Tác giả: Marina Mai
Hùng Hà chuyển ngữ
10-6-2018
Đức và Việt Nam đang thương lượng, liệu người bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có thể được xuất ngoại. Một hiệp ước thương mại đang được đặt cược.
BERLIN taz – Người bị bắt cóc từ Đức đưa về Việt Nam và bị kết án chung thân ở đó với tội danh tham nhũng, cựu chính trị gia Trịnh Xuân Thanh có thể sớm được đưa từ Việt Nam trở lại Đức. Truyền thông Đức đã đưa tin này vào cuối tuần, dựa theo những đối thoại tương ứng giữa hai chính phủ. Các nhà ngoại giao Đức và Việt Nam đã thảo luận từ hồi mùa Đông về khả năng quay lại. Nhưng vẫn chưa chín mùi cho một quyết định.
Không nghi ngờ gì nữa, việc xuất ngoại của nhà bất đồng chính kiến Việt Nam nổi tiếng nhất Nguyễn Văn Đài từ nhà tù Việt Nam đến Đức vào hôm thứ Sáu, là một dấu hiệu về sự thiện chí của nhà cầm quyền Hà Nội. Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier, các chính trị gia Đức, các luật gia và các nhà hoạt động nhân quyền đã đòi hỏi điều này từ lâu. Rõ ràng là Việt Nam không thể thờ ơ với những đòi hỏi như vậy từ Đức. Tuy vậy, trường hợp người đàn ông 52 tuổi Trịnh Xuân Thanh phức tạp hơn.
Hiện nay đang diễn ra phiên xét xử tại Tòa án Tối cao Tiểu bang Bá-linh đối với một nghi phạm đồng lõa trong vụ bắt cóc. Trong suốt thời gian của vụ tố tụng được lên lịch đến sớm nhất cuối tháng Tám, Việt Nam chưa thể trả Trịnh Xuân Thanh về Đức. Vì lúc đó nạn nhân của vụ bắt cóc sẽ được triệu tập ngay lập tức vào ghế nhân chứng, và những lời khai của người này sẽ rất khó chịu cho Hà Nội, cho đến nay vẫn phủ nhận việc bắt cóc này.
CƠN HỎA HOẠN NGOẠI GIAO
Nhiều nhà ngoại giao Việt Nam ước chi dẹp qua được vấn đề Trịnh Xuân Thanh này. Tháng Tám vừa qua, một nhà tư vấn chính trị đã đề nghị làm ngơ với những phản đối của phía Đức, vì sau cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang sẽ không còn con gà nào gáy tiếp về vụ Trịnh Xuân Thanh. Việc trái ngược đã xảy ra. Vì vậy trong thời gian qua, Việt Nam có vấn đề về ngoại giao không chỉ với Đức. Ngay cả với Tiệp, nơi đã chuẩn bị cho vụ bắt cóc, Việt Nam, cũng phải đưa ra những câu hỏi không dễ chịu. Và từ tháng Tư, ngay cả với Khắc, vì đâu đó dường như một chiếc máy bay của chính phủ đã bị lạm dụng cho vụ bắt cóc.
Có lẽ là kẻ giật dây, cựu Tổng trưởng Nội vụ Khắc Robert Kalinak, theo truyền thông đưa tin, đã lừa dối Ba Lan khi trả lời câu hỏi, ai là những người đã ngồi trên chiếc phi cơ khi bay ngang không phận Ba Lan. Và qua đó Ba Lan cũng có nguy cơ nằm trong số các quốc gia có xung đột với Việt Nam. Pháp có thể sẽ bị lôi cuốn vào nữa. Trước vụ bắt cóc, mật vụ Việt Nam dường như đã rình rập một người phụ nữ ở đây.
Một cơn hỏa hoạn về ngoại giao như vậy sẽ không ích lợi gì cho Việt Nam và chỉ có một khả năng để chấm dứt nó: Gửi trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, nơi người này đã đệ đơn xin tỵ nạn.
EU DO DỰ VỀ HIỆP ƯỚC MẬU DỊCH TỰ DO
Điều này cũng đã được đòi hỏi từ lâu trên mạng xã hội Việt Nam, nhưng cũng vì một lý do khác: Việt Nam muốn ký kết một Hiệp ước mậu dịch tự do với châu Âu. Hiệp ước này đã được thỏa thuận từ lâu, nhưng EU vẫn chưa chuẩn thuận. “Chúng ta gửi Trịnh Xuân Thanh về Đức. Rồi chúng ta sẽ nhận được Hiệp ước mậu dịch tự do“, lời kêu gọi là vậy.
Đối với nữ Bộ trưởng Thương mại EU Cecilia Malmström, vụ bắt cóc thực sự là trở ngại cho việc chuẩn thuận này. Nhưng không phải là duy nhất. EU cũng không ký Hiệp ước này, cho đến khi Việt Nam chuẩn thuận và thực thi những quy ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, như cho phép những công đoàn độc lập hay hủy bỏ lao động cưỡng bức.
Ở Việt Nam cũng có một cách nghĩ khác. Những bàn tay sắt, những người mà đối với họ, việc duy trì quyền lực và loại bỏ đối thủ trong nội bộ đảng quan trọng hơn là việc giảm căng thẳng ngoại giao, thậm chí có thể đang lên kế hoạch một cuộc bắt cóc từ châu Âu nữa đối với một đối thủ trong nội bộ đảng. Vũ Đình Duy sống ở Ba Lan, nhưng cũng đang cư trú ở Đức. Việt Nam yêu cầu dẫn độ người này và cũng tạo ra những đình đám truyền thông như những việc ngày trước, khi đang chuẩn bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Khi Duy ra khai trước Tòa án Tối cao Tiểu bang Bá-linh, những biện pháp an ninh cũng đặt biệt nghiêm nhặt vì sợ có vụ bắt cóc.
Thêm vào đó, Việt Nam trong những ngày này đang trải qua một làn sóng phản đối bất thường. Những người biểu tình chống lại những điều luật tạo điều kiện cho việc bán đất cho những nhà đầu tư Trung quốc. Những cuộc biểu tình này tiếp nhận động lực nào, và liệu chúng có ảnh hưởng đến chính sách của Việt Nam hay không, điều này vẫn hoàn toàn để ngỏ.
Đính chính: Tôi tin không phải tác giả viết nhầm Tiệp Khắc mà do khâu chuyển ngữ.
Góp ý nhỏ: Hiện Tiệp Khắc thời XHCN không còn tồn tại và “Tiệp” hay “Tiệp Khắc” tác giả đang nêu trên là Slovakia (còn nói về Tiệp Khắc thì còn ngoài Slovakia thì còn bao gồm thêm Czech – phiên âm sang Việt là Séc) – từ 1/1/1993 đã trở thành Quốc gia riêng với tên tiếng Anh Slovakia – phiên âm sang tiếng Việt: Xlô-va-ki-a.