Tượng đài vinh danh ông Rupert Neudeck tại Troisdorf – người sáng lập “Con tàu Cap-Anamur”

General-Anzeiger

13-5-2018

Tác giả: Hans-J. Wimmeroth

Dịch giả: Hiếu Bá Linh

Tượng đài vinh danh ông Rupert Neudeck, với phương châm khắc trên tượng đài: “Chẳng sợ hãi cũng không táo bạo”.

Vào thứ bảy ngày 12/05/2018 vừa qua, một tượng đài ở Troisdorf, tưởng nhớ đến ông Rupert Neudeck, nhà báo và là người sáng lập tổ chức “Con tàu Cap Anamur” (con tàu cứu vớt người Việt Nam vượt biển), đã qua đời hai năm trước. Có khoảng 600 khách đã đến dự lễ khánh thành, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Schäuble, bà Christel vợ góa của ông Neudeck và nhiều thuyền nhân người Việt Nam. Trong bài diễn văn, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Schäuble đã ca ngợi ông Rupert là một người “vị tha, triệt để quên mình”.

Ông Rupert Neudeck đã qua đời 2 năm trước. Một tượng đài đã được thành lập để tưởng nhớ đến ông, người sáng lập “Con tàu Cap Anamur”. Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Schäuble đã đến thị trấn Troisdorf vào thứ Bảy để vinh danh ông Neudeck và ký tên vào Quyển sách vàng của thành phố.

Bà Christel, vợ góa của ông Neudeck, đứng cạnh tượng đài vinh danh ông Neudeck. Nguồn: General Anzeiger

Sống hết lòng bắt đầu từ nhận thức rằng tất cả có thể thay đổi nếu chúng ta tự mình thay đổi“, ông Schäuble phát biểu với sự hoan nghênh của hơn 600 vị khách đã đến lâu đài Wissem, nơi đặt đài tưởng niệm. Câu đó không có khắc trên đài tưởng niệm, nhưng cũng phù hợp với ông Neudeck, bởi vì ông không chỉ nói câu này, mà đã sống theo phương châm này, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức nói: “Sống hết lòng như là một kẻ nổi loạn cho lòng vị tha”.

TS Wolfgang Schäuble, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức đọc diễn văn trong buổi lễ

Anh John Meister là một người Việt tỵ nạn thuộc thế hệ thứ hai, lớn lên ở Đức, và là đại diện cho cộng đồng người Việt ở Đức, nhớ lại rằng, ông Neudeck là một “người dũng cảm, và đó là lý do tại sao phương châm của thành phố Danzig, nơi sinh quán của ông Neudeck, được khắc trên tượng đài: Chẳng sợ hãi cũng không táo bạo“.

Nước Đức – một quốc gia công bằng và tự do – đã cho người Việt Nam bản sắc và quê hương [thứ hai]”. Đài tưởng niệm đã là ước vọng của thuyền nhân Việt Nam, mong rằng nó có thể được gìn giữ để tưởng nhớ đến một “la bàn của tình người” (giống như người vượt biển cần phải có la bàn).

Anh John Meister, một người Việt tỵ nạn thuộc thế hệ thứ hai, lớn lên ở Đức. Ảnh: Internet

La bàn của tình người

Ông Rudolf Eich, Phó thị trưởng Troisdorf, nhìn lại năm 1979, khi thị trấn Troisdorf nhận 50 người Việt tị nạn đầu tiên ở Đức và tiếp theo nhiều hoạt động khác trong thị trấn, như đặt tên Rupert Neudeck cho một trường học, trưng bày một con thuyền tị nạn hoặc bia tưởng niệm hàng trăm ngàn người Việt bị chết đuối ở Biển Đông, trên đường chạy trốn khỏi chế độ khủng bố.

Thuyền nhân tị nạn Tân Thái Ông nói về sự cứu vớt của ông Neudeck: “Giống như chúng tôi được sinh ra lần thứ hai, khi chúng tôi được cứu vớt lên trên một con tàu an toàn và được đưa đến nước Đức“. Một lần nữa, ông Wolfgang Schäuble nói: “Một sự tưởng niệm thật sự, nghĩa là tưởng nhớ đến các nhà trí thức, những nhà nhân văn và các nhà hoạt động, là nằm ở nơi khác (không phải ở đài tưởng niệm). Đài tưởng niệm này là một bằng chứng. Ông Rupert Neudeck vẫn tiếp tục sống trong sự tưởng nhớ và trái tim của những người mà ông đã cứu vớt. Và trong sự tưởng nhớ của tất cả những người mà ông có thể biến sự căm phẫn và lòng thương xót của họ thành hành động”.

Vì ông Neudeck đã làm theo một “mệnh lệnh đạo đức“, với tư thế một nhân viên của đài Deutschlandfunk ông đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ, kiên trì cho mối quan tâm của những người cô thế.

Chính lương tâm ông Neudeck đã ra lệnh cho ông

Việc ông Neudeck mang những người sống sót đến Đức có ý nghĩa nhiều “hơn là một hành động nhân đạo. Đó là một hành động nổi loạn – hồi đó sự tiếp nhận những người tị nạn đã gây nhiều tranh cãi chính trị ở nước Đức”, ông Schäuble nhớ lại. “Ngay cả trong chính trị, cuối cùng cũng là những cá nhân, như ông Ernst Albrecht (đảng CDU) – cựu Thủ hiến bang Niedersachsen – đã tạo ra sự khác biệt bằng quyết định tiếp nhận người tị nạn [vào nước Đức] và thỏa thuận số lượng người tị nạn được nhận“.  Ông Norbert Röttgen, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, diễn đạt tiếp: “Chính lương tâm ông Neudeck đã ra lệnh cho ông. Một người như ông Rupert Neudeck chỉ có một lần, ông ta được coi như là một tấm gương sáng”.

Ông Norbert Röttgen, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, phát biểu.

Trong buổi lễ, sự hiện diện của Cộng đồng người Việt ở Đức không chỉ được nhìn thấy, mà còn được nghe: những vị khách của buổi lễ đã hát quốc ca Đức và Việt Nam (Cộng hòa), quốc ca này là tưởng nhớ về quê hương cũ của họ. Sau đó, Ca đoàn Thiên chúa giáo Việt Nam tại Hamburg dưới sự điều khiển của Sơn Lâm Nguyễn, hợp ca bài “Wer nur den lieben Gott lässt walten” (Ai chỉ tôn thờ Chúa) – đó là một sự kính cẩn nghiêng mình trước một tín đồ Thiên chúa giáo mộ đạo: ông Neudeck.

Gia đình ông Neudeck lấy làm cảm động và xúc động

Tượng đài – được tạo ra bởi ông Joost Meyer, một nghệ sĩ ở thành phố Aachen – đã được khánh thành bởi bà Christel, góa phụ của ông Neudeck, ông Rudolf Eich và ông Nguyễn Hữu Huấn. Hàng chục quả bóng bay đầy màu sắc bay lên bầu trời và con trai ông Rupert là Marcel Neudeck (xin lỗi quý quan khách cho anh phá lệ không chào theo thứ tự thông thường và trịnh trọng, nhất là khi có sự hiện diện của vị chủ tịch Quốc Hội Đức Quốc Dr. Wolfgang Schäuble, anh Marcel Neudeck) đã chào đón các vị khách với “anh em thân mến, chị em, chú bác và dì, mẹ thân yêu“.

(Trong chiếc áo sơ-mi đơn giản như người cha) anh Marcel Neudeck đã nói rõ rằng, anh và gia đình anh đã “cảm động và xúc động” như thế nào trong buổi lễ này. Anh không thể nói cha anh có phải là một người sống quên mình có lòng vị tha hay không. Nhưng trong mọi trường hợp “ông Neudeck là một người hạnh phúc“.

Anh Marcel Neudeck, con trai ông Rupert Neudeck. Ảnh: Internet
Bình Luận từ Facebook