Đặc khu kinh tế – Luật mới, người cũ, liệu có thể đảm đương?

FB Nguyễn Tuấn Anh

6-6-2018

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chủ trương lập đặc khu “không nên vội vã và gấp gáp”. Ảnh: Báo PLTP

Trong bài viết lần trước, về vấn đề tại sao ta không tiếp cận được máy móc công nghệ cao dẫn tới mục tiêu công nghiệp hoá thất bại thì lần này, chúng ta tới với một câu chuyện thú vị khác rất đáng suy nghĩ.

Cách đây khoảng hơn 2 năm, dân làm dệt may ở SG đồn nhau rằng có một đơn hàng gia công may mặc rất lớn, trị giá khoảng 2 tỷ USD của quân đội một số quốc gia như Mỹ, Úc đã ngấp nghé đặt chân tới Việt Nam. Nhưng, mẫu mã của nó bị chặn lại tại cửa khẩu bởi rất nhiều lý do, trong đó những rào cản thủ tục và cả sự “nhạy cảm” rất mơ hồ.

Theo nhiều người đang là chủ các doanh nghiệp may gia công lớn, đơn hàng ấy có thể giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động Việt Nam lâu dài, thúc đẩy sự hợp tác và đưa dệt may của ta có thêm một bước tiến mới.

Máy móc công nghệ cao và những đơn hàng triển vọng lớn đã bị những rào cản từ nhiều phía, không thể vào Việt Nam. Có lẽ đây cũng chính là lý do liên quan tới một điều khoản đang bị người dân phản đối kịch liệt trong dự luật cho đặc khu kinh tế.

Điều khoản ấy cho phép kinh doanh, sản xuất quân trang, quân dụng, vũ khí, khí tài, mua bán máy móc & công nghệ sản xuất các mặt hàng này. v.v…

Có thể nói đây là một cách nhìn mới đối với mặt hàng đặc biệt này. Trước kia, nó hoàn toàn độc quyền bởi các cục hậu cần & công nghiệp quốc phòng của quân đội. Nó được giám sát và bảo vệ bằng luật vô cùng chặt chẽ và tuyệt nhiên không có sự tư hữu hoá chỉ với lý do: an ninh quốc phòng.

Với các quốc gia tiên tiến, việc các tập đoàn tư nhân sản xuất vũ khí, quân trang quân dụng là điều hết sức bình thường. SpaceX, Lockheed Martin, Boeing hay nhiều tập đoàn khác luôn cạnh tranh với nhau về mẫu mã, tính năng và đưa quân đội Mỹ lên những tầm cao mới. Về việc bí mật các dự án, họ giao kèo với nhau hoặc với chính phủ trong hợp đồng kinh tế. Khi để lộ bí mật, họ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ ra toà nếu như có cáo buộc đi ngược lại lợi ích của quốc gia.

Nhưng với ta hiện tại, nếu cho phép làm như vậy, liệu có gì đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này trên đặc khu không đạp qua luật pháp và đi ngược lại lợi ích quốc gia? Người dân vẫn cần câu trả lời.

Gọi là một bước quyết liệt kêu gọi đầu tư nước ngoài cũng đúng mà thử nghiệm một thể chế mới cũng chẳng sai. Nhưng tựu trung, đặc khu là một cách vận hành kinh tế phù hợp với các cường quốc phát triển trên thế giới, xoá đi rào cản về tất cả để có điều kiện hội nhập trong kinh doanh và hơn nữa là cải tạo lối tư duy đã cũ. Nhưng, cách thử nghiệm ra sao thì nó hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn, cách quản trị, trình độ và kiến thức của những lãnh đạo cách tân. Trong đó không thể thiếu đi sự minh bạch và liêm chính.

Một thực thể vươn lên được là nhờ có 2 yếu tố. Đó là quy mô và cơ hội. Với bài toán đặc khu, cơ hội thì hầu như rất mơ hồ còn quy mô, chúng ta gần như tay trắng, chẳng có gì cả nếu như không muốn nói là có nhiều phụ thuộc vào dòng tiền đầu tư ngoại quốc. Với mức thuế giảm mạnh như vậy, một đặc khu với nhiều quyền độc lập liệu có hiệu quả? hay chỉ tạo ra những hệ luỵ giống như Thủ Thiêm, DonaCoop Đồng nai hoặc tệ hại hơn nữa là Formosa. Cách nghĩ đơn giản, nóng vội dựa trên sự chủ quan, duy ý chí như vậy đến giờ vẫn còn để lại những hậu quả nặng nề.

Người dân phản ứng với một điều luật là hoàn toàn đúng đắn. Ai cũng muốn kinh tế của ta được hoàn toàn cởi trói, tự do đi lên và hội nhập, cho đời sống được khá hơn, việc làm nhiều hơn. Nhưng, không ai muốn niềm tin và hy vọng của mình bị lợi dụng.

Đất đai của dân hiện đang bị mua bán vô tội vạ là nỗi lo và diễn biến có thật, còn sự phát triển của đặc khu thì lại quá mơ hồ. Chẳng lãnh đạo nào, chẳng đại biểu nào đứng lên diễn thuyết một cách minh bạch trước người dân về một mô hình kinh tế như Lý Quang Diệu đã làm tại Singapore cách đây nhiều chục năm để tạo được sự đồng thuận của người dân.

Nỗi sợ sẽ có một Thủ Thiêm tại Phú Quốc hay Formosa tại Vân Phong là phản xạ rất bình thường đối với mỗi người con đất Việt. Trong bàn cờ phức tạp tại Đông Nam Á, sau hơn 40 năm độc lập, chưa lúc nào cần đến sức mạnh của toàn dân như lúc này.

Không thể có một thiết chế ưu việt nào phát triển được khi đất nước còn những con sâu mọt, những kẻ tham tiền và bất chấp. Hy vọng các vị nên nhìn về tương lai để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây