Bước lùi của “Chính phủ kiến tạo phát triển”

Đỗ Thành Nhân

27-4-2018

Mở đầu

Số điện thoại 0913.470250 được hợp đồng thuê bao với Vinaphone từ những ngày mới có mạng điện thoại di động ở những vùng đô thị với 9 số ban đầu là 091470250; từ đó đến nay cũng chỉ duy nhất một chủ sử dụng liên tục, tính ra cũng đã hơn 20 năm.

Ngày 21/4/2018 nhận được thông báo (hình 1, nhập dấu tiếng Việt): “(TB) Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính Phủ thuê bao (TB) của qúy khách (QK) cần bổ sung thông tin, ảnh chụp chân dung. Để đảm bảo TB tiếp tục hoạt động sau ngày 24/4/2018 theo quy định, kính mời QK mang CMTND hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đến cửa hàng VinaPhone (Mở cửa đến 21h00) hoặc qua kênh Online tại http://my.vinaphone.com.vn để bổ sung thông tin. Kiểm tra tình trạng thông tin TB: soạn TTTB gửi 1414. Để biết chi tiết và tìm cửa hàng VinaPhone gần nhất xin liện hệ 18001091 (0 d). Nếu QK đã thực hiện, vui lòng bỏ qua tin nhắn này. Trân trọng cảm ơn QK!”

Chủ thuê bao không thể bỏ số điện thoại đã gắn bó hơn 20 năm, nên đành phải vào website http://my.vinaphone.com.vn để cập nhật thông tin theo hướng dẫn và nhận được tin nhắn (hình 2, nhập dấu tiếng Việt): “Thông tin của Qúy Khách đã được VinaPhone chuyển tới bộ phận phê duyệt. VinaPhone sẽ thông báo tới Qúy Khách kết quả phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!”

Cập nhật xong thông tin, nhưng tình trạng quyền sở hữu, sử dụng tài sản của chủ thuê bao vẫn phải chờ “kết quả phê duyệt” của nhà mạng! Hệ lụy của Nghị định 49/2017/NĐ-CP sẽ dẫn đến nhiều vấn đề vĩ mô khác nữa, tôi xin được phân tích qua bài viết dưới đây.

Thứ nhất: lãng phí

Như giới thiệu ở phần “Mở đầu”, chọn phương án đơn giản là tự chụp ảnh CMND mặt trước, mặt sau; ảnh chân dung; cập nhật thông tin cá nhân, mục đích sử dụng, cam kết: làm đúng theo từng bước hướng dẫn, tổng thời gian 30 phút (nếu được nhà mạng phê duyệt).

Tạm tính cả nước có khoảng 110 triệu thuê bao điện thoại di động, giả sử tất cả các nhà mạng đều buộc phải đăng ký thông tin như Vinaphone.

Tổng thời gian mất đi nếu đăng ký online: 3,3 tỷ phút = 55 triệu giờ = 6.875.000 ngày công lao động (8 giờ). Bình quân ngày công là 200.000 đồng. Có nghĩa là xã hội phải chi ra số tiền lên đến 1.375 tỷ đồng.

Thực tế con số chi ra lớn hơn nhiều lần, bởi vì: (1) nhiều người phải đến trực tiếp nhà mạng để đăng ký lại thông tin, thêm thời gian, chi phí đi lại; (2) nhà mạng phải bố trí thêm nhân lực để phục vụ đăng ký lại; (3) nhà mạng phải đầu tư thiết bị và chương trình để xử lý một khối lượng dữ liệu hình ảnh 330 triệu file, dung lượng khoảng 110 TB (3 ảnh / 1MB).

Thứ hai: Không phù hợp với tinh thần “Cách mạng 4.0” của “Chính phủ kiến tạo phát triển”

Thủ tướng luôn kêu gọi xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xu thế hội nhập với “cách mạng 4.0”. Theo tinh thần đó thì những chính sách vĩ mô Chính phủ ban hành sẽ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, giảm thiểu thủ tục hành chính, tối ưu hóa quản lý nhà nước và xã hội bằng công nghệ thông tin và mục đích cuối cùng là giảm thiểu chi phí xã hội.

Hiện nay, đi kèm với số CMND và ảnh chân dung từng người, chúng ta đã có ít nhất là 2 cơ sở dữ liệu (CSDL) bao phủ ở tầm quốc gia:

1. CSDL Chứng minh nhân dân / Thẻ căn cước do cơ quan công an lưu giữ. Tất cả mọi người từ 14 tuổi trở lên phải có CMND và tối đa 15 năm phải đổi lại.

2. CSDL Giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải quản lý cho người từ 18 tuổi. Giấy phép lái xe hạng A1-A3 không thời hạn, nhưng hạng A4 trở lên có thời hạn từ 5 năm đến 10 năm phải đổi lại.

Chưa kể CSDL về Hộ chiếu cũng có hình ảnh, CMND và thời hạn đổi lại. CSDL người vi phạm pháp luật v.v…

Các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông đều thuộc quyền quản lý, điều hành của Chính phủ. Với công nghệ xử lý số liệu “big data” hiện nay, thì Bộ Thông tin truyền thông là hoàn toàn có khả năng chia sẻ thông tin ảnh chân dung, nơi cư trú theo số CMND của chủ thuê bao điện thoại từ các Bộ Công an, Giao thông vận tải vô cùng đơn giản, thời gian chương trình thực hiện chưa đầy 1 giây!

Thứ ba: Không khả thi

Tôi không biết, mục đích của Thủ tướng khi ký Nghị định 49 buộc người sử dụng điện thoại chụp ảnh để làm gì? Nhưng khi ảnh chân dung gắn với thuê bao điện thoại thì Chính phủ phải ban hành thêm nhiều văn bản pháp luật nữa. Như: quy định thời gian tối đa phải đăng ký lại thuê bao; khi thay số CMND do chuyển vùng, đổi chỗ ở, thay nơi đăng ký hộ khẩu, thay đổi đối tượng sử dụng trong gia đình cũng phải đăng ký lại; trách nhiệm chủ thuê bao khi mất điện thoại (có sim) mà không báo với cơ quan chức năng, .v.v… Liệu Chính phủ có quản lý nổi biến động thông tin nhân thân của hàng trăm triệu chủ thuê bao điện thoại?!

Với một món hàng là sim điện thoại giá trị 50.000 đồng nhưng buộc hai bên mua bán phải thực hiện nhiều thủ tục: tạo lập hợp đồng, số hóa CMND, đăng ký hộ khẩu thường trú, chụp ảnh chân dung, về lâu dài là không khả thi. Người mua ngại thủ tục, người bán (nhà mạng) cạnh tranh với nhau và tất nhiên sẽ lách nhiều cách để bán được hàng. Và, thực tế điều đó đang diễn ra.

Liệu các doanh nghiệp viễn thông có bảo mật được CSDL khách hàng ?, lấy gì bảo đảm là doanh nghiệp viễn thông không sử dụng thông tin khách hàng để làm lợi riêng ? trước tình trạng luật pháp thiếu chế tài và chuẩn mực đạo đức kinh doanh ở mức thấp.

Với người cố tình vi phạm pháp luật thì sử dụng nhân thân của một người khác để đăng ký sim điện thoại cũng không phải là khó khăn; sim đã kích hoạt có tiền thì mua được.

Vĩ thanh

Như phân tích ở trên, Nghị định 49 đã tạo ra một sự lãng phí không đáng có, đi ngược lại xu thế phát triển, về lâu dài cũng không khả thi. Có lẽ Chính phủ nên cho dừng thực hiện để giảm bớt thiệt hại cho xã hội, phù hợp với tư duy “Chính phủ kiến tạo phát triển” và tiến trình của “Cách mạng 4.0”.

Nếu phải quản lý sim thì chỉ cần số CMND / căn cước là đủ; tình trạng sim rác, sim không chính chủ là do lỗi nhà mạng, nhưng lại bắt chủ thuê bao phải chịu là không bình đẳng. Với những chủ thuê bao liên tục trên 2 năm thì xác định nhân thân chủ thuê bao rất đơn giản, không nhất thiết phải tạo một áp lực lớn cho xã hội đến nỗi hàng triệu người chen lấn đăng ký cập nhật thông tin.

Điều quan trọng là Nghị định 49 tạo tiền lệ cho các ngành nghề, lĩnh vực khác buộc khách hàng phải đưa ảnh chân dung để quản lý, chẳng hạn như:

– Ngân hàng trước tình trạng mất tiền sẽ đề xuất khách hàng chụp ảnh chân dung đối chiếu mỗi lần giao dịch.

– Công an quản lý xe chính chủ sẽ đề xuất chủ xe dán ảnh chân dung vào giấy chứng nhận đăng ký xe.

– Bộ Tài nguyên môi trường sẽ đề xuất đưa ảnh của những người là chủ sử dụng đất in luôn trong sổ đỏ để tránh giao dịch lừa đảo.

– Giấy đăng ký kết hôn in luôn hình hai vợ chồng, cứ 5-10 năm đăng ký lại một lần để nhân viên khách sạn dễ quản lý! .v.v…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Thủ tướng “kiến tạo”:
    – Ở các nước tiên tiến, họ đánh thuế tài sản , thì VN cũng cần phải đánh thuế tài sản.
    Còn việc ra Nghị định 49, người dân VN phải nộp phải nộp ảnh chân dung mới được thuê bao điện thoại, lý do là vì chúng ta muốn làm theo kinh nghiệm rất đáng học tập – của các đồng chí Trung Quốc.

Comments are closed.