Trung Nguyễn
26-4-2018
Lại một ngày 30/4 nữa sắp tới, sẽ lại có những người Việt đi ăn mừng và những người Việt ngậm ngùi. Còn những người đang đi làm ở Việt Nam sinh sau năm 1975 có lẽ chỉ vui vì được nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chứ cũng không còn quá quan trọng ngày 30/4 này có ý nghĩa gì.
43 năm đã trôi qua và tôi nghĩ năm nào cũng vậy, chúng ta cần điểm lại rút cuộc đất nước đã tiến xa đến đâu kể từ ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” 30/4/1975, cũng là ngày mà đảng cộng sản Việt Nam không còn phải lo nội chiến để tập trung xây dựng cái mà họ gọi là “chủ nghĩa xã hội”.
Thời gian độc đảng toàn trị đã quá dài
Một số người yêu mến chế độ cộng sản toàn trị tại Việt Nam cho rằng, nên tính từ mốc 1989 là lúc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia hoặc mốc 1990 là năm Việt Nam và Trung Quốc tiến hành mật nghị Thành Đô để bình thường hóa quan hệ, để đo lường sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu tính từ mốc 1990 thì 28 năm đã trôi qua. Tuy nhiên, nên nhớ là các cuộc chiến sau năm 1975 của đảng cộng sản Việt Nam toàn là với những người cộng sản “anh em” khác, như cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) hay cộng sản Campuchia.
Còn trong nước thì đảng Cộng sản luôn muốn tính từ mốc 1986, là năm tiến hành chính sách Đổi Mới, chấm dứt nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp. Nếu tính theo mốc của giới lãnh đạo cộng sản muốn thì 32 năm đã trôi qua.
Dù tính theo mốc nào thì những người còn yêu mến chế độ cộng sản tại Việt Nam cũng nên thừa nhận rằng, thời gian đã rất dài để những người cộng sản chứng minh sự “đúng đắn, ưu việt” của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” của đảng cộng sản. Đảng viên cộng sản, dư luận viên hoàn toàn không nên viện cớ “nước ta mới thoát khỏi chiến tranh” hoặc “xuất phát điểm của Việt Nam thấp”, để biện minh cho những tiêu cực đang đầy rẫy trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Vậy chúng ta nên điểm lại những lời hứa chủ yếu của đảng cộng sản Việt Nam khi vận động nhân dân ủng hộ họ để từ chỗ rất yếu và ít người vào năm 1930, thành một đảng toàn trị hơn 4 triệu đảng viên, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội chính trị Việt Nam 43 năm qua.
Đọc lại lời hứa từ bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945
Đầu tiên có lẽ chúng ta nên đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập mà ông Hồ Chí Minh đã đọc vào ngày 2/9/1945 để xem người sáng lập ra đảng cộng sản Việt Nam đã hứa với nhân dân Việt Nam những gì.
“Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thật sự thì bản Tuyên ngôn đã hứa hẹn với người dân rất nhiều nhưng những điểm quan trọng nhất vẫn là người dân phải được tự do, đất nước phải được độc lập, và thể chế chính trị phải là thể chế cộng hòa và dân chủ.
Tự do
Nói về tự do thì tự do quan trọng nhất của một con người, một công dân trong một quốc gia luôn là tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do học thuật, tự do tôn giáo, để có thể nói lên tiếng nói hoặc niềm tin của mình mà không sợ hãi. Đó cũng là thứ tự do để phân biệt giữa con vật và con người, chưa kể đến tự do lập hội hay tự do ứng cử – bầu cử.
Thế nhưng, hiện tại người dân Việt Nam vẫn chưa hề có những quyền tự do căn bản trên. Người dân không hề có quyền ra báo chí tư nhân. Và chắc chắn không thể có một cuốn sách hoặc công trình khoa học nào phê phán chủ nghĩa Mác Lênin được phép in ở Việt Nam.
Bản thân ông Võ Văn Thưởng – Trưởng ban Tuyên giáo của đảng Cộng sản thì thản nhiên tuyên bố ngay ngày 8/3/2018 mới đây: “mục tiêu chung cần hướng đến là nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải trở thành nét chủ đạo trong đời sống, tinh thần của xã hội, nhất là trong giới trẻ”. Như thế, nghĩa là ông Thưởng hoàn toàn bác bỏ tự do tư tưởng, tự do học thuật và tự do tôn giáo. Nói thẳng ra, tư tưởng – học thuật – tôn giáo do đảng cộng sản áp lên đầu dân Việt Nam xoay quanh ba vị “thánh” là Các Mác, Lênin và Hồ Chí Minh. Những thứ khác đương nhiên sẽ bị đàn áp. Người dân Việt Nam chỉ là nô lệ cho giới lãnh đạo cộng sản chứ không phải là những con người tự do biết suy nghĩ.
Độc lập
Nói tới độc lập thì phải nói tới chủ quyền quốc gia có được bảo vệ hay không. Và giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hoàn toàn không thể bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là trên biển. Những dự án dầu khí hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ vì người bạn “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” của đảng Cộng sản Việt Nam là Trung Cộng. Ví dụ có thể kể ra gần đây là công ty Tây Ban Nha Repsol phải rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Chính Petro Vietnam đã phải thừa nhận: “Tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn.”
Dầu khí là mạch máu của nền kinh tế quốc gia, đảm bảo nguồn cung dầu khí là vấn đề sống còn của chế độ CSVN. Việc Trung Cộng uy hiếp không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong lãnh hải của mình thực sự là vấn đề an ninh quốc gia nguy hại cho Việt Nam. Qua đó, có thể thấy đảng Cộng sản Việt Nam không có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, chưa nói tới chuyện để mất biển đảo vào tay Trung Cộng, như họ đã để mất Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.
Giới lãnh đạo cộng sản luôn tự hào rằng họ đã đánh thắng Pháp, Nhật, Mỹ. Họ sẵn sàng hy sinh xương máu của cả dân tộc để “giải phóng miền Nam”. Thế nhưng khi đụng đến “bạn vàng” Trung Cộng thì họ lại giãy nảy lên, kiểu như “chẳng lẽ lại muốn đánh nhau với Trung Cộng”, “đánh nổi không”… Tức là “độc lập” kiểu cộng sản là độc lập khỏi Pháp, Nhật, Mỹ nhưng vẫn phải khúm núm với Trung Cộng.
Người cày có ruộng, chủ nghĩa xã hội
Và có lẽ không gì “tuyệt” hơn để “chào mừng” ngày 30/4 năm nay là sự kiện dân làng Đồng Tâm, Hà Nội kỷ niệm một năm “khởi nghĩa” và tiếp tục thề giữ đất khỏi sự cướp bóc của đảng cộng sản, nhà nước và các tướng lãnh quân đội. Trước đó là vô số vụ nông dân chống trả lại đảng Cộng sản và chính quyền cướp đất như ở Văn Giang, Dương Nội, Hải Phòng, Long An, Đắk Nông…
Vậy là sau hơn 60 năm đưa ra khẩu hiệu “người cày có ruộng”, nông dân Việt Nam hiện nay lại có thể bị tước đoạt ruộng đất bất cứ lúc nào, bởi “chính quyền cách mạng” câu kết với “giới chủ tư bản”. Lời hứa “người cày có ruộng” giờ chỉ còn trong hoài niệm.
Và cũng để minh họa cho sự tàn ác của thực dân Pháp, nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại cũng đặt ra đủ thứ “sưu cao thuế nặng” như thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài sản… gây căm phẫn cho toàn dân: “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”.
Lý do phải đè dân ra bắt đóng thuế là vì nhà cầm quyền cộng sản chi tiêu tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân vô tội vạ, lãng phí, thất thoát, tham nhũng… Đến mức bây giờ nhà cầm quyền phải vay 384 ngàn tỷ trong năm 2018, dự định dành 257 ngàn tỷ đồng để trả nợ.
Những thứ tiêu biểu cho một chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa phải là y tế và giáo dục miễn phí. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chi phí cho y tế và giáo dục chỉ có tăng lên theo từng năm chứ chưa bao giờ được giảm, đừng nói tới miễn phí. Vậy thì lời hứa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là lời hứa gì? Bao giờ thực hiện được? Nên nhớ là Cuba dù bị Mỹ cấm vận nhưng luôn bảo đảm giáo dục, y tế được miễn phí cho toàn dân.
Dân chủ, cộng hòa
Để dẫn đến tình trạng quay lại như thời thực dân Pháp, nghĩa là thời trước khi có đảng cộng sản, đó là do giới lãnh đạo cộng sản đã thất hứa điều quan trọng nhất là xây dựng chế độ dân chủ và cộng hòa.
Đặc trưng tiêu biểu nhất của chế độ dân chủ, cộng hòa là lãnh đạo phải do dân bầu ra. Đằng này đảng cộng sản đã tự nhận là lãnh đạo qua điều 4 Hiến pháp thì dân đã mất quyền ứng cử, bầu cử thực chất. Chế độ dân chủ, cộng hòa thực chất lại là chế độ độc đảng toàn trị, do giới lãnh đạo Cộng sản làm chủ đất nước, nhân dân lại trở thành nô lệ như thời thực dân. Đảng Cộng sản lãnh đạo tự nhận là có quyền lãnh đạo quốc gia nhưng hoàn toàn không chịu bất kỳ sự kiểm soát hoặc đối lập nào, nghĩa là hoàn toàn không có trách nhiệm.
Do đó, người dân cũng như những đảng viên Cộng sản còn lương tâm cần lên tiếng thúc giục mạnh mẽ giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện tại thực hiện đúng những gì đã hứa với người dân. Tiếp tục lừa dối, đàn áp người dân là có tội lớn với dân tộc và trước sau gì cũng sẽ bị đào thải theo dòng lịch sử.
© Copyright Tiếng Dân
“Tiếp tục lừa dối, đàn áp người dân là có tội lớn với dân tộc và trước sau gì cũng sẽ bị đào thải theo dòng lịch sử.” Câu này nghe mãi hơn 40 năm rồi. nhưng dân tộc vẫn trong “cùm độc tài”. Âu là nghiệp chướng của một dân tộc!
“Tiếp tục lừa dối, đàn áp người dân là có tội lớn với dân tộc và trước sau gì cũng sẽ bị đào thải theo dòng lịch sử.“ Câu này nghe nói mãi đã hơn 40 năm rồi nhưng dân tộc Việt Nam vẫn mãi trong cùm độc tài. Âu là nghiệp chướng của dân tộc mình thôi!
“Tiếp tục lừa dối, đàn áp người dân là có tội lớn với dân tộc và trước sau gì cũng sẽ bị đào thải theo dòng lịch sử.“ Câu này nghe nói mài hơn 40 năm rồi, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn mãi trong cùm độc tài. Đây là nghiệp chướng của dân tộc ta!