xuất cuộc đàm phán sáu bên, ngoài Bắc và Nam Hàn, có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ tham gia. Trong vòng đàm phán thứ năm, các bên đạt đến một mục tiêu lý tưởng: đình chỉ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử để đổi lấy viện trợ nhân đạo và cung cấp nhiên liệu và bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Hàn và Nhật Bản và Hoa Kỳ. Hai năm sau, Bình Nhưỡng cũng đã phá vỡ thỏa thuận này.
Tháng 2 năm 2012, Kim Jong Un tuyên bố sẽ đình chỉ thử nghiệm các vũ khí hạch tâm và hoả tiễn để đổi lấy viện trợ nhân đạo. Nhưng sau đó, Kim Jong Un cũng không tôn trọng các tuyên bố. Để phản ứng, Hội đồng Bảo an LHQ cho nhiều Nghị Quyết ra đời, nhưng không mang đến một giải pháp lâu dài cho Bắc Hàn và an ninh khu vực.
Từ năm 2006, khi Bắc Hàn công bố thử nghiệm lần đầu tiên, đã có tám nghị quyết của LHQ để trùng phạt Bắc Hàn. Trong lần đầu tiên, một lệnh cấm vận vũ khí được ban hành. Trong hai năm 2009 và 2013, LHQ cho phép các thành viên có thể điều tra các chuyến bay đến Bắc Hàn và phá hủy các vật liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân. Trong năm 2016, sau khi các biện pháp này đã được thắt chặt hơn, LHQ đã bị cấm bất kỳ hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ cho Bắc Hàn, ngoại trừ lĩnh vực y tế.
Một trong những trừng phạt nghiêm khắc nhất là vào mùa hè năm 2017, xuất khẩu than, sắt thép, chì, cá và hải sản của Bắc Hàn bị đình chỉ. Biện pháp cấm đoán này làm cho Bắc Hàn thất thu khoảng một tỷ đô la; tương đương 1/3 trong tổng số doanh thu ngoại thương. Sau khi thuơng thảo với Nam Hàn, Kim Jong Un đề nghị đàm phán về chương trình giải trừ vũ khí hạch tâm; bù lại, Bắc Hàn đòi hỏi là phải có các biện pháp bảo đảm an ninh tương xứng, bải bỏ các biện pháp phong toả kinh tế và cấp viện cho các chương trình tái thiết và phát triển
Tuy nhiên, cả Nam Hàn và Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng Bắc Hàn phải thực hiện các bước đầu tiên trước khi các cuộc đàm phán cấp cao có thể bắt đầu. Lập luận chính của cả hai là chừng nào Bắc Hàn chưa tiến hành phi hạt nhân hóa “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, thì quốc tế sẽ không thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.
Thoạt đầu, các chuyên gia cho là đàm phán Mỹ-Triều khó thành tựu vì thái độ của Donald Trump và Kim Jong-un là thiếu khả tín và tiền hậu bất nhất Cuối cùng, một tin vui đã đến: Sau bao cuộc vận động liên tục và chìm nổi, cả hai đồng ý đàm phán trong cuộc họp thượng đỉnh tại Singapore vào ngày 12 tháng Sáu năm 2018.
Hội nghị Thượng đỉnh Singapore
Bối cảnh
Trong một bối cảnh xáo trộn liên tục, không ai có thể xác định các công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Singapore thành hình. Donald Trump trong chính sách America First và Kim Jong Un với tham vọng Kim Dynastie First đều không cho thấy có một kế hoạch chu đáo và thiện chí. Cả hai nổi tiếng về cá tính đặc biệt đầy kịch tính mà đột ngột thay đổi thái độ cá nhân cho tiến trình thoả thuận đàm phán là lý do chính.
Trong khi chính quyền Mỹ chưa chính thức ấn định nội dung chi tiết về giải giới, thì kiểu cách trù bị là theo quan điểm riêng của Tổng Thống Trump. Ông tự hào là nhà thương thuyết tài ba nhất trên mặt kinh tế; khi cảm thấy hội nghị không đi đến kết quả tốt, thì ông sẽ không tham dự. Mỹ không có một giải pháp nhất quán nào cho hội nghị, mà tiếng nói Mike Pompeo và John Bolton lả thí dụ. Họ là những người của phe diều hâu chủ trương thay đổi chế độ Bắc Hàn, ngược hẳn Trump. Mỹ nên tấn công quân sự Bắc Hàn; tốt nhất là đề nghị Mỹ cùng Trung Quốc lật đổ chế độ. Đô Đốc Harry B. Harris Jr. tỏ ra nhẹ nhàng hơn, khi cho rằng mọi thỏa hiệp với Kim Jong Un cần phải kiểm tra. Ai sẽ quyết định cho chính sách của Mỹ tại hôi nghị là chuyên không rõ và những công tác chuẩn bị không được Mỹ công bố.
Ngược lại, Bắc Hàn cho là Mỹ vẫn còn hung đồ xâm lăng, mà các cuộc diễn tập quân sự chung với Nam Hàn là thí dụ. Mỹ không thể độc quyền định sẵn lập trường chung để thương thuyết: Tại sao Bắc Hàn phải hủy bỏ kho vũ khí, còn Mỹ thì không. Mỹ không thể ép buộc Bắc Hàn đơn phương giải giới. Dù hăm dọa sẽ hủy bỏ hội nghị, nhưng Bắc Hàn không khiêu khích cao độ như tiếp tục thử nghiệm hỏa tiễn, do đó chưa có hậu quả trầm trọng xảy ra làm tan vỡ hội nghị.
Mỹ lạc quan quá mức với những thiện chí của Bắc Hàn lúc đầu vì cho là chiến lược “áp lực tối đa” của Mỹ đã khiến Bắc Hàn phải tuân phục. Có lẽ điều kiện thu hút nhất cho Bắc Hàn tham gia thảo luận ở Singapore là Mỹ bảo đảm không tấn công xâm lăng hay lật đổ giới lãnh đạo Bắc Hàn. Tuy nhiên, liệu Bắc Hàn có tin lời bảo đảm của Trump không, nếu có, thì với mức độ nào và trong bao lâu, đó là vấn đề đặt ra. Hành động của Trump chống G7, EU, NATO, WTO và đơn phương rút khỏi nhiều hiệp định quốc tế như TPP, TTIPP, Khí hậu Paris và thương ước với Iran là lý do chính đáng để Kim Jong Un phải hoài nghi về thiện chí của Trump và nội dung sẽ thỏa thuận ở Singapore.
Không phải chì có Bắc Hàn chống đối thái độ của Trump và chính sách America First của Mỹ, mà còn có các nước Tây Âu, nơi mà phong trào bài Mỹ của giới trí thức cánh tả vốn dĩ đã có từ lâu. Họ cho là tại sao Mỹ buộc các nước khác phải tuân thủ luật lệ quốc tế, đồng thời Mỹ tự miễn trừ về ràng buộc này. Trump không tôn trong nguyến tắc hợp tác đa phương và tinh thần trọng pháp quốc tế. Không có một lĩnh vực nào chứng minh rõ điều đó như trong hồ sơ giải trừ vĩ khí hạch tâm và mậu dịch quốc tê. Mỹ yêu cầu Bắc Hàn phải gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạch tâm và áp lực Hội Đồng Bảo An LHQ ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thực tế cho thấy, trong cuộc chạy đua vũ trang hiện nay, Isarel và Iran cũng có vũ khí hạch tâm vả mức độ nguy hiểm không kém gì Bắc Hàn, nhưng Mỹ và công luận thế giới ít quan tâm hơn. Nhờ có ưu thế về canh tân kỹ thuật quốc phòng nên Mỹ đang và sẽ tiếp tục có một vai trò chính yếu để răn đe một cuộc tấn công có quy mô lớn giữa các nước có trang bị vũ khí nguyên tử. Bắc Hàn giải giới vũ khí cũng đồng nghiả là tiềm năng đe doạ của Mỹ tăng lên.
Cuối cùng, tin vui đã đến cho mọi người: Cũng không chỉ có Kim Jong Un dọa bỏ rồi lại đồng ý tham gia, mà chính Tổng Thống Trump cũng đã dịu giọng hơn khi đến bàn hội nghị vào ngày 12 tháng Sáu năm 2018.
Thành tựu và Triển vọng.
Sau 45 phút găp gỡ và đối thoại trong tinh thần thân thiện và cởi mở, mọi hình ảnh thù nghịch cá nhân của Donald Trump và Kim Jong Un đều tan biến. Hai bên đã đưa ra một thông cáo chung gồm bốn điểm chính là:
- Hoa Kỳ và Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên cam kết thiết lập một mối quan hệ mới dựa trên lòng mong muốn của hai dân tộc cho hoà bình và thịnh vượng.
- Hoa Kỳ và Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên sẽ kết hợp để nỗ lực xây dựng một nền hoà bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
- Tái xác nhận Bảng Tuyên Bố Bàn Môn Điếm vào ngày 27 tháng Tư năm 2018 để tiến hành việc giải giới toàn bộ vũ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên.
- Hoa Kỳ và Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên cam kết tìm kiếm những tù nhân chiến tranh, những người còn mất tích, kể cả việc hồi hương ngay những người đã xác định được danh tính.
Bốn nguyên tắc chung này sẽ còn được thảo luận bởi hai Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Bắc Hàn và các phái đoàn chuyên gia. Mọi chi tiết về trình tự và thủ tục giải giới sẽ lần lượt được thông báo sau. Kết quả trước mắt là 72% dân chúng Mỹ đồng thuận với Donald Trump về Bảng Tuyên bố Singapore này và Kim Joung Un trở thành một ngôi sao sáng trong thế giới ngoại giao và truyền thông quốc tế. Cụ thể trước mắt là Donald Trump sẽ ra lệnh chấm dứt mọi cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp với Nam Hàn. Vấn đề cải thiện tình trạng nhân quyền và các trại lạo động không được thảo luận tại hội nghị
Thành công của hội nghị thượng đỉnh Singapore mở ra một trang sử mới cho mối bang giao Mỹ- Bắc Hàn, với niềm hy vọng cho tương lai an ninh của khu vực Đông Á và thống nhất đất nước Triều Tiên. Còn quá sớm để tiên đoán triển vọng thành tựu của hội nghị này vì viêc thực thi bốn nguyên tắc chung cần một tiến trình dài với nhiều nỗ lực và thiện chí của Hoa Kỳ và Bắc Hàn, mà quan trọng nhất là vai trò hỗ trợ của Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.
Nhìn chung, chương trình phi hạt nhân hóa cho Bắc Hàn sẽ không giải quyết triệt để vấn đề an ninh cho thế giới và khu vực, vì kho vũ khí hạch tâm của Mỹ và nhiều nước khác nữa còn là hiểm hoạ chung cho toàn cầu.
So sánh tương lai Hàn Việt
Trùng hợp ngẩu nhiên với hội nghị thượng đỉnh Singapore là các biến động dồn dập hiện nay tại Việt Nam, nó đang đưa đất nước qua một trang sử mới. Ngaỳ 10 tháng 6 năm 2018 là một chấn động chính trị kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đông đảo dân chúng Việt Nam xuống đường phản đối chính quyền về hai dự luật về đặc khu và an ninh mạng. Đây cũng chính là lúc cần so sánh tiến trình lịch sử của hai dân tộc Việt Nam và Hàn quốc.
Điểm chung là cùng trong một gọng kềm lịch sừ, Việt Nam và Hàn quốc cùng bị chia cắt đất nước, ly tán gia đình, kinh tế lạc hậu và cô lập ngoại giao. Cả hai là nạn nhân cuả Chiến tranh Lạnh và lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga.
Điểm dị biệt là Việt Nam đã thống nhất đất nước vào năm 1975 với các biện pháp quân sự, mở cửa về kinh tế vào năm 1989 và có những thành tựu nhất định tốt hơn Bắc Hàn.
Bắc Hàn dù có vũ khí hạch tâm nhưng không có ý chí xâm lăng Nam Hàn nhân danh giải phóng dân tộc. Trung Quốc cũng không có ý muốn tiêu diệt dân tộc Hàn quốc bằng hung đồ Hán hoá.
Ngược lại, miền Bắc Việt Nam nhân danh chống Mỹ cứu nước để xâm chiếm miền Nam; sau khi thống nhất nước, không đủ khả năng đem lại dân chủ, công bình, phát triển và văn minh cho toàn dân.
Độc tài và bất tài của hai Đảng lãnh đạo là giống nhau, nhưng sự khác biệt chính là Bắc Hàn có làm hại dân nhưng không có dã tâm bán nước; Đối xử khác với Bắc Hàn, Trung Quốc có tham vọng xâm chiếm lãnh thổ và tiêu diệt dân tộc Việt Nam trong khi Đảng CSVN tự nguyện làm nô lệ cho Trung Quốc để duy trì quyền lãnh đạo. Do đó mà có thảm hoạ mất nước và diệt vong.
Trong ngày 10 tháng 6 năm 2018, toàn dân Việt đã lên tiếng phản đối Đảng là “thà chịu sống nghèo nhưng không chịu mất nước và mất tiếng nói“. Toàn vẹn lãnh thổ và tự do ngôn luận trên mạng là quyền của toàn dân mà Đảng không có quyền định đoạt. Đó là những tín hiệu khởi đầu cho một sự bất ổn thường trực mà bạo lực chính quyền làm cho động loạn trầm trọng hơn. Tiếp tục trấn áp người dân bất đồng chính kiến thì Đảng sẽ đi theo con đường của Liên Xô, Đông Âu và khối Á Rập. Lịch sử tái diễn và chế độ độc tài sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát khi vai trò lịch sử của Đảng độc tài và bất tài đã kết thúc. Khi dân không còn khiếp sợ thì đã đến lúc Đảng phải sợ.
“Còn đất nuớc là còn tất cả, mất đất nước là mất tất cả”; “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm” là hai câu nói của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu còn truyền tụng trong dân gian và trở thành một thông điệp thời đại cho những ai còn ưu tư về vận mệnh dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đảng tạo vấn đề, dân đang đem lại giải pháp mà tinh thần Diên Hồng hiện nay là phương tiện. Do đó, một trang sử mới mở ra cho Việt Nam sau ngày 10 tháng 6 năm 2018 hoàn toàn khác với Bắc Hàn sau ngày hội nghị 12 tháng 6 năm 2018 tại Singapore.