Trân Văn
11-5-2018
Chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm (quận 2 – TP.HCM) thành “Khu Đô thị mới”, sau này đổi thành “Trung tâm Kinh tế – Tài chính – Thương mại” càng ngày càng nóng. Nhiệt độ càng lúc càng cao.
Tuần trước, chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm sôi sùng sục vì bản đồ đính kèm quyết định cho phép giải tỏa – thu hồi đất có hay không, còn hay mất hiện chưa… xác định được (!), vì chính quyền TP.HCM dám ban hành văn bản hủy quyết định phê duyệt quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm mà… Thủ tướng Việt Nam (Võ Văn Kiệt) từng ký và văn bản lạm quyền này vẫn… có giá trị thực thi (!?), vì vụ Phó Chủ tịch chính quyền một địa phương dám hủy quyết định của người đứng đầu đầu nội các là nhờ có một Phó Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) cấp cho công văn chống lưng (!!!)…
Tuần này, chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm làm người ta bàng hoàng vì toàn bộ hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương cùng ngoảnh mặt làm ngơ, cho dù 15.000 gia đình từng cư trú ở bán đảo Thủ Thiêm kêu oan ròng rã suốt hai thập niên. Suốt hai thập niên hàng chục ngàn người khốn khổ, khốn nạn vì mất nơi cư trú, không có sinh kế, chìm trong nợ nần. Suốt hai thập niên, hàng chục ngàn người vừa loay hoay kiếm cách sinh tồn, vừa kêu oan vì mỗi mét vuông chỉ được bồi thường chừng 200.000 đồng rồi ngay sau đó, mỗi mét vuông đất mà chính quyền TP.HCM cưỡng đoạt từ họ để giao cho các “chủ đầu tư” được rao bán với giá hàng chục triệu đồng. Suốt hai thập niên, giá đất ở Thủ Thiêm tăng dần từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông nhưng tiếng kêu oan của cư dân Thủ Thiêm lọt thỏm, càng lúc tụt càng sâu xuống đáy của sự vô tâm và cả sự vô tình của xã hội…
Tại sao phải mất 20 năm oan khiên mới thấu “Trời”? Vì lẽ gì mà đến giờ này, thiên hạ mới hài ra những cái tên như: Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân?
***
Giữa hàng triệu nhận định, bình phẩm của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam về scandal Thủ Thiêm, có không ít thông tin, tâm sự của những người đã hoặc đang là thành viên hệ thông truyền thông chính thức tại Việt Nam, tự giãi bày, tự vấn về chuyện làm thinh.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, sở dĩ Thủ Thiêm trở thành thảm nạn kéo dài suốt hai thập niên là vì hệ thống truyền thông câm lặng trước “thế lực đen” trong hệ thống công quyền. Nguyên – sau khi quan sát những vụ “tụ tập phản đối” của các nạn dân, nhiều lần lặn lội trong các khu tạm cư, chứng kiến những cá nhân, những gia đình vất vưởng thế nào, tuyệt vọng ra sao “bên lề phát triển” đã viết ba bài. Loạt bài này kịp “chạy” trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị, một tháng sau, tờ báo này bị bức tử. Nguyên thú nhận, dẫu có kịp “chạy” ra giữa lộ, loạt bài đó cũng chẳng có âm vọng nào!
Nguyên kể thêm rằng đã trôi giạt qua nhiều tờ báo khác, rằng đã được dặn dò giống như nhiều đồng nghiệp khác là “đừng đụng đến Thủ Thiêm để không đụng đến… thành phố”. Lãnh đạo Ban Biên tập các cơ quan trong hệ thống truyền thông thường bắt các nhà báo làm việc dưới quyền tự vấn: Chuyện đó có đáng để… hi sinh hay không? Câu hỏi ấy như một câu kệ và báo giới tụng nó hàng ngày để làm thinh trước những bất công, những oan ức mà dân lành muốn hay không cũng phải gánh, kể cả trước những vấn đề hệ trọng như chủ quyền lãnh thổ.
Nguyễn Vĩnh Nguyên tự hỏi: Vậy thì điều gì đáng để hy sinh?
Chuyện hệ thống truyền thông đang “đồng ca” về những vấn đề liên quan tới Thủ Thiêm được Nguyên xem như “đèn xanh”. Báo giới lao vào để “rửa ẩn ức về nỗi nhục vô trách nhiệm trong quá khứ” và cả để “minh họa cho diều nhà nước muốn”. Song cũng như vô số vụ bê bối đã được bày ra khác, báo giới cũng chỉ vào cuộc lúc sự đã rồi. Nguyên thắc mắc: Nước mắt của cư dân Thủ Thiêm trên những trang báo trong thời gian vừa qua liệu có đủ sức chặn một cỗ máy vấy máu vạn năng đang sầm sầm lao tới bờ vực quá độ của bất công?
Xem tường thuật trên facebook của Hương Quỳnh – facebooker làm việc tại tờ Tuổi Trẻ – về cuộc đối thoại giữa bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM với cư dân Thủ Thiêm hôm 9 tháng 5, dễ thấy nghẹn, thấy uất lây khi những người dân vừa khóc, vừa chất vấn bà Tâm: Bà từng khuyên chúng tôi nên hy sinh một chút đất để con cháu được hưởng một cuộc sống mới, tương lai mới trên đô thị mới. Hôm nay thấy con cháu chúng tôi vơ vất trong khu tạm cư, cũng phải hy sinh, bà có ray rứt không? Là đại biểu cho dân Thủ Thiêm suốt hai nhiệm kỳ ở Quốc hội ở Thủ Thiêm, bà đã hứa bao nhiêu lời, bà đã nghe, đã chứng kiến bao lời, bà đã làm gì để xứng đáng với lá phiếu của chúng tôi? Bà có giải quyết được không? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm… nhưng đừng tìm những chi tiết ấy về cuộc đối thoại vừa kể trên hệ thống truyền thông chính thức vì mất công!
Những nhà báo như Hương Quỳnh cũng chỉ dám đặt vấn đề: “Mất gì ở Thủ Thiêm?”, dám than: Đất đai, tài sản, sinh kế, yên bình, tương lai, hy vọng, uy tín, niềm tin… gần như đã mất sạch! – trên… facebook!
Dường như bất kể thế nào thì Thủ Thiêm cũng chưa phải là thứ để những thành viên Ban Biên tập các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam chọn làm chuyện “đáng để hy sinh”!
Thủ Thiêm cũng là lý do để Tú Nhỏ Nguyễn Tú – làm việc tại tờ Pháp Luật TP.HCM – thú thật trên facebook của cô rằng cô “thấy mình có lỗi” trước thân phận nhiều người. Đó là một cụ bà sống tại quận 9, mở quán nước ven xa lộ Hà Nội để nuôi thân, nuôi chồng không còn khả năng lao động và hai đứa con bị bệnh tâm thần. Bà cụ tìm gặp Tú vì khi mở rộng xa lộ Hà Nội, hệ thống công quyền dỡ nhà, thu hồi đất, buộc gia đình bà rời khỏi nơi mà họ đã cư trú hơn 20 năm nhưng không bồi thường, cũng không dành cho gia đình bà bất kỳ hình thức hỗ trợ nào bởi họ không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Người phụ nữ nghèo, hèn, bỏ dép ngoài cửa, đi chân không do sợ làm dơ Tòa soạn khẳng định, bà không khiếu nại, không dám chống đối, chỉ nhờ Tú trình bày giúp “nguyện vọng” xin một rẻo đất nhỏ chỗ nào cũng được để gia đình bà có chỗ chui ra, chui vào… Tú kể, bà cụ làm cô ứa nước mắt vì bất lực.
Tú kể thêm là cô mới quay lại tìm các cư dân Thủ Thiêm. Họ tiếp tục cung cấp hồ sơ, tài liệu một cách nhiệt tình. Trao xong, một chú hỏi cô: “Giờ báo dám đăng chưa con?”. Tú nhấn mạnh, chú hỏi bằng tất cả sự thông cảm, không một lời trách móc dù họ vô cùng đơn độc trong hành trình suốt 20 năm vừa qua!
Tú kết thúc tâm sự của cô bằng một nhận định lơ lửng: Đâu phải chỉ có Thủ Thiêm!
Đâu phải chỉ có Thủ Thiêm!
Cũng với suy nghĩ giống hệt như vậy, Thuan Vuong Tran – một facebooker cũng là nhà báo – tự hỏi: Có phải chỉ có Thủ Thiêm không? Đất nước này có bao nhiêu Thủ Thiêm? Mỗi tỉnh, thành có bao nhiêu Thủ Thiêm? – và hướng dẫn: Cứ hỏi các nhà báo nội chính xem họ đã nhận bao nhiêu tấn đơn về khiếu kiện đất đai. Cứ hỏi những người sống quanh bạn xem tỉ lệ bất bình liên quan đến đất đai là bao nhiêu, tôi tin là tỉ lệ ấy rất cao. Cứ đến bất kỳ khu vực nào được giải tỏa để xây dựng chung cư, khu đô thị mới, bạn sẽ thấy họ…
Ai trong số những người dân bo vơ đang nhan nhản ấy cũng khóc, có người khóc suốt mấy chục năm, khóc cho đến khi chết, những giọt nước mắt không thể thấy trên các trang báo, họ phải tự chùi đi, cắn răng đứng dậy để kiếm miếng ăn, để sống tiếp, để hi vọng rồi lại khóc. Sự phổ biến ấy của nước mắt cho thấy, lỗi không chỉ nằm ở những nhân vật mang bí số: Hai, Ba, Tư, Năm… Lớn hơn là cơ chế nào đã khiến những kẻ mang các bí số ấy dễ dàng đứng về một phía với những con cá mập, biến tài sản hàng chục ngàn người thành của cải riêng họ?
***
Tháng 6 năm 2016, nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Như Phong, lúc đó là Tổng Biên tập tờ Năng Lượng Mới, thảy ra một ví von làm nhiều đồng nghiệp của ông tại Việt Nam phiền lòng: Nhà báo giống như chó!
Chưa có ai khảo sát xem báo giới ở Việt Nam bị tổn thương thế nào, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội bị tổn hại ra sao khi báo giới vẫn bị chỉ trích rằng phải chờ đèn mới dám… sủa. Ngay cả khi đã có lệnh, sủa cũng phải kiềm chế về âm lượng và phải quan sát chung quanh để điều chỉnh âm điệu.
Thủ Thiêm không chỉ đẩy uất hận của các nạn dân đến đỉnh, Thủ Thiêm làm nhiều người khác như Ngô Nguyệt Hữu bật ra cáo buộc: Các ông nợ người dân những cuộc đời bị đánh cắp, những số phận bị đánh gục. Các ông nợ nhân dân niềm tin vào tương lai. Các ông nợ quốc gia vì sự phát triển bị chính các ông kìm hãm. Đó, đích xác là tội ác!
Thế “các ông” có nợ báo giới khi dùng cường quyền khống chế báo giới không? Báo giới – với sứ mạng vẫn được xem như “quyền lực thứ tư” – có nợ đồng bào của mình không? Ân đền, oán trả. Đền thế nào, trả ra sao?
Học Giả Nguyễn Duy
con ơi mẹ dặn câu này
cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
có con dấu đóng đỏ tươi
có còng có súng dùi cui nhà tù
cướp xưa lén lút tù mù
cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
con trời bay lả bay la
cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
dân oan tuôn lệ ròng ròng
mất nhà mất đất nát lòng miền quê
tiếng than vang động bốn bề
cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
ai qua thành phố Bác Hồ
mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
bây giờ mẹ phải dặn thêm
quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.
Nguồn Mạng.