Giáo sư Phan Đình Diệu – người trí thức yêu nước, luôn trăn trở với vận mệnh đất nước

FB Bùi Quang Minh

16-5-2018

GS Phan Đình Diệu. Ảnh: internet

Giáo sư Phan Đình Diệu vừa ra đi để lại niềm thương tiếc không nguôi đối với tôi, một người từng hoạt động trong lĩnh vực tin học. Ngoài việc ông là một nhà khoa học xuất sắc – vị chủ tịch sáng lập nên Hội Tin học Việt Nam, Giáo sư còn là một bậc trí thức lớn và có nhân cách.

Ông đã từng nói, “Tôi không phải là một chính khách và tôi không có tham vọng chính trị. Song, với tư cách một nhà khoa học và một công dân yêu nước, tôi tham gia việc đất nước bằng cách thực thi những quyền công dân của mình: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do phê phán…”

Trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi kể lại 4 sự kiện để lại dấu ấn đối với bất kỳ ai – những bằng chứng âm thầm và không mệt mỏi về việc GS. Phan Đình Diệu đã bày tỏ tấm lòng yêu nước, chính kiến chính trị của mình một cách bản lĩnh, sắc sảo và thấu đáo. Hôm nay, tình hình thực tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, mong các bạn đọc tham khảo trên tinh thần phản biện, khoa học để hiểu hơn về những suy tư một thời của GS. Phan Đình Diệu.

Sự kiện 1 (theo “Bên Thắng Cuộc”, tác giả Huy Đức). Tháng 6/1988, trong chuyến đi tìm hiểu “cải tiến cơ chế khoán trong công nghiệp” ở Hà Nội, Tp. HCM, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã đưa ra khái niệm “xử lý hộp đen”, “quay hộp đen”. Bài báo trên báo Nhân Dân ngày 14/6/1988 có đăng chỉ đạo “Xử lý hộp đen là cải tiến quản lý và cải tiến kỹ thuật là khâu quan trọng lúc này cũng như về lâu về dài” (với ý tránh được tình trạng lời giả, lỗ thật, nhà nước bù lỗ quá nhiều). Sau đó, từ đầu tháng 7/1988, báo Nhân Dân lần lượt đăng các phát biểu của nhiều giám đốc, ai ai cũng trăn trở “Làm thế nào để xử lý hộp đen?” mặc dù không ai hiểu hộp đen là cái gì.

Không đừng được, GS Hoàng Tụy và GS. Phan Đình Diệu đành viết thư gửi báo Nhân Dân. 2 vị thẳng thắn nói rằng, khái niệm “hộp đen”, “xử lý hộp đen” đã bị hiểu sai lạc và sử dụng tùy tiện, “không có một nhà điều khiển học đúng đắn nào, không có một nhà kinh tế học nghiêm chỉnh nào lại có thể hiểu về hộp đen như thế”. Báo Nhân Dân không dám đăng. Khi bài viết được đưa tới cho nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn nghĩ: “Một bài báo mấy trăm chữ mà hai bậc trí thức của Việt Nam phải đồng ký tên. Cái sai không chỉ là của một cá nhân Tổng bí thư mà có nguy cơ trở thành “kiến thức phổ thông”. Nếu mình cũng sợ không đăng thì người ta sẽ nghĩ là cả nước Việt Nam không biết”. Ngày 30-7-1988, bài “Hộp đen và quay hộp đen” được báo Văn Nghệ đăng *). Từ hôm đó, trên báo Nhân Dân, khái niệm “hộp đen” biến mất.

(* Hộp đen (black box) là một thành phần của một hệ thống thông tin mà người quan sát cho là không cách nào nhìn thấy bên trong nó mà chỉ có thể kiểm tra được thông qua thông tin đầu vào, vào đầu ra của nó. Trong giao thông, Hộp đen là tên gọi của một loại thiết bị lưu trữ thông tin thời gian thực, thường được gắn trên các phương tiện giao thông và được thiết kế đặc biệt phù hợp riêng với từng loại phương tiện khác nhau.)

Sự kiện 2. Vào những ngày tháng tình thế “nhạy cảm” Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách sắp mất chức vì quan điểm “Cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách chính trị”, GS. Phan Đình Diệu đã tham gia thảo luận rất tích cực.

Ngày 15/8/1989, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài báo về “Dân chủ” của GS. Phan Đình Diệu. Ông định nghĩa: “Dân chủ là quyền tham gia vào việc tổ chức và quản lý xã hội, thể hiện ở quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác”.

GS Phan Đình Diệu ủng hộ khái niệm đa nguyên của ông Trần Xuất Bách bằng suy nghĩ: “Ta đi tìm đường đi cho đất nước trong thế giới hiện đại. Nhiều nguồn tri thức phải được tiếp thu, nhiều cách lý giải phải được đề xuất và thảo luận. Cái gì đã rõ thì ta cũng theo, cái gì chưa rõ thì ta cần cùng nhau tìm cách làm rõ bằng việc vận dụng trí tuệ của thời đại”.

Sang năm 1990, GS. Phan Đình Diệu gửi “Kiến nghị về một chương trình cấp bách nhằm khắc phục khủng hoảng và tạo điều kiện lành mạnh cho sự phát triển đất nước”.

Trong bản Kiến nghị này, GS. đã phân tích thực trạng “khủng hoảng toàn diện: xã hội ta ở thời điểm đó: Sau thống nhất đất nước, ta đã vội vã áp dụng mô hình Chủ nghĩa Xã hội, điều khiển tập trung mọi mặt hoạt động kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội. Bộ máy quyền lực này chậm bổ sung những nhận thức mới của thời đại và những năng lực trí tuệ tương xứng, mặt khác bị thoái hóa dần bởi những căn bệnh đặc quyền đặc lợi, quan liêu, tham nhũng… nên đã bất lực trong sự phát triển LÀNH MẠNH của đất nước. Hậu quả của nó là tê liệt những năng lực thực sự của đất nước đồng thời tạo ra SỰ HỖN LOẠN VÀ DỐI TRÁ trong mọi mặt cuộc sống: toàn xã hội, sự nghiệp y tế và giáo dục xuống cấp, tệ nạn xã hội lan tràn, nạn cường hào và tham nhũng hoành hành…

GS. Phan Đình Diệu đã phác họa Quá trình Đổi mới của đất nước như sau: Về kinh tế đất nước chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở rộng dân chủ “dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Mọi quyền tự do dân chủ, kể cả các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí lại bị cấm đoán nghiêm khắc. Những chính sách đổi mới nửa vời, không đủ kiên quyết làm yếu tố tiêu cực cũ thêm những cái mới như nảy nở tầng lớp tư sản lưu manh, đặc quyền đặc lợi trong bộ máy quyền lực thao túng và phá phách thêm nền kinh tế.

GS. cũng đã nêu rõ quan điểm về Yêu cầu cấp thiết về Đổi mới: “Công cuộc đổi mới phải kiên quyết và nhất quán hơn, xác định được mục tiêu hiện thực cho sự phát triển của đất nước, gạt bỏ mọi cản trở, tạo lập một tư tưởng lành mạnh cho sự phát triển theo mục tiêu đó.”

Quan điểm của GS. Phan Đình Diệu, mục tiêu của đất nước phải là “Một nền kinh tế thị trường phát triển và một chế độ chính trị dân chủ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc”. Căn cứ theo mục tiêu quốc gia nào cũng mơ ước là độc lập, tự do, hạnh phúc, GS. cho rằng Việt Nam cần lựa chọn chế độ xã hội nào bảo đảm thực hiện được ước mơ ấy.

Chắc chắn, chuyển sang nền kinh tế thị trường gắn liền với quá trình TƯ NHÂN HÓA và thu hẹp kinh tế quốc doanh. Chừng nào còn có “sở hữu toàn dân” là còn có nguy cơ biến thành sở hữu riêng vô trách nhiệm của một số kẻ đặc quyền đặc lợi. Chức năng của Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và nhịp nhàng của nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế đó tất yếu được hỗ trợ bởi một chế độ chính trị tôn trọng các quyền tự do dân chủ của công dân. Con người có đầy đủ các quyền đó sẽ phát huy mọi tài năng, trí tuệ làm giàu cho bản thân và cho đất nước. Hệ thống pháp luật sẽ quy định sao cho thực thi quyền của người nay không làm hại đến thực thi quyền của người khác.

Một chế độ chính trị dân chủ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc là đòi hỏi bức thiết sống còn.

Chế độ chính trị dân chủ với việc bảo đảm các quyền cơ bản đó của công dân tự nó đã bao hàm sự thừa nhận tính ĐA NGUYÊN. Đa nguyên là sự phản ánh trung thực thực tiễn khách quan của xã hội vào thể chế chính trị. Dân chủ chỉ là sự tôn trọng tính trung thực của sự phản ánh đó. Nội dung đa nguyên là sự thừa nhận sự đa dạng về tư tưởng, về chính kiến khác nhau thông qua tự do ngôn luận và báo chí, thừa nhận sự tồn tại các tổ chức chính trị và xã hội khác nhau bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong các cuộc bầu cử tự do để giành sự tín nhiệm của xã hội.

Sự hưng thịnh của đất nước đòi hỏi quyền bình đẳng đóng góp sức lực và trí tuệ của mỗi thành viên trong xã hội, không chừa một ai. Thực hiện chế độ chính trị dân chủ thực sự sẽ tạo điều kiện cho ĐOÀN KẾT VÀ HÒA HỢP DÂN TỘC để cùng nhau xây dựng đất nước.

Về Nhà nước, chế độ ta sẽ là một nhà nước dân chủ pháp quyền được hiến định. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất làm nhiệm vụ lập pháp, cử ra Chính phủ (hành pháp) và Tòa án Tối cao (tư pháp) hoàn toàn độc lập với nhau và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Điểm mấu chốt là Quốc hội PHẢI ĐƯỢC BẦU RA BẰNG BẦU CỬ THẬT SỰ TỰ DO, CÔNG BẰNG, không một đảng phái chính trị nào được quy định từ trước là có quyền tuyệt đối đứng trên Nhà nước và lãnh đạo Nhà nước. Nhà nước được tổ chức như vậy là Nhà nước của toàn dân, các chính đảng đều phải hoạt động trên khuôn khổ quy định pháp luật do cơ quan lập pháp của nhân dân bầu nên.

Những Yêu cầu và mục tiêu của một GIẢI PHÁP CẤP BÁCH theo GS. Phan Đình Diệu là, trước mắt là phải Kiên quyết khắc phục khủng hoảng, tạo lập một hoàn cảnh lành mạnh tối thiểu cho hoạt động bình thường của một nền kinh tế thị trường và một nền chính trị dân chủ cho mọi năng lực trong xã hội được tự do phát triển.

Về kinh tế – xã hội giải pháp trước mắt là:

– Hoàn thiện hệ thống pháp luật thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, xóa bỏ mọi hạn chế và phân biệt đối xử đối với khu vực kinh tế quốc doanh.

– Tư nhân hóa doanh nghiệp quốc doanh để tinh giản bộ máy Nhà nước và đảm bảo thu ngân sách

– Tổ chức lại hệ thống Bộ máy Nhà nước để thực hiện quản lý Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường.

– Lập BAN THANH TRA ĐẶC TRÁCH CHỐNG THAM NHŨNG VÀ ĐẶC QUYỀN ĐẶC LỢI do Quốc hội cử và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, độc lập với chính phủ và quan chức chính phủ.

– Đặc biệt tăng cường, hoàn thiện hệ thống TÀI CHÍNH và NGÂN HÀNG.

Về cải cách hệ thống chính trị thì cần hướng đến để có một hệ thống chính trị dân chủ, đoàn kết và hòa hợp dân tộc.

Riêng về ĐẢNG LÃNH ĐẠO và CÔNG CUỘC CẢI CÁCH, GS. cho rằng:

– Sự lựa chọn lý tưởng cộng sản có lý do lịch sử của nó nhưng là ngộ nhận và không thích hợp với đòi hỏi xây dựng đất nước thoát nghèo nàn, lạc hậu, tàn dư phong kiến đi lên giàu có, tự do và hạnh phúc.

– Cần giải phóng khỏi mọi tập quán của đam mê quyền lực, mọi nô lệ vào những tín điều không còn thích hợp, giành quyền tự do cho tư duy và nhận thức, tiếp thu và làm chủ mọi nguồn tri thức của nhân loại để cùng nhân dân tìm con đường đi thích hợp cho đất nước.

– Con đường tốt đẹp là Đảng tự đổi mới, ĐỔI MỚI VỀ TƯ TƯỞNG VÀ NỀN TẢNG LÝ LUẬN, ĐỔI MỚI VỀ TỔ CHỨC, ĐỔI MỚI VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ TRONG DÂN TỘC và chủ động cùng nhân dân thực hiện cải cách, phấn đấu xứng đáng là một bộ phận tiên phong của dân tộc trái ngược với “đứng trên đầu một dân tộc bị mòn mỏi, kiệt quệ và cô lập”.

Sự kiện 3. Ngày 12 tháng 3 năm 1992, GS. Phan Đình Diệu đã phát biểu một bài góp ý cho Dự thảo hiến pháp mới tại Hội nghị Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông nêu ra 7 ý kiến cá nhân như sau đối với bản hiến pháp:

– Một là, vấn đề cốt lõi của đất nước là phải phát huy được tất cả mọi năng lực của tất cả các thành viên của dân tộc, mọi thành phần, không phân biệt đối xử, không hận thù… Hiến pháp cần phải bàn trên tinh thần đó, tạo điều kiện cho xã hội Việt Nam tiến theo hướng đó.

– Hai là, chế độ một đảng lãnh đạo theo mô hình chuyên chính vô sản đã cản trở mọi tiến bộ của dân tộc, ở nhiều nơi trên thế giới đã bị xóa bỏ và ở ta không còn đáp ứng được mục tiêu phát triển của dân tộc. Nạn tham nhũng không thể trị được chính là sự kết hợp giữa độc quyền và nền kinh tế hàng hóa. Tham nhũng chính là biến một cách phi pháp quyền lực thành hàng hóa. Không thể kết hợp những yếu tố không thể dung hòa được của hai thể chế để hy vọng tạo ra một hình thái tích cực được. Chỉ có cách tăng cường luật pháp, tăng cường dân chủ và xóa bỏ độc quyền. Trong tình hình như vậy ông đề nghị những thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa Mác – Lênin”, v.v… trong Hiến pháp đều nên tạm gác lại. “Chúng ta cũng không nên bắt cả dân tộc ta phải đội lên đầu bất kỳ một chủ nghĩa nào, bất kỳ một cá nhân nào. Dân tộc phải trên hết.”

– Ba là, cần lựa chọn một hiến pháp theo mô hình chuyên chính vô sản, do Đảng lãnh đạo, hay một hiến pháp dân chủ pháp quyền? nếu đã giữ điều 4, tức là giữ điều nói đảng là lực lượng lãnh đạo của Nhà nước và xã hội, thì cần có một chương qui định rõ ràng về đảng lãnh đạo. Để trung thực với dân tộc thì cần nói rõ đảng lãnh đạo là như thế nào? Trong điều kiện đó, quốc hội có còn là cơ quan quyền lực cao nhất nữa không? Hay đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, còn quốc hội chỉ là cơ quan thể chế hóa các nghị quyết của đảng? Những điều như vậy cần được ghi rõ thành những điều trong Hiến pháp, có vậy mới sòng phẳng và trung thực với nhân dân.

GS. Phan Đình Diệu nêu rõ quan điểm “… tôi cũng không mong có một đảng tự áp đặt quyền lãnh đạo tối cao, bất chấp mọi luật pháp, đứng trên Nhà nước. Điều đó chỉ làm giảm uy tín của đảng và đưa thiệt thòi đến cho dân tộc mà thôi.”

– Bốn là, ông đề nghị trong Hiến pháp các quyền công dân đó được ghi thành một nhóm, còn các quyền con người thì ghi thành một nhóm khác.

Quyền con người là quyền để tồn tại như một cá thể (quyền công dân là quyền để tồn tại và để góp phần như một thành viên của cộng đồng dân tộc ) như quyền như bất khả xâm phạm, tự do cư trú, tự do tư tưởng, tự do đi lại, v.v… Còn quyền công dân cơ bản là quyền tham gia công việc của cộng đồng: tham gia lựa chọn những người xứng đáng vào bộ máy cai quản cộng đồng, tức là quyền bầu cử, ứng cử, quyền hội họp, quyền lập hội.

Quyền cơ bản của dân trong việc thường xuyên phê phán và góp phần vào việc quản lý Nhà nước là thông qua dư luận, tức là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền này cực kỳ quan trọng. Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí không chỉ nằm trong phạm vi quyền con người, mà đây là quyền của nhân dân góp phần vào công việc của cộng đồng. Cho nên GS. dựa khoa học điều khiển học đã đề nghị phải thật sự tôn trọng những quyền này và tạo điều kiện cho những quyền này có vị trí thích đáng. Một xã hội sẽ hoàn toàn tê liệt nếu như không có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, tức là những quyền mà danh từ khoa học gọi là tạo ra những “feedback”, những liên hệ ngược. Trong hệ điều khiển của xã hội, không có nó thì xã hội bị tê liệt và sự thao túng của quyền lực là điều không thể tránh khỏi.

– Năm là, ông có ý kiến về việc làm sao đảm bảo Quốc hội là quyền lực cao nhất của Nhà nước. GS. đề nghị đổi mới việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đặc biệt là việc tôn trọng quyền tự do và bình đẳng trong ứng cử. Quyền ứng cử là quyền bình đẳng của mọi công dân. Ngoài ra, đại biểu quốc hội phải toàn tâm toàn ý, toàn thời gian thực thi công việc đại biểu của mình.

– Sáu là, về tổ chức nhà nước cần xem xét, tôn trọng tính độc lập của “tam quyền” lập pháp, hành pháp và tư pháp.

– Bảy là, về vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, GS. Phan Đình Diệu đã đề nghị cần xem xét nghiêm túc là có nên tiếp tục nhà nước hóa các đoàn thể như hiện nay không ? Bởi vì hiện nay, chúng ta cái gì cũng dựa vào nhà nước cả. ” Đặc biệt, không nên xem các đoàn thể của nhân dân là nằm trong cơ cấu của hệ thống nhà nước, là những thành phần của một hệ thống chính trị chịu sự điều khiển của Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên, như vậy thì các đoàn thể chúng ta cũng phải dũng cảm không ăn lương của Nhà nước. Tôi đề nghị ngân sách Nhà nước chỉ chi cho bộ máy Nhà nước, không chi cho bất kỳ đoàn thể nào.”

Sự kiện 4. Trong công tác phản biện Đề án tin học 112, GS. Phan Đình Diệu đã dự báo dự án sẽ thất bại. Ông đã gửi thư khẩn cho Thủ tướng Phan Văn Khải cảnh báo về điều này. Quả đúng như vậy, 5 năm sau, các thành viên ban quản lý dự án 112 đã phải đi tù và hậu quả dự án này thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Hôm nay nhắc đến những sự kiện và quan điểm về GS. Phan Đình Diệu ta càng thấy tấm lòng yêu nước, dũng khí và trí tuệ sắc sảo của ông.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước linh cữu Giáo sư Phan Đình Diệu, một nhân cách lớn của đất nước.

Ghi chú: Tút này chỉ dành để tưởng nhớ đến Giáo sư Phan Đình Diệu, không mổ xẻ các quan điểm chính trị. Tôi sẽ rất khắt khe với bạn facebook nào đi chệch điều này.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây