Lò Văn Củi
14-5-2018
Ông Thầy giáo loay hoay qua lại tìm chỗ giấu mặt. Bởi ông không muốn ai thấy những giọt nước mắt trào ra từ khóe mắt. Cuối cùng thì ông xoay vào bờ tường, kéo cái kiếng lão xuống, len lén lấy cái khăn mùi xoa ra chậm nước mắt. Cử chỉ của ông rất khéo, nếu có ai thấy thì nghĩ chắc ông bị bụi hay gì đó bay vô mắt, nhưng không qua được cặp mắt tinh đời của ông Hai Xích lô. Ông Hai hỏi:
– Vụ gì ông Thầy? Vụ gì mà xúc động dữ thần quá chừng ông Thầy?
Biết là không thể che giấu được, ông Thầy đáp:
– Dạ, tội nghiệp quá ông Hai, đọc mà hông cầm được nước mắt. Chuyện cô gái Ngô Thị Thùy Dương ở trong đồng sâu của xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bị bịnh rất hiểm nghèo từ nhỏ, một căn bịnh bóng nước còn gọi là viêm da, đến nay y học còn bó tay, chưa tìm ra phương cách trị dứt được.
Căn bịnh làm nứt, bong tróc da và ngứa ngáy, cô phải gãi liên tục đến cả chảy máu khắp người. Đã vậy tay chưn còn co rút từ từ, mất cả các ngón, không thể tự ăn uống. Mặc dù 21 tuổi, nhưng cô chỉ nặng 25 ký lô gram, nhỏ xíu như đứa bé lên 9, lên 10.
Đau đớn là vậy nhưng cô lại có tấm lòng quá đỗi bao dung, chẳng oán trách, vẫn vui vẻ với đời. Hơn nữa lại có tấm lòng từ bi, cô sẵn sàng dùng số tiền 100 triệu đồng của bà con cô bác thập phương giúp đỡ để xây dựng cây cầu bắt qua con kinh cho tiện việc đi lại của bà con cô bác trong vùng, chứ hông giữ riêng cho mình.
Một điều đáng nể nữa là cô chưa một ngày tới trường, mà thấu hiểu nhơn tình thế thái. So với cô chợt thấy mình quá nhỏ bé, như một hột cát so với bãi cát dài trắng tinh. Cây cầu xét ra tuy nhỏ thôi nhưng phải nói tấm lòng bồ tát quá bao la.
Ông Hai gục gật:
– Quả là tấm lòng bồ tát !
Anh Năm ba gác nói:
– Cây cầu biên tên cô tài trợ. Đáng lý nên để tên cây cầu là tên cô luôn mới xứng đáng.
Bà con cô bác thấy chí lý lắm lắm, rưng rưng thương cảm cho cô gái và thiệt là cảm phục. Anh Bảy Thọt chớp chớp đôi mắt:
– Cây cầu nhỏ mà dòm mênh mông. Ngược lại thì có những cây cổ thụ lại thấy xốn mắt.
Anh Sáu Nhặt hỏi:
– Cây cổ thụ nào mà kỳ cục quá vậy Bảy xóc đòn gánh?
Anh Bảy trả lời:
– Dạ, vụ này có sao nói vậy người ơi, chẳng xóc chẳng xỉa chi hết. Là những cây cổ thụ được các… ông lãnh đạo trồng trong các dịp lễ trồng cây hoặc ở các nơi này nọ á.
Ông Hai gật đầu:
– Quá đúng luôn, rất là kỳ cục. Trồng cây người ta trồng từ cây con cho lớn lên chớ, như vậy mới là công sức, mới có ‘ăn quả nhớ người trồng cây’. Đằng này, bứng cây đã trưởng thành, đã già rồi, mang đi nơi khác trồng, cho tốn công, phí sức, lại gọi là trồng? Cái này là di chuyển cây từ nơi này qua nơi khác, chớ trồng cái gì. Mỗi lần trồng là bày biện, là dàn hàng quân rầm rộ ra, múa may khua trống linh đình, làm tốn hông biết bao nhiêu tiền của khơi khơi như vậy. Tiền thuế của dân họ coi như cỏ rác.
Ông Thầy giáo nói tiếp:
– Rất là kỳ cục những gương mặt mục, mục ruỗng lương tâm. Chỉ chú tâm đánh bóng tên tuổi, ham hố danh, ham hố thành tích. Rồi thêm tham lam, cướp bóc vun vén để xây đền xây đình, xây mồ to mả đẹp cho mình, cho dòng tộc mình như vua chúa. Làm lãnh đạo lý ra phải lo cho dân cho nước, chuyện hệ trọng thì làm ngơ, chỉ lo cái thân và phe cánh.
Không thể làm phép so sánh được. So sánh sẽ rất khập khiễng, một trời một vực giữa tấm lòng bồ tát của cô gái bịnh tật và lương tâm mục ruỗng của những kẻ “tai to mặt bự”.
Bà con cô bác cùng một ý với ông Thầy. Kính trọng cô gái bao nhiêu thì khinh rẻ các quan chức lãnh đạo bấy nhiêu.