Một ghi chú về Hội nghị TƯ 7: ‘Để làm gì?’

FB Nguyễn Đắc Kiên

9-5-2018

Hội nghị TW7 mới khai mạc hôm 7/5/2018. Ảnh: Báo TP

Có hai sự thật phơi bày trước mắt chúng ta những ngày gần đây.

Những quan chức ngã ngựa, xộ khám, cùng các vụ áp phe hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng bị phanh phui cho chúng ta thấy sự thật thứ nhất: chúng ta đã bị cai trị bởi những quan chức hư hỏng đến thế nào.

Những thảo luận xung quanh ba đề án* của Hội nghị TƯ 7 cho chúng ta thấy sự thật thứ hai: chúng ta đang bị cai trị bởi những quan chức tệ hại ra sao.

Nhìn tổng thể cả ba đề án thì có vẻ như đã có một mục tiêu thống nhất nào đó được đặt ra, rõ ràng hoặc ngầm ẩn, và đang được thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, nếu xem chi tiết từng đề án thì sẽ ngay lập tức vấp phải một câu hỏi cắc cớ cứ lặp đi lặp lại: Để làm gì? Để làm gì? Để làm gì? Để làm gì?

Và tất nhiên, các câu hỏi “Để làm gì” này sẽ dẫn tới câu hỏi then chốt sau cùng: “Người ta đưa ra ba đề án này để làm gì?”

Các bạn cứ thử suy nghĩ và trả lời thật rành rọt xem, thực sự “người ta đưa ra ba đề án này để làm gì?”

Không dễ, đúng không?

Không hẳn vì lối nói ề à vòng vo làm chúng ta lúng túng trong việc tìm ra mục đích thực sự của ba đề án này, tôi e rằng, ngay từ đầu chính những người đặt ra ba đề án đã không hiểu rõ mục đích mình cần đạt được là gì.

Tất cả đều biết nguyên lý: không thể dùng chính cái tư duy đã tạo ra vấn đề để giải quyết vấn đề. Thế nhưng, với những thảo luận “tít mù rồi lại vòng quanh” về ba đề án (thực ra là những vấn đề cũ rích) thì lại chứng tỏ rằng, người ta đang cố dùng chính cái tư duy tạo ra vấn đề để giải quyết vấn đề.

Vậy cuối cùng, “người ta đưa ra ba đề án này để làm gì?”

Rồi! Bây giờ ta sẽ thử mở ra một vòng thảo luận mới, mang tính “gợi mở” (hihi).

Trong số các đáp án cho câu hỏi này có một đáp án khả hữu như sau: “Để có một đảng cầm quyền mạnh và chính danh. Để có một nhà nước hiện đại hướng tới mục tiêu thịnh vượng.”

Có vẻ vấn đề đã sáng ra đôi chút.

Ít nhất ở đây đã có điểm sáng hơn, đó là thấy rõ chúng ta đang nói về hai thực thể tách bạch: đảng cầm quyền và nhà nước. Và bây giờ, bước tiếp theo có thể là phải tìm cách xử lý những vấn đề của từng thực thể, rồi sau đó là xử lý vấn đề quan hệ giữa hai thực thể này.

Ai học toán cũng biết, hiểu được đề bài tức là đã giải được nửa bài toán.

Ai học triết cũng biết, đặt đúng vấn đề là đã giải quyết được nửa vấn đề.

Thế nhỡ đâu ngay từ đầu đã hiểu sai, đặt sai thì sao?

Thì “tít mù rồi lại vòng quanh” chứ sao!

(còn tiếp)

———————

(*) Ba đề án đó là: Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây