9-6-2018
Tín chấp là gì? Là dùng uy tín của cá nhân hoặc tổ chức để đảm bảo cho một khoản vay mượn. Nói về vay tín chấp ở ngân hàng thì ai cũng hiểu là không dùng tài sản thế chấp. Ở ngoài đời cũng vậy, có kẻ mượn trăm tỷ dễ như trở bàn tay, nhưng cũng có những kẻ vay một xu không ai cho thì đó là gì? Là dựa vào uy tín của người vay.
Vậy uy tín là gì? Đó là lịch sử giữ lời hứa, lịch sử về trách nhiệm của đối tượng đó và khả năng tài chính của kẻ đó. Tất cả những điều đó tạo nên uy tín của đối tượng. Vậy để xem kẻ đó có uy tín không thì xem xét lịch sử của kẻ đó một cách toàn diện nhất.
Trên thế giới, có những công ty độc lập chuyên xếp hạng mức tín nhiệm của các quốc gia hoặc các doanh nghiệp. Trên thế giới có 3 ông lớn trong lĩnh vực này là Standard & Poors, Moody’s, và Fitch Group chiếm 95% thị phần xếp hạng trên thế giới. Họ là những đơn vị nghiên cứu hồ sơ lịch sử tín dụng của nhiều chính phủ, nhiều công ty để đưa ra mức định lượng làm cơ sở cho những nhà cho vay xem xét. Từ mức AAA của Mỹ đến mức B của Việt Nam cách nhau đến 8 bậc. Mức tín nhiệm của Mỹ là mức tuyệt đối, các nhà cho vay phải xếp hàng để được Mỹ vay bằng lãi suất do Mỹ ấn định, tức là mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Mức B của Việt Nam là mức cảnh báo, nhà cho vay phải cẩn thận. Vì vậy, Việt Nam phải đi khắp nơi năn nỉ các nước cho mình vay. Chủ yếu Việt Nam vay ODA. Vay ODA về bản chất là nhà cho vay không tín nhiệm chính quyền đi vay. Phía cho vay phải thực hiện dự án và tự tay lấy về khoản lợi nhuận dưới dạng tiền lời của dự án. Nếu giao hết tiền cho chính phủ này, sợ họ xà xẻo bỏ túi riêng mà chẳng thực hiện dự án.
Uy tín của Việt Nam với thế giới chỉ là con số zero. Vậy uy tín của chính quyền với nhân dân thế nào? Muốn biết hãy nhìn vào lịch sử của chính quyền này để biết được họ đã có được “uy tín” gì trong lòng dân? Để biết thêm chi tiết, xin đưa ra một vài ví dụ trong vô số trò lừa đảo bội tín nhân dân của ĐCS.
Đầu tiên là công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng giấu nhẹm mà không hề công bố với nhân dân. Để sau này phía Trung Quốc công bố công khai trên internet thì tìm cách chống chế khoả lấp. Nhân dân đã bị lừa.
Kế tiếp là lừa quân dân cán chính quân lực VNCH rằng, đi học tập cải tạo chỉ vài tuần. Thế nhưng họ đã ở tù trong nhiều năm, có người ở tù xuyên thế kỷ như ông Nguyễn Hữu Cầu. Dân miền Nam đã bị lừa.
Tiếp theo là, lừa Việt kiều về nước đầu tư rồi xẻ thịt để chiếm đoạt tài sản. Vụ Việt kiều Hà Lan – Trịnh Vĩnh Bình là ví dụ.
Ngay trong bản Hiến pháp cũng rất nhiều điều khoản dùng để lừa dân. Ví dụ, điều 2 lừa dân rằng nhà nước là của dân do dân và vì dân, nhưng điều 4 lại khẳng định ĐCS là độc quyền lãnh đạo. Điều 25 Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận, nhưng luật an ninh mạng đã chà đạp lên điều này của Hiến pháp.
Ngay trong điều luật gọi là “an ninh mạng” mà chẳng có bảo vệ an ninh mạng. An ninh mạng phải chống các hacker làm sập mạng gây thiệt hại kinh tế cá thể và kinh tế đất nước. Còn luật được gọi là “an ninh mạng” này là thứ điều khoản bịt mồm những người này tỏ chính kiến trên internet, hoàn toàn nó chẳng bảo vệ mạng internet.
Với vô số sự lừa gạt nhân dân từ thời chiến tranh đến thời bình, từ thời ăn lông ở lỗ đến thời đại internet. Tất cả đều là những chuỗi trò lừa đảo. Trong luật pháp cũng đầy rẫy từ ngữ mơ hồ để lừa nhân dân sập bẫy, như những điều 79, điều 88, điều 258 BLHS… là ví dụ. Luật pháp gài bẫy là một thứ luật pháp lừa gạt toàn dân.
Hiện nay luật đặc khu cho thuê 99 năm, cho tòa án nước ngoài xử án ngay trên vùng đặc khu. Và một điều ít ai để ý, đó là sự kết hợp giữa luật an ninh mạng và luật đặc khu. Luật an ninh mạng thực chất nó cấm tự do ngôn luận, nó khống chế sự lan tỏa sự thật trong xã hội chứ hoàn toàn nó không vì an ninh mạng đúng nghĩa (nghĩa là chống hacker). Nếu chính quyền không có mưu đồ bất chính với dân tộc, với đất nước này thì cớ sao đem điều luật an ninh mạng ra quyết đồng thời với dự luật đặc khu? Có đui có mù cũng thấy, luật an ninh mạng là lá chắn cho mưu đồ trong luật đặc khu. Đây là hành động lừa nhân dân.
Vậy thì uy tín của chính quyền với nhân dân có không? Xin thưa là không. Mà chính quyền không có uy tín với dân thì chính quyền lấy gì để tín chấp cho một đạo luật đây? Mô khi đối tượng không có uy tín nó sẽ không có trách nhiệm thi hành cam kết. Thằng có tiền sử quỵt nợ, bạn có dám cầm tiền tỷ cho nó mượn không? Uy tín bằng zero nó sẽ không giữ lời hứa và chắc chắn nó sẽ quỵt. Với dân, chính quyền CS không có uy tín thế chấp để nhận lấy sự tin tưởng từ nhân dân.
Trên mạng xã hội có một số kẻ bênh vực cho dự luật đặc khu. Có cả những vị “luật sư” căn cứ vào câu chữ của văn bản luật mà phán rằng, đó là luật mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài chứ không phải chỉ dành riêng cho Trung Quốc. Những kẻ này đã nhìn một tầm nhìn chỉ bằng trang sách, họ căn cứ vào câu chữ mà phán tính khả thi. Nên nhớ rằng, nhà nước CS không phải là nhà nước pháp quyền. Mà không phải nhà nước pháp quyền thì sẽ như thế nào? Nghĩa là nếu câu chữ không có lợi cho chính quyền thì nó sẽ chà đạp. Quyền biểu tình sờ sờ trong Hiến pháp đó mà nó có cho dân biểu tình đâu? Quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội cũng sờ sờ ra đó, trong Hiến Pháp đó mà nó có cho đâu? Uy tín của chính quyền CS đối với dân là con số zero tròn trĩnh. Nói đúng hơn, nó không chiếm độc quyền nhà nước thì nó là một tổ chức lừa đảo không hơn không kém.
Các vị luật sư, khi phán một đạo luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng, các bạn không thể căn cứ vào câu chữ mà phán nó khả thi. Để xét đến một đạo luật có khả thi hay không bạn phải căn cứ 2 yếu tố. Thứ nhất là nội dung đạo luật. Thứ nhì là uy tín của nhà nước đó có đảm bảo tính pháp quyền trong thi hành không? Lưu ý là uy tín của một chính quyền với dân phải đặt cao hơn nội dung câu chữ nhá. Vì nếu chính quyền có tiền sử chà đạp hiến pháp và pháp luật thì không có một đạo luật nào được đảm bảo thực thi đúng nội dung. Vậy khi chính quyền có tiền sử chà đạp lên hệ thống pháp luật mình ban ra thì phán xét ý đồ trong một đạo luật ta dựa vào đâu? Khi tính thượng tôn pháp luật không được đảm bảo thì hãy nhìn vào lợi ích của ĐCS là gì thì sẽ có sự phán đoán chính xác hướng đi của một đạo luật. Sự phản kháng của toàn dân đã căn cứ vào điều này mà cản đường âm mưu ĐCS, dân đã đúng.
Tôi xin khẳng định lại điều này để các vị luật sư ủng hộ rõ nhé, để đánh giá một âm mưu ẩn giấu phía dưới đạo luật mà quý vị đem nội dung câu chữ ra cắt nghĩa thì xin lỗi, tôi thấy các vị ngây ngô. Căn cứ vào câu chữ một đạo luật đó là công việc nghề nghiệp của các vị để gỡ tội cho thân chủ trước tòa. Nhưng ở đây đánh giá hướng đi của một đạo luật nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng trong một nhà nước côn đồ có thói quen chà đạp cả Hiến pháp và pháp luật, thì không phải đòi hỏi ở nghiệp vụ nghề luật mà nó đòi hỏi cái nhìn toàn diện, trong đó lịch sử ứng xử của ĐCS với nhân dân với đất nước sẽ có vai trò quyết định. Các vị nên nhớ, các vị căn cứ vào câu chữ suy ra tính khả thi hay không thì điều đó chỉ đúng với một nhà nước biết thượng tôn pháp luật, nhớ nhá!
Chính quyền CS có thượng tôn pháp luật không? Chắc chắn là không. Cho nên trong vấn đề bộ đôi luật an ninh mạng – luật đặc khu được thông qua này làm dân phản ứng gay gắt là hoàn toàn đúng. Sân chơi theo luật chỉ dành riêng cho nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Còn nơi đây, nơi ĐCS ngự trị thì nhìn mưu đồ của nó trong quá khứ và hiện tại thì biết. Không pháp quyền không có chỗ cho những kẻ phân tích luật trên văn bản nhá quý vị.