Nguyễn Lê Vũ
3-5-2018
Các bạn thân mến,
Trước hết xin cám ơn sự đón nhận nồng nhiệt và những lời phản hồi chân thành của những bạn đã đọc các bài chia sẻ kỳ 1 của các anh chị Đặng Bích Phượng, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Ngọc Già, Phạm Thanh Nghiên, và Lê Công Định.
Lần này, lại thêm 5 anh chị em nữa tình nguyện dùng kinh nghiệm của chính mình, soi rọi chút ánh sáng vào phía sau cánh cửa đồn công an và phía sau cái cổng trại tù, nơi mà đa số bà con chúng ta không biết chuyện gì xảy ra. Tất cả như những cái hang đen ngòm mang tên TÙ ĐÀY.
Thường thì cái gì ta “biết ít” lại càng “sợ nhiều”, và khi đã sợ nhiều thì chẳng còn biết phải làm sao cho đúng.
Năm anh chị em chúng tôi, những người đã từng vào đồn, vào tù mà chẳng có tội, xin làm người rọi đèn với ước mong chân thành: sau khi đọc những bài này, bạn sẽ không còn thấy những cái hang đen ngòm kia quá ghê gớm nữa; bạn sẽ thêm tự tin để đối đầu với những kẻ xấu và sẵn sàng đối diện với cảnh tù vì tương lai đất nước.
Chúng tôi xin đề tặng tập kinh nghiệm kỳ 2 này đến tất cả các gia đình Tù Nhân Lương Tâm, những người ngoài tù nhưng đang chịu đựng chuỗi năm tháng khó khăn cùng với người thân trong tù, chỉ vì quyền sống, quyền con người của biết bao gia đình khác.
***
Có nên giữ kín “nội dung làm việc” không?
Nguyễn Tường Thụy
Những người hoạt động xã hội dân sự (XHDS) rất lưu ý đến hành vi của mình sao cho luôn nằm trong phạm vi pháp luật cho phép. Tuy nhiên, không phạm luật là một chuyện, còn bị bắt là chuyện khác. Không phải cứ bị bắt là phạm tội. Cái chế độ này nó như thế.
Mặc dù phù hợp với pháp luật nhưng những hoạt động XHDS làm cho giới cầm quyền khó chịu. Họ khó chịu vì những hoạt động ấy gây khó khăn cho việc cai trị của họ theo kiểu của họ chứ không theo pháp luật. Để đối phó với việc này, nhà cầm quyền thường có 2 cách xử lý: một là đàn áp, hai là răn đe. Việc mời, triệu tập hay đến nhà là thực hiện biện pháp thứ hai. Biện pháp này nhiều khi được thực hiện bằng cưỡng bức.
Thường là sau khi làm việc với an ninh, anh em chia sẻ lên mạng xã hội để vạch ra những sai trái của an ninh (AN) hoặc để tham khảo ý kiến của cộng đồng. Nhưng có những trường hợp AN thỏa thuận giữ kín nội dung làm việc và không quên đe “nếu để lộ ra thì không có lợi cho anh/chị.
Gia đình tù nhân lương tâm (TNLT) cũng vậy, khi gặp an ninh điều tra cũng có khi được dặn rằng không tiết lộ với ai việc này việc khác, điều đó sẽ có lợi cho chồng, con mình.
Tại sao lại phải giữ kín?
Khi giải quyết vấn đề theo con đường thỏa thuận cần lưu ý không phải lúc nào cũng đem lại điều tốt. Nhiều người bị thiệt hại về những điều thỏa thuận do thiếu hiểu biết hoặc không đánh giá đúng đối tượng (như ký nhầm với kẻ hay lật lọng chẳng hạn).
Theo kinh nghiệm của nhiều người thì không nên giữ kín nội dung làm viêc với an ninh. Vì sao?
– Thứ nhất là khi làm việc với AN thì đó việc giữa đại diện cầm quyền và công dân. Vì vậy, cần căn cứ vào pháp luật để làm việc. “Sống và làm việc theo pháp luật” là khẩu hiệu họ thường rêu rao nhưng khi hô hào như vậy, họ chỉ hướng về người dân, kêu gọi người dân chứ với họ thì không. Vì vậy khi người dân đòi hỏi tôn trọng pháp luật, đòi cơ sở pháp luật cũng gây ra khó cho họ vì họ quen xài luật rừng. Nội dung làm việc cũng thể hiện lối làm việc áp đặt nên giữ kín tức là che đậy cho sai trái của họ.
Ngược lại, “đối tượng” của họ, tức là những người hoạt động hợp pháp, gia đình TNLT không vi phạm gì, chỉ làm những điều nhà cầm quyền không muốn nên không việc gì phải giữ kín theo ý họ. Nếu giấu giếm tức là đánh đồng những hành vi xâm phạm pháp luật và những hành vi hợp pháp.
Có thể nói, nếu công khai tất cả thì sự thiệt hại chỉ ở phía nhà cầm quyền, ở đây trực tiếp là an ninh, còn phía “đối tượng” của họ không có gì để mất. Điều này giải thích tại sao, nhà cầm quyền nói chung và công an nói riêng rất sợ bị quay phim, chụp ảnh, còn chúng ta thì không.
Cần biết, những người làm việc với chúng ta nhân danh chính quyền nhưng thực tế họ đều lồng ý chí cá nhân của họ khi làm việc. Vì vậy, trước mắt chúng ta chẳng có ông đảng, ông chế độ nào cả, kể cả mấy ông bà lãnh đạo cao nhất nước. Chỉ có pháp luật là thể hiện ý chí của nhà nước (cho dù chỉ để cho đẹp) nên khi không làm gì được nhà nước này thì ta cứ phải dựa vào pháp luật của họ chứ không theo một cá nhân nào hết. Cần tận dụng pháp luật một cách triệt để. Chỉ cần hỏi dựa trên cơ sở nào là họ đã cứng họng rồi.
– Thứ hai là nội dung làm việc với công an không phải là bí mật quốc gia. Khi người dân bình thường cũng biết thì sao gọi là bí mật quốc gia. Vậy chuyện yêu cầu giữ kín chỉ mang một ý đồ cá nhân không tốt. Làm việc mà thì thì thụt thụt rõ ràng là có mưu đồ xấu. Không nên đồng lõa tiếp tay cho họ làm những việc trong bóng tối. Nếu nghe theo họ chỉ đem lại những điều không tốt, trước hết là cho mình, sau đó là tiếp tay cho lối làm việc tùy tiện.
– Thứ ba là gia đình TNLT lo cho chồng con mình điều đó là đương nhiên. Nhưng lo thế nào để tốt cho chồng con mình lại là chuyện khác. Chồng con đã bị bắt rồi còn gì nữa để mà sợ. Không phải “biết điều” thì chồng con mình được nhẹ án, điều đó thật mơ hồ nhưng người dân thường nhẹ dạ cả tin nên vẫn cứ có chuyện an ninh điều tra, viện kiểm sát dặn thế nào nghe vậy, sợ trái ý họ.
Tùy mỗi người lựa chọn nhưng theo kinh nghiệm từ nhiều người, cứ theo pháp luật mà làm, cứ công khai là tốt nhất, không việc gì phải thì thụt với họ.
Thực tế có người nghe theo và người bỏ ngoài tai thì nhiều hơn. Họ cứ công khai kể cho báo chí hoặc đưa thông tin lên mạng. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình.
Khi gia đình TNLT làm việc với luật sư (LS)
Nhân đây nói thêm về chuyện gia đình tù nhân lương tâm làm việc với LS. Khi chồng con bị bắt, việc đầu tiên gia đình nghĩ đến là thuê LS. Khi ký hợp đồng với LS rồi thì thường phó mặc chồng con mình cho LS. LS nói gì cũng theo, dặn không được nói cũng nghe. Trong khi đó, không phải LS nào cũng giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm. Có LS còn nhầm lẫn giữa chức năng báo chí (truyền thông) với chức năng tư pháp. LS cũng có thể đầy toan tính cá nhân. Không phải LS nào cũng can đảm vạch ra tất cả sự thật để bảo vệ thân chủ. Khi đã toan tính cá nhân thì họ phải dung hòa giữa được việc cho thân chủ và an toàn (quá mức) cho bản thân. Và vì vậy, việc bảo vệ thân chủ và nhất là bảo vệ cho công lý và lẽ phải trong các vụ án chính trị sẽ bị hạn chế đi nhiều.
Có lần mọi người hỏi gia đình về thông tin phiên tòa thì LS nhắc “cần gì thì hỏi LS”, tức là LS giành cho mình quyền phát ngôn duy nhất. Có LS không dám đi cùng với người hoạt động XHDS, sợ an ninh … trông thấy. Có LS khuyên thân chủ nhận tội để được khoan hồng hoặc khuyên từ chối LS này, LS khác v.v…
Vì vậy, ngoài tư vấn của LS, gia đình nên tham khảo thêm ý kiến từ người khác để quyết định, chứ không nên răm rắp nghe theo. Tôi cũng đã từng được gia đình tham khảo ý kiến khi LS tư vấn và họ chấp nhận ý kiến của tôi. Ngược lại có gia đình kể rất chi tiết về những chuyện xảy ra đối với thân nhân nhưng khi tôi ngỏ ý viết lên công luận thì từ chối.
Tôi lấy làm lạ là gần đây, kết luận điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát rất ít được công khai. Trong khi cáo trạng là một tài liệu rất cần để công luận vạch mặt các cơ quan tư pháp.
Cáo trạng chắc chắn LS phải có và phải được công khai. Cáo trạng mà bí mật thì ai biết bị cáo phạm tội như thế nào, ai biết các cơ quan tư pháp chụp tội bị cáo như thế nào? Các gia đình nên yêu cầu có được cáo trạng để đưa lên công luận.
***
Hành trang tâm lý khi vào đồn
Nguyễn Thúy Hạnh
Sau đây là những điều tôi rút tỉa được sau nhiều lần vào đồn công an (tôi hết nhớ nổi số lần). Mong gởi đến các bạn như 1 balô hàng trang tối thiểu.
Hy vọng bạn sẽ chóng đồng ý với tôi là KHÔNG CẦN NHIỀU hành trang lắm đâu. Này nhé:
– Khi vào đồn công an, không được tỏ ra sợ hãi nhưng cũng không nên khiêu khích, chửi bới chúng. Sợ hãi thì chúng sẽ càng đe doạ khủng bố tinh thần mình. Mà khiêu khích thì rất có thể sẽ bị chúng đánh đập, phải chịu đau một cách vô ích. Nhìn chung là khiêu khích chúng chỉ có hại thôi, chẳng ích gì. Hãy tỏ ra hết sức bình thản, tự tin và ôn hoà.
– Để không sợ hãi thì hãy luôn tự nhủ một điều rằng đây chỉ là câu lưu, và mình không làm gì sai thì chẳng có gì phải sợ.
– Chúng sẽ tìm nhiều cách chọc cho mình tức giận mà có thái độ thiếu kiềm chế. Chính tôi hay bị tức điên mỗi khi chúng cứ chĩa camera gần vào mặt mình mà quay. Những cử chỉ quá đà của ta, nếu có, sẽ bị chúng lưu lại để lúc cần thì cắt xén rồi đem ra bôi nhọ mình trên báo đài của chúng.
– Giữ được quyền im lặng là tốt nhất. Với tôi điều này khá khó và còn đang phải ráng tập. Lý do là vì nói nhiều dễ bị hớ, những câu nói của mình lại cũng dễ bị cắt xén để chúng hại mình khi cần.
– Tôi thường bị chúng chơi trò “CA tốt – CA xấu”. Chúng cho 1 tên xúc phạm cho mình tức điên lên, rồi cho 1 tên khác tỏ vẻ thông cảm, đồng tình với mình, thậm chí tỉ tê tâm sự. Khá nhiều anh chị em hoạt động khác cũng gặp trò đó. Nếu không cẩn thận, ta dễ mất cảnh giác.
– Ngay cả khi chỉ có một tên làm việc với mình, và tên đó tỏ ra tử tế, ta vẫn phải căn dặn chính mình: Chẳng có tên nào tử tế ở đó hết! Nếu không tỉnh táo mình dễ bị tên đó chinh phục, tưởng hắn tốt, hắn hiểu và bênh vực mình thật, và rồi mất cảnh giác trong lúc nói.
– Sau hết là 3 KHÔNG: Không khai báo – Không ký bất cứ giấy tờ nào – Không lăn tay. Thường thì nếu ta kiên quyết, chúng sẽ chịu thua. Nhưng ngay cả trong trường hợp chúng dùng các trò bịa đặt lời khai, giả chữ ký, kéo người vào làm chứng, hay dùng bắp thịt cưỡng ép lăn tay, thì ngay khi có thể được ta phải nói cho công luận biết. Đó là một cách vô hiệu hóa các chứng từ này.
Đấy, chỉ nhờ vài điểm chuẩn bị thế thôi mà tôi bình thản ra vào đồn như đi chợ. Hy vọng bạn cũng dùng được và nếu dùng được thì xin chia sẻ với người chung quanh.
Biết đâu sẽ có lúc chúng mình tay bắt mặt mừng gặp nhau … trong đồn.
***
Kể lại vụ bắt cóc
Trương Dũng
Sáng hôm 15/11, tôi có hẹn với Tường Thuỵ, Hà Thanh đi thăm TNLT Nguyễn Văn Điển tại trại giam số 1. Lúc 7h30 tôi rời khỏi hàng nước gần nhà, đi được 3 bước thì lực lượng an ninh quận và thành phố ập đến, cưỡng ép tôi lên xe chở thẳng về Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT), 89 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Tại phòng làm việc có trung tá CA Phạm Hồng Hải Ninh và nữ đại uý CA Lê Phương Hồ Lưu Ly tươi cười chào tôi và tự giới thiệu tên tuổi và bảo sẽ trực tiếp làm việc với tôi. Vừa lúc đó có tên AN mặc thường phục đi vào, ngồi chễm chệ trước mặt tôi.
Tôi hỏi trung tá Ninh:
– Người này là ai?
– Đây là đồng chí Khương, đội phó AN Đống Đa.
Tôi lên tiếng:
– Tôi không làm việc với CA mặc thường phục, đề nghị mời ra ngoài!
– Có gì đâu anh, đồng chí ấy kết hợp làm việc với em, sao anh nặng nề thế?
– Đây là nguyên tắc nhé. Nếu anh không mời ra tôi sẽ không làm việc!
Bất đắc dĩ trung tá Ninh mời hắn ra ngoài. Mắt long sòng sọc, hắn tiến về phía tôi gầm gừ một lúc mới đi ra với đầy vẻ cay cú.
Hỏi cung buổi sáng
Trước khi làm việc, trung tá Ninh giải thích cho tôi:
– Một, anh hợp tác thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra; Hai, anh có quyền bày tỏ quan điểm sự việc…
Tôi xen vào:
– Còn điểm thứ 3 là tôi có quyền im lặng!
Hắn hơi bối rối vì bất ngờ:
– Đúng rồi.
Tôi nói dứt khoát:
– Tôi sẽ chọn cách thứ 3, im lặng.
Cuộc đấu trí bắt đầu, đại uý Lưu Ly lập tức hỏi trực tiếp để cạy miệng tôi:
– Anh cho biết họ và tên.
Tôi giữ quyền im lặng, không trả lời.
– Bọn em biết hết rồi. Anh có tham gia Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC) không?
Vẫn im lặng.
– Anh có quen biết ls Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Thu Hà, Trương Minh Đức không?
– Có.
– Anh quen vào hoàn cảnh nào?
– Đó là chuyện cá nhân, tôi không nói.
Thấy cửa đó đóng, ả đẩy cửa khác:
– Anh có sử dụng Facebook (FB) không?
– Có.
– Nick của anh là gì?
– Của cá nhân tôi, tôi không nói.
– Tại sao nick Truong Dung có ảnh đại diện của anh?
– Kể cả ảnh của em, anh cũng dùng làm đại diện được nhé!
– Thế tại sao nick Trương Dung lại có giấy triệu tập của anh?
– Có lẽ nick đó của AN. Họ hack vào máy của tôi và dán vào nick Truong Dung thì sao?
– Khiếp, anh cứ làm như an ninh quá siêu.
– À, thì trước diễn đàn quốc hội ông Nguyễn Đình Quyền chả bảo: “An ninh Việt Nam giỏi nhất thế giới” đó sao.
– Anh có biết quan hệ với HAEDC là phản động không?
Tôi biết họ sẽ đưa ra hình ảnh nên nói luôn:
– À, hoá ra Nông Đức Mạnh chụp ảnh với Cù Huy Hà Vũ thì cũng là phản động rồi!
Tìm kẽ hở không được, ả bắt đầu xoay sang đòn hù dọa:
– Anh còn nhớ thập niên 70 và 80 anh đã vi phạm pháp luật không?
Sau đó ả đọc vanh vách tất cả các tiền án và tiền sự của tôi.
Tôi bảo:
– Việc vi phạm pháp luật của tôi muốn nói gì thì nói tôi cũng chỉ là dân đen. Thằng Trần Đại Quang và Phạm Quí Ngọ trộm cắp trong vụ Vinalines sao không xử lý đi?
Cô ta gằn giọng:
– Anh không được xúc phạm đến lãnh đạo!
Tôi cũng gằn giọng lại:
– Tôi nói cho chị biết, tôi cũng là công dân, nó cũng vậy. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật!
Thấy không có tác dụng, ả nâng cấp hù dọa:
– Anh có biết tội lật đổ chính quyền nhân dân án phạt là bao nhiêu không?
– Tôi không biết, vậy chị đọc cho tôi nghe.
Ả đọc một số khung hình phạt, mức án cao nhất là tử hình.
Tôi hỏi:
– Tôi chưa biết khái niệm đó. Lật đổ là gì?
Thế là ả tha hồ nói, tôi ngồi nghỉ:
– Những đối tượng lôi kéo, kích động, …
Hỏi cung buổi chiều
1h30 chiều cuộc hỏi cung lại tiếp tục. 3 tên an ninh (2 trung tá và 1 đại uý) được tăng cường thêm. Trong đó có tên trung tá Lương Văn Công, hay có mặt điều động việc đối phó với các buổi biểu tình của dân Hà Nội. Tôi và hắn không lạ gì nhau nhưng đây là lần đầu tiên thấy hắn mặc sắc phục. Không biết có phải vì tên Khương mặt thường phục bị mời ra sáng nay không?
Trước khi vào làm việc, tôi hỏi họ:
– Tưởng buổi sáng làm việc xong rồi?
– Xong là xong thế nào, tiếp tục cho đến khi nào anh thành khẩn mới thôi nhé.
Họ đưa cho tôi giấy triệu tập lần thứ 4 SAU KHI đã bắt cóc tôi vào đây và bảo tôi ký nhận. Tôi từ chối:
– Tôi không ký nhận gì hết.
– Lý do?
– Nếu tôi mà ký nhận thì các anh bảo tôi tự nguyện đến làm việc. Các anh sẽ chối bỏ việc bắt cóc tôi, kiểu như vụ Trịnh Xuân Thanh ấy.
– Anh không ký nhận thì thôi, tôi không ép.
Sau đó cả 5 tên lần lượt thẩm vấn tôi. Tôi cảm tưởng như bị “đánh hội đồng”. Khoảng hơn một tiếng sau tên AN nữ ra khỏi phòng. Lúc này đầu óc tôi khá căng thẳng, phải đối đáp với 5 tên. Để giảm bớt căng thẳng, tôi hỏi:
– Em Lưu Ly về trước rồi hả?
– Đồng chí ấy đi công việc anh ạ.
– Tôi thích làm việc với Lưu Ly hơn với các anh.
– Vì sao?
– Trẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ.
Tất cả cười ồ.
Ngay sau đó họ rút ra 1 tập ảnh, đưa cho tôi 1 tấm có biểu ngữ “Thuý Nga Vô Tội” tôi chụp giữa đường phố, và hỏi:
– Đây có phải anh không? Nếu phải thì anh bảo phải, không thì bảo không. Trả lời tất cả các bức ảnh và ký biên bản, sau đó mời anh về.
– Tôi không trả lời và không ký gì hết.
– Anh có nhận ra người cầm biểu ngữ “Thuý Nga Vô Tội” đứng tại ngã 5 ô chợ dừa này không?
– Tôi không chối. Tôi không nhận. Tôi im lặng. Đấy là quyền của tôi.
Thế là thủ thuật khích tướng bắt đầu:
– Có gan làm, phải có gan nhận chứ!
– Tôi sợ chết, sợ đi tù. Tôi nhát lắm!
– Không hiểu sao họ phong anh là “Trương tráng sĩ”. Chúng tôi thấy buồn cười.
– Khổ tôi có tự xưng đâu. Tự họ phong đấy chứ, cũng giống như Thủ Tướng Phúc dân họ gọi là “Phúc Ngẹo” đấy. Ông ấy có tự xưng đâu?
Họ khích tiếp:
– Chúng tôi thấy anh tham gia các cuộc biểu tình, tinh thần anh hăng lắm, mà khi làm việc với chúng tôi bản lĩnh anh quá kém!
– Chính bản thân tôi thấy đấy là điều bất thường. Thế mới thú vị, chứ khai báo thành khẩn với các anh lại là điều bình thường.
– Thôi bây giờ chúng tôi không hỏi anh về các tấm ảnh nữa, chỉ hỏi anh 3 điều: Một, anh có tham gia HAEDC không? Hai, anh có quen biết Trang Huỳnh đảng Việt Tân không? Ba, anh có tham gia hội nhóm nào không? Kể cả anh trả lời không biết cũng được, ký biên bản rồi về.
Tôi từ chối:
– Tôi đã nói với các anh, quan điểm của tôi trước sau như một, không thay đổi.
Để chấm dứt sớm, không muốn có thêm phần hỏi cung buổi tối, tôi đề nghị:
– Tôi có ý này với các anh. Sao các anh không tự lập biên bản, tự ký với nhau. Sau đó gửi lên toà. Rồi khi xử, toà sẽ tuyên: Đã có đầy đủ tài liệu của cơ quan điều tra (CQĐT) chứng minh tên Dũng phạm tội. Vì vậy toà xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đơn giản thế thôi có gì phức tạp đâu?
Cố tạo nét mặt cau có, họ gắt:
– Anh phải hiểu rằng CQĐT làm việc phải có lời khai và chữ ký của anh. Làm như anh nói thì hoá ra chúng tôi làm việc công cốc à?
– Tôi nghĩ các anh làm việc với tôi cũng chỉ mang tính thủ tục, còn việc làm của tôi các anh biết hết cả rồi.
– Sao anh lại nói thế?
– AN Việt Nam giỏi nhất thế giới mà. Tôi đi đâu, làm gì, ăn uống gì các anh đều biết. Không những thế các anh còn biết tư tưởng của tôi yêu CS hay ghét CS nữa. Nói tóm lại cái gì các anh cũng siêu.
Dù đang làm bộ cau có, hắn vẫn để lộ sự sung sướng trong bụng:
– Anh nói cứ như chúng tôi là thánh ấy.
– Còn hơn cả thánh nhé! Mà anh có biết không, chữ ký của tôi quan trọng lắm đấy.
– Quan trọng như thế nào?
– Ai gửi tiền cho tôi, tôi ký hết. Kể cả các anh gửi, tôi cũng ký. Đấy là điều tôi thích nhất. Chứ ký vào biên bản của các anh lợi chẳng thấy đâu chỉ thấy hại, ký làm gì?
Thế là giờ chia tay đã đến. Hắn căn dặn:
– Bây giờ cho anh về và đề nghị anh không được đăng thông tin cuộc làm việc ngày hôm nay.
– Tôi sẽ đăng! Kể cả các anh bỏ tù tôi, tôi vẫn đăng!
– Biết đâu anh đăng sai sự thật thì sao?
– Có camera ở đây chứng giám rồi.
Họ đưa tôi lên xe chở về nhà lúc 4h30 chiều ngày 15/11.
Tôi học được một mớ kinh nghiệm kha khá ngày hôm đó và nay xin tặng lại các bạn.
***
Lần đầu nếm mùi công an trị
Cấn Thị Thêu
Ra tù lần thứ hai này, một số anh chị em đấu tranh khuyên tôi nên kể lại những chuyện xảy ra trong những ngày tháng tù tội của tôi. Thực tình tôi chỉ là một người nông dân, ít chữ nghĩa. Tôi thấy viết cho một người đọc đã khó, huống chi viết cho cả trăm người đọc thì quả thực đó là một việc quá khó đối với tôi.
Nhưng tôi vẫn bảo lòng cứ nhẩn nha viết lại từng sự việc vì biết đâu có anh chị em nào đó cần để chuẩn bị tinh thần trước bước dấn thân tranh đấu cho những bà con đang bị oan ức.
Chuyện kể đầu tiên của tôi là:
Sáng ngày 25 tháng 4 năm 2014 tôi bị công an bắt trong khi đang đứng quay phim, ghi hình cảnh công an đánh Dân Oan. Họ nhét giẻ vào mồm tôi, đánh tôi bị thương tích và chở tôi về trại tạm giam số 3 CATP Hà Nội.
Vào khoảng 11 giờ đêm hôm đó họ đưa tôi đến buồng giam số 18 thuộc khu C. Lúc đó tôi biết những ngày tháng tù tội oan khiên đang đợi tôi ở phía trước. Đây là lần đầu tiên tôi phải xa gia đình, xa người thân, xa Bà Con Dân Oan Dương Nội. Những cảm xúc trào dâng như xé nát tâm can tôi, lòng uất hận khi nghĩ đến thân phận dân đen thấp cổ bé họng nay phải sa vào hang hùm miệng sói của tà quyền cộng sản.
Khi cánh cửa buồng giam khép lại, trong ánh sáng nhạt nhòa lạnh lẽo của buồng giam, đập vào mắt tôi phía đối diện bệ xi măng chỗ tôi nằm là một chữ KHIÊM viết trên tường. KHIÊM là tên của chồng tôi. Rồi phía sát chỗ tôi nằm lại có một chữ MẸ. Tôi choáng váng, lòng rối bời và òa khóc nức nở. Hình ảnh chồng và các con tôi dội về dồn dập như cơn bão xé nát trái tim tôi. Không biết giờ này chồng tôi ra sao,bị chúng đánh có đau lắm không. Chúng đang giam giữ chồng tôi ở đâu? Hồi sáng tôi quay được cảnh bọn chúng đánh và bắt chồng tôi. Các con tôi chắc giờ này đang như gà lạc mẹ.
Thời khắc ấy đã in sâu vào tâm trí của tôi mà có lẽ cho đến hết cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên được. Thời gian cứ nặng nề chậm chạp trôi đi như thế không biết bao lâu. Sau giây phút định thần, tôi tự bảo mình đây là đòn tâm lý để bọn chúng đánh vào bản năng người vợ, người mẹ của tôi. Cảm xúc yếu mềm liền qua đi nhanh chóng. Ngay lúc ấy tôi định bụng phải tuyệt thực để phản đối việc công an bắt oan sai đối với tôi.
Đến đêm hôm sau có một tên công an mang cơm đến bảo tôi ăn. Tôi tuyên bố với hắn là tôi tuyệt thực để phản đối chế độ công an trị đã bắt oan sai đối với tôi, nhằm mục đích cướp đất của gia đình tôi và của Dân Làng tôi. Tôi nói với hắn bằng thái độ ôn hòa nhưng tên này tỏ ra hung hãn, tức tối. Chắc hắn đã được bọn cướp đất chỉ đạo phải dằn mặt tôi.
Hắn nhòm mặt vào buồng giam chửi tôi : “Đ. mẹ bà, đến cụ tôi ở nhà tôi cũng đ.. phải nịnh như thế này. Bà đ.. ăn thì càng đỡ tốn ngân sách nhà nước. Cho bà ăn để bà đi chống lại đồng đội của tôi à. Nghe nói ở ngoài suốt ngày đi hội thảo gặp gỡ nhiều người phải không. Đ.. ai cướp đất của nhà bà. Đất đấy là đất của nhà nước, bà chỉ được quyền sử dụng. Khi nào nhà nước lấy thì bà phải chấp hành biết không!”
Chửi xong hắn vội vã đi ngay không để cho tôi kịp nói gì.
Ít phút sau có một tên là chỉ huy đi đến, tôi bảo hắn: “Này, vừa nãy có một tên là lính của ông chửi đ.. mẹ tôi. Tôi thấy hắn chỉ bằng tuổi con tôi thôi mà hắn dám chửi đ.. mẹ tôi. Cái chế độ thối nát này nó đã đào tạo những tên công an côn đồ, láo xược để hành xử với dân như thế này phải không? Chắc tên công an này là cái loại loạn luân, hắn quen làm những trò bỉ ổi này với bà, với mẹ của hắn nên hôm nay hắn mới chửi đ.. mẹ tôi. Nội quy của ngành công an các ông là: đối với nhân dân phải kính trọng lễ phép. Các ông kính trọng, lễ phép với dân bằng cái kiểu khốn nạn như thế này phải không?”
Tôi nói một thôi một hồi, tên chỉ huy hình như cũng thấy xấu hổ hay hắn không cãi lại được tôi vì tôi đã vạch ra sự đểu cáng của chúng trước mặt những người tù nên hắn hầm hầm bỏ đi.
Các chị em trong buồng và các buồng bên cạnh sửng sốt trước sự phản ứng của tôi. Tuy họ không nói ra nhưng tôi biết họ đang ngầm ủng hộ tôi vì đa số những người tù thường bị công an đánh đập, tra tấn, bóc lột và ngược đãi.
Các ngày sau đó, họ gần gũi tôi hơn rất nhiều. Các buồng bên cạnh thay nhau hỏi thăm sức khỏe tôi, động viên an ủi tôi và bảo tôi đừng tuyệt thực nữa. Họ khuyên bảo tôi nếu không ăn thì cũng phải uống nước, không có là chết đấy. Mấy ngày đầu tuyệt thực tôi không uống cả nước. Có người còn bảo: “Nếu bây giờ mà cô Thêu ăn lại thì cả khu C sẽ tổ chức ăn mừng”. Tôi rất cảm động trước tình cảm mà những người bạn tù dành cho tôi. Chính nhờ những tình cảm đó mà tôi cũng một phần nguôi ngoai đi nỗi nhớ gia đình.
Tôi tuyệt thực đến cuối ngày thứ 11 thì họ chuyển tôi đến buồng giam B1, tức buồng giam chung đông người.
Lúc tôi ra khỏi buồng giam số 18 thì có chuyện khá lạ lùng. Không rõ vì động cơ gì, tên công an chửi tôi hôm trước chạy đến nắm tay tôi nói: “Chị tuyệt thực nhiều ngày người yếu quá, tay nhăn nheo hết cả rồi. Chị ơi trong thời gian qua có gì không phải thì chị bỏ qua cho em.”
Thế cơ chứ!
(Còn nhiều chuyện lắm. Xin để nhẩn nha rồi tôi kể thêm).
***
Đấu tranh trong tù Cái Tàu
Điếu Cày
Nhập trại
Ngày 30/3/2009
Xe của trại tạm giam Chí Hoà đến cổng trại Cái Tàu, Cà Mau khoảng 1h chiều, trong khi tay an ninh và nhóm công an trại giam đi cùng đang làm thủ tục với trại giam Cái Tàu, tôi ngồi một mình với mấy túi ni lông đựng đồ và cái chiếu trước cổng trại. Lúc này tù bắt đầu xuất trại đi làm, hai cánh cổng trại mở lớn cho thấy phía trong là một sân đất rộng, phía ngoài hai bên có trồng cây, tù nhân đang xếp hàng dài chờ xuất trại. Ai cũng đen cháy, khắc khổ, bộ đồ tù nhuốm màu đất phèn bạc phếch, có người chỉ mặc bộ đồ lót của tù để đi làm. Ai đi qua cũng nhìn tôi, thỉnh thoảng có người hỏi vội:
– Ở đâu xuống vậy? Mấy số?
– Chí Hoà – Sài Gòn xuống.
– Mấy số?
Tôi lắc đầu, tôi không hiểu “mấy số” là gì. Sau này mới biết là họ hỏi có bao nhiêu người cùng chuyến với tôi vì thấy cái xe tù chở tôi là loại lớn để chở khoảng 30 người…
Khi tù nhân đã xuất trại đi làm hết, hai cánh cổng lớn đã khép lại họ mới làm thủ tục để tôi nhập trại.
Tay cán bộ trực trại kêu hai tù trật tự đến xét đồ của tôi, hai người tù trật tự trải cái chiếu của tôi ra và đổ tất cả đồ đạc lên đó, họ cầm từng thứ lên nắn, vuốt xem có giấu vật gì trong đó không. Những món đồ khám xong họ để qua một bên, nhưng có một vài món đồ họ lại để riêng ra một chỗ khác. Tôi chăm chú quan sát họ làm, chừng 15′ sau họ nhét đồ đã khám vào một cái túi ni lông rồi bảo tôi xách đi vào trại. Tôi nhìn số đồ đạc mà họ đã để riêng ra nhưng không bỏ vào túi cho tôi.
Tôi hỏi:
– Còn những món đồ này thì sao?
Tay tù trật tự trả lời vô tư:
– Đồ này không được mang vào trong trại.
– Vậy các anh xử lý những món đồ này của tôi thế nào?
Một tù trật tự trả lời tỉnh queo:
– Bỏ đi thôi.
Tôi nhìn sang tay cán bộ trực trại hỏi:
– Cán bộ xử lý đồ đạc của tôi thế nào?
Anh cán bộ trực trại thoáng chút bối rối:
– Thì quy định của trại không được mang vào, anh chấp hành đi.
Tôi kết luôn:
– Cán bộ lập biên bản đi. Ghi rõ từng món đồ của tôi, vì sao không được mang vào? Xử lý ra sao? Tại sao ở trại tạm giam tôi được xài những đồ này mà tới trại giam tôi lại không được xài?
Tay cán bộ chưa nói thì một tay tù trật tự đã phán:
– Quy định không cho mang vào thì bỏ chứ lập biên bản gì!
Tôi nhìn thẳng vào tay tù trật tự hỏi:
– Đây có phải là cơ quan của công an không?
Hắn còn đang ngập ngừng chưa hiểu, tôi nói luôn:
– Nếu tôi đang đứng ở ngoài đường mà bị thằng ăn cướp giật đồ chạy mất thì tôi chịu, vì nó hành xử theo lối ăn cướp. Còn ở đây là trại giam của công an, thu của tôi dù một viên thuốc, một tờ giấy cũng phải lập biên bản nêu rõ lý do thu giữ, biện pháp xử lý ra sao, tình trạng tài sản của tôi thế nào, căn cứ pháp lý nào để làm việc đó. Đồ đạc của tôi mà các anh tự ý gạt qua một bên rồi lấy ngang nhiên vậy sao được, có khác gì ăn cướp. Tôi không vào trại chừng nào chưa giải quyết xong….
Tay cán bộ trực trại nói với hai tù trật tự:
– Xem đồ đạc của anh ấy cái nào cho vào được thì cho vào đi.
Thế là hai tù trật tự bỏ hết chỗ đồ còn lại vào trong túi của tôi, chỉ chừa lại cái sô nhựa nhỏ màu đỏ. Mấy hôm sau, tôi thấy nó được xài dưới tổ bếp.
Tôi còn nhớ một người tù trật tự ở trại giam Cái Tàu rất ác với anh em tù là Hiển đui. Hắn gác cổng và hay tước đoạt đồ thăm nuôi của anh em. Đồ lấy được hắn mang về xài. Có lần hắn bị tù đâm xuýt đui luôn con mắt còn lại.
Trở mặt và lật bài ngửa
Đã bốn ngày từ hôm vào trại, họ vẫn chưa phân công tôi về đội nào cụ thể. Chiều hôm đó, đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi, lần này anh ta không còn giữ vẻ cởi mở như những lần trước. Anh ta mở đầu với giọng hơi căng:
– Anh chuẩn bị đi làm đi. Chúng tôi vừa nhận được điện từ Tổng cục về anh.
– Làm thì làm, tôi đâu có ngại việc gì!
– Tôi hỏi thật anh nhé! Thực ra anh làm gì mà Tổng cục phải gọi điện xuống lưu ý vậy?
– Anh đã hỏi thì tôi cũng lật bài ngửa với anh luôn. Tôi là tù chính trị chứ không phải tù kinh tế như anh tưởng. Họ ghép tội đó để có cớ bắt giữ tôi thôi. Tôi biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam! Anh lên mạng tìm Blogger Điếu Cày và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sẽ biết. Liên minh châu Âu cũng có nghị quyết yêu cầu chính phủ Việt Nam phải thả tôi.
– Chúng tôi sẽ phân công công việc để anh làm, anh chuẩn bị tinh thần đi.
– Sẵn sàng thôi, tôi chẳng ngại việc gì cả.
Chiều hôm đó sau khi gặp đại uý Dương Quang Thắng, tôi chuyển sang buồng 12, về đội của “Linh chủ tịch”. Đội của Linh làm công việc vệ sinh trong trại bao gồm chăm sóc cây cảnh, quét sân trại và đổ rác. Linh đưa tôi về cùng mâm và nằm ngay cạnh Linh. Sáng hôm sau, phân công tôi quét nhà hội trường, Linh bảo:
– Chú quét trong này cho mát, làm xong là về nghỉ.
Trưa hôm đó đại uý Thắng vào trại gọi Linh “chủ tịch” lên hỏi phân công tôi làm ở đâu, Linh nói đã phân công tôi quét ở hội trường. Thắng nói không được, phải phân công chỗ khác. Nhà hội trường sát bên nhà tự quản, nơi mỗi lần quản giáo và trật tự đưa tù nhân lên làm việc. Ở đây thường đánh đập, tra tấn tù nhân nên đại uý Dương Quang Thắng không muốn tôi nghe và thấy. Họ phải đẩy tôi xa nhà tự quản để họ dễ làm việc.
Thắng cũng vào phòng giam hỏi chỗ tôi nằm ở đâu rồi sắp xếp một chỗ riêng. Tôi nằm ngay cửa sổ giữa hai người là Đô què và De Gù. Hai người này đã được Thắng gọi ra dặn trước, tôi biết họ là anten của Thắng.
Mấy ngày sau có tù nhân ra ngoài lao động mang vào một tờ báo An ninh thế giới. Báo có bài viết về tôi trên trang nhất, nói về việc 145 trung tâm Văn Bút Quốc Tế ký nghị quyết yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải thả Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Bài báo có hình và địa chỉ của tôi. Khi tờ báo được chuyền tay trong trại giam, tù nhân ở đây mới biết tôi là tù chính trị, họ cũng gọi tôi là Điếu Cày từ đó.
Tôi bắt đầu tìm hiểu và lắng nghe những tù nhân ở đây tố cáo quản giáo và giám thị trại giam vi phạm nhân quyền.
Đấu tranh
Đời sống của tù nhân ở trại giam Cái Tàu này bị giám thị, quản giáo đối xử như súc vật. Với diện tích phòng giam chỉ 6m x 13m mà trại giam nhốt từ 90 đến 135 người, không có nước tắm rửa, dội cầu… Bạn thử tưởng tượng xem trong cái phòng giam chật chội nóng bức ngột ngạt như vậy mà cả trăm người đi tiêu tiểu không có nước dội!
Những người bị kỷ luật còn bị đối xử kinh khủng hơn, ba người bị giam chung trong phòng kỷ luật chỉ được 2 lít nước một ngày, một muỗng muối hạt trong một tuần, cơm hàng ngày chỉ có canh rau muống lạt dài nửa mét. Một tháng mới được đưa ra hành lang xịt vòi nước cho tắm như tắm heo.
Những tù nhân bị đưa lên làm việc tại nhà tự quản thì đều bị cùm chân vào một thanh cùm sắt dài trước khi làm việc, họ bị đánh đập mà không thể chạy hay chống đỡ.
Tôi nói với các bạn tù rằng: “Các bạn vi phạm pháp luật đi tù bị hạn chế một số quyền công dân, nhưng quyền con người thì các bạn còn đầy đủ vì các bạn sinh ra đã là con người, phải đấu tranh để giám thị và quản giáo trại giam tôn trọng quyền con người của các bạn. Đối xử với các bạn như con người“.
Một trong những nhu cầu cấp thiết nhất là phải đòi cấp nước đầy đủ cho tù nhân.
Tôi bàn với vài “anh lớn” trong buồng giam về chuyện đấu tranh đòi cung cấp đủ nước, một người nói: “Đã có người kiến nghị nhưng trại không làm. Người lên tiếng bị trù dập chuyển vào K3 xa lắm. Tụi cháu ở ngoài làm chuyện ác. Bây giờ lên tiếng không ai ủng hộ. Có đứa bị đánh đến chấn thương sọ não. Bây giờ sống đời sống thực vật. Gia đình nó đi kiện cáo khắp nơi mà không có tờ báo nào đăng tin cả. Thằng cha quản giáo đánh nó là Bình “toyota” thì chuyển đi K khác làm, chẳng hề hấn gì. Đời tù chỉ ngậm ngùi thôi chú ơi!”
Tôi nói: “Nếu tôi làm các anh có ủng hộ không?”
Có mấy người nói đồng ý ủng hộ, nhưng có vẻ không tin tưởng lắm.
Tôi bắt đầu lên tiếng yêu cầu cung cấp đủ nước cho tù nhân trong các cuộc họp của đội và yêu cầu ghi vào biên bản cuộc họp kiến nghị của tôi. Mặt khác tôi tìm một số anh em tù tin tưởng được nhờ chuyển thông tin ra ngoài, bằng cách khi ra lao động ở ngoài thì gọi về gia đình họ qua điện thoại, nhờ gia đình ghi âm lại rồi kể về những sự đối xử khắc nghiệt của nhà tù cho gia đình nghe, sau đó nghe lại ghi âm đó và đánh máy đưa lên mạng internet. Tôi cho họ cả địa chỉ trang website của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Tôi biết tù hình sự có người đưa được máy vào trại, có người có máy giấu ở ngoài đồng, có người mượn máy của mấy tay công an nghĩa vụ gọi về rồi nạp tiền thẻ vào trả.
Nhà tù ráng cô lập tù chính trị
Từ khi tôi lên tiếng đấu tranh đòi trại giam phải cung cấp đủ nước theo Nghị định 113, đại uý Dương Quang Thắng gọi Linh “chủ tịch” và những người ăn cùng mâm với tôi ra đe doạ: nếu còn ăn chung mâm với Điếu Cày sẽ chuyển đi K3 ngay. Linh về gặp tôi nói:
– Thôi chú cứ ăn riêng đi, mọi thứ cháu lo hết, chỉ là chú không ngồi cùng mâm với tụi cháu thôi, chứ tụi cháu có gì chú có nấy. Chú vì anh em tụi cháu mà bị cô lập thì tụi cháu phải lo cho chú.
Tuấn “phỏng” là đệ tử của Linh “chủ tịch” cũng nói với tôi:
– Chú cứ để con lo, đồ ăn con để ở chiếu của chú, chú ăn xong để chén bát chỗ cái cột con đi ngang lấy đi rửa.
Tôi thương Tuấn “phỏng”. Nó mồ côi không có ai thăm nuôi, cùng quê Bạc Liêu nên Linh cưu mang nó. Sáng nào tôi cũng lấy hai cái bánh mì ở lò bánh mì của Kiệt để hai chú cháu ăn sáng. Từ khi thấy gia đình tôi xuống thăm bị trại không cho gặp, Tuấn “phỏng” nói với tôi:
– Chú ơi, chú để dành tiền phòng thân khi bọn nó “cô” chú. Bọn cháu thiếu thì có thể xin anh em chứ chú thiếu thì không làm thế được.
– Anh em cứ lấy sổ của chú mua đi, đừng ngại. Chúng nó không “cô” được chú lâu đâu.
– Cháu sợ trại chuyển chú đi K3 nên chú phải thủ nhé.
Buổi tối khi buồng giam đóng cửa, Tuấn “phỏng” lau sạch một đoạn lối đi trước khu vực để cái TV, giăng một sợi dây vải ngang lối đi, mặc định đó là khu vực cấm. Phía trước sợi dây có một ly cà phê và một cái ghế nhựa thấp, đến giờ TV phát tin thời sự thì Tuấn “phỏng” kêu tôi lên ngồi ở chỗ đó để xem thời sự. Hết bản tin thì ai muốn chuyển kênh mới được chuyển.
Chuyện tôi quyết liệt đòi cấp đủ nước cho tù nhân lan nhanh trong trại. Chuyện người nhà Điếu Cày xuống thăm bị trại không cho vào gặp hai tháng liền và tôi bị cô lập trong trại cũng nhiều người biết. Sau này khi gặp gia đình tôi mới biết trại giam thông báo với gia đình tôi là tôi đánh nhau ở trong trại nên bị kỷ luật không cho thăm gặp và gửi đồ. Tiền gia đình tôi gửi vào thì Thắng chỉ cho nhập vào sổ mua cantin 600 ngàn một tháng, phần còn lại trại giữ “khi nào anh chuyển trại sẽ trả”.
Một buổi sáng tôi đang ngồi nhổ cỏ ở vườn hoa của trạm xá. Giờ đó tù nhân đã xuất trại đi làm hết nên vắng vẻ. Có một tù nhân đến gần đứng xem tôi làm việc, anh ta gọi khẽ:
– Chú ơi!
Tôi nhìn lên thì anh ta búng nhẹ ngón tay, một cục giấy rơi ngay trước mặt tôi.
– Anh cháu nói gửi chú chút quà, chú giữ mua đồ ăn nhé!
Rồi anh ta quay bỏ đi ngay, tôi nhặt cục giấy cuộn chặt lên mở ra là tờ 200 ngàn tiền mặt. Tôi biết các anh lớn trong trại đã quan tâm và đưa tiền cho đàn em giúp tôi.
Trưa đó tôi về buồng thấy trên chiếu của mình có mấy lon sữa và cá hộp, một cái chén có một khúc cá kho. Tôi hỏi Đô què đồ của ai thì Đô què nói: “Của mấy phòng bên kia. Tụi nó qua hỏi chiếu ông Điếu Cày nằm đâu, tui chỉ thì tụi nó để đồ vào đó”. Anh em mang cho nhiều đồ tôi bảo Tuấn “phỏng” chia bớt cho anh em cùng phòng ăn với.
Tôi bị trại giam cô lập hai tháng nhưng trong hai tháng bị cô lập tôi sống khoẻ, chẳng hề hấn gì. Mấy cái anten trong buồng giam cũng ngại mấy anh lớn điểm mặt nên không dám hó hé.
Khoảng một tháng sau những tù nhân ra gặp gia đình về nói chuyện gia đình họ đã đọc được những tố cáo từ trong tù của họ trên internet. Chuyện 3 người chỉ được hai lít nước một ngày thật khủng khiếp.
Khi thông tin lan truyền trên internet trại giam Cái Tàu đã phải khoan thêm hai giếng nữa để cung cấp nước cho tù nhân. Một buổi sáng tôi thấy tù nhân tụ tập xem mấy người tù đang đào đường ống dẫn nước lên, chỉnh van nhánh chia nước vào các buồng giam để nước về được những buồng ở cuối trại. Họ nói với nhau nếu trại này có mười ông như Điếu Cày thì tốt.
Nhà tù đành tống tù chính trị đi
Đại uý Dương Quang Thắng vào gặp tôi nói chuyện, anh ta hỏi:
– Anh biết thế lực nào đã đưa thông tin của trại giam lên mạng internet không?
Tôi nói:
– Tôi ở trong tù đâu có phép thần thông mà tiếp cận được internet, nhưng anh nhớ rằng trại giam với hơn hai ngàn tù nhân thì anh khó mà bưng bít thông tin được.
Anh ta nói: “Đây là lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh ở đây”. Tôi hiểu rằng họ sắp chuyển tôi đi nơi khác vì các tù nhân hình sự đã bắt đầu nhận ra cách đấu tranh mới có hiệu quả và trại giam muốn tách tôi ra khỏi anh em tù hình sự. Tôi cũng thường nhắc nhở anh em rằng đấu tranh trong tù cần phải làm truyền thông cho tốt.
Ngày 18/8/2009 tôi bị chuyển đến Trại giam K2 Xuân Lộc.