TS Nguyễn Đức Thắng
29-5-2018
Trên website của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ ngày 08/2/2017 – 14/6/2017 đăng liền mạch 20 bài viết “Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than?” và từ ngày 13/10 – 18/12/2017 đăng 15 bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm”, từ 03/11 – 07/11/2017 đăng 3 bài “Cú lừa thế kỷ” về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu” và bài “Trò gian lận bị lật tẩy”. Tổng cộng 39 bài viết.
Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VII điều chỉnh), với các mục tiêu chính như bảng dưới đây:
Các loại điện năng | Năm 2020 | Năm 2030 | |
Mục tiêu cụ thể: Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu, trong đó: | 272 tỷ kWh | 572 tỷ kWh | |
1. | Nhiệt điện than | 49,3% | 53,2%(*) |
2. | Nhiệt điện khí thiên nhiên và khí hóa lỏng (LNG) | 16,6 | 16,8 |
3. | Thủy điện | 29,5 | 15,5 |
4. | Điện sinh khối (biomass) | 1 | 2,1 |
5. | Điện gió (hiện nay gần bằng 0) | 0,8 | 2,1 |
6. | Điện mặt trời (hiện gần bằng 0) | 0,5 | 3,3 |
(*) sẽ là 59% |
39 bài viết đưa ra vô vàn số liệu, thông tin; người đọc nếu không có quan điểm nhìn về tương lai, tin vào xu thế phát triển điện năng của Thế giới sẽ hoa mắt, như lạc vào trong nhà gương, rừng rậm số liệu “lịch sử”, thừa không cần thiết và lặp lại của nhau. Tôi đã đọc 39 bài viết trên và những bài trên báo online khác về các buổi hội nghị, hội thảo do Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức, chủ yếu là những quan điểm của PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam.
Các loại điện hiện nay trên Thế giới đang có và rất phổ cập, chia thành 3 nhóm sau:
– Nhiệt điện dựa trên cơ sở đốt nhiên liệu hóa thạch (fossil fuel): Nhiệt điện than (bẩn), Điện khí tự nhiên (hoặc khí tự nhiên hóa lỏng) là sạch.
– Điện năng lượng tái tạo (NLTT, Renewable energy): Thủy điện, điện mặt trời, điện gió, sóng và thủy triều, địa nhiệt, khí sinh học (biogas), sinh khối (biomass, chất thải có nguồn gốc thực vật như rơm, rạ, thân lá cây khô, củi vụn, rác thải như giấy, bìa, gỗ…) là những “nhiên liệu” cứ hết lại có.
– Điện hạt nhân.
Vì vậy, để bảo vệ một cách thuyết phục vai trò quân vương, trụ cột của điện than bẩn so với các loại điện sạch khác còn lại, Hiệp hội chỉ cần tập trung phân tích vào những mặt mạnh, mặt yếu của từng loại điện, cung cấp những số liệu và lý do cơ bản là đủ, không cần đến 39 bài viết như ở trên nhằm làm “hoa mắt người đọc”. Từ rừng thông tin của Hiệp hội tung ra, tôi đã chắt lọc thành 10 lý do cơ bản mà Hiệp hội đã sử dụng và sẽ sử dụng trong tương lai, lặp đi lặp lại, để bảo vệ cho vai trò quân vương, trụ cột của nhiệt điện than:
1) Trong lịch sử phát triển điện năng của Thế giới, nhiệt điện than luôn có vai trò chủ yếu. Năm 2014 nhiệt điện than chiếm 40,8% tổng sản lượng điện Thế giới, Những nước có tỷ lệ nhiệt điện than cao là Trung Quốc 78,8%, Úc 68,6%, Đức 45,1%, Mỹ 39% trong khi Việt Nam chỉ có 25%.
2) Ngay cả nước Mỹ, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng 39% và tốc độ tăng trưởng điện năng hằng năm của nước Mỹ trong 20 năm gần đây (1995-2015) là 1,5%/năm.
3) Năm 2013, mức độ phát thải khí CO2 của Việt Nam chỉ bằng 33% mức bình quân của Thế giới; mức độ tiêu dùng điện ở Việt Nam 1306kWh/người/năm, chỉ bằng 43% so với mức bình quân chung của Thế giới (3026 kWh/người/năm). Vì vậy, việc Việt Nam “hăng hái” đăng ký cắt giảm mức độ phát thải là không cần thiết và chỉ bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
4) Các nhà máy nhiệt điện than đang ngày càng hoàn thiện, nâng hiệu suất sử dụng nhiệt lên siêu tới hạn (Ultra Supercritical – USC) hoặc siêu tới hạn cải tiến (Advanced Ultra Supercritical – A USC); dự báo từ 35% của năm 2015 lên 38% vào năm 2020 và 42% vào năm 2030.
5) Chi phí bình quân qui dẫn LCOE (Levelized Cost of Energy) ngoại trừ thủy điện (3 – 5 UScent/1kWh), nhiệt điện than rẻ nhất (7,5 UScent) so với điện khí tự nhiên (8,5 UScent), điện gió (15 UScent), điện mặt trời (12 UScent), sinh khối (8,0 UScent).
6) Về điện khí tự nhiên là sạch, nhưng vì đất nước còn nghèo nên không thể như Singapore 95,2% là điện khí, than chỉ có 1,2%; cũng không thể như Thái Lan có sản lượng điện khí chiếm 66% và than là 21%.
7) Thủy điện là rẻ nhất nhưng khả năng khai thác đã cạn kiệt.
8) Nhiệt điện than có ưu điểm không phụ thuộc vào thời tiết nắng mưa, ngày cũng như đêm, cho thời gian hoạt động trung bình là 5000 – 5500 giờ/năm, trong khi nhược điểm của điện mặt trời và điện gió là phụ thuộc vào thời tiết, nắng mưa, ngày và đêm, do vậy thời gian hoạt động chỉ có 2000 – 2900 giờ/năm và cần diện tích lớn.
9) Việc sử dụng chất thải xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than để làm các loại vật liệu xây dựng khác nhau, do vậy tới năm 2050, chúng ta có thể phát triển nhiệt điện than lên 50-60%, các thiết bị lọc bụi, xử lý khí thải của nhiệt điện than là rất hiện đại, ống khói rất cao, từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường không là quan ngại.
10) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lật tẩy trò “lừa đảo thế kỷ” của IPCC, của tất cả các nhà khoa học trên Thế giới kết luận BĐKH là do các hoạt động của con người phát thải khí CO2 gây ra là hoàn toàn sai, do vậy Chính phủ Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận Paris 2015, quay trở về thúc đẩy phát triển nhiệt điện than.
Cả 10 lý do trên đều không thuyết phục, như những phân tích dưới đây:
1) Về lý do: Trong lịch sử phát triển điện năng của Thế giới, nhiệt điện than luôn có vai trò chủ yếu. Năm 2014 nhiệt điện than chiếm 40,8% tổng sản lượng điện Thế giới, Những nước có tỷ lệ nhiệt điện than cao là Trung Quốc 78,8%, Úc 68,6%, Đức 45,1%, Mỹ 39% trong khi Việt Nam chỉ có 25%.
2) Về lý do: Ngay cả nước Mỹ, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng 39% và tốc độ tăng trưởng điện năng hằng năm của nước Mỹ trong 20 năm gần đây (1995-2015) là 1,5%/năm.
Không thuyết phục, vì: Đấy đúng là những số liệu của năm 2014. Tuy nhiên, theo IEA, từ năm 1973 đến năm 2014 trải qua suốt 41 năm liền nhau, tỷ trọng của nhiệt điện than tăng lên không đáng kể. Trung bình toàn Thế giới, vào năm 1973 tỷ trọng nhiệt điện than đã chiếm 38,3%, đạt đỉnh vào năm 2013 là 41,3%. Năm 2014, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhiệt điện than giảm xuống 40,8%, năm 2015 tiếp tục giảm xuống 39,3%. Và sẽ giảm sâu về 24,4% vào năm 2030. Như vậy, trải qua 40 năm, tỷ trọng nhiệt điện than chỉ tăng có 3% để đạt đỉnh 41,3%, bình quân mỗi năm chỉ tăng có 0,08%, thực sự là không đáng kể.
Cách đây 50 năm, tác dụng độc hại của nhiệt điện than đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người cả Thế giới đều đã biết, tuy nhiên do KH&CN đối với các loại điện như điện gió, mặt trời, sóng biển… còn chưa phát triển nên Thế giới phải đắng cay “chấp nhận” nhiệt điện than ở tỷ trọng 38,3 – 41,3%, tương tự đối với các nước như Trung Quốc, Mỹ, Đức và Úc. Những số liệu ấy là TĨNH, KHÔNG ĐỘNG, LÀ LỊCH SỬ vì chúng gần như ỔN ĐỊNH suốt 40 năm, vì vậy không thể lấy làm mục tiêu phấn đấu cho nhiệt điện than của Việt Nam trong tương lai.
Hiệp hội hoàn toàn không nhìn vào tương lai tươi sáng của điện sạch, điện NLTT. Từ năm 2014 trở đi tỷ trọng nhiệt điện than của toàn Thế giới đã giảm và phải giảm nhanh xuống 24,4% vào năm 2030. Ngược 180o độ, tỷ trọng nhiệt điện than của Việt Nam lại tăng mạnh mẽ từ 25% của năm 2014 lên 59% vào năm 2030 và ngự trị ngai vàng này lâu dài hơn nữa; chỉ trong có 16 năm đã tăng 236%. Tại sao Hiệp hội lại lấy mốc đã cũ 45 năm của Thế giới thành mục tiêu phấn đấu của Việt Nam trong tương lai, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, của kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, lưới điện thông minh, năng lượng sạch?
15 năm gần đây Thế giới mới thấy rằng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ vô cùng trầm trọng, có khả năng đe dọa sự tồn vong của loài người, trong đó góp phần to lớn do nhiệt điện than gây ra. Không một cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc) nào đơn phương có thể giải quyết được. Toàn Thế giới phải chung tay góp sức. Thỏa thuận Paris 2015 chính xác là quả đấm rất mạnh vào nhiệt điện than.
Tỷ trọng nhiệt điện than của Trung Quốc đã đạt đỉnh 78,8% từ rất nhiều năm trước đó, đi ngang đến năm 2011. Năm 2012 đánh dấu bước ngoặt lịch sử là giảm xuống 75,8%. Năm 2013 giảm về 75,5%. Năm 2014 giảm về 72,5%. Tại Hội nghị BCH TW ĐCS Trung Quốc tháng 10/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã THỀ TIẾP TỤC NỖ LỰC CẮT GIẢM KHÓI, BỤI VÀ THÚC ĐẨY CUỘC CÁCH MẠNG NĂNG LƯỢNG SẠCH, vì nhân dân Trung Quốc đã phải trả cái giá quá đắt vì môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Điều đó có nghĩa là NHIỆT ĐIỆN THAN PHẢI CẮT GIẢM MẠNH MẼ, ĐIỆN NLTT PHẢI MỞ RỘNG. Các qui định về BVMT sẽ được nâng cao, siết chặt hơn. Các nguồn lực tài chính khổng lồ sẽ được huy động, tập trung nhiều hơn cho điện sạch.
Sức công phá của nhiệt điện than lên sức khỏe người dân, môi trường và hệ sinh thái sẽ tăng lên rất nhiều khi mật độ dân số dầy đặc, của Việt Nam là 288 người/km2, Trung Quốc 144 người/km2; Mỹ là 33, Australia 3 (thấp nhất Thế giới). Do vậy, nếu Trung Quốc cố 1 trong BVMT thì Việt Nam phải cố gấp 2. Không thể lấy tỷ trọng nhiệt điện than của các nước rộng mênh mông áp dụng cho Việt Nam. Chỉ mới có 30 phát triển, Việt Nam đã trở thành cường quốc ung thư rồi, ung thư đang trẻ hóa rất nhiều. Nhiều người giầu cũng đã chết vì ung thư. Ung thư đang đến với mọi gia đình.
3) Về lý do: Năm 2013, mức độ phát thải khí CO2 của Việt Nam chỉ bằng 33% mức bình quân của Thế giới; mức độ tiêu dùng điện ở Việt Nam 1306kWh/người/năm, chỉ bằng 43% so với mức bình quân chung của Thế giới (3026 kWh/người/năm). Vì vậy, việc Việt Nam “hăng hái” đăng ký cắt giảm mức độ phát thải là không cần thiết và chỉ bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.
Không thuyết phục, vì: Việt Nam may mắn hơn rất nhiều nước trên Thế giới là nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa. Chúng ta không có mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng trời, lạnh tê cóng có thể chết người và động vật chăn nuôi, nếu không có điện để sưởi, cả trong nhà cũng như trên ô tô, tàu hỏa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Canada, Anh, các nước Châu Âu v.v… Nếu cần so sánh, thì phải lấy nhu cầu tiêu dùng điện của những nước có điều kiện thời tiết khí hậu tương tự như Việt Nam, có GDP bình quân đầu người gần ngang nhau và so sánh những thông số trong Qui hoạch phát triển điện lực của họ với Việt Nam.
Thỏa thuận Paris 2015 là một thành quả có tính lịch sử của nhân loại; có 195 nước tham gia. Vậy tại sao Việt Nam không nên “hăng hái” tham gia? Tại sao lại gây ra những bất lợi cho Việt Nam mà không gây ra bất lợi cho các quốc gia khác? Cụ thể những bất lợi đó là gì? Khi đã đi ngược với xu thế phát triển của nhân loại thì không thể có lý do giải thích thuyết phục được.
4) Về lý do: Các nhà máy nhiệt điện than đang ngày càng hoàn thiện, nâng hiệu suất sử dụng nhiệt lên siêu tới hạn (Ultra Supercritical – USC) hoặc siêu tới hạn cải tiến (Advanced Ultra Supercritical – A USC); dự báo từ 35% của năm 2015 lên 38% vào năm 2020 và 42% vào năm 2030.
Không thuyết phục, vì: Theo IEA, tại Malaysia, Indonesia và Việt Nam năm 2015 có đến 92% các nhà máy nhiệt điện than đang áp dụng công nghệ cận tới hạn. Chưa thấy có Supercritical. Còn đối với công nghệ USC hay A USC có lẽ còn lâu hơn nữa. Công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm than luôn đi kèm với nó là chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn. Hiện chưa có số liệu nghiên cứu cụ thể mối quan hệ này với việc giảm hay tăng giá thành của 1 kWh điện.
5) Về lý do: Chi phí bình quân qui dẫn LCOE (Levelized Cost of Energy) ngoại trừ thủy điện (3 – 5 UScent/1kWh), nhiệt điện than rẻ nhất (7,5 UScent) so với điện khí tự nhiên (8,5 UScent), điện gió (15 UScent), điện mặt trời (12 UScent), sinh khối (8,0 UScent).
Không thuyết phục, vì: Để so sánh hiệu quả kinh tế thuần túy giữa các nhà máy điện rất khác nhau, Thế giới sử dụng chi phí bình quân qui dẫn (LCOE) được tính bằng (tổng chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cộng với chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng suốt đời nhà máy) chia cho tổng sản lượng điện cả đời nhà máy sản xuất ra. LCOE còn được coi là giá bán điện thấp nhất mà nhà máy phải đạt được để hòa vốn. Ta có thể tạm gọi là giá thành. Loại điện nào có LCOE càng thấp, càng có hiệu quả kinh tế hơn. Cần lưu ý là LCOE chưa bao gồm chi phí ngoại biên, như tác động tới môi trường sinh thái, sức khỏe; ví dụ thuế BVMT, thuế phát thải CO2.
Những số liệu LCOE trên đã cũ. Thời gian qua điện khí tự nhiên, điện gió, điện mặt trời đã có những cố gắng vượt bậc, cải tiến, áp dụng KH&CN để cạnh tranh quyết liệt với nhiệt điện than. Tình hình ngày nay đã khác. Các loại điện sạch (khí tự nhiên, gió, mặt trời) đang tỏa sáng về giá thành (LCOE):
Ngày 20/7/2017 cơ quan Điện và Nước của thành phố Dubai thông báo là dự án Điện mặt trời Al Maktoum giai đoạn 3 sẽ hoàn tất vào năm 2020, với chi phí bình quân qui dẫn LCOE sẽ là 2,99 cents Mỹ/kWh (khoảng 690 đồng VNĐ), SIÊU SẠCH VÀ SIÊU RẺ CỦA DUBAI. Tỷ trọng điện mặt trời là 25% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.
Giá nhiệt điện than ở Việt Nam đang là rẻ nhất, vì: Thuế suất BVMT đánh vào than gần như bằng 0. Thuế phát thải CO2 cũng bằng 0. QCVN đối với khí thải của nhiệt điện than thấp/kém hơn Trung Quốc đến 8 lần, kém hơn Indonesia và Ấn Độ 2 lần, kém hơn Malaysia và Myanmar 4 lần, kém hơn Đức 20 lần (theo Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á ERIA, 2017). è Bán máu mình để làm nhiệt điện than.
Thuế suất BVMT giữa than và xăng nhiều năm qua luôn là một nghịch lý khoa học của ngành thuế Việt Nam. Đốt 1 kg than gây ô nhiễm môi trường nặng nề hơn đốt 1 kg xăng (có thể coi là sạch, vì đạt chuẩn EURO 4). Tuy nhiên, thuế BVMT đánh vào xăng hiện đang là 3.000đồng/L (tương đương 4.054đ/kg) cao gấp 405 lần so với than chỉ có 10đồng/kg (10.000 đồng/tấn). Bộ Tài chính đã đề xuất mức thuế mới sẽ áp dụng từ tháng 7/2018 và hiện đang chờ Quốc hội ra nghị quyết phê duyệt, như ở bảng dưới đây:
Nếu chúng ta đổi mới thuế BVMT cho phù hợp với bản chất khoa học của chất gây ô nhiễm, có nghĩa là chính sách thuế tôn trọng những giá trị sinh thái của xã hội, tôn trọng phương châm phổ quát của toàn Thế giới “chất gây ô nhiễm nhiều hơn phải chịu thuế BVMT cao hơn”. Không những thế, thu NSNN sẽ được tăng lên gấp nhiều lần so với thuế suất cũ, như kết quả tính toán ở bảng dưới đây:
Theo Cơ quan Môi trường liên bang Đức, chi phí ngoại biên, external cost (để xử lý, bảo vệ môi trường) đối với điện than lignite là 10,75 Eurocent/kWh, than đá là 8,94 Eurocent/kWh, điện khí tự nhiên là 4,91 Eurocent/kWh, điện mặt trời 1,18 Eurocent/kWh, điện gió 0,26 Eurocent/kWh và thủy điện là 0,18 Eurocent/kWh.
Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016 ô nhiễm môi trường đã làm Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, gần bằng 5% GDP.
Giá nhiệt điện than ở Việt Nam thực sự là rẻ nhất Thế giới, vì là giá ăn vào sức khỏe của nhân dân, gặm vào môi trường sinh thái, là giá mà vài quan chức của Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã và đang phủ định sự chỉ đạo kiên định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “không đổi môi trường lấy kinh tế”.
6) Về điện khí tự nhiên là sạch, nhưng vì đất nước còn nghèo nên không thể như Singapore 95,2% là điện khí, than chỉ có 1,2%; cũng không thể như Thái Lan có sản lượng điện khí chiếm 66% và than là 21%.
Không thuyết phục: Để phản biện lại bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi (chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế – IFC), đăng trên một số tờ báo lớn, có câu chất vấn “Vì sao Việt Nam không chọn nhiệt điện khí như Singapore và Thái Lan mà lại chọn nhiệt điện than?”, PGS. TS. Nguyễn Cảnh Nam – Hội đồng phản biện tạp chí Năng lượng Việt Nam, đã viết tại bài “Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 3]” đăng ngày 06:48 |18/10/2017 – như sau:
Trong bài TS Nam còn đưa ra một rừng số liệu thừa, chẳng liên quan, chẳng giúp ích cho việc bảo vệ quan điểm vì đất nước còn nghèo, chưa giầu như Singapore và Thái Lan để làm điện sang, điện sạch.
Thời buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức nhân tạo, điện toán đám mây, vạn vật kết nối Internet… mà PGS.TS Nam nặn ra câu chuyện răn dậy trẻ con để phản biện lại những đòi hỏi chính đáng của nhân dân cả nước cần phải thay thế nhiệt điện than bằng điện sạch hơn, cụ thể là điện khí ga, mặt trời, điện gió. è Khoa học năng lượng đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Khi đất nước càng nghèo càng cần phải có một Qui hoạch điện lực quốc gia thật sự hiệu quả. Nghèo mà tư duy làm ăn chỉ cơi nới, chắp vá, dăm bữa nửa tháng, đập đi làm lại thì sẽ nghèo hơn.
Các cây đa khoa học năng lượng đã thiếu cập nhật những thông tin mới, nên cứ nói đến làm nhiều điện khí tự nhiên hơn nữa là dẫy nẩy lên: Đắt, đắt, không làm được! tỷ trọng điện khí tự nhiên được qui hoạch là 16,8% vào năm 2030 là đủ rồi, không thể nhiều hơn nữa như Singapore hoặc Thái Lan. Việt Nam còn nghèo lắm, chỉ có nhiệt điện than là nhất!.
Tại Quyết định số 3453/QĐ-BCT ngày 06/9/2017, tổng công suất lắp đặt 2 nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là 1.500 MW, có tổng mức đầu tư 33.300 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư điện khí ga trên 1MW là 22,2 tỷ đồng. Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 4, có tổng công suất 1.200MW với tổng mức đầu tư là 36.000 tỷ đồng. Vậy suất đầu tư điện than cho 1MW là 30 tỷ đồng. Đó là những con số biết nói về hiệu quả của vốn đầu tư ban đầu (xây dựng cơ bản).
Về mặt kinh tế thuần túy, tiêu chí cơ bản nhất, cốt lõi nhất và cũng là tổng quát nhất để so sánh hiệu quả của các nhà máy điện khác nhau chính là giá thành của 1kWh điện, chính là LCOE. Loại điện nào có giá trị LCOE thấp nhất là điện đó rẻ nhất, có lãi nhất, hiệu quả kinh tế nhất. Bảng dưới đây cho thấy, con nhà nghèo như Việt Nam càng phải lao vào mà làm điện khí tự nhiên, có lãi nhất, hiệu quả nhất, hơn hẳn nhiệt điện than.
Rõ ràng tư duy tăng tốc mạnh mẽ nhiệt điện than ở Việt Nam KHÔNG XUẤT PHÁT TỪ QUAN ĐIỂM HIỆU QUẢ KINH TẾ, CÀNG KHÔNG XUẤT PHÁT TỪ QUAN ĐIỂM XÃ HỘI SINH THÁI, MÀ VÌ LỢI ÍCH NHÓM GẮN VỚI THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ NHIỆT ĐIỆN THAN VÀ 80 – 100 TRIỆU TẤN THAN SẼ NHẬP KHẨU 1 NĂM.
Nếu Việt Nam chuyển hướng ưu tiên đầu tư năng lượng sạch, giảm thiểu nhiệt điện than, thì vừa có điện sạch để dùng, vừa có lợi về sức khỏe và môi trường sinh thái, vừa thu được lợi ích kinh tế to lớn, tương đương 9% GDP hay 23 tỉ USD/năm đến năm 2025 (Theo tính toán của Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) và Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) năm 2016).
7) Về lý do: Thủy điện là rẻ nhất nhưng khả năng khai thác đã cạn kiệt.
Không thuyết phục, vì: Việc giảm “chớp nhoáng” tỷ trọng thủy điện, đang từ 40% ở năm 2013, xuống 29,5% vào năm 2020 và 15,5% vào năm 2030 là không thuyết phục. Thời xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, nhiều chuyên gia của ngành năng lượng đánh giá tiềm năng thủy điện (lớn, vừa và nhỏ) của Việt Nam là “thoải mái, vô tư”. Thế mà đến nay đã nhanh chóng tuyên bố cạn kiệt, thật khó hiểu?
8) Về lý do: Nhiệt điện than có ưu điểm không phụ thuộc vào thời tiết nắng mưa, ngày cũng như đêm, cho thời gian hoạt động trung bình là 5000 – 5500 giờ/năm, trong khi nhược điểm của điện mặt trời và điện gió là phụ thuộc vào thời tiết, nắng mưa, ngày và đêm, do vậy thời gian hoạt động chỉ có 2000 – 2900 giờ/năm và cần diện tích lớn.
Không thuyết phục, vì: Những đặc điểm thất thường của nắng, của gió, ngày và đêm là vĩnh hằng, đã có từ nhiều triệu năm. Mọi quốc gia trên Trái đất này đều đương đầu với những đặc điểm ấy. Điện mặt trời và điện gió cần nhiều diện tích cũng không chỉ đối với Việt Nam mà đối với cả Thế giới là như nhau. Tại sao Thế giới vượt mọi khó khăn, ra sức đi theo hướng NLTT, sạch, thân thiện môi trường, Việt Nam quay ngược 180o, sùng bái nhiệt điện than? Điện NLTT chỉ cần vốn đầu tư ban đầu, nhân lực trong quá trình vận hành khai thác lại rất ít, “nhiên liệu” như nước, nắng, gió lại không mất tiền mua. Rõ ràng là chi phí vận hành thấp hơn nhiệt điện than rất nhiều.
9) Việc sử dụng chất thải xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than để làm các loại vật liệu xây dựng khác nhau, do vậy tới năm 2050, chúng ta có thể phát triển nhiệt điện than lên 50-60%, các thiết bị lọc bụi, xử lý khí thải của nhiệt điện than là rất hiện đại, ống khói rất cao, từ đó vấn đề ô nhiễm môi trường không là quan ngại.
Không thuyết phục, vì những tác động hủy diệt môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe của con người do nhiệt điện than gây ra đã là quá rõ ràng. Thế giới đã biết từ cách đây 50 năm. Gần 200 các nguyên thủ các quốc gia đã cam kết thực hiện thỏa thuận Paris 2015. Phải xiết chặt, giảm thiểu nhiệt điện than. TBT, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã thề phải cắt giảm khói bụi, cắt giảm nhiệt điện than, đầu tư mạnh mẽ cho NLTT.
10) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lật tẩy trò “lừa đảo thế kỷ” của IPCC, tất cả các nhà khoa học trên Thế giới kết luận BĐKH là do các hoạt động của con người phát thải khí CO2 gây ra là hoàn toàn sai, do vậy Chính phủ Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận Paris 2015, quay trở về thúc đẩy phát triển nhiệt điện than.
Tác giả của ý kiến này chính là TS. Nguyễn Thành Sơn – nguyên Trưởng ban Chiến lược và KHCN của TKV (hiện là chuyên gia tư vấn độc lập, tham gia trong Hội đồng Phản biện – Tạp chí Năng lượng Việt Nam) về chủ đề biến đổi khí hậu và phát thải khí nhà kính”. TS. Sơn đã đưa ra những số liệu không thể kiểm chứng sau đây:
“Và trong tổng số khí CO2 do con người tạo ra hàng năm chỉ có khoảng 14 tỷ tấn có nguồn gốc từ đốt than, 11 tỷ tấn từ đốt dầu, 7 tỷ tấn từ đốt khí, và 25 ÷ 32 tỷ tấn có nguồn gốc từ chăn nuôi động vật.
Phần khí CO2 còn lại (1.180 ÷ 1.820 tỷ tấn) chiếm 95 ÷ 97% trong khí quyển có nguồn gốc (được thải ra) từ các hoạt động của tự nhiên, không hề liên quan đến con người như: các đại dương (480 ÷ 800 tỷ tấn/năm), các vi sinh vật (300 ÷ 370 tỷ tấn/năm), các côn trùng (220 ÷ 330 tỷ tấn/năm), các vùng đất đóng băng vĩnh cửu (70 ÷ 110 tỷ tấn/năm), núi lửa (40 ÷ 70 tỷ tấn/năm), các vụ cháy rừng (40 ÷ 55 tỷ tấn/năm), động vật có vú (30 ÷ 55 tỷ tấn/năm)”.
để phản bác tất cả những kết luận của các nhà khoa học về BĐKH và năng lượng trên Thế giới đang làm việc cho IPCC. TS. Sơn đã coi thỏa thuận Paris 2015 là “cú lừa thế kỷ”, nói IPCC đã lừa đảo toàn Thế giới, IPCC coi việc gia tăng phát thải CO2 do con người gây ra là hoàn toàn sai, là phi khoa học và lập luận của IPCC chỉ để “bịp” những quốc gia đang phát triển. Cách giải thích theo IPCC hoàn toàn không thuyết phục! Cuối cùng, GHE chỉ là con bài chính trị. Và Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donal Trump là những người đầu tiên lật tẩy sự lừa bịp của cái gọi là “hiệu ứng nhà kính” và “biến đổi khí hậu”, đã chính thức tuyên bố rút ra khỏi các hiệp định có liên quan.
Việc Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris 2015, chủ yếu vì lý do không muốn thực hiện cam kết cắt giảm phát thải CO2 và đóng góp tài chính giúp các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc này không thể đảo ngược xu hướng cắt giảm nhiệt điện than và gia tăng đầu tư cho NLTT ngay ở tại nước Mỹ, vì 5 lý do chủ yếu sau:
(i) Yêu cầu đòi hỏi của người dân địa phương ngày càng nâng cao về môi trường sống trong lành. Yếu tố này có tính quyết định nhất ở nước Mỹ.
(ii) Công nghệ phát triển các nguồn điện NLTT, rẻ cạnh tranh nhiệt điện than đã sẵn có ở nước Mỹ.
(iii) Chính phủ Mỹ đã áp đặt thuế phát thải khí CO2 đối với nhiệt điện than là 20 USD/tấn CO2.
(iv) Cơ quan quản lý môi trường đã nâng cao tiêu chuẩn môi trường đối với nhiệt điện than, do vậy giá thành nhiệt điện than của Mỹ sẽ đắt lên.
(v) Rất nhiều các ngân hàng đã ngừng cho vay đối với nhiệt điện than, vì nhiều rủi ro, khó thu hồi vốn.
KẾT LUẬN:
Khi đã đi ngược với xu thế thời đại, cho dù Hiệp hội Năng lượng Việt Nam có viết đến 100 bài, cho dù cả các nhà buôn bán công nghệ nhiệt điện than và nhập khẩu than viết thêm 100 bài nữa tôn vinh vị thế của nhiệt điện than trong tương lai, cũng sẽ thất bại.
Thời điểm hiện nay đất nước ta đang đứng trước thử thách rất lớn về chuyển đổi điện năng. Cần dừng ngay những nhà máy nhiệt điện than vừa mới khởi công, thậm chí đã xây dựng được phần nào, để chuyển hết sang điện khí ga. Tất cả những nhà máy nhiệt điện than trong kế hoạch đầu tư năm 2019 cũng chuyển sang nhiệt điện khí ga và phân tán rải rác ở các vùng miền, không co cụm tập trung. Trong năm 2018 cần kêu gọi trở lại tất cả những nhà đầu tư cho điện mặt trời và điện gió, tạo điều kiện tối đa để họ triển khai. Đẩy mạnh khai thác tối đa thủy điện vừa và nhỏ đa mục tiêu (điện, dự trữ nước ngọt, ngăn chặn lũ vùng xuôi, phục vụ tưới tiêu). Hoàn thiện hệ thống điện theo xu thế thời đại là: ĐA DẠNG VÀ PHÂN TÁN NGUỒN CUNG ĐIỆN, ƯU TIÊN ĐIỆN SẠCH, XÂY DỰNG LƯỚI ĐIỆN QUỐC GIA THÔNG MINH TỪ RẤT NHIỀU LƯỚI ĐIỆN NHỎ THÔNG MINH. QUAN TÂM THÍCH ĐÁNG ĐẾN NÂNG CAO HIỆU QUẢ NĂNG LƯỢNG, GIẢM MẠNH THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ.
Nếu để tốc độ phát triển nhiệt điện than ào ạt như hiện nay sẽ vô cùng nguy hại cho đất nước. Sau đó sẽ không thể sửa được nữa. Việt Nam không thể có tiềm lực đập đi rồi lại xây mới.
Bộ Công thương đã không thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dòng đầu tiên tại Chỉ thị xác định “Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước”
Bộ Công thương đã không thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Bộ Công thương đã không thực hiện Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg, ngày 22/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bộ Công thương đã không thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Bộ Công thương đã không thực hiện ý kiến chỉ đạo nhiều lần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “không đổi môi trường lấy kinh tế”, “không vì lợi ích nhóm”.
“Không tồn tại một xã hội thuần túy, chỉ tồn tại một xã hội sinh thái. Mọi quan điểm phát triển (kinh tế, chính trị, văn hóa) sẽ đổ vỡ nếu như chúng không xuất phát từ quan điểm xã hội sinh thái” – Nguyễn Đức Thắng
Bài viết nếu có làm ai phật ý, mong được lượng thứ. Ai thấy đúng mong hãy chia sẻ rộng rãi hơn.
Tôi trân trọng những ý kiến phê phán, nhưng xin hãy phân tích, chỉ rõ cụ thể những điều sai để tôi hoàn thiện bản thân.
Xin chân thành cám ơn.