Dừng lại đi, đừng gây đổ máu

FB Nguyễn Hồng Lam

11-6-2018

Một CSCĐ Bình Thuận sau cuộc biểu tình đêm 10/6. Ảnh: internet

Xung đột quyền lợi, nếu lặp đi lặp lại sẽ trở thành bất đồng chính kiến. Tình trạng này kéo dài sẽ thành bất mãn chính trị. Bất mãn chính trị dễ tạo ra nhầm lẫn, dẫn đến coi thường và bất tuân luật pháp. Thái độ này cộng với sự manh động khi bị kích hoạt cảm xúc giận dữ sẽ dẫn tới hành vì đập phá, chống lại luật pháp. Nếu đi kèm với hội chứng đám đông trong tình trạng vô tổ chức, nó sẽ dễ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Đó chính là mầm bạo loạn xã hội. Nếu có mục đích, có tổ chức chặt chẽ, có lãnh đạo, tập hợp đủ lực lượng và diễn ra rộng khắp, bạo loạn xã hội sẽ thành Cách mạng xã hội.

Làm gì để khắc chế nó?

Về nhận thức, xung đột cá nhân, nếu lan rộng, đồng khắp sẽ dẫn đến xung đột xã hội. Bất kỳ xã hội và thể chế nào cũng tồn tại những bất đồng, mâu thuẫn giữa nhân dân với nhà nước, chính quyền. Xung đột xã hội luôn tồn tại ở mọi quốc gia, mọi thể chế, mọi giai đoạn lịch sử, chỉ khác nhau về hình thức bộc lộ.

Muốn giảm thiểu xung đột thì phải kiểm soát nó bằng hai con đường song song: luật pháp và dung hòa quyền lợi – giữa thể chế và nhân dân. Nhà nước, chính quyền phải lắng nghe và thấu hiểu dân nguyện, giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của người dân.

Muốn kiểm soát xung đột thì phải có công cụ pháp lý để thể chế hóa xung đột trong khuôn khổ luật pháp. Cụ thể ở Việt Nam cần sớm thông qua Luật biểu tình, Luật đình công, Luật lập hội, Luật tình trạng khẩn cấp… Luật sẽ giúp phân định rõ giữa quyền biểu đạt chính kiến hợp pháp của nhân dân với các hành vi chống đối luật pháp, các hành vi quá khích, phá hoại để xử lý thích hợp. Thể chế hóa xung đột cũng giúp lập rào cản hữu hiệu ngăn chặn những hành vi lợi dụng, kích động, giật dây từ bên ngoài nhằm chống phá thể chế và pháp luật, biến sức mạnh quần chúng thành công cụ nhằm tạo ra sự rối loạn không vì quyền lợi hay nguyện vọng của quần chúng, sau đó chiếm đoạt thành quả.

Về phía nhân dân, việc biểu tình phải diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, ôn hòa, cảnh giác với mọi sự khiêu khích làm bùng phát bạo lực, dẫn đến phạm pháp và tội lỗi.

Nếu có trách nhiệm, đừng ai kích động, kêu gọi bạo loạn hay hả hê với những hành vì bạo loạn nữa.

Trước mắt, tôi nghĩ Quốc hội nên tạm dừng việc thông qua Luật An ninh mạng, như đã tạm dừng thông qua Luật Đặc khu. Trưng cầu dân ý trước những Dự luật quan trọng này là việc nên làm và có thể làm, bởi chúng ta đã có Luật trưng cầu dân ý có hiệu lực từ năm 2016. Muốn đối thoại, thông cảm và đi đến thống nhất, cả nhà nước và nhân dân đều cần sự bình tĩnh, sáng suốt không nôn nóng hay duy ý chí. Đưa bất kỳ một nghị quyết, một văn bản nào ra lúc này cũng không giải quyết được tình thế, không làm dịu được tình hình. Chỉ có trách nhiệm, sự thấu hiểu, cảm thông của đôi bên, thông qua đối thoại trực tiếp là có thể.

Máu đã đổ, tình trạng bạo lực đang lây lan. Cá nhân tôi phản đối mọi hành vi bạo lực dù của bên nào trong các cuộc xung đột xã hội. Người Việt đừng nhân danh bất kỳ điều gì để tự làm đổ máu người Việt. Và, như bức ảnh, một chính quyền bình tĩnh, ôn hòa, nhường nhịn nhân dân thì chính quyền đó sẽ mạnh hơn. Đó mới thật sự là chiến thắng – như chính quyền đã làm được ở Bình Thuận – xứng đáng để có thể nở một nụ cười sau những nhọc nhằn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây