Nguyễn Thế Yên
24-4-2018
Khi chúng ta sử dụng mạng điện thoại di động của một hãng nào đó, được gọi là bên mua, còn bên bán đương nhiên là hãng cung cấp dịch vụ mạng. Khi bên mua đã mua ít nhất một sim điện thoại để sử dụng dịch vụ theo phương thức trả trước hoặc trả sau, có nghĩa là giữa bên mua và bên bán đã có những thoả thuận (hợp đồng) dù đó là hợp đồng bằng văn bản hay không thành văn được gọi là hợp đồng bằng miệng, và hợp đồng đó đang thực hiện, không có tranh chấp gì, thì được gọi là hợp đồng mua bán hiện hành.
Theo lẽ thường và cơ chế thị trường, cũng như quy định chung trong hợp đồng kinh tế mà khi buôn bán hay làm dịch vụ, mọi người đều hiểu rằng, khi hợp đồng kinh tế đang hiện hành, nếu một trong hai bên (mua hoặc bán) có nhu cầu thay đổi các giao dịch hoặc bất kỳ điều khoản gì, thì bên có nhu cầu thay đổi phải báo và chủ động thương lượng với bên kia để hai bên có được những điều chỉnh phù hợp với lợi ích cả hai.
Trường hợp việc thay đổi chỉ mang lại lợi ích cho một bên, nhất là bên đó là bên đề xuất thay đổi lại là bên bán, thì đương nhiên bên bán phải nhận trách nhiệm làm mọi thủ tục phát sinh có liên quan và chịu mọi phí tổn để không gây thêm bất kỳ tổn thất và phiền phức nào cho bên mua, (bên chịu sự thay đổi).
Tôi không bàn đến nội dung Nghị định 49/CP, quy định về việc chụp ảnh chân dung, đăng ký chính chủ khi sử dụng sim di động, nhằm mục đích gì và có quan trọng hay không. Tôi chỉ muốn nói rằng, lẽ ra nghị định này chỉ nên là một văn bản nội bộ của bộ TT&TT, nhưng nó đã được nâng lên thành nghị định CP để can thiệp vào sự mua bán giữa người dân với các nhà cung cấp dịch vụ. Việc các hãng viễn thông như Vinaphone, Mobifone, Viettel (bên bán) của bộ TT&TT bê nguyên cái nghị định đó để áp dụng vào người sử dụng dịch vụ là mang chính quyền ra dọa dân.
Bên cung cấp dịch vụ đã mang chính phủ ra đe dọa bên mua là người dân, bằng cách đơn phương ra thông báo, áp đặt người sử dụng phải tới tận nơi cung cấp dịch vụ, chụp ảnh và đăng ký bổ sung thông tin. Không những thế, bên bán còn đe dọa, nếu không làm đúng theo yêu cầu của họ, thì sẽ bị khóa máy một chiều, rồi hai chiều (mặc dù đến hạn chót là chiều tối 23/4, đã có hãng hạ giọng mềm mỏng hơn về thời hạn). Họ ép bên mua phải cuống lên, phải bỏ thời gian để làm theo yêu cầu của họ, xem thường khách hàng như thời bao cấp.
Điều đó không những đi ngược lại cơ chế thị trường, coi thường khách hàng mà còn thể hiện thói hách dịch cửa quyền, xin – cho của những kẻ bán hàng trâng tráo, quen thói đè đầu cưỡi cổ người dân (người mua hàng) cũng bởi họ được sự bảo hộ ngầm của “cơ chế thị trường định hướng XHCN”, cùng với tính vụ lợi, cục bộ và lợi ích nhóm, mua bán độc quyền, coi khách hàng chẳng ra gì.
Tại sao chỉ nghe thông báo mà mọi người đã nhốn nháo lên, không để tâm suy nghĩ, tìm cho mình cách hành xử thích đáng trong vụ này? Nếu tất cả các khách hàng đồng loạt tẩy chay yêu cầu vô lý đó của các hãng điện thoại, rồi toàn bộ các số điện thoại bị cắt, liệu các nhà mạng có thể tồn tại được không khi họ không còn khách hàng?
Một văn bản thuộc trách nhiệm quản lý của một bộ, ngành, liên quan đến việc mua bán theo cơ chế thị trường, lại được Chính phủ ký thành Nghị định, tức là pháp lệnh, thì không chỉ trong bộ ngành đó, mà tất cả mọi người dân là người mua hàng, đều bị buộc phải thi hành.
Chính phủ đã đẩy người dân về phía các nhà cung cấp dịch vụ, cho phép họ nắm quyền điều chỉnh và áp đặt, thay vì để cho luật thị trường điều tiết. Như vậy, vô hình trung Chính phủ đã tạo nên sự bất công trong giao dịch dân sự về dịch vụ mua bán mà người dân (bên mua) chính là đối tượng bị khống chế, chèn ép và thua thiệt.
Người dân là khách hàng, đã không được nhà cung cấp dịch vụ coi là “thượng đế”, nhưng người dân đã không biết đứng lên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Còn chính quyền thì đứng về phía doanh nghiệp, bảo vệ các nhà mạng cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện cho họ làm giàu, bỏ qua lợi ích của nhân dân, lẽ ra phải là đối tượng mà họ phục vụ, như chính họ đã tuyên thệ sau mỗi lần nhậm chức.