Đừng đem tiền đồn đổi lấy đặc khu

FB Nguyễn Hồng Lam

5-6-2018

Đền thờ Trần Khánh Dư trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: FB Nguyễn Hồng Lam

Nếu Dự luật cho thuê đất đặc khu 99 năm chỉ nêu mỗi một cái tên Phú Quốc, sự phản đối, chắc chắn sẽ có, nhưng cũng không đến mức trở thành một “làn sóng kinh khủng” với gần như tuyệt đại đa số nhân dân phản đối, như chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét. Rất đơn giản, vì Phú Quốc ở về phía cực Nam vùng biển Tổ Quốc. Trong khi đó, từ hàng ngàn năm nay, mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của quốc gia dân tộc Việt đều đến từ phương Bắc, từ “láng giềng” Trung Quốc. Điều này, thôi xin không tranh luận.

Đối với nguy cơ xâm lăng từ biển, với việc bảo vệ an ninh biển đảo của đất nước, Vân Đồn trên biển phía Bắc hay Vân Phong án ngữ giữa đồng bằng hẹp miền Trung Việt Nam đều có vị trí phòng thủ tối quan trọng của một tiền đồn. Đổi sang vị trí đặc khu kinh tế, dường như Dự luật đang bị sức ép tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ, thậm chí phớt lờ vị trí an ninh quốc phòng của hai vùng đất.

Từ sau khi Liên Xô cũ rút hạm đội Thái Bình Dương khỏi Vịnh Cam Ranh năm 2002, đã rất nhiều lần vấn đề cho nước ngoài thuê Vịnh Cam Ranh đặt căn cứ quân sự hoặc cơ sở hậu cần hải quân được bàn luận. Đối tác chính trong cách đặt vấn đề luôn là Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất vừa có nhu cầu vừa đủ tiềm lực, năng lực trong việc thuê Vịnh Cam Ranh làm căn cứ. Nếu điều đó được thực hiện, Việt Nam sẽ thu được những lợi ích không hề nhỏ. Về kinh tế, Cam Ranh có điều kiện địa lý tự nhiên lẫn vị trí địa chính trị vượt trội hơn hẳn so với Vịnh Subic của Philippines, nơi Mỹ từng thuê đặt căn cứ Hải quân hàng chục năm ròng với giá 3 tỷ USD/năm. Ngoài khoản tiền cho thuê đất, các nhà kinh tế tính rằng mỗi năm Việt Nam còn thu được từ 500 triệu – 1 tỷ USD cho việc cung cấp hậu cần hàng hải, dịch vụ sửa chữa, các dịch vụ dân sinh khác…cho Hạm đội 7 trú đóng ở đây. Nó cũng sẽ tạo ra không dưới 50.000 việc làm mới ổn định, thu nhập tốt cho người lao động sở tại.

Về an ninh quốc phòng, với sự có mặt của hạm đội 7 Hoa Kỳ tại Cam Ranh, an ninh khu vực biển Đông cũng sẽ được bảo đảm hơn. Những hoạt động đe dọa chủ quyền biển đảo Việt Nam, những leo thang vũ trang thay đổi hiện trạng các đảo, bãi cạn…trên khu vực biển Đông cũng sẽ bị chặn lại. Sự tự tung tự tác, lấn lướt từng bước của Trung Quốc sẽ bị kiềm chế. Chính vì thế, rất nhiều lần các quan chức diều hâu của Trung Quốc đã gào thét ầm lên rằng Hoa Kỳ đang tìm cách thuê Cam Ranh để hoàn tất chiến lược bao vây Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiều lợi ích, gần hai thập niên qua, việc cho thuê Cam Ranh vẫn không xảy ra. Lý do Việt Nam vẫn kiên trì chính sách “ba không”: không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ và không liên kết với một nước nào để chống lại nước thứ ba. Mà nước thứ ba, không nói ra nhưng ai cũng nghĩ ngay đó chính là Trung Quốc, chỉ Trung Quốc chứ không ai khác… Với quốc gia được xác định là mối đe dọa trực tiếp, Việt Nam vẫn chọn cách phòng thủ hòa bình, đầy tôn trọng, không có ý định gây lo lắng, dù với họ, đó chỉ là cái cớ. Chính vì thế, chính sách này không hề bị nhân dân phản đối khi bàn đến.

Vịnh Vân Phong có vị trí chiến lược đối với an ninh quốc phòng không hề kém hơn Cam Ranh cách đó chỉ chừng 100 km. Nắm được Vân Phong thì có thể giữ vững mà cũng có thể mở rộng ra kiểm soát từ Nha trang vào phía Nam. Thời chống Mỹ, chẳng phải những đoàn tàu không số đã chọn Vịnh Vũng Rô nằm kế bên Vịnh Vân Phong làm nơi tập kết vũ khí của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đó sao?

Dự luật cho thuê đặc khu không nhắc đến chữ Trung Quốc, song mọi nguy cơ mất đất, di dân, biến đặc khu thành tiểu quốc đều dồn về Trung Quốc. Vì sao thì đã nói quá nhiều, không cần lặp lại. Nó khiến nhân dân lo lắng và phản đối. Không có nước thứ 3, bị đe dọa khi cho thuê đặc khu lần này lại chính là Việt Nam. Dân tộc bị cuốn vào mối lo tồn vong thắt ruột chính là dân tộc Việt. Một chính sách, một dự luật khiến gần như tuyệt đại đa số dân chúng lo lắng, bất an, thì dù với giá gì, tôi nghĩ nó cũng là một chính sách không thể ủng hộ.

Chúng ta “hòa bình”, “cảm thông”, “dịu dàng”… với mọi quốc gia – dân tộc láng giềng, tại sao chúng ta không thể làm điều đó với chính đất nước và dân tộc mình? Phải chăng, với Dự luật đặc khu, Việt Nam đang buông rơi tính nhất quán trong vấn đề an ninh quốc phòng được nhân dân ủng hộ suốt mấy chục năm qua, đó là không đe dọa, không gây lo lắng, quan ngại cho (bất kỳ) quốc gia, dân tộc nào trong khu vực?

Vân Đồn càng có ý nghĩa tiền đồn hơn gấp bội, bởi nó nằm sát ngay Trung Quốc. Tổng cộng, nó có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, như một cánh cung ôm trọn vịnh Bái Tử Long, tạo nên một bức trường thành tự nhiên án ngữ toàn bộ vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc. Vân Đồn là thương cảng đầu tiên của Đại Việt trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và Thế giới, được hình thành từ thời vua Lý Anh Tông (1149), phát triển hưng thịnh vượt bậc vào đời Trần.

Trước khi nghĩ đến chuyện phát triển kinh tế, cha ông ta đã nghĩ đến chuyện bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc phòng. Từ năm 980, dưới thời vua Lê Hoàn, đồn binh án ngữ trên biển ở núi Vân (nay thuộc thôn Vân, xã Quan Lạn) đã được thiết lập, cũng từ đó mà khai sinh cái tên Vân Đồn cho toàn vùng biển đảo. Theo thời gian, việc phòng bị, tăng cường sức mạnh bảo vệ Vân Đồn càng được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm hơn. Bởi, Vân Đồn chính là cửa ngõ dẫn vào chính sự tồn vong của nước Việt trước âm mưu dòm ngó, thôn tính của phương Bắc đến từ phía biển.

Tháng 12-1287, quân Nguyên chia làm hai hướng thủy bộ, đồng loạt xâm lược Đại Việt. Đạo quân thủy do Ô Mã Nhi cầm đầu mở đường vượt Vân Đồn, các đoàn thuyền lương theo sau. Không ngăn nổi đoàn chiến thuyền quá mạnh do Ô Mã Nhi chỉ huy, Trần Khánh Dư đã đành để cho chúng tiến sâu vào nội địa, quay lại bao vây tấn công đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Tháng 2-1288 tại Vân Đồn, Trần Khánh Dư tung quân tập kích bất ngờ đuổi đánh đoàn vận lương suốt một dải dài từ sông Mang (Vân Đồn) đến tận cửa Lục (một vịnh nhỏ gần thành phố Hạ Long ngày nay). Trương Văn Hổ đại bại, phải bỏ chạy về Quỳnh Châu (Quảng Đông). Không có lương thực, vũ khí tiếp vận kịp thời, hai đạo quân thủy bộ của Ô Mã Nhi – Thoát Hoan hợp nhất sau đó cũng đại bại trên cửa Lục Đầu – Vạn Kiếp (Hải Dương), phải ôm đầu máu chạy về cố quốc, bỏ dở mộng xâm lăng Đại Việt.

Cha ông sáng suốt và cương quyết, còn con cháu thì sao? Lẽ nào cơn khát phát triển kinh tế lại có thể vùi ý thức cảnh giác và phòng thủ, bảo vệ chủ quyền đất nươc xuống Vịnh Bắc Bộ?

Hai chữ Vân Đồn còn nhắc chúng ta một bài học khác. Thiên tử nghĩa nam, Nhân Huệ Vương Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Khánh Dư được biết đến như một người văn võ toàn tài. Thời bình, ông là một “con buôn quý tộc”, nhìn đâu cũng thấy ra tài lợi. Làm tướng, ông vẫn không quên buôn bán, tích trữ nón Ma Lôi ép binh sĩ phải mua dùng để kiếm lời. Về an trí tại lộ Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), ông cho gia tướng đi khai khẩn lập làng, nay thành các xã Yên Nhân và Yên Đồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ông bỏ tiền giúp vốn, bày cho dân làng Tịch Nhi (xã Yên Nhân) trồng cói và làm nghề dệt chiếu. Nói chung, Trần Khánh Dư là một nhà đầu tư, một doanh nhân, một con buôn đúng nghĩa có tài. Máu ham lợi đã biến ông thành một quý tộc bỉ lậu, tham lam, ích kỷ, ưa ăn chơi phóng đãng (từng thông dâm với Công chúa Thiên Thụy). Chỉ nhờ vị thế con nuôi của Vua (con ông cháu cha), ông mới tránh được tội chết. Vậy nhưng, khi sơn hà lâm nguy, mọi toan tính, thói quen đê tiện ấy ông đều gác hết, tận trung báo quốc để giúp vua đuổi giặc cứu dân, lập võ công hiển hách, thành công huân hàng thứ 4 của triều Trần sau cuộc bình Nguyên lần thứ 3.

Chữ lợi, trước xã tắc, kẻ thất phu ngày xưa vẫn gác. Hà cớ ngày nay, chúng ta lại đem chữ lợi ra làm đầu trong Dự luật đặc khu mà quên mất giang sơn của cha ông, của cháu con đang treo trước nguy cơ bị thôn tính?

Gác chữ lợi, tên bỉ lậu quay lại thành quý tộc, thành hộ quốc công huân, được dân lập đền thờ. Vị lợi, quên nguy, hẳn thân phận người có trách nhiệm, các “quý tộc nguyên lão thời đại” cũng sẽ đổi chiều tương xứng. Với họ, sử của ngày sau biết sẽ gọi bằng gì?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây