Gây án oan chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm: Sự nghiêm minh của pháp luật ở đâu?

Hoàng Dân

6-6-2018

Thử hỏi trên thế giới này, thời đại văn minh này, ở đâu mà nền tư pháp như chúng ta: “Nhiều vụ án có dấu hiệu oan rõ ràng nhưng cứ bị trả hồ sơ, hủy đi hủy lại, kết quả là không khắc phục được vi phạm, không chứng minh được tội phạm nhưng tòa vẫn tuyên bị cáo có tội”Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tôi đã từng và bây giờ vẫn không thôi hi vọng vào công lý, vào sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng để công lý được thực thi, pháp luật công bằng, một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, một chính quyền của nhân dân thực sự trên đất nước này thì không biết đến bao giờ?

Vụ án oan Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận được dư luận cả nước biết đến là một trong những vụ án oan thế kỷ, và là một vết đen trong lịch sử ngành tư pháp Việt Nam. Thế nhưng, những kẻ gây ra vụ án oan động trời ấy chỉ bị kiểm điểm (hình thức khiển trách và cảnh cáo), rút kinh nghiệm sâu sắc (12 người). Lý do: hết thời hiệu xử lý kỷ luật.

Bức cung, nhục hình, khởi tố oan để đẩy một dân thường vào con đường tù tội, khiến cuộc đời họ bị huỷ hoại, gia đình họ tan nát. Đến khi oan sai rõ ràng, tiền bồi thường lấy từ ngân sách, còn những kẻ gây ra án oan chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm, thì thật là chuyện chỉ có ở xứ ta.

Ôi! Luật pháp nước tôi, trên thế giới có lẽ không có nơi nào như thế? Công lý ở đâu? Sự nghiêm minh của pháp luật ở đâu? Câu: Trước pháp luật mọi người điều bình đẳng, phải chăng chỉ là nói cho vui?

Cách xử lý sai phạm như thế, khác nào tiếp tay cho cái ác, cái sai… Thử hỏi, với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc như thế có đủ sức răn đe không? Tôi chắc rằng, nó chẳng làm ai sợ.

Lúc nào cũng đòi xử lý nghiêm, không bao che, vậy mà một vụ án oan thế kỷ như vậy, những kẻ gây nên chỉ trừng phạt nhẹ tựa lông hồng. Như vậy thì làm gương kiểu gì?

Tại sao không truy tố trách nhiệm hình sự những người gây ra cái án oan động trời đó? Cách xử lý đó, liệu có đem lại niềm tin của người dân về tính nghiêm minh của pháp luật? Chắc chắn là không rồi. Ở một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, không bao giờ có chuyện như thế. Dù ai đi chăng nữa, công lao lớn như thế nào nhưng một khi đã phạm tội, đều phải bị pháp luật trừng phạt, đó là pháp quyền. Thời phong kiến thiên tử phạm tội bị xử như thứ dân, không lẽ ở thế kỷ 21 này chúng ta lại không bằng?

Xin nhắc lại lời Tiến sĩ Vũ Đức Khiển – Cựu chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Không thể dùng vấn đề thời hiệu để lấp liếm không truy trách nhiệm hình sự cán bộ gây oan sai cho Huỳnh Văn Nén”.

Xin nhắc lại lời ông Đỗ Văn Chỉnh – Cựu Chánh Thanh tra Tòa tối cao: “Các cán bộ gây oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén có thể phạm vào các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Đây là hành vi phạm tội đặc biệt, được xem xét bởi một qui trình tố tụng đặc biệt. Theo đó, để kết luận hành vi của cán bộ tư pháp là sai thì phải có văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Trở lại vụ ông Nén, thời điểm cơ quan có thẩm quyền kết luận là tố tụng làm sai là lúc có quyết định đình chỉ điều tra bị can công nhận ông Nén không có hành vi phạm tội. Bởi vậy, thời hiệu truy trách nhiệm hình sự cán bộ gây oan sai cũng tính từ đó. Như vậy là hoàn toàn có căn cứ để truy trách nhiệm hình sự cán bộ gây ra oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén”.

Nói vậy, dẫu than trời cũng thế. Vì rằng, luật chỉ dành cho dân, còn cán bộ thì “tuỳ”. Khối kẻ sai phạm động trời cũng có sao đâu, thậm chí còn “ghế trên ngồi tót sổ sàng”.

Luật pháp không nghiêm xã hội tất loạn, câu nói ấy được đúc kết từ lịch sử, nó đúng muôn đời.

P/s: Có gì không đúng ở đây chăng? Thuế thì đòi truy thu dù đã chết, sai phạm hết thời hiệu truy trách nhiệm khi đang còn sống?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây