Vấn đề của Đảng Cộng Sản Việt Nam (Phần 3)

Tạ Dzu

6-5-2018

Tiếp theo phần 1phần 2

Duy Vật biện chứng có hai nguyên lý cơ bản là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến gồm sáu cặp phạm trù, ít được nói tới, và nguyên lý về sự phát triển, thường được đề cập hơn.

Nguyên lý về sự phát triển bao gồm ba quy luật: Quy luật mâu thuẫn nói về nguồn gốc của sự phát triển; quy luật lượng – chất chỉ ra hình thức của sự phát triển và quy luật phủ định cho biết khuynh hướng của sự phát triển.

Thực ra, biện chứng pháp (dialectics) được các triết gia cổ Hy lạp gọi là phương pháp đi tìm chân lý bằng biện luận. Sau này Hegel dùng để chỉ quy luật phát triển của tư tưởng theo từng chu kỳ, bao gồm chính đề, phản đề và hợp đề, qua hai giai đoạn: mâu thuẫn và tổng hợp (dung hoà, thoả hiệp). Theo Tiến sĩ Phạm Khắc Hàm trong bài Thuyết Mác Lê Dưới Kính Hiển Vi (trang 78), khi nói đến luật vận động của vật chất cụ thể, phải bàn về động lực học, không thể dùng biện chứng pháp là phương pháp biện luận của tư duy, những gì thuộc về trừu tượng.

Quy luật mâu thuẫn

Luật mâu thuẫn là quy luật quan trọng nhất của biện chứng duy vật, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và là việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật hay hiện tượng nào đó. Trong biện chứng pháp Hegel, đề và phản đề tuy mâu thuẫn nhưng không huỷ diệt nhau mà ở thế ‘giằng co’, như ngày và đêm, sáng với tối. Vẫn theo biện chứng Hegel, bước nối tiếp mâu thuẫn phải là sự tổng hợp, tức dung hoà nhau để trở thành chính đề cho chu kỳ phát triển kế tiếp.

Biện chứng duy vật phát biểu rằng sở dĩ sự vật mâu thuẫn là vì trong sự vật có những yếu tố đối lập mang đặc điểm hay thuộc tính có khuynh hướng biến đổi trái ngược nhau, tồn tại một cách khách quan trong tự nhiên, xã hội và tư duy, như trong nguyên tử có điện tử và hạt nhân; trong sinh vật có sự đồng hóa và dị hóa; trong thị trường có cung và cầu. Hai mặt đối lập đều cùng tồn tại trong sự thống nhất với nhau, nương tựa và không tách rời nhau nên giữa chúng có những nhân tố giống nhau, gọi là sự ‘đồng nhất’.

Dù chấp nhận vận dụng biện chứng pháp Hegel, tức nhận ra sự đồng nhất giữa các mặt đối lập trong một hiện tượng hay sự vật, Mác cố tình bỏ quên giai đoạn tổng hợp (synthesis), tức phải dung hoà các mối mâu thuẫn để trở thành chính đề mới tốt đẹp hơn trong chu kỳ trước. Ngược lại, ông đi khai thác mối mâu thuẫn và đẩy đến cực điểm để tiêu diệt lẫn nhau. Mác chỉ trích, “các lãnh đạo thợ thuyền Anh đã trở thành bọn môi giới giữa bọn tiểu tư sản và thợ thuyền”, đồng thời thoá mạ giai tầng tiểu tư sản Đức, “ngay từ đầu, giới tiểu tư sản Đức đã có xu hướng phản bội nhân dân”, bởi họ đã tiền bạc rủng rỉnh và quay lưng lại với Cộng sản Quốc tế. Mâu thuẫn giữa chủ – thợ ban đầu ở thế giằng co, sau đó hai bên đều phải tương nhượng để cùng tồn tại, bởi nếu chủ nhân phá sản thì thợ thuyền cũng mất việc. Đó chính là ứng dụng giai đoạn tổng hợp theo đúng quy trình biện chứng pháp. Mác vận dụng sai nên các đệ tử của ông không ngần ngại sử dụng luật mâu thuẫn hủy diệt, cá lớn nuốt cá bé trong mối quan hệ giữa các dân tộc và giữa các giai tầng xã hội với nhau. Mác không thấy rằng với sự hiểu biết, con người khác tự nhiên giới (tức động vật), có khả năng loại bỏ thú tính và phát huy nhân tính, biến mâu thuẫn đối kháng thành đối lập thống nhất để mọi người có thể chung sống hoà bình, cùng nhau dựng xây đời sống.

Nếu không ứng dụng quy luật đối lập thống nhất giữa nam và nữ sẽ không có gia đình; không biết áp dụng luật đối lập thống nhất giữa cá nhân và tập thể sẽ không có hài hòa xã hội; giữa bảo thủ và cấp tiến sẽ không có tiến bộ. Nếu không có đối lập thống nhất giữa tự nhiên và con người thì loài người chỉ biết khai thác tự nhiên một cách triệt để mà không biết bảo vệ môi trường sống, cuộc sống của con người sẽ, hoặc bị tự nhiên hóa, hoặc làm thoái hóa tự nhiên, thay vì sống hòa cùng tự nhiên.

Luật mâu thuẫn đối kháng dẫn đến tiêu diệt lẫn nhau của tự nhiên giới không thể áp dụng một cách thẳng tuột, máy móc vào xã hội con người mà cần điều chỉnh lại thành quy luật “đối lập thống nhất”, để mọi khác biệt được hóa giải trong hòa bình ổn định. Đây chính là nguyên tắc “unity in diversity” (thống nhất trong đa dạng) mà ASEAN đã lấy làm nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của mình.

Quy luật lượng – chất

Theo quan điểm Duy Vật, bất cứ sự vật hay hiện tượng nào cũng bao gồm hai mặt chất và lượng. Chúng hữu cơ thống nhất với nhau.

Chất là phạm trù triết học để chỉ tính khách quan của sự vật hay hiện tượng, quy định bởi những thuộc tính và yếu tố cấu thành. Nhưng chỉ những thuộc tính cơ bản tổng hợp lại mới thành chất của sự vật. Những thuộc tính cơ bản quy định sự tồn tại, vận động và phát triển của sự vật; chỉ khi chúng thay đổi hay mất đi thì sự vật mới thay đổi hay mất đi. Các thuộc tính kết hợp với nhau tương đối trọn vẹn, hoàn chỉnh và bền vững làm cho sự vật này không trộn lẫn với sự vật khác mà tách biệt cái này với cái khác. Chất luôn gắn liền với lượng của sự vật hay hiện tượng.

Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định về số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật, biểu hiện bằng con số các thuộc tính và các yếu tố cấu thành. Lượng không phụ thuộc vào ý chí hay ý thức của con người. Lượng biểu thị kích thước dài hay ngắn, số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm.

Mỗi sự vật hay hiện tượng bao gồm một thể thống nhất giữa chất và lượng. Chất tương đối ổn định còn lượng thường xuyên biến đổi. Lượng biến đổi đến một mức độ và điều kiện nhất định nào đó sẽ phá vỡ chất cũ, chất mới được hình thành. Quá trình tác động lẫn nhau giữa chất và lượng tạo ra sự vận động liên tục, từ biến đổi dần dần đến nhảy vọt, rồi lại biến đổi dần để chuẩn bị cho bước nhảy vọt kế tiếp. Quá trình động, biện chứng giữa chất và lượng tạo ra cách thức vận động và phát triển của sự vật hay hiện tượng. Chất mới không chỉ biến đổi một cách thụ động mà tác động trở lại lượng để tạo ra lượng mới, phù hợp trong thể thống nhất chất và lượng mới.

Vì đặt tiền đề triết học trên vật chất nên Mác dễ thấy trong tự nhiên khi lượng đổi thì chất đổi. Hình ảnh nồi nước sôi thường được dùng làm ví dụ. Sự thay đổi về lượng (tăng nhiệt độ) đến một mức nào đó sẽ làm cho nước bốc hơi, tức thay đổi về chất. Những người Mác-xít lập luận rằng trong sự vận động và phát triển của sự vật, thay đổi bao giờ cũng bắt đầu từ lượng. Cộng sản thường dùng quy luật này để lý giải cho những cuộc ‘cách mạng’ bằng bạo lực gây đổ máu chết chóc để cướp cho được chính quyền của họ.

Trên thực tế, không phải luôn luôn cứ lượng đổi thì chất đổi. Có nhiều trường hợp chất đổi khiến lượng đổi theo, có khi đổi cả chất. Trong những năm hạn hán, cây cối thường cho ra ít trái hay trái vừa chua vừa èo oặt, thậm chí cây có thể chết. Nhưng những năm ‘mưa thuận gió hòa’ (thay đổi về chất), cây được chăm bón khiến cho cành trái sum xuê ngon ngọt (thay đổi về lượng và chất). Tại các quốc gia nhân dân thực sự làm chủ đất nước, người ta tranh đấu hợp pháp bằng nghị trường, trong quốc hội nhằm thi thố tài năng viễn kiến và quản trị (thay đổi về chất) nhằm đạt hiệu quả tiến bộ xã hội ở cả bề rộng lẫn bề sâu (đổi cả lượng và chất). Quốc hội của những nước cộng sản chỉ là bình phong che đậy thể chế độc tài, nơi thực hiện nghị quyết của đảng nên chất rất khó đổi, mà dù lượng có đổi bao nhiêu đi chăng nữa, họp hành liên miên hoặc tăng số đại biểu, chất-đời-sống của nhân dân nói chung vẫn nghèo nàn nhếch nhác, chỉ cán bộ hoặc những kẻ ăn theo mới giầu có. Nếu có khá hơn thì chỉ vì tình thế bắt buộc, “đổi mới hay là chết” chứ chẳng phải do chủ động đổi lượng mà chất đổi. Khoảng thập niên 1970 trở về trước, những công ty xe hơi của Mỹ luôn dẫn đầu thế giới về lượng xe bán ra. Một hai thập niên sau đó, các hãng xe Nhật cải tiến kỹ thuật, xe nhỏ gọn, ít tốn xăng, kiểu cọ bắt mắt (thay chất), số lượng xe bán ra vượt hẳn các công ty Mỹ (làm đổi lượng).

Quy luật lượng đổi chất đổi, do đó, thiếu sót; cần được tu chỉnh lại bằng quy luật “chất – lượng hỗ biến” (hỗ tương biến đổi).

Quy luật phủ định

Biện chứng phủ định là phạm trù triết học để chỉ sự phủ định và phát triển tự thân, một mắt xích trong quá trình dẫn tới sự ra đời của sự vật mới tiến bộ hơn sự vật cũ.

Để biện chứng phủ định được diễn ra trong suốt quá trình vận động của sự vật, những yếu tố tiêu cực sẽ bị thay thế bởi những yếu tố tích cực. Sự vật cũ bị sự vật mới phủ định và sự vật mới này sẽ lại bị phủ định bởi sự vật mới khác trên sự thống nhất hữu cơ giữa lọc bỏ, bảo tồn và bổ sung thêm những yếu tố tích cực mới. Do đó, thông qua những lần phủ định biện chứng của bản thân, sự vật sẽ ngày càng phát triển theo vòng xoáy trôn ốc nhưng trên cơ sở phát triển cao hơn.

Mỗi lần phủ định là mỗi kết quả của đấu tranh và chuyển hoá giữa các mặt đối lập, hay nói khác đi, giữa mặt khẳng định và mặt phủ định của sự vật. Phủ định của phủ định là kết quả tổng hợp tất cả những yếu tố tích cực của cái khẳng định ban đầu và cái phủ định lần thứ nhất, cũng như các giai đoạn trước đó. Đó là điểm kết thúc của một chu kỳ phát triển và cũng là điểm khởi đầu cho chu kỳ phát triển tiếp theo. Với triết học Mác-Lênin thì quy luật phủ định của phủ định là quy luật phổ biến của sự phát triển trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

Có đúng đó là quy luật chung cho sự phát triển của cả tự nhiên lẫn xã hội hay không?

Mặc dù có nhắc đến sự đấu tranh và chuyển hoá giữa các mặt đối lập hay tổng hợp các yếu tố tích cực trong hai quá trình phủ định, nhưng ở tự nhiên giới (động vật) thì đó là cuộc đấu tranh đối lập cơ bắp mạnh được yếu thua, một mất một còn. Trong khi chỉ con người mới có khả năng ‘nghị hòa’, nói khác đi là dung hoà nhằm thống nhất các mặt đối lập từ tư duy đến hành động để mọi người cùng sống trong hòa bình ổn định. Cộng sản học nhưng không biết hành, do đó họ sợ đối lập. Nhưng nếu thực hiện đúng, thống nhất đối lập trong đa dạng (unity in diversity) sẽ thúc đẩy xã hội tiến bộ trong bền vững như tại các quốc gia dân chủ.

Vì không nhìn thấy khả năng điều chỉnh quy luật đối lập huỷ diệt của tự nhiên thành ‘đối lập thống nhất’ nơi con người, nên sau 1975, cộng sản phá huỷ toàn bộ nền văn hóa và cơ sở kinh tế của Nam VN, thực hiện các vụ đổi tiền, đánh tư bản mại sản, xua dân đi vùng kinh tế mới… Họ tiêu diệt cuộc sống nhân bản cũ để thành lập xã hội chủ nghĩa mới với đấu tranh giai cấp, giành giật phương tiện sản xuất vật chất là tất cả. Phá huỷ toàn bộ hệ thống cũ là họ đã “cắt khúc” lịch sử, trong khi lịch sử phải là sự tiếp nối, tích luỹ những nhân tố tích cực của quá khứ làm nền tảng cho hiện tại để mỗi ngày mỗi mới, mỗi tiến bộ và hướng thượng hơn trong tương lai.

Phủ định không có nghĩa là bỏ đi tất cả mọi cái cũ, thay hoàn toàn bằng những cái mới. Phủ định là đãi lọc, loại bỏ những yếu kém, chọn lấy phần tinh túy để tiếp thêm vào các yếu tố mới. Quy luật phủ định chỉ có ý nghĩa như thế khi áp dụng chung với hai quy luật “thống nhất đối lập” và “chất lượng hỗ biến” để trở thành “phủ định phủ định” (*), tức một dây chuỗi đãi lọc tiến hóa không ngừng để lịch sử không bị ngưng trệ hay cắt lát từng khúc.

Học thuyết của Mác còn vận dụng một cách thô thiển phép Tam đoạn luận của Duy Tâm phái. ‘Đề’ là xã hội phong kiến. Tư bản là phản đề (phủ định). Cộng sản là tổng hợp đề (phủ định của phủ định). Điểm cần lưu ý là những người cộng sản cho rằng tổng hợp đề cộng sản là nấc thang cuối cùng, cao nhất của lịch sử loài người. Xã hội con người không thể tiến xa hơn nữa. Lập luận này làm cho lịch sử bị ngưng trệ, tư tưởng bị đóng khung, không còn có thể tiến hóa nữa.

Một số luận điểm mang tính bào chữa của cộng sản cũng rất phi nhân bản. “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” là một trong những số đó. Cứu cánh là ‘cướp’ chính quyền thì sá gì mà họ không ‘giết lầm hơn bỏ sót’, giết người vô tội không gớm tay để thực hiện cho được mục tiêu? Không cứu cánh nào có thể biện minh cho phương tiện mang chủ trương hận thù, giết hại đồng loại cả. Luận điểm đúng phải là, cứu cánh nào, phương tiện nấy. Lập luận phi nhân bản nên dù hàng triệu người chết oan dưới tay cộng sản, họ cũng chẳng hề động mối từ tâm. Một học thuyết phi nhân bản như thế thì làm thế nào mà tồn tại lâu dài được?

Chủ thuyết Duy Vật không phải hoàn toàn không có những đóng góp thiết thực cho sự tiến bộ chung của loài người, nhưng qua ba bài khảo sát vừa qua, rõ ràng là chủ thuyết này chứa đầy những thiếu sót căn bản cần được bổ khuyết. Chủ thuyết Duy Vật dựa trên tiền đề vật chất, vật chất là vạn năng, sản sinh ra tất cả nên hoàn toàn thiếu vắng con người. Trong khi chính con người mới sản sinh ra mọi hiện tượng sống. Chỉ người mới tạo cho mọi vật và đời sống có ý nghĩa, như nhà tư tưởng Lý Đông A nói, người “lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai”.

Những người Cộng sản Việt Nam cần nhìn thấy các thiếu sót cơ bản nói trên để điều chỉnh tư duy, từ bỏ Chủ nghĩa Xã hội theo kiểu cộng sản mà loài người đã chối bỏ để hòa mình vào tiến hóa chung của cả nhân loại, cùng dân tộc đưa đất nước thoát khỏi tụt hậu và nguy cơ Hán hóa ngày càng lộ rõ, kể từ khi Đảng Cộng sản có mặt tại Việt Nam.

Tạ Dzu

______

(*) Trong tài liệu “Chìa Khóa Thắng Nghĩa” viết năm 1943, Lý Đông A đã tu chỉnh ba quy luật của Mác thành: đối lập thống nhất (thay cho “mâu thuẫn”), chất lượng hỗ biến (thay cho “lượng đổi chất đổi”) và phủ định phủ định (thay cho “phủ định của phủ định”). Độc giả có thể tham khảo các tài liệu của ông tại trang Thắng Nghĩa.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cái nguy hại của Hegel là đưa ra những lời bào chữa cho sự tồn tại của cái ác . Cái ác trong Hegel có thể đứng cạnh cái thiện, và gọi chúng thành “cặp phạm trù”, có nghĩa vượt qua biện hộ, mà là vinh danh cái ác, cho sự tồn tại của cái ác là cần thiết . Cứ tưởng tượng Marx bê nguyên xi lý luận kiểu đó vô . Với những lý luận kiểu đó, chính Marx là người chủ quan, duy ý chí, chưa nói tới những người đem lý luận của Marx nhét vào thực tại mới tá hỏa tam tinh, và la toáng lên rằng thì là chủ quan duy ý chí trong thực hiện .

    Và cứ tưởng tượng Marx đã xây dựng toàn bộ chủ thuyết của mình với những cách tư duy như trên .

    Marx nói về “sự khốn cùng của triết học”. Marx đúng, nhưng với nghĩa khác . Marx chê các triết gia cổ điển là mặc dù có những lý luận hay nhưng không dám phát triển nó ra thành chủ thuyết để có thể cải tạo thế giới . Đúng, triết học cổ điển có “khốn cùng” ở chỗ nó không biết phải đối xử ra sao với những cái xấu, hơn nữa, với Hegel, còn biện hộ & vinh danh cái ác . Nhưng Marx lại chứng tỏ mình là người kế thừa toàn bộ sự “khốn cùng” đó . Và tệ hơn, lập thành chủ thuyết với mục đích cải tạo thế giới dựa trên 1 logic tôn vinh cái ác . Phim Jurassic Park đã đưa vấn đề này ra, là hậu quả kinh khủng của việc du nhập cái tàn bạo của quá khứ vào hiện tại. Jeff Goldblum nói, đại ý, là các nhà khoa học có thể không có nghĩa là họ phải làm (can doesn’t mean should). Các triết gia cổ điển ít nhất biết dừng lại . Marx thì không . Hậu quả ra sao mọi người đã biết rõ và một số “trí thức đáng kính” vẫn tung hô, vẫn biện hộ .

    Sự tỉnh giấc của trí thức nước ngoài về chủ nghĩa Mác, hay thay, chính là nhờ Việt Nam . Sau khi “giải phóng” Phnompenh, chứng kiến những gì anh em xã hội chủ nghĩa làm thì đáng lẽ phải phi tang nó đi, đàng này Việt Nam lại mời cả thế giới chứng kiến! Thế giới tá hỏa tam tinh về hậu quả của chủ nghĩa Mác, thế là toàn bộ triết học cổ điển bị đào xới lại . Sau Aushwitz, có người xem nghe Beethoven sonatas là barbaric -man rợ-, sau Khmer Đỏ rất nhiều người cũng có những phát biểu tương tự với triết học cổ điển . Có nghĩa thế giới đã phải đánh giá lại toàn bộ nền triết học của mình . Toàn bộ chủ nghĩa Mác về lý luận trở thành 1 đống bèo nhèo trong những năm 80-90, tất nhiên không phải ở trong tiếng Việt nên chắc Tạ Dzu chả (cần) biết . Và tới giờ chỉ còn 1 số pockets nho nhỏ, ngoại trừ Pháp, nơi Khieu Samphan làm luận án tiền đề cho những gì xảy ra ở Cambodia. Ngày xưa tớ đi học, có 1 số lớp chuyên dạy chủ nghĩa Mác . Ô Trần Hữu Dũng mới cho biết những lớp như vậy không còn tồn tại . Phần lớn giới trẻ ngày nay xem chủ nghĩa Mác là những thứ không đáng để ý . Tất nhiên vẫn còn những thằng khùng điên .

    Người ta đang bàn tán rằng chủ nghĩa Mác không còn tồn tại ở Việt Nam, tôi cho là ngược lại . Chủ nghĩa Mác đã & đang tác oai tác quái ở Việt Nam ngay cả khi khá nhiều người học xong chữ nghĩa vất lại cho thầy cô . Tại sao ? Với chương trình đặt nặng chủ nghĩa Mác bắt đầu rất sớm, chủ nghĩa Mác đã trở thành tư duy phản xạ có điều kiện của mọi người Việt Nam, từ ô Nguyễn Đình Cống lạy lục Đảng bỏ chủ nghĩa Mác cho chí tới Phạm Đoan Trang đấu tranh cho cái quái gì không biết . Tất cả những ai ở Việt Nam hễ mở mồm ra là cặp phạm trù, ngay cả bài của Tạ Dzu cũng không thoát quán tính có điều kiện quái đản này. Và vì thấm đẫm đạo đức của biện chứng, không ai phân biệt được cái ác . Không phân biệt được cái ác thì thái độ đ/v những điều ác của tất cả mọi người trong nước hoàn toàn đi ngược lại chuẩn đạo đức của thế giới . Có thể họ sẽ cực lực lên án những cái ác nho nhỏ, nhưng cái ác lớn đe dọa sinh mệnh & tương lai của cả 1 quốc gia gồm triệu triệu số phận thì “dù hy sinh 1 người để lật đổ nó cũng là tội ác” -ý của Phạm Đoan Trang .

    Trí thức Việt học nước ngoài cũng khủng khiếp không kém . Bùi Văn Nam Sơn ra nước ngoài học triết, nhưng có lẽ vùi đầu trong tháp ngà . Những chuyện đào xới lại toàn bộ nền triết học hoàn toàn nằm ngoài sự chú ý của ông ta . Trở về Việt Nam, có vẻ cảm thấy chủ nghĩa Mác chưa đủ tàn phá Việt Nam, ông ta giới thiệu & tung hô thêm Hegel cho đủ bộ . Và trí thức cả nước tôn ông ta là thánh . Yep, biện chứng của Hegel qua chủ nghĩa Mác vẫn còn tác dụng .

    Và xã hội càng ngày càng băng hoại có làm ta ngạc nhiên không nhỉ ? Công đầu thuộc về các thầy cô tận tụy của chúng ta, nhất là các “nhà giáo nhân dân” đáng kính . Đừng quên những người đặt nền móng cho nền giáo dục xã hội chủ nghĩa như Giáo sư Hoàng Tụy . Và Bác Hồ kính iêu của chúng ta đã đưa chủ nghĩa Mác vào Việt Nam nữa chớ .

    Làm sao để thoát được cái quán tính quái đản này ? Nếu đảng Cộng Sản từ bỏ quyền lực ngày hôm nay, 75-100 năm nữa ta mới có 1 thế hệ tư duy thoát khỏi biện chứng và bắt đầu có khái niệm đúng đắn về đạo đức.

    Nhớ, đừng chống đối lẫn đòi lật đổ nhá .

  2. Haha, có vẻ Tạ Dzu đã kinh qua nhà trường xã hội chủ nghĩa nên nói năng y chang 1 cán bộ đoàn thoái hóa .

    Tóm (rất) tắt để tránh “đụng”

    Philosophy bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “suy tư”. Biện chứng Hy Lạp có ý nghĩa khác hẳn với Hegel, và nếu muốn truy tìm nghĩa của Hegel phải truy nguồn từ những triết gia cổ điển xuất xứ từ những dòng tu, chuyển xuống tới Laplace, Descartes, Leibniz … Họ có cùng 1 niềm tin, đó là niềm tin vào 1 đấng Tối Cao hoàn hảo & hoàn bích đã tạo ra thế giới này . 1 vấn đề nảy sinh

    “Như các triết gia khác, Leibniz đánh vật với điều không thể giải quyết được giữa thế giới đầy những thiếu sót và sự hoàn thiện của Thượng Đế. Trong kết luận nguyên tắc nổi tiếng của mình, ông đã nhận định nếu thế giới hiện hữu không phải tốt nhất, Thượng Đế có thể không biết, không thể hoặc không muốn tạo ra một thế giới tốt nhất. Nhưng cả ba biện luận đều không hợp với tính cách của Thượng Đế. Do đó thế giới hiện hữu là thế giới tốt nhất.”

    Vì xem đây là thế giới tốt nhất, các triết gia cổ điển phải giải thích cho được sự tồn tại của cái xấu-ác . Và nếu ta bỏ được thói tôn thờ mấy ông triết gia cổ điển, sẽ nhìn ra được những ý niệm nhìn qua thì buồn cười nhưng hậu quả vô cùng tai hại . Laplace & Descartes thì cho rằng sự hiện diện của cái xấu-ác làm tôn vinh cái thiện-đẹp … Tới Hegel . Như đã nói Hegel là 1 triết gia thần học . Tất cả những suy tư của ông nhằm giải thích Kinh Thánh . Đây là ý chính của (toàn bộ) tư tưởng Hegel -chú ý có rất nhiều từ của Hegel, nhưng khi Marx dùng lại đã đảo nghĩa . Con người bắt nguồn từ Địa Đàng (chú ý heaven ở trên thế giới này, không phải nước trời), nhưng vì phạm tội nên phải rời khỏi Grace of God. Tình trạng alienation, theo Hegel, là khoảng cách giữa con người & Thượng Đế . Và vì Thượng Đế đã hứa, lịch sử trở thành 1 quá trình tìm về Thượng Đế . Trong tư duy của Hegel, tất cả những diễn biến xã hội-chính trị đều có sự can thiệp của Thượng Đế, và những nhân vật lịch sử, ngay cả những kẻ -chiếu theo luật thời nay- phạm tội ác chống lại loài người cũng thuộc diện những nhân vật lịch sử luôn . Nôm na, thuyết thiên tử của Tây . Có nghĩa dù tốt hay xấu, mọi việc xảy ra đều có lý do duy nhất là tiến về hướng Thượng Đế, và điều đó là tất yếu .

    Một phần nữa về Hegel, ông ôm đồm tất cả . Vượt qua các triết gia cổ điển biện hộ cho cái ác -như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhà ta- Hegel cho rằng cái ác-xấu có lợi trong việc kết hợp với cái tốt thành “cặp phạm trù” đấu tranh lẫn nhau để cho ra 1 cái mới . Kết quả của tư duy biện chứng là 1 sự nhập nhằng về đạo đức, hoàn toàn không phân biệt được thiện ác dẫn đến những thái độ hoàn toàn sai trái với thiện-ác, những thứ mà chúng ta đang chứng kiến từ Mai Quốc Ấn, Phạm Đoan Trang, qua Phạm Chí Dũng & mớ trí thức xã hội chủ nghĩa . Nguyên nhân sẽ từ từ bàn tới .

    Marx vặt Thượng Đế ra khỏi Hegel, còn lại bê nguyên con . Nhưng vặt Thượng Đế thì Marx cần 1 cái nền khác cho toàn bộ h/lý luận của Hegel. Sẵn có ngành khảo cổ thời đó sặc mùi thực dân + lãng mạn, Marx đem nó cắm vào Hegel, đổi khái niệm 1 số từ, còn lại là nguyên xi . Như đã nói, alienation của Marx khác với Hegel. Vườn Địa Đàng của Adam & Eve thành “cộng sản nguyên thủy”, trở về với Thượng Đế thì mà là chủ nghĩa Cộng Sản, ý muốn của Thượng Đế làm lịch sử trở thành tất yếu thì Marx đưa ra đấu tranh giai cấp qua tiến trình lịch sử để kết luật về tính tất yếu của chủ nghĩa Cộng Sản . Cái tam đoạn luận mà Tạ Dzu dẫn chứng sai là muốn là có thể, có thể là tất yếu => muốn là tất yếu . Ai cũng muốn một thứ vườn Địa Đàng, trong đó không ai phải âu lo có nghĩa nó là tất yếu . Đây là logic về “tất yếu” của Marx. Tất nhiên sẽ có những chú dư lợn viên gân cổ ra tranh cãi rằng thì là thế này thế nọ, nhưng những người khác biết quá rõ tính không tưởng của tam đoạn luận này .

    Còn tiếp

Comments are closed.