Bao giờ giáo dục mới được như miền Nam trước 1975?

Trung Nguyễn

2-5-2018

Những ngày cuối tháng 4 này, trái với việc tung hê “chiến thắng” ngày 30/4/1975, báo VietNamNet lại đăng một bài nói về “cú sốc” của một trí thức “xã hội chủ nghĩa”, cựu hiệu trưởng Đại học Sư phạm TPHCM là PGS.TS Nguyễn Kim Hồng khi ông từ ngoài Bắc vào Sài Gòn năm 1978. Quả thật đây là một bài báo đầy ý nghĩa để cho những người dân Việt Nam sinh sau 1975 hiểu thêm sự thật về “giải phóng miền Nam”.

Người “kém văn minh” đi “giải phóng” người “văn minh”

Từ năm 1975 tới năm 1978 là năm ông Nguyễn Kim Hồng vào Nam, các học sinh, sinh viên miền Nam đã trải qua ba năm học hành và sinh hoạt dưới sự “lãnh đạo sáng suốt và tài tình” của đảng cộng sản, ấy vậy mà các em vẫn rất lễ phép như lời nhận xét của ông:

“Sinh viên Sài Gòn rất lễ phép. Đa phần sinh viên Sài Gòn thời điểm đó đều xưng con với tôi, mặc dù tôi chỉ hơn họ 3-4 tuổi thôi. Việc khoanh tay để chào khách, chào thầy, cô ở miền Bắc được coi là hiếm nhưng ở Sài Gòn lại như một điều tất nhiên. Tôi cảm giác nhà trường và các gia đình Nam Bộ chú ý nhiều hơn đến việc dạy lễ cho con em mình”.

Tôi không đau vì miền Nam “lớn và đẹp” (lời ông Hồng) hơn miền Bắc nhiều vì cơ sở vật chất còn xây dựng được, nhưng tôi đau vì một nền giáo dục và văn hóa đẹp đẽ của miền Nam đã bị mất đi mà chưa biết đến ngày nào khôi phục lại được. Chỉ cần nhìn một khía cạnh nhỏ về chữ “Lễ” như ông Hồng là đã thấy bi kịch của dân tộc Việt Nam là những người “kém văn minh” đã “giải phóng” những người “văn minh”.

Tôi tự hỏi nền giáo dục miền Nam trước 1975 có cần phải liên tục hô hào “tiên học lễ, hậu học văn” hay “năm điều Bác Hồ dạy” như bây giờ? “Con người mới xã hội chủ nghĩa” mà nền giáo dục cộng sản muốn đào tạo có bao nhiêu người được như các em học sinh trước 1975 về mặt lễ phép? Hay là “năm điều Bác Hồ dạy” không có điều nào dạy các em phải lễ phép với thầy cô, người lớn tuổi cả?

Bạo lực học đường, gạ tiền, gạ tình…

Sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có thể thấy liên tục trên báo chí trong nước hàng ngày. Việc trò đánh thầy, thầy đánh trò, học sinh đánh nhau… gần như đã trở thành bình thường.

Hơn mười năm trước, tôi có người bạn học Đại học Sư phạm TPHCM khoa vật lý. Bạn kể cho tôi nghe là thầy giáo môn thuyết tương đối (là một môn học rất khó) công khai “gạ tiền” lớp, mỗi bạn đóng một khoản tiền là sẽ được qua môn đó. Ngoài ra cũng người thầy đó còn “gạ tình” những nữ sinh có nhan sắc trong lớp.

Lúc đó, tôi đã thấy sự việc thật kinh khủng, vì trường đại học sư phạm là nơi đào tạo ra những thầy cô giáo tương lai. Những người thầy, người cô tương lai đó đã chứng kiến và học được những “kỹ thuật” “gạ tiền”, “gạ tình” ngay từ trên giảng đường đại học. Vậy thì những thầy cô đó sẽ dạy lại những gì cho học sinh sau này?

Đạo đức cách mạng là gì?

Giới lãnh đạo cộng sản rất thích nói đạo đức: đạo đức xã hội chủ nghĩa, đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng… Họ đã phát động cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2005. Họ chê tư bản là tham lam, chỉ biết tiền. Vậy mà bây giờ trong công cuộc “đốt lò” của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì ngay cả những quan chức cấp cao nhất trong đảng cộng sản cũng bị bắt vì tham tiền.

Tại sao người cộng sản thích nói đạo đức như vậy? Vì thật ra họ không hề có thành tích gì về mọi mặt để so sánh với các nước khác nên phải đưa đạo đức ra, nhưng cuối cùng đạo đức của họ cũng chỉ là đạo đức giả. Nhiều quan chức trong đợt phong giáo sư, phó giáo sư vừa rồi đã phải rút lại vì dư luận xầm xì là không đủ tiêu chuẩn cũng cho thấy thói háo danh, đạo đức giả đó.

Một sỹ quan an ninh từng “tâm sự” với tôi là ông Hồ Chí Minh giỏi, giả bộ đa đảng để lừa toàn dân Việt Nam tin rằng đảng cộng sản sẽ xây dựng thể chế dân chủ – cộng hòa, nhưng rồi sau đó thủ tiêu hết các đảng khác để thiết lập chế độ độc đảng toàn trị.

Lời “khen” của người sỹ quan an ninh này với vị “cha già dân tộc” quả thật khiến tôi phải “ghìm cơn mửa” vì bọn “đểu cáng đã lên ngôi” (thơ Bùi Minh Quốc). Nghĩa là từ trong “lương tâm” của viên sỹ quan này những trò nói dối, đàn áp, giết người… đều là “đạo đức Hồ Chí Minh”. Những nghiệp vụ công an để đàn áp phong trào dân chủ, đàn áp biểu tình của dân chống Trung Cộng, chống ô nhiễm môi trường, chống cướp đất,… đều đúng với “đạo đức Hồ Chí Minh”.

Người thân của tôi, một cựu đảng viên cộng sản lão thành, đã kể với tôi rằng các đảng viên cộng sản trung cao cấp đều được phổ biến rằng an ninh đã bẫy tướng Trần Độ, vu cho ông ngủ với gái để bịt miệng ông. Và chuyện này được phổ biến công khai như một chiến tích của ngành an ninh. Giới lãnh đạo cộng sản hoàn toàn không có một chút ngượng ngùng nào khi công khai câu chuyện dối trá này với đảng viên của mình.

Giá mà được như miền Nam trước 1975

Tự nhiên tôi nghĩ, những chuyện này đối với những người được giáo dục ở miền Nam trước 1975 sẽ không thể nào chấp nhận được. Nhưng dường như những chuyện này lại trở thành bình thường với một đảng viên cộng sản, và là chuyện phải chấp nhận đối với người dân. Và cứ thế, đạo đức của toàn xã hội đi xuống.

Do đó, giới lãnh đạo cộng sản nên bớt huênh hoang về “chiến thắng” 30/4/1975. Chừng nào mà giới trẻ Việt Nam lễ phép được như giới trẻ miền Nam trước 1975, chừng nào mà các ông bà lãnh đạo đảng cộng sản hết đạo đức giả, nói dối dân, đàn áp dân, chừng đó các ông bà mới có thể cho rằng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa do các ông bà tạo ra có chút thành tựu gì đó. Và đương nhiên, các ông bà nên chấm dứt tuyên truyền về “chiến thắng” 30/4/1975.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây