5-6-2018
Tôi đã đọc về cái mà người ta gọi nôm na là dự thảo Luật Đặc khu. Tôi nghiền ngẫm về nó trong nhiều ngày qua. Tôi đã tham khảo góc nhìn của các luật gia, kinh tế gia và cả chính trị gia. Tôi đã dõi theo diễn biến dư luận, đã đứng sang một bên để quan sát phản ứng của người dân, đã thấy hết những âu lo, những sợ hãi, những phẫn nộ đến sục sôi vì quá yêu đất nước mình, quá thương dân tộc mình…
Những ngày qua, tôi đã nhìn thật lâu, quan sát thật kĩ, đã ghi nhớ, đã khắc vào thật sâu trong tâm trí mình, gương mặt của những người được gọi là đại biểu Quốc hội.
Cho đến hôm nay, tôi đang tự hỏi rằng, trong số 500 con người ấy, có bao nhiêu người đã tìm hiểu nguyên nhân khiến một quốc gia thất bại? Phải tìm hiểu để biết rằng, ở một quốc gia mà quyền lực chính trị không được thực sự trao cho nhân dân, thì thịnh vượng sẽ không bao giờ tìm đến.
Phải biết điều đó thì từng giây từng phút, từng giờ từng khắc ngồi trong nghị trường, sống trong vai một người đại diện cho ước vọng của nhân dân, họ mới thận trọng trong mọi quyết định của mình.
Bỏi vì, với vai trò của người nắm giữ quyền lực chính trị thay cho nhân dân, tất cả những gì họ làm hôm nay có thể giúp đất nước tự lực tự cường, vươn mình sánh vai với cường quốc năm châu. Nhưng cũng có thể sẽ là nguyên nhân khiến đất nước mình đi vào con đường mà phía trước là chông gai, là hố sâu vực thẳm, là bùn đen lầy lội, là tương lai mù tối…
Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ là tội đồ dân tộc.
Tôi rất sợ điều đó. Tôi thật lòng rất sợ đất nước mình cứ mãi loay hoay trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, chỗ đứng của người Việt, tiếng nói của người Việt, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cứ mãi nhỏ bé, cứ mãi phải đi trên dây, phải khom lưng hèn yếu. Trong khi, nhìn quanh mình, các nước khác đã thành hổ, thành rồng.
Dự thảo Luật Đặc khu đang chờ được thông qua vào ngày 15-6 tới đây có mục đích luật hoá các cơ chế hành chính đặc biệt cho ba khu vực phát triển kinh tế. Theo kế hoạch, Chính phủ dành một nguồn lực khổng lồ, đi kèm với nó là cơ chế đặc biệt về thuế, thủ tục hành chính, để phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế.
Nếu tôi là một đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phản biện mạnh mẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp họ mang câu chuyện đặc khu ra Quốc hội mà chưa đặt nặng vấn đề chính trị. Sẽ là một thiếu sót nghiêm trọng nếu như không thẳng thắn suy xét trong bối cảnh nằm sát sườn đặc khu là Trung Quốc, một quốc gia chưa bao giờ nguôi ý định trở thành bá chủ trong quan hệ với nước láng giềng.
Cá nhân tôi cho rằng, đặc khu không đơn thuần là một kế hoạch lớn về kinh tế để tạo ra những đầu tàu mới, những động lực mới, cú hích mới trong phát triển kinh tế của 10 năm, 20 năm tới. Đây là một vấn đề chính trị. Thậm chí, màu sắc chính trị rất rõ nét. Bàn về đặc khu kinh tế không thể tách khỏi vấn đề Trung Quốc, không thể lờ đi tham vọng bành trướng xuống phương Nam của người phương Bắc, tham vọng đô hộ của dân tộc Hán với dân tộc Việt từ ngàn năm trước.
Suốt mấy chục năm qua, dù miệng có cười, dù tay có siết chặt trong quá trình bang giao giữa hai quốc gia Việt – Trung, thì tham vọng đại Hán, tham vọng làm cho Trung Hoa vĩ đại một lần nữa vẫn chưa bao giờ dừng lại. Mỗi bước đi của chính quyền Bắc đều là những toan tính, những mưu lược muốn chiếm đoạt biển của ta, đảo của ta, đất đai bờ cõi của Tổ quốc ta.
Vậy thì, một đặc khu với cơ chế thông thoáng, ưu đãi đặc biệt, cho thuê đất tới 99 năm, có hấp dẫn họ hay không? Mặc dù dự thảo luật luật quy định cho thuê đất tới 99 năm ấy không dành riêng cho người Trung Quốc mà cho tất cả các nhà đầu tư đến từ tất cả các quốc gia, nhưng nó sẽ là thứ hấp dẫn Trung Quốc. Thế nên, nỗi lo về những hệ luỵ khi người Trung Quốc thuê đất 99 năm không phải là không có cơ sở, nếu không muốn nói là rất tỉnh táo.
Cần nhớ, 99 năm là quãng thời gian dài dằng dặc, có thể khiến vật đổi sao dời, có thể xảy ra nhiều cuộc dâu bể. Trong khi xét về kinh tế, dự án đầu tư thu hồi vốn chậm cũng chỉ sau 10 năm. Hơn nữa, tuổi thọ của doanh nghiệp Việt Nam bây giờ, top cao cũng chỉ được 30 năm.
Thế nên, nếu tôi là đại biểu Quốc hội, tôi nhất thiết sẽ không không thông qua Luật Đặc khu vì điều khoản quy định cho phép giao đất tới 99 năm. Luật Đất đai cho phép giao đất 50 năm, ở địa bàn khó khăn và dự án thu hồi vốn chậm đã tới 70 năm. Như vậy là quá đủ, quá thừa rồi.
Nếu tôi được thực thi quyền lực chính trị đại diện cho người dân, tôi sẽ không đồng thuận làm ồ ạt ba đặc khu, nướng vào đó vô số nguồn lực quốc gia, nướng vào đó những bệnh viện, những trường học, những con đường, nướng vào đó tương lai của con cháu mình… Nếu ý chí chính trị đã muốn làm, tôi mong họ hãy bình tĩnh lại, hãy thực hiện thí điểm một nơi là quá đủ.
Nếu tôi là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ yêu cầu xem xét lại việc có cần thiết phải làm đặc khu hay không? Bởi vì, về cơ bản, đối tượng mà đặc khu hướng đến là doanh nghiệp FDI. Thực tế, Chính phủ đã dành nhiều cơ chế đề thu hút dòng vốn này. Những ưu đãi ở đặc khu cũng đã được thực hiện đối với một số nhà đầu tư ở những nơi khác, như Formosa là một ví dụ điển hình.
Trong khi đó, nền kinh tế VN đã phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực. Và giờ là lúc phải xây dựng nội lực, phải phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, phải dành cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân lớn mạnh, hình thành tầng lớp tư sản dân tộc.
Nếu tôi là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải giải trình trước toàn thể nhân dân về những lợi ích kinh tế qua những con số được ước đoán định lượng, chứ không thể nói chung chung là cú hích, là động lực, mà không rõ người dân địa phương, kinh tế địa phương và nền kinh tế của cả quốc gia sẽ gặt hái được những gì. Nguy cơ an ninh chính trị có thể thấy, nhưng lợi ích kinh tế vẫn mông lung, thì người dân nào dám đặt niềm tin vào đặc khu kinh tế ấy?
Nếu tôi là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ không chấp thuận xây dựng ba đặc khu kinh tế trong bối cảnh năng lực quản trị xã hội của bộ máy chính quyền hiện nay còn quá nhiều yếu kém, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình. Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng thì tràn lan mà chống tham nhũn vẫn hời hợt, nửa vời… Với thực trạng này, tôi không có niềm tin làm đặc khu sẽ thành công.
Nếu tôi là đại biểu Quốc hội, tại nghị trường, tôi sẽ đặt ra vấn đề có nên sao chép mô hình của Trung Quốc hay không? Bởi vì, dù Trung Quốc có thành công thì đó cũng là đặc khu ra đời ở nhiều chục năm trước, trong bối cảnh kinh tế, chính trị và thương mại quốc tế hoàn toàn khác biệt. Khi cả quốc gia đang đóng thì một Thâm Quyến mở, đương nhiên nó sẽ trở thành con rồng tỉnh giấc. Nhưng, Việt Nam đã mở cửa từ lâu rồi.
Dù có tuyên bố là bạn vàng, dù có 16 chữ vàng và 4 tốt, nhưng với những gì lịch sử đã ghi lại, với tất cả những gì đang diễn ra trên biển Đông, ở Hoàng Sa, Trường Sa… thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì vẫn phải thừa nhận một điều rằng Trung Quốc là quốc gia mà chúng ta phải cảnh giác, đề phòng mãi mãi.
Lẽ thường, nếu muốn chiến thắng kẻ thù thì ta phải mạnh hơn họ. Việt Nam muốn thoát Trung, muốn bớt yếu nhược, muốn mạnh mẽ trước một Trung Quốc khổng lồ, thì không có con đường nào khác ngoài tư duy khác. Hai quốc gia có cùng một thể chế chính trị. Nếu người Việt sao chép cả cách làm của người Trung Quốc sau mấy chục năm, thì muôn đời chúng ta sẽ chỉ là đứa em nhỏ lon ton, lẽo đẽo theo sau người anh lớn.
Con đường của Việt Nam, không phải là xích lại với Trung Quốc về mọi mặt, sao chép về kinh tế, phụ thuộc về ngoại thương, mà phải là cải cách thể chế mạnh mẽ và toàn diện trên quy mô quốc gia chứ không phải chỉ là ba đặc khu nhỏ bé.
Đây mới là động lực đủ mạnh cho sự phát triển của đất nước. Chuyến tàu thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam không bắt đầu lăn bánh từ nhà ga đặt ở các đặc khu kinh tế, mà phải là chuyến tàu đến từ những quốc gia văn minh, tiến bộ.
Không có con đường nào khác cho Việt Nam ngoài việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các quốc gia Âu, Mỹ, để tạo động lực cải cách từ bên trong, thay đổi từ cái gốc là thể chế kinh tế và quản trị quốc gia.
Nhưng tôi chỉ là một người dân bình thường nhỏ bé. Tôi không phải là đại biểu quốc hội. Tôi không nắm trong tay quyền lực chính trị đại diện cho bất kì ai.
Vậy nên, các đại biểu Quốc hội, xin các anh chị hãy dùng đến bộ não của mình. Hơn lúc nào hết, các anh chị cần xem xét vấn đề đặc khu kinh tế trên cả bình diện kinh tế và chính trị, hãy đặt khát vọng phát triển kinh tế vào trong bối cảnh chính trị và chủ quyền.
Và bây giờ cũng là lúc các anh chị phải đặt tay lên ngực và lắng nghe lời nhắc nhở từ trong sâu thẳm trái tim mình, rằng máu đang chảy trong huyết quản của các anh chị là máu của người Việt, rằng các anh chị là người Việt.
Tôi mong rằng, khi bấm nút quyết định dự thảo Luật Đặc khu, các anh chị hãy quên mình là đại biểu Quốc hội, hãy quên mình là ông A, bà B… Và chỉ cần nhớ, mình là một công dân Việt Nam, mình phải có trách nhiệm với tương lai đất nước Việt Nam, với vận mệnh dân tộc Việt Nam.
Bởi vì, là một người Việt sẽ biết thương nỗi thương thân phận bé mọn của những người Việt khác, sẽ biết thương nỗi thương quê hương Việt Nam. Đó là nơi cha mẹ đã sinh ra ta, đã nuôi ta lớn, là mảnh đất mà ông bà ta đã nằm xuống. Đó là nơi mà trong từng tấc đất đã có một phần máu thịt của anh chị ta, bạn bè ta, người ta từng thương nhớ…
Tất cả những điều đó sẽ dẫn đường chỉ lối cho các anh chị trước khi đặt tay vào nút bấm Đặc khu.
Nếu khi bấm nút, các anh chi để cho dòng máu nồng màn sắc đỏ Việt Nam đang cuồn cuộn bên trong mình dẫn lối chỉ đường thì nhân dân sẽ đồng hành với các anh chị trên con đường anh chị đang đi.
Nhưng, nếu khi bấm nút, các anh chị để thói yếu hèn bạc nhược dẫn dắt, thì lịch sử sẽ không tha thứ cho bất kì một ai.