“Gấp mười tự do”

FB Mai Quốc Ấn

22-5-2018

Ảnh: internet

Ngân sách (từ thuế dân) đang được dùng vô tội vạ!

UB Tài chính – Ngân sách Quốc hội đã lưu ý tình trạng tái diễn chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí trong điều hành ngân sách. Tại các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng và sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỷ đồng. (Số liệu 2016)

Hãy lấy vài ví dụ để biết thuế sử sụng ra sao:

Dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên nằm trong khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp gồm sáu tòa nhà cao 19 tầng, tổng đầu tư 1.900 tỉ đang chỉ có 10/19 tầng có sinh viên đến ở. Tuy nhiên, chỉ có tầm 10 tầng được sử dụng, còn lại chín tầng trên cao hầu như không sử dụng.

Nguyên nhân là giao thông không thuận tiện vì cách khá xa các trường đại học, giao thông còn nhiều vướng mắc, các tuyến xe buýt công cộng còn hạn chế… Nghĩa là không có một nghiên cứu chính xác nào cho một công trình nghìn tỉ như vậy mà chỉ có sự duy ý chí khi triển khai dự án.

Lại lấy thêm các ví dụ khác:

Về “đối nội”, một tập đoàn như TKV (Tập đoàn than & khoáng sản Việt Nam) gây thiệt hai, lỗ “chỉ” 100.000 tỉ đồng, lãi phải trả mỗi ngày là 12 tỉ, tương đương 4.380 tỉ lãi phải trả một năm. Về “đối ngoại”, tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông đội vốn 250 triệu USD và trả lãi hàng năm 650 tỉ đồng.

Những ví dụ về việc tiêu ngân sách và vốn vay ODA tại Việt Nam như thế này không hiếm…

“Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng). Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỷ đồng. Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng Thủy điện Đakđrinh tăng 1.488 tỷ đồng và đang xin điều chỉnh lần 2 lên 5.887 tỷ đồng. Dự án thủy điện Nậm Chiến 4 lần điều chỉnh tăng đến 3.361 tỷ đồng.” (Trích Tiền Phong)

Những mất mát tiền thuế này kèm bội chi ngân sách được giải quyết bằng tăng thuế?

Hàng loạt dự thảo tăng thuế được đưa ra, từ thuế Thu nhập cá nhân đến thuế xăng dầu, thuế sở hữu nhà thứ 2, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân,… Các lý do tăng thuế đều được lý giải đơn giản là vì dân, vì môi trường, vì công bằng xã hội và vì tăng thu ngân sách Nhà nước.

Tăng thuế, dĩ nhiên nhân dân và doanh nghiệp phải gánh!

Một quốc gia xài ngân sách như phá, bù đắp bằng cách tăng thuế liên tục vẫn nằm trong nhóm các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới; điều này không phải là siêu lạ lùng hay sao?

Sáng nay lẩm nhẩm câu thơ của ông Nguyễn Bảo Sinh: “Tự do sướng nhất trên đời/Tự lừa còn sướng gấp mười tự do”. Chợt nghĩ, không biết nhà thơ viết “tự lừa” có phải mang ý tự làm con lừa hay không?

Bình Luận từ Facebook