Tạ Dzu
30-4-2018
Tiếp theo phần 1
Đâu là yếu tố quyết định đời sống con người?
Tâm thức, chỉ chung các khía cạnh của trí tuệ và ý thức, thuộc tinh thần, không thuộc về vật chất. Tâm thức bao gồm các quá trình có ý thức của não bộ như tư tưởng, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý muốn, cảm xúc v.v…
Duy Tâm là trường phái khẳng định rằng chỉ duy yếu tố tinh thần vô hình, sản sinh ra mọi hiện tượng sống. Yếu tố vô hình trừu tượng này có trước vật chất và tồn tại độc lập với thế giới thực tại, thường được trường phái Duy Tâm dùng để giải thích cho thượng đế hiện hữu từ vô thuỷ vô chung. Xuất phát tối sơ là sự phát sinh và cứu cánh của thần. Phương pháp luận thường được sử dụng là phép tam đoạn luận. Đến thế kỷ 19, Hegel tu chỉnh lại, đặt ra Duy tâm Biện chứng pháp, lý giải mọi biến đổi đều tuỳ thuộc vào tinh thần tuyệt đối.
Trái lại, nhân vật nổi tiếng của trường phái Duy Vật cận đại là Các Mác, cho rằng vật chất là bản chất của mọi thực tại, và rằng vật chất tạo ra tư tưởng chứ không phải ngược lại. Tư tưởng và mọi thứ xuất phát từ tư tưởng như nghệ thuật, luật pháp, chính trị, đạo đức v.v… đều là sản phẩm của bộ não, xuất hiện từ một trạng thái nhất định của sự phát triển vật chất sống. Do đó, đạo đức, tôn giáo, siêu-hình- học không còn giữ được tính độc lập nữa. Chúng không có sự phát triển nào cả, mà là con người trong quá trình phát triển nền sản xuất vật chất và những mối liên hệ nội tại vật chất giữa con người với nhau, cho họ thấy rằng đời sống không phải được quyết định bởi ý thức, mà là ý thức được quyết định bởi đời sống vật chất.
Nhà duy vật không đi tìm lời giải thích cho các hiện tượng sống từ tư tưởng mà từ bản thân những hiện tượng vật chất, dưới dạng nguyên vật chất chứ không phải từ sự can thiệp phi tự nhiên như thượng đế. Nói khác đi, thuyết Duy Vật cho rằng chỉ duy yếu tố vật chất sản sinh ra mọi hiện tượng sống.
Với phương pháp diễn dịch trong việc thiết lập lý thuyết cổ điển, các triết gia đưa ra một thực thể quan trọng nhất, gọi là đối tượng tối cao, là đầu mối của tất cả mọi sự, rồi từ đó suy niệm ra mọi quy luật, gọi là xuất phát tối sơ.
Thế nào là vật chất? Nguyên tử, điện tử, lượng tử…, những thứ cực nhỏ hay vũ trụ cực lớn? Cả hai thái cực từ cực tiểu đến cực đại, lấy gì làm đối tượng tối cao để quyết định tính tuyệt đối của vật chất?
Công cuộc nghiên cứu vật chất đi vào giai đoạn mới và phát hiện ra nhiều điều mới lạ vào thập niên 1920 của thế kỷ 20 với môn Lượng Tử (Quantum Mechanics) và sự chế tạo các loại máy gia tốc. Người ta khám phá ra các hạt hadron, trong đó có proton và neutron được cấu tạo bởi các vi tử cơ bản gọi là quark. Ngoài ra, vật chất còn gồm hai loại hạt khác nữa, lepton và gauge particle. Thuyết Tương đối chứng minh vật chất và năng lượng tương đương với nhau, đặc biệt là huỷ bỏ tính chất tuyệt đối của không gian, thời gian, khối lượng và chứng minh sự thống nhất giữa không gian và thời gian (thời-không thống nhất). Vật chất không còn là một thực thể đơn giản như ở thế kỷ 19.
Bằng con mắt khoa học, người ta có thể nhận thấy rằng từ những nguyên tử nhỏ bé cho đến vũ trụ to lớn đều tồn tại cả phần hữu hình lẫn vô hình. Nguyên tử là đơn vị cơ bản của vật chất, gồm hạt nhân ở giữa và bao quanh bởi electron mang điện tích âm. Hạt nhân là một kết hợp giữa các proton mang điện tích dương và các neutron trung hoà không điện tích. Hạt nhân có mật độ vật chất đậm đặc cực lớn, có thể đến 100 triệu tấn trên một centimet khối. Đó là phần hữu hình. Một nguyên tử sẽ không được hình thành nếu thiếu các phần vật chất này. Đâu là phần vô hình? Đó chính là trật tự xoay vần giữa chúng. Phá vỡ trật tự này, nguyên tử sẽ nổ. Trật tự xoay vần giữa các hành tinh chung quanh mặt trời, rồi Thái Dương hệ trong dải Ngân hà, rộng ra tới toàn thể vũ trụ chính là phần vô hình. Nguyên tử và các hành tinh đâu phải như bộ não người, qua lao động mà phát sinh ra trật tự quân bình vô hình kia? Chúng hiện hữu ngay từ lúc vũ trụ được hình thành.
Khoa học cho thấy sự sống con người cũng không khác, cần có cả hai yếu tố tinh thần vô hình và vật chất hữu hình. Quan sát những người bị tình trạng hôn mê, từ vài ngày đến vài tuần hoặc vài tháng, có khi nhiều năm, người ta thấy một số dần tỉnh lại, số khác chết đi, số còn lại vẫn sống nhưng không còn biết hay cảm nhận được gì nữa. Thân thể, phần vật chất vẫn sống nhưng đã mất đi đời sống tinh thần. Người ta gọi đó là cuộc sống thực vật, không còn là con người bình thường.
Duy Vật là cách nhìn thiên nhiên dưới dạng bản thể của vật chất.
Duy Tâm là cách nhìn thiên nhiên dưới dạng các suy nghĩ qua trí óc của con người.
Hai cách nhìn này thay vì phải bổ túc cho nhau để có một tầm nhìn tròn đầy hơn về con người, lại bị người cộng sản chọn làm công cụ lý luận siêu việt nhằm tiến hành cách mạng, gây chiến tranh, đau thương và đổ nát cho cả nhân loại trong thế kỷ vừa qua, mà Việt Nam bất hạnh là lò lửa nóng nhất trong cuộc Chiến tranh Lạnh thế giới. Đó là những cái nhìn phiến diện, chưa nêu ra được bản chất đặc thù của phạm trù “người”.
Chủ thuyết Duy Sinh mà Tôn Dật Tiên và các đệ tử của ông muốn khai triển qua chủ nghĩa Tam Dân là triết phái trung dung, tìm cách dung hoà Duy Vật và Duy Tâm. Duy Sinh chủ trương rằng con người do sinh lý phát triển tạo ra sinh hoạt, được duy trì bằng sinh nguyên (tế bào sống của sinh vật hữu cơ) mà phát sinh vũ trụ và xã hội. Tiền đề tối định là sinh tồn vận động. Xuất phát tối sơ là sinh thể. Duy Sinh chú trọng đến hiện tượng sinh hoạt vật chất trong vũ trụ. Điều kiện hoạt động nhân chủng trong xã hội bị siêu hình hoá thành vũ trụ quan. Thực ra Duy Sinh chưa thành một hệ thống tư tưởng, vẫn còn dò tìm manh mối để bổ túc cho chủ thuyết. Do căn cứ vào sinh thể, sinh nguyên và sinh tồn vận động, họ dễ rơi vào chủ trương chủng tộc siêu việt, tiêu diệt hoặc nô lệ hoá các dân tộc nhỏ yếu.
Mỗi triết thuyết nói trên chỉ phản ảnh được một phần của đời sống, không thấy rằng con người là một tổng hợp bao gồm cả ba yếu tố Tâm, Vật, Sinh. Không có con người, vũ trụ cứ vô tình quay mãi. Có cũng như không. Con người tạo ra ý nghĩa cho đời sống. Chỉ ‘duy’ một yếu tố tâm, vật hay sinh, không thể tạo lập hiện-tượng-sống. Không thể có một cuộc sống thuần vật chất, thuần tinh thần hay thuần cầu sinh.
Trời đất có đó, thời tiết vẫn đều đặn thay đổi, nhưng chỉ khi con người xuất hiện mới biết phân định thời gian trước sau, đặt tên bốn mùa, tạo ra lịch, ăn mừng ngày khởi đầu mùa Xuân, rồi cứ thế tiến hoá. Con người lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh là như thế.
Người chính là nguồn gốc hiện-tượng-sống mà các chủ thuyết đã bỏ quên hoặc chỉ nhìn thấy một phần, như những kẻ sờ voi. Cần phải đặt lại vấn đề: con người, qua dòng lịch sử, từ thời nguyên thủy đến ngày nay và mãi mãi về sau, là nguyên nhân lẫn động lực tiến hóa cho đời sống của con người toàn diện, từ thân thể đến tâm lý và xã hội.
Vậy khi nào con người là người? Do yếu tố nào mà vượn người hay tinh tinh thành người?
Từ lúc nào người thành người?
Theo các nhà nhân chủng học và thuyết Rời Khỏi Châu Phi (Out Of Africa) thì khoảng hai triệu năm trước, loài Homo habilis có khả năng làm những dụng cụ thô sơ bằng đá, dung lượng não cao hơn tinh tinh (chimpanzee) nhưng thấp hơn người hiện đại, đã tiến hoá thành giống người Homo erectus đi đứng thẳng lưng. Chính họ là giống rời khỏi châu Phi đi tản mạn khắp nơi trên thế giới. Cho đến cách nay khoảng 500 ngàn năm, giống người đứng thẳng tiến hoá thành người thông minh Homo Sapiens, bộ não có hình dạng và dung lượng giống với người hiện đại.
Vẫn theo nhân chủng học, cách đây 10 triệu năm, có ít nhất hai giống khỉ ở châu Phi, một là tổ tiên của loài khỉ đột ngày nay, và một là tổ tiên chung của tinh tinh và con người. Nhưng sau đó khoảng 4-5 triệu năm, tổ tiên của tinh tinh và loài người tách rời thành hai giống khác nhau. Các nhà khoa học chưa biết rõ tại sao, đưa ra giả thuyết rằng có thể do phóng xạ mà con người chỉ có 23 cặp nhiễm sắc thể, trong khi tinh tinh có 24 cặp. Đây vẫn còn là một thách đố lớn cho giới nhân chủng và khoa học gia, rằng có phải tổ tiên của cả tinh tinh và loài người tách ra làm hai, hay người là một giống hoàn toàn khác biệt với tinh tinh?
Dựa theo thuyết tiến hoá của Darwin, Mác và Ăng ghen cho rằng nhờ lao động mà bộ óc con người phát triển, biết suy nghĩ và có tư tưởng. Ăng ghen viết trong tác phẩm “Vai trò của lao động trong sự biến đổi từ vượn sang người” năm 1876 như sau:
“Trước tiên là lao động, sau đó là cùng với khả năng nói – đó là hai yếu tố kích thích cốt yếu nhất mà dưới ảnh hưởng của chúng bộ não của vượn đã dần biến đổi thành bộ não người, chúng có hầu hết những điểm tương tự nhau nhưng não người lớn và hoàn thiện hơn rất nhiều. Cùng song hành với sự phát triển của bộ não là sự phát triển của những công cụ trung gian quan trọng nhất của nó – các giác quan.”
Nhưng việc phát hiện một cách khoa học rằng con người tách khỏi loài tinh tinh, với hệ thống nhiễm sắc thể hoàn toàn khác, đã đủ chứng minh không phải loài vượn hay tinh tinh thông qua lao động mà tiến hoá thành người. Trên thực tế, cho đến nay không có loài vượn hay tinh tinh nào tiếp tục lao động để tiến hoá thành người được nữa.
Vậy người tách ra khỏi giống tinh tinh và thành người như thế nào? Trước hết, rõ ràng là nếu loài người chỉ sống như tự nhiên, tức vẫn hái lượm và săn bắt như bao loài thú khác thì người không thành người. Người chỉ thành người từ lúc biết tìm cách sống khác với các động vật khác. Cái “biết” chủ quan làm cho người khác thú vật – từ khi khám phá ra lửa, biết ăn chín, giữ vệ sinh, lập lễ nghi, phong tục để đực cái thành nam nữ rồi vợ chồng…
Mác nhìn ra khách quan mà không thấy chủ quan.
Hạt cây rơi xuống đất hay do chim ăn rồi thả xuống vùng nào đó thì chỉ trông chờ vào may rủi mưa nắng của đất trời mà mọc lên. Con người khác. Họ chủ động đem hạt đi trồng cây mới, tức tu chỉnh tự nhiên (alter and rearrange the surroundings) để phục vụ mình và cộng đồng; khả năng thuần hoá gia súc cũng mang ý nghĩa tương tự. Hơn nữa, nhân loại cố gắng điều chỉnh lịch sử để ngày càng người hơn nhằm sống một đời người chứ không phải là kiếp vật. Nói theo nhà tư tưởng Việt, Lý Đông A (1920-1946?) thì con người tái sinh sản đối với tự nhiên sinh sản và tái hiệu suất đối với hiệu suất lịch sử [Lý Đông A (1943), Duy Nhân Cương Thường, Học Hội Thắng Nghĩa 2016, 24-25].
Từ đó mới có đời sống và xã hội người.
Không như Mác nghĩ, ông cho rằng ngay từ trong xã hội nguyên thuỷ – lúc con người còn sống bầy đàn, ăn chung ở chung, đực cái lẫn lộn, hái lượm như loài thú – đã bắt đầu đời sống người.
Dòng đời cứ trôi đi, con người tiếp tục tồn tại với bao động vật khác. Nhưng lịch sử loài người khác hẳn, càng ngày càng văn minh tiến bộ, càng ngày càng “người” hơn theo cái biết dựa trên lập trường nhân đạo (đời sống người), chứ không phải của tự nhiên để giành giật phương tiện sản xuất, bỏ tù đồng bào, giết hại đồng loại không gớm tay. Các loài vật khác cả triệu năm qua vẫn sống như từ khởi đầu.
Mác nhận thấy mâu thuẫn giữa người và tự nhiên phải một mất một còn như các loài thú khác, nên người cộng sản áp dụng trực tiếp luật mâu thuẫn đối kháng vào xã hội, hô hào các giai cấp tiêu diệt nhau nào khác thú vật? Khi đưa quy luật tự nhiên vào xã hội người, con người phải điều chỉnh lại để mâu thuẫn đối kháng, mâu thuẫn huỷ diệt trở thành quy luật đối lập thống nhất – có khác biệt nhưng đều cùng cần tồn tại, cần dung hòa, không triệt tiêu mà hỗ trợ nhau: đối lập thống nhất giữa tự nhiên và xã hội; giữa nhà nước và nhân dân; giữa cá thể và tập thể.
Nhờ sự tự điều chỉnh theo hướng nhân đạo (đời sống người) đó mà loài người ngày nay biết hô hào bảo vệ, lành mạnh hoá môi trường sống; biết ‘go green’; biết chống đối lãnh đạo Hà Nội đốn bỏ cây xanh; biết lên tiếng trên báo chí ‘lề dân’ phản đối công ty Formosa ở Vũng Áng thải chất độc làm hại thiên nhiên và con người. Hơn ba thập niên qua, Trung Quốc quyết phát triển kinh tế (vật chất) bất chấp tất cả. Ngày nay, tại các thành phố lớn, nhân dân Trung Quốc phải sống trong làn khói bụi mịt mù, nguồn nước ô nhiễm, nguy cơ ung thư cao.
Cái nhìn một chiều đặt nặng vật chất là vạn năng, vật chất quyết định tất cả gây nguy hiểm cho đời sống muôn loài như thế. Sống nương nhờ vào Mẹ Tự Nhiên (Mother Nature) người cũng phải biết ‘hòa’ cùng Mẹ Tự Nhiên, bảo vệ Mẹ Tự Nhiên. Mẹ Tự Nhiên chết đi thì con người cũng chẳng thể sống.
Nhân loại cần sống một cuộc sống “tự nhiên hòa”, đừng để bị vật chất hóa, tự nhiên hóa như người cộng sản. Không thể xây dựng một đời sống tiến bộ và an bình nếu không biết vừa khai thác, vừa tu chỉnh, vừa bảo vệ môi trường sống tự nhiên chung quanh con người.
_____
Ghi chú: Độc giả có thể đọc những tài liệu của Lý Đông A tại trang Thắng Nghĩa dưới mục Tuyển Tập Lý Đông A.
Hahahihi, bây giờ biết thêm Tạ Dzu không hiểu cả về Duy Tâm, Duy Vật, lẫn Hegel &, tất nhiên Marx
“Tâm” trong Duy Tâm là “ý thức”. Tại các triết gia cổ điển tin vào sự hiện diện của Thượng Đế nên “ý thức” bị lái qua như “ý muốn” của Đấng Tối Cao . Nhưng sau này, aka (ngay) trước Kant, đã có 1 số người suy tư “ý thức” như 1 thực thể độc lập . Duy Vật có từ lâu . Kant đã cố kéo 2 phía về với nhau, không chờ tới Marx. Hegel là Duy Thần . Tam đoạn luận a = b, b = c => a = c không liên quan gì đến biện chứng (dialectics) cả . Biện chứng nói ra dông dài, và đụng rất nhiều thứ, nhất là chứng minh Tạ Dzu không hiểu gì về biện chứng . Để có thời giờ mới nói . Nhưng tới bây giờ thì biện chứng của Hegel đã bị chứng minh phá sản . Lần cuối cùng tớ (bắt) gặp là 1 bật mí trên báo quân đội nhân dân, báo í nói chủ quyền đất nước & chủ nghĩa xã hội là 1 cặp phạm trù . Chắc lại có anh cán bộ nào đọc phải cười phun cả nước trong mồm nên (vội) sửa lại ngay hôm sau . Hegel tự nhận mình là triết gia thần học, có nghĩa để lý luận của Hegel đứng vững, bắt buộc phải tồn tại 1 đấng tối cao . Điều thứ 2 Hegel làm là tất cả những tư duy của Hegel chỉ để diễn giải Kinh Thánh . Marx đem toàn bộ tư duy của Hegel, bứng Thượng Đế đi, nhét những khám phá nhân chủng & khảo cổ của thế kỷ 18-19 nửa lãng mạn nửa thực dân vào rồi bảo đó là lịch sử thế giới, và chắc chắn sẽ trở lại cộng sản . So sánh 2 thứ, chủ nghĩa Mác & Kinh Thánh, bắt đầu bằng Adam & Eve ở vườn địa đàng, cuối cùng nhân loại sẽ trở lại a kind of heaven như thời Adam & Eve với Thượng Đế . Quay qua chủ nghĩa Mác, sêm xít với chủ nghĩa Cộng Sản . Bắt đầu từ Cộng Sản nguyên thủy, mọi thứ đều tuyệt vời, không giai cấp vv … vv … xoay vòng lại trở về chủ nghĩa Cộng Sản, mọi thứ đều (lại) tuyệt vời . Còn kêu Marx trồng chuối Hegel! Trồng kiểu nào thì cái cột Hegel, aka Kinh Thánh, vẫn đứng xừng xững đó . Trồng chuối thì đúng là mọi thứ trở nên kỳ cục thật vì Thượng Đế, cái nền cho toàn bộ tư duy của Hegel, bị vặt ra . Lý luận của Marx có thể đỡ nổi không, thiên hạ đã chứng minh chỉ là cái đống bầy hầy đó từ đời tám hoánh nào rồi . Tớ biết mấy người Cộng Sản vô thần, nhưng 3 chương đầu của cuốn Kinh Thánh các bạn nên đọc để coi nó có giống duy vậy biện chứng lịch sử các bạn học trong trường không .
Về lịch sử con người, ai bảo thời “ăn lông ở lỗ” con người không phải là con người ? Cave paintings là 1 thứ expression, aka arts, đã là 1 trong những định nghĩa hoạt động mang tính “người” rồi . Không phải chờ tới biết ăn chín, vợ chồng, phong tục … mới là người . Tất nhiên không phải thông qua lao động . Nhưng hiện giờ không có giải thích khác . 1 trong những giải thích là đột biến gien tạo ra ý thức . Ngoài ra người & tinh tinh có chung 98% gien. Chỉ có thể kết luận người xuất phát từ tinh tinh . Làm thế nào thì chưa ai giải thích được . Darwin đúng rất nhiều lần, nhưng từ vượn thành người, well, mọi người đang tìm missing link.
Marx không nhìn ra cả khách quan lẫn chủ quan, và có lẽ cả Tạ Dzu cũng vậy . Marx khá hơn Tạ Dzu ở chỗ không biết gì hết nhưng không biết mình không biết, nên cứ tưởng mình biết hết . Thế là Marx đem râu ông này cắm cằm bà nọ loạn cả lên . Tạ Dzu thì có vẻ biết thế là đủ xài, chả cần gì thêm .