‘Vũ Như Cẫn, Nguyễn Y Vân’

Trương Minh Ẩn

18-4-2018

Ngày 12/04/2018 vừa qua, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến tỉnh Đồng Nai, để khảo sát thực tế, chỉ đạo công tác triển khai dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phát xuất từ dự án sân bay Long Thành.

Để kết thúc buổi buổi làm việc, ông ta phát biểu chỉ đạo: “Cần phải đẩy nhanh tiến độ, các bộ ngành liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai, khó chỗ nào gỡ liền chỗ đó, khó quá thì báo cáo lên Chính phủ”.

Về dự án sân bay Long Thành, đã có rất nhiều bài phân tích, nhận định từ những người am tường, kể cả những chuyên gia. Cho nên, trong bài viết này, không dám ‘múa rìu qua mắt thợ’ bàn về chuyên môn, chỉ xin bàn về câu nói của ông phó thủ tướng.

Thoạt nghe lời phát biểu trên hoặc đọc câu nói này, hầu hết người nghe hay người đọc sẽ có được cảm giác lâng lâng, sung sướng đồng tình. Sẽ có những nhận xét như: phải vậy chứ, lãnh đạo phải vậy chứ; lãnh đạo phải quan tâm, sâu sát như vậy; nhạy bén, nhanh nhạy giải quyết khó khăn mới xứng đáng làm lãnh đạo; lãnh đạo tài giỏi là đây; lãnh đạo thật là có tâm có tầm;…

Nhưng thực tế có phải như vậy không?

Không. Hoàn toàn không. Phải trả lời ngay như thế.

Có quá tàn nhẫn khi cắt ngang, dập tắt chút vui sướng an ủi của nhiều người trong xã hội mà đi tìm niềm vui thật sự rất là khó hay không?

Cũng không. Cần phải loại bỏ ngay, chứ không nó lại mỗi ngày tiêm nhiễm một ít vào đầu.

Mỗi ngày bị tiêm nhiễm một ít, nó cũng như câu nói trên đã trở thành cửa miệng của quan chức, lãnh đạo, phát biểu kiểu này là ‘chuyện thường ngày ở huyện’, phát biểu lừa mị dân chúng, an lòng dân, áp đặt vào dân. Nói một đàng làm một nẻo, nói không đi đôi với làm. Nói kiểu này có từ rất lâu và tồn tại cho tới ngày nay.

Có quá nhiều sự vụ nói mà không làm, không thể dẫn chứng hết. Chỉ xin lấy một dẫn chứng. Đó là khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm tổng bí thư, ông phải viết những bài báo có chuyên mục ‘Những việc cần làm ngay’, ký tên NVL, đồng nghĩa với nói và làm. Nhưng tới nay đâu vẫn vào đó. Các thành ngữ chơi chữ đặt theo tên: ‘Vũ Như Cẫn – vẫn như cũ’, ‘Nguyễn Y Vân – vẫn y nguyên’ cũng có từ rất lâu, nay ‘vẫn y nguyên’ tồn tại, chứ không hề mai một.

Về chữ khó, và cụm từ khó quá thì báo cáo lên Chính phủ, hầu hết các dự án đều vấp phải từ và cụm từ này, khó và vướng mắc cứ liên tục phát sinh, nó nói lên điều gì?

Nó cho thấy hai điều.

Điều thứ nhất: Nó cho thấy cách làm dự án hời hợt, không nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉ thấy lợi ích, lợi ích nhóm trước mắt là lao đầu vào làm, bất chấp hậu quả.

Điều thứ hai: Nó cho thấy những người làm dự án không đủ trình độ, không đủ năng lực. Nó nói lên những kỷ lục “giấy” của việt Nam. Kỷ lục nhiều giáo sư tiến sĩ, nhiều chuyên gia nhưng không ra thể thống gì. Đã vậy còn luôm mồm rêu rao tự hào, sự tài giỏi mọi lúc mọi nơi, tài giỏi không thua gì các nước tân tiến.

Câu nói này cũng làm liên tưởng tới câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh một thuở hét ra lửa: “Cho hốt liền, không nói nhiều”. Ý nói bắt liền tay tham nhũng. Rồi ông Thanh “ra đi” bất đắc kỳ tử.

Tham nhũng nay được ví là cây củi, từ việc xây “lò” của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông ta đã thảy vào một số cây củi, có cả cây củi gộc, nhưng hàng hàng cây củi vẫn còn sờ sờ đó.

Lại nhớ tới câu của tổng bí thư, lúc ông ta tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình – Hà Nội, vào tháng 09/2013: “Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ghẻ ngứa, rất khó chịu”.

Ghẻ ngứa thì nó mọc hàng dề, lây lan khắp cơ thể, khó chịu là phải. Ngứa quá, có người trị bằng cách khều khều, gỡ mày ghẻ. Có lẽ gỡ tham nhũng khó cũng như gỡ mày ghẻ vậy.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook